Translate

Sunday, March 1, 2009

Về tiểu thuyết Ma Chiến Hữu của Mạc Ngôn

Trích X Cafe

Linh's blog
25.02.2009

Trên blog đang ồn ào bàn tán về cuốn Ma chiến hữu của Mạc Ngôn do dịch giả Trần Trung Hỷ dịch, công ty Phương Nam và Nhà xuất bản Văn học xuất bản. Có thể đọc ở trên blog Người buôn gióblog Hoang Linh. Cũng xem thêm nhận xét của Trương Thái Du trên BBCVietnamese:

Tôi đã đọc cuốn này sau khi được biết (qua blog Trương Thái Du) rằng cuốn này đề cập tới số phận những người lính Trung Quốc trong chiến tranh Việt-Trung 1979. Tôi nghĩ một cuốn sách đề cập tới một cuộc chiến tranh với góc nhìn từ phía bên kia sẽ gợi mở nhiều điều thú vị. Tôi tìm đọc cuốn này cũng như trước kia từng tìm đọc các cuốn The Quiet American của Graham Greene, The Things They Carried của Tim O'Brien hay Tree of Smoke của Denis Johnson, hoặc xem các phim Trung Đội, Trời và Đất, Rambo, Apocalyse Now, Full Metal Jacket...

Tôi chưa đọc bản tiếng Hoa của cuốn sách (và cũng không biết tiếng Hoa để đọc) nên không thể nói về nguyên bản mà chỉ có thể nói về bản dịch của Trần Trung Hỷ. Cũng không rõ bản dịch tiếng Việt có cắt xén gì so với bản tiếng Hoa không. Nhìn chung, tôi nghĩ Ma Chiến Hữu là một cuốn sách hay. Cuốn sách đề cập tới thân phận của những người lính Trung Quốc tham chiến tại Việt Nam. Họ đều là những thanh niên nông thôn nghèo thất học. Họ tham chiến mà không biết rõ lý do tại sao lại tham chiến, chỉ đơn giản là bị bắt lính và đi lính thì đỡ miệng cơm ở nhà, nếu chết trận thì gia đình ở nhà cũng được một khoản tử tuất còm. Đến khi kết thúc chiến tranh thì kẻ còn, người mất, những kẻ sống sót cũng có số phận mạt rệp, nghèo khổ, cùng quẫn, chịu ảnh hưởng bởi di chứng chiến tranh. Không những thế, họ còn bị chính quyền và nhân dân lãng quên. Trong truyện có đoạn các hồn ma tử sĩ Trung Quốc khóc than đau đớn khi biết tin Việt Nam và Trung Quốc bình thường hóa quan hệ và họ cảm thấy rằng cái chết của họ là vô nghĩa.

Tôi nghĩ chủ đề cơ bản của cuốn sách này mà tác giả của nó là một nhà văn quân đội rất nổi tiếng của Trung Quốc là phản chiến. Đứng trên phương diện người Trung Quốc, tác giả cho rằng cuộc chiến Việt-Trung vô nghĩa và người mất mát và hy sinh, rốt cục, lại cũng chỉ là những người lính thường nghèo khổ. Trong bản dịch tiếng Việt, tôi cũng không thấy có những chi tiết nhạo báng, chửi bới, nhục mạ người Việt hay quân đội Việt Nam. Đúng là có những chi tiết những người lính Tàu chúc tụng nhau lập nhiều chiến công, giết nhiều quân địch (như trong trích dẫn trên blog Người buôn gió)...nhưng đó là những việc xảy ra ở bất cứ quân đội nào, trong bất cứ cuộc chiến nào. Tiểu thuyết này còn có sự mỉa mai châm biếm khi nhân vật được coi là anh hùng, tài giỏi nhất truyện, thượng sĩ Tiền Anh Hào- người được bạn đồng ngũ kỳ vọng sẽ lên làm Tư lệnh trong tương lai- lại chết lãng nhách, khi chưa giết được một người Việt nào chỉ bởi cái mông nhô quá cao của viên Tiểu đội trưởng khiến cả tiểu đội lính Tàu hứng trọn trận pháo Việt. Và cũng không có dòng nào mô tả ai trong các cựu chiến binh ấy đã giết được người Việt như thế nào.

Tôi có thể hiểu sự phẫn nộ của nhiều người đọc với những người chịu trách nhiệm trong việc dịch và in cuốn Ma Chiến Hữu ra tiếng Việt. Tuy nhiên, tôi không cho rằng cuốn sách này là một cuốn ca ngợi chủ nghĩa anh hùng như lời PR ngu xuẩn của nhà xuất bản Văn học ở bìa 4. Không phải là ca ngợi mà đó là sự nhạo báng, lên án của một nhà văn quân đội Trung Quốc đối với một cuộc chiến tranh vô nghĩa, vô lý và không cần thiết. Với những người lính Tàu sống hay chết tại cuộc chiến thì Mạc Ngôn có một sự cảm thông sâu sắc, nhưng cái khiến tác phẩm sống động cũng không phải là ở "chủ nghĩa anh hùng" mà là ở tình đồng đội. Đó chính là lý do khiến cuốn sách này có tên là "Chiến hữu trùng phùng" trong bản tiếng Hoa. Nhưng chính điều đó lại càng khiến lời PR trên bìa 4 của tác phẩm ("Một cách ca tụng riêng về chủ nghĩa anh hùng") thêm phần ngu xuẩn và phản cảm. Bởi lẽ khi tán tụng chủ nghĩa anh hùng của các quân nhân Trung Quốc trong cuộc chiến chống Việt Nam thì NXB Văn học đã xúc phạm tới những người Việt đã hy sinh trong cuộc chiến đó dưới bàn tay của các "anh hùng" Trung Quốc. Hơn thế, như tôi đã nói, nó còn sai lệch so với chủ đề tác phẩm.

