Translate

Tuesday, November 9, 2010

Thấy gì từ vụ Cù Huy Hà Vũ

THeo Đàn Chim Việt Info

Thấy gì từ vụ Cù Huy Hà Vũ

Thế là lại thêm một giọng nói can đảm nữa bị Đảng cộng sản Việt Nam bịt miệng. Vụ bắt bớ này cũng như tất cả các vụ bịt miệng tư do tư tưởng khác, chẳng có gì đặc biệt. Chẳng có gì bất ngờ.

Nhưng gắn việc bố trí vội vàng và gượng gạo trong vụ bắt Cù Huy Hà Vũ với những sự kiện gần đây, như vụtrấn áp Tạ Phong Tần, vụ thả “đểu” và bắt giam tiếp nhà báo Điếu Cày, bắt lại Lê Thị Công Nhân, có thể thấy đợt đàn áp lần này cố tình không che đậy, có phần hốt hoảng, nôn nóng và pha nhiều chất vừa cay cú, hằn học vừa trắng trợn, thô bạo.

Áp lực của dư luận công chúng thực chất đã đạt tới mức làm lung lay trực tiếp ghế ngồi của từng vị chóp bu trong bộ máy lãnh đạo của đảng, bóc bỏ những chiếc “lá nho” che đậy của từng vị. Vì vậy mà phạm tội “khi quân”?

Nhưng, nếu đảng có thể tự do hành động, thì có nghĩa là đảng đang nắm quyền kiểm soát xã hội, đang làm chủ quyền lực. Rõ ràng đảng không “ớn” dân chủ, và cũng chẳng ” ớn” lòng dân. Tại sao vậy?

Cái yếu nhất của đảng là tính chính nghĩa. Khư khư ôm chủ thuyết Mác –Lênin không tưởng và lạc hậu, đảng đã không còn chính nghĩa để quy tụ lòng người. Nội bộ lãnh đạo đảng phân hóa và chia rẽ là vì thế.

Nhưng nếu nội bộ đảng chia rẽ sâu sắc về tư tưởng, về trình độ kiến thức văn hóa, về tầm vóc trí tuệ, về phẩm chất đạo đức, về khí phách và cốt cách, thì ngược lại, đảng có một sự nhất quán hoàn toàn, tuyệt đối bền vững về mặt quyền lợi. Còn đảng thì còn tất cả, tất cả đều có phần, hoặc ít, hoặc nhiều. Nhưng mất đảng, sẽ mất hết, cả anh lẫn tôi đều chẳng còn gì. Vì vậy, đa đảng, hay dân chủ thực sự, chính là «giặc ngoại xâm » của đảng. Nội bộ đảng đoàn kết được, nhất trí được, chính là vì có chung một kẻ thù. Kẻ thù đó là dân chủ chính trị và tư do tư tưởng. Đàn áp dân chủ, tiêu diệt mọi mầm mống đa đảng, bằng cách nào cũng được, sẽ chẳng có ai trong lãnh đạo đảng phản đối.

Thẳng tay trừng trị dân chủ và bóp nghẹt tự do diễn đạt tư tưởng trở thành tiêu chuẩn để xác định lòng trung thành với “sự nghiệp cách mạng”. Khu vực “trấn áp dân chủ” là khu vực “đầu tư” có lời và an toàn nhất. Với phe nào cũng được ủng hộ. Với bất cứ ai đứng đầu đều có công. Không cần phải “theo ai” để đàn áp dân chúng.

Tuy nhiên, nhìn vào hiện tượng và mức độ thô kệch của phương pháp, có thể hình dung ra chủ nhân của nó. Ông chủ này ít văn hóa, hàm lượng trí thức ít, nhưng đang lên, đang nắm và có triển vọng tiến tới nắm những công cụ quyền lực tuyệt đối. Có thể ông ta không thiếu thông minh, nhưng mọi thứ cóp nhặt được ở ông ta đều vụn vặt, chắp vá. Vì vậy ông không ưa bọn “hàn lâm”. Sẽ không chỉ “không có dân chủ đa nguyên”. Rồi sẽ còn có cả chuyện đốt sách và thủ tiêu nhà nho nữa.

Sau một tháng rưỡi tiếp nhận ý kiến góp ý của dân ( từ 15/09- 31/10/10), đảng đã gần như phát điên. Quá nhiều nguyện vọng muốn đảng rút đi, dù không nói toạc ra. Quá nhiều ý kiến chỉ trích sự tha hóa, thiếu tài thiếu đức của đảng, không xứng đáng với vai trò lãnh đạo dân tộc. Người ta chỉ chưa nói thẳng ra rằng, đảng nên nhường chỗ cho lực lượng tiến bộ khác lãnh đạo đất nước. Nhưng trả lời được những kiến nghị, những yêu cầu của dân, chỉ có cách đảng từ bỏ cương lĩnh cộng sản, hóa thân thành một lực lượng chính trị khác, tiến bộ, công tâm và trong sạch hơn. Nghĩa là đảng phải đổi tên để mở rộng cửa với các lực lượng tiến tiến thật sự của đất nước. Đảng phải đoạn tuyệt với hệ thống tư tưởng lỗi thời. Đảng phải từ bỏ độc chiếm chính trị bằng chuyên chính vô sản, dân chủ hóa thật sự và rộng rãi toàn xã hội.

