Translate

Wednesday, December 16, 2009

Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt các vụ bắt giữ ngư dân

Trích RFI
Thanh Phương

Bài đăng ngày 16/12/2009 Cập nhật lần cuối ngày 16/12/2009 15:49 TU

Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Nguyễn Phương Nga

Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Nguyễn Phương Nga

Hôm qua, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã trao công hàm cho Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội, yêu cầu chính quyền Bắc Kinh trả lại toàn bộ các chiếc tàu cùng với trang thiết bị và tài sản cho ngư dân Việt Nam.

Bộ Ngoại giao Việt Nam xác nhận là trong hai ngày 7 và 8/12 vừa qua, phía Trung Quốc lại bắt giữ 3 tàu của 43 ngư dân tỉnh Quảng Ngãi đang đánh cá tại khu vực quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, tịch thu 2 chiếc tàu cùng thiết bị, tài sản của các ngư dân này, trước khi trả họ về Việt Nam trên chiếc tàu thứ ba.

Đối với phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga, hành động nói trên '' vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, không phù hợp vớI quan hệ hữu nghị giữa hai nước, gây nguy hại tới tính mạng và tài sản của ngư dân Việt Nam''.

Không những bị bắt và bị tịch thu tài sản, 43 ngư dân Quảng Ngãi còn bị buộc phải ký biên bản công nhận đã vi phạm chủ quyền của Trung Quốc. Trên trang thông tin VietnamNet hôm qua, một ngư dân cho biết họ phải nhận là đã dùng thuốc nổ để đánh cá, mặc dầu phía Trung Quốc không hề phát hiện thuốc nổ trên tàu của các ngư dân Việt Nam. Vì sợ bị đánh đập, nên tất cả đều ký tên vào biên bản. Khi được thả về trên chiếc tàu thứ ba, họ không có lương thực, nhiên liệu cũng như thiết bị lái tàu. Sau hơn một ngày đêm lênh đênh trên biển, họ mớI về được đảo Lý Sơn tối ngày 11/12.

Trước đó đã từng xảy ra nhiều vụ Trung Quốc bắt giữ tàu và ngư dân Việt Nam. Các ngư dân cho biết là ngày càng có nhiều tàu vũ trang của Trung Quốc tuần tra ở các khu vực biển đang tranh chấp.

Khi công bố sách trắng về quốc phòng vào tuần trước, thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam Nguyễn Chí Vịnh đã bày tỏ mối quan ngại của Hà NộI về những căng thẳng trên biển Đông, nhưng ông cho rằng vấn đề này sẽ không dẫn đến xung đột vì công pháp quốc tế có thể làm cơ sở cho một giải pháp.