Dù sao, tôi nghĩ nên đón đọc cuốn sách này một cách bình tĩnh. Chúng ta có thể xem phim, đọc sách của người Mỹ về chiến tranh Việt Nam đứng trên phương diện của người Mỹ thì việc đọc sách của người Tàu viết về chiến tranh Việt Trung trên quan điểm của người Tàu cũng là chuyện bình thường, để có thể hiểu thêm những góc độ khác của chiến tranh (miễn là những tác phẩm đó không xuyên tạc, bôi nhọ một cách có dụng ý).

Như vậy, tự thân nó thì việc dịch, xuất bản và đọc cuốn sách này ở Việt Nam thực ra không có vấn đề gì cả. Nó cũng tương tự với việc ở Mỹ người ta xuất bản Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh. Nhưng nó chỉ là bình thường với một điều kiện: đó là sách vở, báo chí Việt Nam được tự do bàn luận tới chiến tranh biên giới, được tri ân những liệt sĩ hy sinh, được bình luận, phê phán những góc độ khác nhau của chiến tranh... Nếu điều kiện đó không được đáp ứng thì việc xuất bản cuốn sách này lại là một việc rất bất thường và phản cảm.

Nó cho chúng ta thấy sự méo mó, dị hợm, nhược tiểu, hèn nhát của chúng ta. Trong khi người Trung Quốc có thể viết sách về chiến tranh Việt-Trung, xuất bản chúng thì người Việt Nam không thể: từ tiểu thuyết của Trần Thu Trang bị yêu cầu cắt xén vài câu liên quan tới chiến tranh Việt Trung cho tới tập truyện ngắn của Vũ Ngọc Tiến bị thu hồi và nhà xuất bản Đà Nẵng bị đóng cửa bởi lý do trên. Trong khi người Việt không thể đọc được những tác phẩm của các nhà văn Việt Nam viết về chiến tranh Việt-Trung thì lại có thể dễ dàng mua được sách của người Trung Quốc viết về chiến tranh này. Trong khi báo chí Việt Nam không được đề cập tới chiến tranh Việt Trung thì lại vẫn có thể đọc thông tin từ các trang mạng bán chính thức của Trung Quốc về vấn đề này*.

Đó quả là nghịch lý. Và đáng buồn là cái nghịch lý ấy lại phổ biến đến mức thành chân lý, cứ như tằm ăn rỗi, nuốt trọn dần tâm thức người Việt, khi mà phim ảnh, sách báo Trung Quốc tràn ngập thị trường văn hóa Việt Nam. Rồi cứ đà này, người Việt sẽ chỉ biết Càn Long là vị minh quân thánh chúa chứ không biết y là kẻ xâm lược Việt Nam năm 1789. Sẽ chỉ biết Đặng Tiểu Bình là vị lãnh tụ xuất chúng siêu quần chứ không biết y là kẻ xua quân đánh Việt Nam năm 1979. Sẽ chỉ biết Hứa Thế Hữu là lão tướng tài năng được Mao Chủ tịch yêu dấu chứ không biết y là kẻ đánh chiếm Hoàng Sa năm 1974, Lạng Sơn và Cao Bằng 1979 (cho dù vị "tướng tài" mà báo Hà Nội Mới ca ngợi đó đã bị quân địa phương Việt Nam gây thiệt hại nặng nề đến mức bị Đặng tước quyền Tổng tư lệnh cuộc chiến xâm lược Việt Nam năm 1979). Sẽ chỉ biết tới những anh hùng quân đội Trung Quốc như "liệt sĩ" Tiền Anh Hào trong cuộc chiến Việt-Trung chứ không thể thuộc tên một anh hùng quân đội, một liệt sĩ Việt Nam nào trong cuộc chiến này.

Và rồi cuối cùng, chúng ta sẽ nhìn lịch sử Việt Nam bằng mắt của người Trung Quốc.

-------------------------------------
*Gọi là "bán chính thức" theo nghĩa các trang này được chính phủ Trung Quốc cho phép thành lập hay trực thuộc một cơ quan của chính phủ, chịu sự kiểm duyệt về nội dung của chính quyền tuy nội dung là do các thành viên đưa lên. Có thể lấy ví dụ về sự kiện trang sina.com đưa "kế hoạch" tiến chiếm Việt Nam (mà Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng phản đối) hay gần đây hơn, việc một số trang web Trung Quốc đưa tin, bình luận về cuộc chiến "tự vệ" của Trung Quốc trước Việt Nam (gọi là "tự vệ" theo cách gọi chính thức của Trung Quốc với chiến tranh biên giới Việt-Trung)

Những nhận định khác về bản dịch cuốn sách "Ma Chiến Hữu":