Những ngày này trước khi vào đại hội XI, đảng đang tìm những quyết định được lựa chọn cho sự tồn tại tiếp tục trong ít nhất năm năm tới. Hoặc là không khí dân chủ sẽ thoáng đãng hơn, mở con đường rộng hơn cho dân, cho nước, cho tương lai dân tộc hòa vào dòng chảy chung của nhân loại. Hoặc sẽ là một giai đoạn khủng bố khốc liệt. Tức là : hoặc sự thoát xác của một lãnh tụ xuất chúng, hoặc sự chìm đắm tiếp tục trong hoang dại và tăm tối.

Người ta thấy nhiều hơn ở khả năng thứ hai.

Không thể có phép mầu. Không thể có một cá nhân xuất chúng và trọng sạch, đột nhiên xuất hiện trên cùng một con tàu tội lỗi. Quy trình để leo lên cùng một con tàu, ngồi cùng một mâm, không cho phép sự khác biệt của bất cứ ai. Người có tư tưởng khác biệt tới mức đối kháng không thể lọt vào căn phòng của quyền lực cuối cùng. Trong cơ chế chính trị “cánh hẩu”, không thể leo lên tới cùng một đỉnh, nếu không “cùng cánh” và không cùng “làm và cùng ăn” với nhau. Người ta dù xuất phát từ một tâm đức trong sáng lúc ban đầu, cũng sẽ đổi màu dần, thích ứng dần và quen dần, rồi “say” dần với quyền lực và bổng lộc, nhất là tay cũng nhúng chàm dần dần, tâm cũng tối dần, từng bước, song song với từng nấc thang lên. Và khi đến tột đỉnh của quyền lực, lúc có thể làm được cách mạng, thì anh ta đã biến chất thành một kẻ phản cách mạng rồi. Chính anh ta sẽ là người kiên quyết nhất chống lại mọi sự thay đổi. Có người già cũ ra đi. Có người mới đến. Cả những người đang xếp lốt chờ đến lượt mình. Tất cả đều như vậy. Không có ngoại lệ. Hãy nói cho tôi ông làm chức gì, tôi sẽ nói ông là ai!

Nhưng giả sử có ai đó sống sót trong vũng lầy tội lỗi ấy, anh ta sẽ làm được gì ? Bao giờ những kẻ sống sót đó cũng quá ít. Và có quá nhiều việc quá sức họ phải làm. Đương nhiên là không thể. Lịch sử 70 năm của đảng chỉ có một trường hợp duy nhất là Trần Xuân Bách. Nhưng ngay cả sự gạt bỏ không thương tiếc như vậy cũng không được phép lặp lại.

Nghĩa là hy vọng một sự thay đổi tự nhiên, yên bình từ biến đổi nhận thức của đảng là không thể. Chờ đợi đảng tự làm cách mạng là ảo tưởng.

Trong khi đó, cái mà chúng ta gọi với nhau là phong trào dân chủ lại chỉ là một cái gì đó vô hình, không đầu không đuôi.

Thay đổi chính trị đồng thời với cải cách kinh tế. Tự do kinh tế gắn liền với tự do chính trị. Tự do biết và tư do diễn đạt điều mình biết. Đó là những xu thế không thể đảo ngược, không thể từ chối và không thể né tránh. Đó là thiên thời.

Có hơn 90% những người được hỏi phản đối khai thác Bô xít, thực chất đó là hơn 90% dân số việt Nam phản đối Bộ chính trị đảng cộng sản và phản đối Chính phủ. Đó là nhân hòa.

Địa lợi là Tổ chức. Không có tổ chức, sẽ không có sức mạnh, không có điểm tựa. Không có tổ chức, sẽ như một cơ thể không đầu. Chưa có được cả ba yếu tố, nghĩa là nếu không được tổ chức, phong trào cách mạng không thể đi đến kết quả.

Đảng cộng sản lo sợ nhất là các lực lượng đấu tranh dân chủ có tổ chức riêng của mình. Vì vâỵ, những mầm mống, phôi thai một tổ chức, bằng mọi giá, phải bị tiêu diệt, đặc biệt là công đoàn độc lập. Lê Trí Tuệ đã bị ai đó bắt cóc và âm thầm thủ tiêu. Tòa án Trà Vinh vừa xử bốn công nhân nữa đi tù.

