Translate

Thursday, November 5, 2009

Nhật mở rộng hợp tác với các nước sông Mekong nhằm hạn chế ảnh hưởng của Trung Quốc.

Trích RFI
Trọng Nghĩa

Bài đăng ngày 05/11/2009 Cập nhật lần cuối ngày 05/11/2009 15:09 TU

Ngư dân Thái đánh cá trên sông MekongẢnh : Reuters

Ngư dân Thái đánh cá trên sông Mekong
Ảnh : Reuters

Ngày mai, 06/11/2009, Hội nghị Thượng đỉnh Nhật Bản-Mekong lần thứ nhất sẽ khai mạc tại Tokyo với sự tham gia của lãnh đạo 5 nước Ðông Nam Á thuộc vùng lưu vực sông Mekong.

Tổ chức theo sáng kiến của Nhật Bản trong khuôn khổ họp tác song phương với Hiệp Hội Ðông Nam Á ASEAN, cuộc họp này mặc nhiên loại trừ Trung Quốc, một nước cũng thuộc vùng lưu vực sông Mekong.

Theo giới phân tích, việc Trung Quốc không có mặt trong Hội nghị Thượng đỉnh Nhật Bản-Mekong không phải là ngẫu nhiên, vì dụng ý của Tokyo chính là tăng cường hợp tác với các nước tiểu vùng Mekong nhằm hạn chế ảnh hưởng càng lúc càng lớn mạnh của Bắc Kinh trong vùng.

Dụng ý của Nhật Bản lại càng rõ nét khi trong bối cảnh cách nay hai thập niên, chính Tokyo là nước đã đề ra sáng kiến thiết lập khu vực goi là Tiểu Vùng Sông Mekong, Greater Mekong Subregion, bao gồm cả Trung Quốc để thúc đẩy phát triển trong vùng. Thế nhưng, với thời gian, vai trò của Nhật Bản ngày càng bị Trung Quốc lấn lướt, buộc Tokyo phải phản ứng mà Hội nghị Thượng đỉnh Nhật Bản Mekong là biểu hiện rõ ràng đầu tiên.

Phải nói rằng, với sáng kiến hình thành Tiểu Vùng Sông Mekong vào đầu thập niên 1990, Nhật Bản đã vươn lên đóng một vai trò thiết yếu trong khu vực, ít ra là về mặt kinh tế. Tokyo trở thành nguồn cung cấp ngoại viện lớn nhất cho các nước trong một vùng bao gồm hơn 220 triệu dân, với tổng GDP vượt mức 400 tỷ đô la. Các công ty Nhật Bản đã trở thành những nhà đấu tư ngoại quốc sớm nhất trong khu vực.

Các chương trình được khởi động trong khuôn khổ Tiểu Vùng Sông Mekong như việc xây dựng các hành lang xa lộ hoặc các cơ sở hạ tầng khác đã góp phần tạo nền tảng cho trao đổi thương mại xuyên biên giới phát triển giữa các nước.

Thế nhưng sau đó ít lâu, Trung Quốc bắt đấu nhẩy vào cuộc vì nhận thấy khu vực có khả năng trở thành nguồn cung cấp nguyên liệu dồi dào cho nên kinh tế của họ. Thị trường Ðông Nam Á cũng là một mối lợi đáng kể cho các sản phẩm chất lượng kém, nhưng giá hạ của Trung Quốc. Chỉ trong vòng một thập niên, sự hiện diện của Trung Quốc trong vùng đã được tăng cường đáng kể, đẩy lùi vai trò của Nhật Bản.

Tại Cam Bốt chẳng hạn, Tokyo vẫn là nguồn cung cấp viện trợ hàng đầu, thế nhưng Bắc Kinh đã trở thành nhà đầu tư số một. Chính thủ tướng Căm Bốt Hun Sen mới đây đã tôn Trung Quốc lên hàng bạn tốt nhất của nước ông. Tình hình tại Lào hay Miến Ðiện cũng vậy. Các công ty Trung Quốc đã ào ạt đầu tư vào hai nước này, xây dựng các đập nước, khai thác gỗ và quặng mỏ. Theo Tân Hoa Xã, Bắc Kinh đã trở thành nhà đầu tư thứ ba tại Lào và thứ tư tại Miến Ðiện.

Theo các nhà quan sát, thực tế trên đây đã buộc Nhật Bản phải phản ứng. Chuyên gia Richard Cronin, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Henry L. Stimson tại Washington đã cho rằng : " Nhật Bản đã nhận thức được họ đã hoàn toàn bị Trung Quốc qua mặt".

Hội nghị Thượng đỉnh Nhật Bản-Mekong đầu tiên, do đó là một phương thức được chính quyền Tokyo đề ra để cân bằng được ảnh hưởng của Trung Quốc trong vùng.

Giới phân tích ghi nhận, không chỉ có Nhật Bản là ưu tư trước đà vươn lên của Bắc Kinh trong vùng Đông Nam Á. Trước Tokyo, Washington cũng đã có động thái tương tự khi ngoại trưởng Hillary Cliton đã khởi động họp tác với 4 nước hạ nguồn sông Mekong vào tháng 8 vừa qua, hay là quyết định tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN-Hoa Kỳ ngày 15/11/2009, ở Singapore.