Các nàng Kiều thế kỷ 21: Việc buôn bán phụ nữ Việt Nam

Trích Việt Báo Online

Bài của Jaehee Park
Đỗ Văn Phúc dịch
Bài báo này nói về tội ác buôn người và những hậu quả đối với phụ nữ Việt Nam. Thêm vào đó, sẽ có hai bài về các hậu quả cuả việc buôn người đối với các lao nô, và các trẻ vị thành niên gồm cả các em bé sơ sinh và trẻ nhỏ.
“Thúy Nguyễn mặc chiếc áo dài lụa, đeo hoa tai và vòng xuyến lấp lánh. Khi bước vào làng quê nghèo khổ, côn được mọi người vây quanh trầm trồ về những trang sức lộng lậy trên người cô. Cô nói với dân làng rằng các cô gái của họ cũng sẽ được như cô, nếu họ chịu theo bước của cô, đi Đài Loan để tìm công ăn việc làm tốt.”
Bản thân Nguyễn cũng từng là một cô gái quê đã hy sinh để giúp đỡ gia đình. Giống như chuyện “Nàng Thúy Kiều” đã bán mình chuộc cha. Cô đã đi theo một phụ nữ cũng trang phục lộng lẫy như cô ngày hôm nay, để đến Đài Loan tìm việc kiếm tiền nuôi sống gia đình.
Thúy Nguyễn nói trên không phải là người thật, mà chỉ là một hình ảnh được người ta vẽ ra của một thiếu nữ Việt Nam đã bị sa vào cái bẫy của âm mưu buôn bán phụ nữ mà những gì xảy ra sau đó là sự thật và có tính chất tiêu biểu.
Theo ước tính của cơ quan UNICEF và các tổ chức khác, có khoảng 400,000 phụ nữ và trẻ em Việt Nam đã bị bán ra nước ngoài, hầu hết là sau khi chấm dứt Chiến Tranh Lạnh. Nhiều phụ nữ, trẻ em Việt Nam bị bán qua Căm Bốt, Trung Hoa, Đài Loan, Nam Hàn, và Thái Lan để phục vụ trong các nhà chứa, lao động cưỡng bức trong các xí nghiệp, hay làm đầy tớ tư nhân.
Cũng như câu chuyện cô Thúy Nguyễn trên, các nạn nhân nhận những lời hứa hẹn bịp bợm rằng sẽ có công ăn việc làm, hoặc qua sự kết hôn gian dối, hoặc qua những cơ quan tuyển người và di dân hợp pháp hay bất hợp pháp. Bọn buôn người đôi khi ngụy trang những nạn nhân của chúng thành những du khách, công nhân của những chương trình xuất cảng lao động; và rồi sẽ đưa họ đến các nuớc khác. Họ cũng tuyển các cô gái qua các tổ chức tìm việc và rồi bán các cô gái đáng thương này cho bọn tú bà ở Trung Cộng và Mã Lai Á. Họ cũng dùng phương tiện internet để lừa gạt nạn nhân.
Bị Mắc Kẹt Trên Xứ Người
“Những gia đình đồng ý cho con gái mình đi nước ngoài được trả từ 150 cho đến 450 đô la, tuỳ theo dung mạo và trinh tiết của cô gái. Sau đó, bọn buôn người sẽ đưa nạn nhân đến phi trường ra đi. Khi đến đất nước người, họ được đưa vào một căn phòng nhỏ và bị lấy hết các giấy tờ tùy thân.”
Một khi đã ra nước ngoài và bị vào vòng kiềm tỏa của bọn buôn người, các cô còn trinh tiết sẽ được đưa vào các nhà thổ hay các phòng khách sạn để chờ đợi người khách mua hoa đầu tiên. Do sự tin tưởng rằng giao cấu với gái trinh sẽ đem lại nhiều may mắn, -cùng với sự an tâm rằng gái trinh sẽ không lây truyền bệnh AIDS và các bệnh hoa liễu. - khách phải trả một giá rất đắt. Thông thường khách trả từ 300 đến 400 đô la cho một tuần ăn nằm với gái trinh. Sau đó, các cô gái được coi là “đồ vật đã xài rồi” và giá đi khách chỉ còn khoảng 2 dollars một lần đi khách.
“Các cô được đưa đến các phòng riêng biệt trên lầu. Thoạt tiên, Nguyễn tưởng rằng đó là phòng riêng của mình. Nhưng không ngờ, có một người đàn ông lạ vào đòi làm tình với cô. Khi Nguyễn kháng cự, khách bỏ đi. Nhưng người chủ lại bước vào lôi cô xuống tầng hầm, đánh đập và nhốt cô nơi đây không cho ăn uống trong nhiều ngày.”
Nguyễn lúc này mới nhận thức rằng mình không còn sự lựa chọn nào ngoài việc phải theo lệnh chủ để được sống sót. Nhà thổ, nơi đã mua cô, đã lấy hết các giấy tờ tùy than của cô. Vì thế nếu cô trốn đi, thì sẽ bị bắt giam vì là dân lậu. Bị sa bẫy và cô lập, cô bị buộc phải tiếp khách khoảng 10 lần trong một ngày. Và chỉ dược miễn khi cô đến kỳ kinh nguyệt.
Các cô gái nô lệ tình dục này phải làm việc cho đến lúc họ trả xong món nợ mà khách đã bỏ ra mua họ. Đó là các khoản tiền “nợ” mà gia đình họ đã nhận được, cộng thêm tiền ứng trước cho các cô, tiền vé máy bay, di chuyển, ăn ở… Tuy thế, không phải đơn giản đâu. Vì cái tiền nợ này cứ tăng theo các khoản nuôi ăn, tiền áo quần, tiền thuốc men và cả tiền phí tổn phá thai…