Các tổ chức dân chủ nếu công khai có thể có sức ảnh hướng lớn, nhưng sớm muộn cũng trở thành con mồi của bạo lực chuyên chính. Trước một thế lực có tính hệ thống, trước sự hung hãn của bạo lực áp đảo, phong trào chính đáng của quần chúng phải học cách tự bảo vệ sự tồn tại của mình. Lấy bảo tồn làm phương châm hàng đầu. Lấy lòng dân làm nền tảng và giác ngộ dân chúng tự giải phóng làm mục đích. Không bạo lực thô kệch, nhưng không tự chìa nốt phía má còn lại. Sự cao thượng chỉ có ý nghĩa trong một môi trường văn minh.

Các tiếng nói cá nhân giàu ưu tư, trăn trở và giàu lòng can đảm, xin hãy tự giữ lấy mình.

Các anh chị là tài sản của phong trào, là niềm hy vọng của tương lai đất nước. Nếu cứ mỗi ngày thêm một chiếc lá rơi, và chúng ta chỉ còn biết co lại, thì trọng trách này ai gánh !

Nhìn vào tình hình có thể phỏng đoán một Đại hội không có gì thay đổi, nếu không nói là xấu hơn. Sẽ dứt khoát chống Tàu. Kết quả của một năm chủ tịch ASEAN đã khẳng định thế thắng của phe Nguyễn Tấn Dũng. Sẽ có những quyết sách liên kết với các nước lớn mạnh hơn. Nhưng cũng sẽ kiên quyết hơn với nhân quyền. Đi với Mỹ để chống Trung quốc. Nhưng cần Nga để mặc cả nhân quyền với Mỹ. Có thể không phải “định hướng xã hội chủ nghĩa”, nhưng độc đảng là bất di bất dịch, là bất khả xâm phạm.

Sẽ còn nhiều thử thách. Năm 2011 sẽ là một năm còn khó khăn hơn nhiều cho phong trào. Đàn áp sẽ khốc liệt hơn. Khi quyền lực tuyệt đối đã nắm gọn trong tay, sự ngạo mạn hoang dã sẽ đạt đến tột đỉnh.

Nếu không bằng cách mạng bạo lực, người ta có thể tưởng tượng một lộ trình ôn hòa, như sau : 1, Tìm cách đưa những người chưa nhúng chàm vào Trung ương đảng lần đại hội này. 2, Tìm cách ngăn không để những người này bị nhúng chàm trong quá trình nắm quyền nắm chức. 3, Đợi cho những kẻ đã nhúng chàm hạ cánh an toàn sau khi no đủ. 4, Làm cách mạng bằng một tập thể khả dĩ trong sạch.5, Thay đổi Hiến pháp trên cơ sở Hiến chương quốc tế về nhân quyền.

Như vậy mọi việc sẽ trở nên tốt đẹp. Phong trào vận động dân chủ không có việc gì cấp bách phải làm. Đảng không có gì quá lo lắng phải lập mưu đàn áp và khủng bố. Không có thêm người vào tù vì những vi phạm “buồn cười”. Của César sẽ trả lại cho César, vậy thôi. Có điều, làm thế nào để hợp thức hóa ngay từ bây giờ đống tài sản tự nhiên mà có của những vị tai to mặt lớn. Mà nếu không đủ “chứng từ”, thì làm sao mà “hạ cánh an toàn” được. Mà dù có hạ cánh bình yên bây giờ, chắc gì những thứ tự nhiên có ấy, sau ít nhiều thời gian, lại không tự tìm về chủ cũ ?

Còn những ” dũng sĩ diệt tự do”, như kiểu trung tướng Vũ Hải Triều, trung tướng Hữu Ước, Trung tướng Hoàng Kông Tư, Thượng tướng Lê Văn Hướng, đại tá Nguyễn Xuân Mừng…Ngày xưa, khi còn bí mật, đảng vẫn gọi những loại người như mấy ông này là “ác ôn” và đảng xử tử hình vắng mặt, rồi bí mật cử người đại diện cho Dân đi “thi hành án”. Những món nợ với tự do của những nhân vật này sẽ phải trả ra sao?. Họ cũng sẽ “hạ cánh an toàn”, nhưng sợ rằng linh hồn của họ sẽ vĩnh viễn không bao giờ có tự do.

Người ta đã cố tình sắp đặt vụng về và thiếu chuyên nghiệp một vụ án để thóa mạ và bôi nhọ danh dự Luật sư Cù Huy Hà Vũ, trong khi chính đích thân Tô Huy Rứa áp lực để lấp liếm sự sa đọa của chủ tịch Hà Giang Nguyễn Trường Tô và thiếu tướng giám đốc công an tỉnh Hà Giang, “mua dâm và quan hệ bất chính với nhiều phụ nữ”. Bản thân các sự kiện đã tự bộc lộ bản chất của chế độ. Cho nên, chẳng có mấy ai quan tâm tới những lý do mà chính quyền đưa ra, biên bạch cho một vụ bắt bớ chính trị. Chính phủ luôn có lý. Việc bắt bớ luôn luôn đúng pháp luật.

Chỉ tiếc rằng, những gì đáng được trân trọng thì cứ bị “công lý ” tiêu diệt dần dần.

08/11/2010

© Bùi Quang Vơm

© Đàn Chim Việt