Translate

Friday, August 27, 2010

Phóng viên Không biên giới kêu gọi Hà Nội trả tự do cho các nhà báo và công dân sử dụng internet

Theo RFI

RSF
Tú Anh

Nhân ngày 2/9, chính quyền Việt Nam thông báo sẽ đặc xá cho khoảng 30 ngàn tù nhân. Hiệp hội Phóng viên Không biên giới, trụ sở tại Paris, một lần nữa kêu gọi Hà Nội phải quan tâm đến trường hợp của 4 nhà báo và 15 công dân đang bị giam cầm hoặc quản chế chỉ vì đã sử dụng quyền tự do thông tin và ngôn luận.

Trong một bản thông cáo báo chí phổ biến chiều hôm qua 26/8/2010, Tổ chức Phóng viên Không biên giới (Reporters sans Frontières - RSF) một lần nữa đưa ra lời kêu gọi bảo vệ các nhà đấu tranh cho nhân quyền, những công dân sử dụng internet, những nhà báo bị bắt giam một cách bất công chỉ vì họ sử dụng quyền tự do ngôn luận.

Trong bối cảnh Hà Nội thông báo đặc xá cho khoảng 30 ngàn tù nhân, RSF kêu gọi chính phủ Việt Nam quan tâm đến tình trạng của ba nhà báo Trần Khải Thanh Thủy,Trương Minh Đức và Nguyễn Văn Lý; cũng như số phận của 15 công dân sử dụng mạng thông tin điện tử bị quy tội xâm hại an ninh quốc gia, chống chính quyền. Mười lăm người sử dụng internet bị nhà nước Việt Nam xem là tội phạm có nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa , Nguyễn Văn Tính , Nguyễn Mạnh Sơn, Nguyễn Văn Túc , Ngô Quỳnh, Nguyễn Kim Nhàn,Phạm Văn Trội, Vũ Hùng, Luật sư Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân, luật sư Lê Công Định , Trần Quốc Hiền , Trương Quốc Huy, Điếu Cày Nguyễn Hoàng Hải, thạc sĩ tin học Nguyễn Tiến Trung.

Hiện nay Linh mục Nguyễn Văn Lý được tự do tạm để trị bệnh và luật sư Lê Thị Công Nhân bị quản chế tại gia.
RSF thúc giục chính quyền Việt Nam tôn trọng những lời cam kết và bảo đảm quyền tự do cơ bản của người dân khi gia nhập Tổ chức Thương Mại Thế Giới WTO năm 2006. Nếu chính quyền trả tự do cho những người này thì đó sẽ là tín hiệu mạnh cho thấy Việt Nam thật tâm muốn mở cửa hội nhập vào thế giới.

RSF nhắc lại là vào ngày 20/7/2010, Tổng thư ký của Tổ chức Phóng viên Không biên giới đã gởi một bức thư đến Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng thỉnh cầu ân xá cho những nhà báo và công dân bị kết án tù kể trên.

Việt Nam đã ký vào Công ước quốc tế liên quan đến quyền công dân và chính trị của Liên Hiệp Quốc.