Qua cách tính này, chủ nhân các nhà thổ sẽ lưu giữ các cô lâu dài, cho đến khi các cô đã trở thành quá già, quá bệnh hoạn để có thể hấp dẫn khách làng chơi.
Cuộc sống trong các nhà thổ rất tàn bạo. Bọn chủ chứa muốn đánh đập các cô lúc nào cũng được. Thậm chí còn dùng cả roi điện để hành hạ. Khi các cô từ chối tiếp khách, bọn chúng tiêm ma tuý để các cô phải tòng phục. Đối với những gia chủ nuôi các cô làm đầy tớ, thì tình trạng cũng chẳng dễ dãi gì hơn. Trong nhiều trường hợp, các cô bị nhục mạ, tra tấn về tinh thần và thể xác. Đã có nhiều trường hợp các cô bị cưỡng hiếp và bỏ đói.
Trốn Thoát và Các Sự Trợ Giúp
“Một hôm, cô Nguyễn nghe lén được các cô gái khác bàn chuyện trốn thoát. Họ bàn tính rất kỹ lưỡng, nhưng chỉ có hai cô thoát được nhờ sự trợ giúp của một tổ chức Phi Chính Phủ (NGO). Nguyễn và các cô gái thiếu may mắn bị bắt lại bởi cảnh sát địa phương và bị trả về lại nhà chứa.”
Trong khi nhiệm vụ của Cảnh sát và các cơ quan thẩm quyền là giúp đỡ nạn nhân của nạn buôn người; thì đa phần họ vướng vào sự tham nhũng. Các Tổ chức Phi Chính Phủ cấp quốc gia hay quốc tế cố gắng đưa ra những chương trình cứu giúp các nạn nhân bằng các đường điện thoại “nóng” và các nơi tạm trú an toàn. Tổ chức Quốc Tế về Di Trú (International Organization for Migration - IOM) cũng có nhiều nỗ lực giúp đỡ các nạn nhân.
Tu sĩ Nguyễn Văn Hùng là một trong những lãnh đạo các tổ chức bất vị lợi đã nhận giải thưởng cho những cố gắng của ông chống lại nạn buôn người. Theo báo điện tử OneViet, Cha Hùng đã cứu vớt được hơn 2000 nạn nhân đem về nuôi dưỡng tại nơi tạm trú do cha lập ra. Tuy nhiên, không phải các nạn nhân đều may mắn đụợc cha Hùng cứu thoát. Và vấn nạn không chỉ giới hạn trong vài quốc gia, mà theo cha Hùng: “là một vấn nạn của nhân loại, của quyền làm người.”
Sự Giúp Đỡ Từ Hoa Kỳ
Theo bà Lisa Lynn Chapman, Giám đốc cơ quan Dịch Vụ Giải Thoát (Survivor Sevices Department) của BoatPeople SOS (BPSOS), tuy rằng việc buôn người không phải là vấn đề của Hoa Kỳ, nhưng cũng đã có trường hợp mà nạn nhân đã được buôn bán đến đất Mỹ.
Bà nói: “Họ bị bán đến Mỹ qua nhiều hình thức. Thông thường là sự hứa hẹn có việc làm tốt và có phương cách để giúp đỡ gia đình bên Việt Nam.”
Nhưng bất hạnh thay, một khi đến Hoa Kỳ, họ bị buộc phải làm việc trong những điều kiện như lao nô - không được trả lương, không được rời khỏi nơi làm việc, và bị doạ hành hung về thể xác cũng như những điều phương hại cho gia đình ở Việt Nam. Các cô gái cũng bị buộc làm gái điếm, vũ nữ khoả thân, hay phục vụ trong những kỹ nghệ tình dục.
Một cách khác là qua việc hôn nhân. Thay vì đến Mỹ để lấy chồng, các cô bị ép vào các nghề khác mà không được trả lương. Họ không được học Anh ngữ, và không cho tiếp xúc với Cộng đồng Việt Nam. Họ sống kiếp nô lệ. Đây cũng là hình thức buôn người và là cách thông thường nhất.
Đối với các nạn nhân Việt Nam, có nhiều cách cho họ để tìm được sự giúp đỡ.
Bà Chapman nói: “Quý vị có thể gọi BPSOS - Cơ Quan Dịch Vụ Giải Thoát - số điện thoiạ (703) 538-2190. Chúng tôi sẽ giúp đỡ những gì quý vị cần đến. Chúng tôi muốn bảo đảm rằng những người Việt Nam (đàn ông, đàn bà, hay trẻ em) có được nơi trông cậy nếu họ bị rơi vào các tình trạng trên.
Bà Chapman cho hay, nạn nhân cũng có thể gọi số 911 cho Cảnh Sát Mỹ. Họ nên kể rõ ràng câu chuyện của bản thân mình và Cảnh sát sẽ tìm cho họ những nguồn giúp đỡ. Họ cnũg có thể gọi điện thoại hotline cho nơi tạm trú dành cho nạn nhân của nạn bạo hành trong gia đình.
“Ngày nay, cô Nguyễn đã trở về Việt Nam như một nhân viên tuyển mộ bất đắc dĩ của bọn tú bà, sở khanh do sự đe doạ của bọn này. Khi cô buớc trên những con đường nhỏ hẹp của một thị trấn, cô nhìn các cô gái đi qua, cô nhớ lại chính mình - một cô gái nghèo ít học, đã tưởng rằng mình hy sinh để giúp đỡ cho gia đình khá hơn. Và cô đã tự vấn rằng nếu ngày đó, cô thoát được cùng nhóm các cô gái kia, thì sự việc đã xoay chuyển thế nào? Hoặc nếu cô đã được một Cha Hùng giúp đỡ?”

Chú thích: Những đoạn viết trong ngoặc kép là câu chuyện làm nền cho vấn đề được nêu ra.

Cái giá của sự nói dối

VietCatholic News
(27 Feb 2009 11:00)

Ghi Chú: Đây là bài viết từ trong nước cho nên tác giả dùng từ "chính quyền" để chỉ "nhà cầm quyền Cộng Sản VN". Xin ghi chú ở đây để tránh sự ngộ nhận.

Sau khi Việt Nam gia nhập WTO để tránh tiếng bắt bớ vô cớ những người đấu tranh cho tự do dân chủ, nhà cầm quyền buộc phải dùng đến nhiều loại thủ đoạn hèn hạ khác nhau để triệt hạ họ. Và vì phải làm chuyện ‘mượn gió bẻ măng’ nên tất cả những lý lẽ họ đưa ra đều rất ư là… vớ vẩn !!!

Có thể nhắc lại vài trường hợp điển hình:

- Blogger “điếu cày’ Nguyễn Hoàng Hải, bị đi tù không phải vì biểu tình chống Trung Quốc xâm lấn Hoàng Sa, Trường Sa hay viết báo không đi bên lề phải mà vì … trốn thuế!

- Còn đối với sinh viên Nguyễn Tiến Trung sau khi du học nước ngoài về liền bị bắt thi hành nghĩa vụ quân sự mặc dù đã sắp hết tuổi. Trong trại lính không computer với internet bị cô lập hoàn toàn với thế giới bên ngoài nào có khác gì đi tù mà khỏi bị mang tiếng!

- Bà Bùi Kim Thành một luật sư hay bênh vực dân oan ở Sàigòn, trước khi được sang Mỹ tỵ nạn trong năm 2008 vừa qua cũng đã từng bao phen khốn khổ vì sự chăm sóc hết sức nhiệt tình của chính quyền tại nhà thương điên Biên Hòa vì bị cho là mắc bệnh tâm thần (!?) v.v...

Và nay thì đến lượt Ls. Lê Trần Luật. Văn phòng Luật sư (VPLS) Pháp Quyền của anh bị chính quyền quận Gò Vấp, Saigòn ‘tấn công’ nhân danh một vụ tranh chấp dân sự nhỏ nhoi.

Trong kinh doanh ở bất cứ lĩnh vực nào, những chuyện rắc rối với khách hàng là điều bình thường khó ai tránh khỏi, càng làm ăn lớn càng dễ có nguy cơ cao. Ngay cả đến ‘người khổng lồ’ Microsoft mà vẫn phải khăn gói đi hầu tòa gần như mỗi năm. Đến nỗi ông chủ Bill Gates của tập đoàn này phải nuôi cả một đội quân hùng hậu nghe nói đến gần 40 chục mạng gồm các luật sư và những nhà tư vấn pháp lý, họ ăn lương chỉ để đi chuyên lo giải quyết việc Microsoft bị thưa kiện.

Ở Việt Nam những năm vừa qua đã xảy ra nhiều vụ tai tiếng với một số VPLS. Tuy nhiên, với Ls. Lê Trần Luật, mặc dù người viết chưa có dịp tiếp xúc với anh nhưng bằng hành động dũng cảm dám đứng ra bênh vực công lý giúp những giáo dân thấp cổ bé họng bất chấp những đe dọa từ phía chính quyền. Bấy nhiêu thiết nghĩ cũng đã quá đủ để chứng minh anh không thể thuộc loại luật sư chỉ biết kiếm có tiền, vì thế VPLS Pháp Quyền của anh chắc chắn không thể là loại văn phòng tư vấn pháp lý chuyên đi làm chuyện lừa đảo. Bản thân anh, một người trẻ với trình độ luật sư muốn tìm cho mình và gia đình một cuộc sống sung sướng như bao người chắc chắn không phải là việc gì quá khó!

Do vậy, chỉ cần ‘ngửi mùi’ sự việc mà chẳng cần đến tận nơi tìm hiểu, chắc chắn mọi người cũng thừa biết rằng chính quyền đã mượn vụ tranh chấp giữa VPLS Pháp Quyền và vị khách hàng nào đó (thậm chí không loại trừ khả năng anh VP của Ls. Luật đã bị họ gài bẫy!) để ra tay đánh phá. Đơn giản chỉ vì chính quyền không muốn thấy từ giấy phép hoạt động của VPLS này, Ls. Luật dùng nó để nhận trách nhiệm bào chữa cho tám giáo dân xứ Thái Hà ‘làm khó’ lại nhà nước.

Tóm lại, bằng những loại tội danh hết sức ‘vô duyên’ chính quyền CSVN quyết tâm nhổ bỏ cho bằng sạch tất cả những ai dám ‘lợi dụng dân chủ’ để ‘bắt bí’ họ khi biết cách khai thác tử huyệt của chế độ đó là sự gian dối khiến họ phải bẽ mặt với thế giới.

Chúng ta có thể xem đây như là những qui luật tất yếu của thời hậu XHCN khi chính quyền phải đối mặt với những hậu quả do chính họ gây ra trước kia. Ở đây là chuyện đài THVN và tờ HàNội Mới của đảng bị các giáo dân Thái Hà kiện vì thói quen ăn ngược nói ngạo lâu nay.

Càng lâm vào ngõ cụt, chó dữ sẽ cắn càng đau. Bất cứ ai bị đặt trong tầm ngắm của chính quyền rồi thì từng mili-giây đời tư của họ sẽ được một nhóm ‘chuyên gia’ bơi móc đời tư nghiên cứu kỹ lưỡng. Đã là con người rất khó ai có thể hoàn hảo, ‘bới lá’ mãi thế nào cũng có lúc họ tìm thấy sâu.

‘Cháy nhà lòi mặt chuột’, vụ đánh phá VPLS Pháp Quyền của Ls. Luật chỉ khiến mọi người thêm thất vọng. Bản chất ‘nói một đàng làm một nẻo’ của cộng sản dường như sẽ là bất di bất dịch. Xưa cũng như nay, bao cấp hay đổi mới, mỗi khi phải đối mặt với sự thật, thái độ của họ vẫn không có gì thay đổi, vẫn chỉ là lối ‘thoát hiểm’ bằng những con đường lươn lẹo và bằng… cửa hậu!

Tuy nhiên trong chuyện này có vẻ như vì quá giận Ls. Luật mà chính quyền đã mất khôn. Giải pháp ‘đánh hội đồng’ VPLS xét cho cùng chỉ có giá trị ‘giận cá chém thớt’ không hơn không kém. Bởi cho dẫu họ có cố moi móc cho bằng được lý do ‘chính đáng’ để xoá sổ VPLS Pháp Quyền và thu hồi giấy phép hành nghề đối với Ls. Lê Trần Luật thì vụ kiện đài THVN và Báo Hà Nội Mới với tội danh ‘vu khống’ của các giáo dân Thái Hà càng khiến họ không thể vì thế mà dừng lại nếu không muốn bị hiểu là vì bị “kẻ xấu xúi giục”.

Hơn nữa sai lầm của hai cơ quan truyền thông khi đưa tin về phiên tòa đã quá trắng trợn. Bản tin vu khống “giáo dân đã cúi đầu nhận tội” nay đã bay đi khắp thế giới. Với tang chứng vật chứng rành rọt bằng cả audio lẫn text các giáo dân đang có trong tay, việc tranh luận tại tòa nay gần như chỉ còn xoay quanh hai chữ ‘Yes’ hoặc ‘No’. Một phiên tòa lập ra chỉ để xác nhận bấy nhiêu thì tám giáo dân Thái Hà, tự mỗi người đã là có thể một luật sư giỏi tự bào chữa cho mình và để cùng nhau buộc hai cơ quan truyền thông nọ phải “cúi đầu nhận tội” ngược lại, vì không thể chối cãi đằng nào được nữa.

Đây là ‘ván cờ’ quá khó đối với chính quyền. Chính vì không thể để việc này xảy ra nên họ đang tìm mọi cách vùi dập vụ kiện. Bên cạnh chơi trò cù nhầy thủ tục ‘hành là chính’ nay họ đánh phá luôn VPLS Pháp Quyền của Ls. Luật với hy vọng gia tăng thêm áp lực với các cha giáo xứ Thái Hà, liệu có nên tiếp tục vì bổn đạo mình mà làm khổ liên lụy đến vị luật sư?

Tóm lại, đằng sau việc đánh phá VPLS Pháp Quyền bức thông điệp chính quyền muốn gởi cho xứ Thái Hà hết sức rõ ràng: “làm khó nhau bấy nhiêu đã là quá đủ, chúng tôi đã hiểu… và xin quí vị hãy từ bỏ vụ kiện!!!.”

Cho dẫu vụ kiện kết cục ra sao chắc chắn nó sẽ trở thành là bài học ‘nhớ đời’ đối với Đài THVN và tờ Hà Nội Mới cũng như tất cả những báo đài khác khi nhận lệnh chỉ đạo của đảng khi đưa tin về những vụ việc tương tự như Thái Hà phải cân nhắc thận trọng nếu không muốn tự mình đút đầu vào rọ!

Vụ kiện của tám giáo dân Thái Hà có thể sẽ được ghi nhận như một trong những bước đi quan trọng đầu tiên của VN trên con đường tiến về đích ‘xã hội dân chủ’.

Sàigòn, 27/2/2009
Alfonso Hoàng Gia Bảo

Đồng Congo và bauxite Viet Nam

Ngô Nhân Dụng.

Trên một chuyến xe buýt đi ra phi trường Quảng Châu tuần trước, tôi tới ngồi kế bên một thanh niên Phi Châu ăn mặc rất lịch sự. Sau khi chào hỏi nhau bằng tiếng Anh, người bạn đồng hành tự giới thiệu anh từ nước Congo sang Trung Quốc du học một ngành mới về tin học. Anh đang trên đường đi Thượng Hải gặp bạn bè cùng quê ở Congo, trong dịp các trường còn nghỉ Tết Nguyên Ðán. Anh ngưng nói chuyện với tôi nhiều lần để trả lời điện thoại di động. Có lúc anh nói điện thoại với cùng một người bằng hai thứ tiếng, tiếng phổ thông (quan thoại) của người Trung Hoa, và tiếng Pháp.

Khi hỏi thăm đến nước Congo của anh ra sao sau những cuộc chiến tranh gần đây, anh được dịp đả kích chính sách của chính phủ Mỹ, mà anh coi là thủ phạm gây ra những xung đột chết người đó.

Chỉ một lát sau, anh bắt đầu nói đến vai trò của Trung Quốc. Chúng tôi nói chuyện bằng tiếng Pháp cho kín đáo. Anh bạn Congo thổ lộ: Không biết người Trung Hoa họ sang Phi Châu làm gì mà đi đông thế? Anh nhấn mạnh: “Họ không chỉ tới các thành phố lớn đâu! Ở xứ tôi, họ đi tới từng làng một! Tới cả những làng trong miền rừng núi mà chính chúng tôi chẳng ai muốn tới nữa!” Anh vươn vai, quơ tay, thắc mắc hỏi: “Ðể làm gì? Ðể làm gì ở đó?”

Họ đi tìm quặng mỏ, chỉ có lý do đó thôi, anh sinh viên Congo này không biết hoặc không nhớ. Hai chính phủ Congo và Trung Quốc năm ngoái đã ký kết với nhau cho phép Trung Quốc khai thác những mỏ kim loại tới khoảng 10 triệu tấn đồng (copper) và 400 ngàn tấn cobalt, đổi lại Trung Quốc sẽ trao ngay cho chính phủ của Tổng Thống Joseph Kabila 3 tỷ đô la Mỹ, rồi sau 3 năm sẽ thêm hai đợt mỗi lần 3 tỷ nữa, trong đó sẽ xây dựng cho Congo gần 4 ngàn cây số đường sắt, hơn 3000 cây số xa lộ, 32 bệnh viện, 2 đại học, và hàng trăm phòng khám bệnh. Các kỹ sư Trung Quốc đang đi cùng các phụ tá người Congo đi khắp nước, mang theo máy GPS định vị trí bằng vệ tinh nhân tạo, và vẽ bản đồ. Trung Quốc cũng sẽ đi tìm và khai thác kim cương, uranium, măng gan, thép và tantalum, một thứ kim loại dùng trong những điện thoại di động và máy vi tính xách tay (laptop). Congo là một nước có diện tích lớn hơn vùng Tây Âu nhưng lợi tức theo đầu người chỉ có 714 đô la một năm; một nửa dân số 56 triệu người chưa có nước sạch để dùng hàng ngày. Tổng Thống Kabila cầm đầu một chế độ được gọi là “kleptocratic,” độc tài đạo tặc.

Tuy là một nước độc tài nhưng ở Congo vẫn có những người dám đưa ra tiếng nói độc lập. Thỏa ước giữa hai chính phủ Congo và Trung Quốc đã bị giới tranh đấu cho nhân quyền ở Congo phản đối, họ đòi phải đưa ra cho công luận phán xét trước khi thi hành. Luật sư Georges Kapiamba ở Katanga lên án bản thỏa hiệp sơ khởi này là “hoàn toàn tối ám” (totally opaque), cho phép Trung Quốc tận dụng tài nguyên xứ này không khác gì quyền khai thác của các công ty mỏ nước Bỉ khi còn cai trị Congo như một thuộc địa. Các công ty Trung Quốc sẽ được miễn đủ các thứ thuế và quan thuế, cho tới khi việc xây cất hoàn tất.

Với giá các kim loại có triển vọng sẽ còn lên vì nhu cầu gia tăng trên thế giới, các nhà kinh tế Congo đã tính ra Trung Quốc có thể được lợi tới 42 tỷ mỹ kim trong công việc khai thác này, mà vốn đầu tư khai mỏ của Trung Quốc chỉ là 2 tỷ đô la. Người Trung Quốc đã sang Congo đông đảo, đến nỗi có lúc chính quyền tỉnh Katanga giầu quặng mỏ đã trục xuất 600 người Tầu vì họ ở lậu không có phép cư trú. Một người Trung Quốc đã bị bắt ở phi trường khi thấy mang trong túi một miếng đá có quặng mỏ.

Tôi không có dịp nói với anh sinh viên người Congo về những dữ kiện và số liệu trên, nhưng anh có thể vào Google tự tìm lấy được. Tôi chợt nhớ đến anh sau khi đọc bài tường trình của Gia Ðịnh về việc khai thác quặng bô xít (bauxite) ở Việt Nam, đăng trên Nhật Báo Người Việt trong hai ngày trước đây.

Trung Quốc đang hợp tác với một số công ty quốc tế khai thác quặng mỏ bauxite ở vùng Ðắc Nông, cao nguyên miền Tây Trung phần Việt Nam. Tháng Sáu năm 2008 ông Nông Ðức Mạnh sang Bắc Kinh đã ký giấy chấp nhận cho công ty Chalco của Trung Quốc đứng cái vụ khai thác này.

Nhưng họ đã chú ý đến quặng bauxite ở nước ta từ lâu. Ngày 1 Tháng Tám năm 2005, Trung Quốc Nhật Báo (China Daily) đã đăng một bản tin về tài nguyên bauxite ở Việt Nam. Bản tin cho biết vùng Tây Nguyên có 7.9 tỷ tấn quặng bauxite dự trữ. Cộng với 120 triệu tấn ở Cao Bằng, Lạng Sơn và các vùng khác thì nước Việt Nam có hơn 8 tỷ tấn bauxite có thể khai thác. Trong bản tin đó cũng so sánh hiện nay số quặng bauxite dự trữ cao nhất thế giới là ở Guinea, 8.6 tỷ tấn, rồi tới Úc Châu (7.4 tỷ) và Brazil (4.9 tỷ). Nếu Trung Quốc khai thác được bauxite ở Việt Nam, nước Việt Nam sẽ được ghi vào đứng hạng thứ nhì trên thế giới, chỉ thua Guinea.

Như trình bày trong bài của Gia Ðịnh, các chuyên gia Việt Nam, trong đó có cả những người đang làm việc trong Tập Ðoàn Công Nghiệp Than và Khoáng Sản Việt Nam (TKV) đã lên tiếng phản đối việc cho phép Trung Quốc khai thác mỏ bauxite ở cao nguyên Trung phần. Ngoài ra còn những lời phản đối của giới trí thức, văn nghệ, vì những tai hại của công trình khai mỏ này. Những tai họa sẽ giáng xuống trên môi trường sống, trên mặt xã hội và văn hóa, gây tai hại cho nông nghiệp, cho lâm sản, làm cạn nguồn nước, và làm đất đai nhiễm độc không những ở Tây Nguyên mà còn lan xuống tới cả vùng đồng bằng ven biển miền Trung. Khí hậu miền Trung sẽ thay đổi; miền Tây nguyên sẽ thiếu nước, thiếu điện thì các nông trường cà phê, trà, cao su sẽ gặp khó khăn; lớp đất mầu sẽ bị nước cuốn trôi ra biển; hạn hán sẽ kéo dài hơn, và lụt lội sẽ thường xuyên và tàn bạo hơn. Còn rất nhiều tai họa khác nữa.

Trong số những người đã lên tiếng có Tiến Sĩ Nguyễn Thành Sơn, nhà văn Nguyên Ngọc, giáo sư Ðào Công Tiến và Ðại Tướng Võ Nguyên Giáp. Như đã trình bày trong mục này trước đây, ông Giáp mới viết thư can ngăn Nguyễn Tấn Dũng không nên cho khai thác bauxite ở Tây Nguyên. Vì chính ông Giáp đã đứng đầu việc nghiên cứu khả năng khai thác bauxite ở đây gần 30 năm trước, khi khối COMECON (hợp tác kinh tế giữa các nước cộng sản Ðông Âu và Nga) có kế hoạch đó. Sau cùng dự án của COMECON bị hủy bỏ, theo lời ông Giáp, vì các chuyên gia COMECON thấy những nguy hại cho môi trường sống quá lớn so với những lợi ích kinh tế.

Tại sao Trung Quốc có thể chấp nhận một dự án kinh doanh mà khối COMECON đã phải bỏ vì thấy không có lợi? Vì việc khai thác bauxite ở Tây nguyên hoàn toàn có tính cách sơ đẳng. Theo ông Nguyễn Thành Sơn, công ty khai thác chỉ đào quặng mỏ lên, biến chế thành chất alumina, rồi alumina được chuyên chở ra nước ngoài để tạo thành nhôm. Khúc đó mới là khúc sinh lợi, người nước ngoài sẽ hưởng.

Cách khai thác như vậy khiến cho chi phí chuyên chở là một khoản chi tiêu rất lớn, nhất là vào thập niên 1980 khi khối COMECON và Liên Xô còn yếu về hàng hải thương thuyền và không sẵn bến cảng trong vùng nước ấm. Cứ 4 tấn quặng bauxite thì tạo được 2 tấn alumina, từ đó làm ra một tấn nhôm. Cho nên việc chuyên chở alumina từ Việt Nam qua vùng Hắc Hải và biển Caspian bên Nga gây tốn phí; khiến hồi đó khối COMECON không muốn khai thác bauxite ở Việt Nam nữa.

Nhưng hiện nay Trung Quốc ở sát bên nước Việt Nam, và kỹ thuật vận tải của loài người đã tiến bộ, giảm được rất nhiều chi phí. Cùng lúc đó, Trung Quốc đang có chiến lược tấn công tất cả các nước Á Châu, Phi Châu và Châu Mỹ La Tinh để tìm tất cả các loại quặng mỏ kim loại, dầu lửa, vàng và kim cương, vân vân mà họ có thể mua được. Năm 2007 nước Mỹ mua 22% số dầu lửa xuất cảng của châu Phi, còn Trung Quốc mua 28%. Trung Quốc ủng hộ các chế độ độc tài diệt chủng ở Sudan vì mua 60% số dầu lửa xứ này bán ra ngoài. Họ bảo vệ nhóm quân phiệt ở Myanmar vì đây là nơi họ được quyền khai thác gỗ quý, đá, lúa gạo và ngọc thạch.

Trung Quốc lại đang lo bảo vệ tài nguyên khoáng sản trong nước họ, cho nên càng cần phải tìm thêm ở bên ngoài. Giáo sư Chen Qiyuan (Trần Khải Nguyên) thuộc Ðại học Trung Nam ở thành phố Tràng Sa đứng đầu một chương trình mang số 973 chỉ nghiên cứu việc đi tìm nguyên liệu khoáng sản. Ông cho biết các mỏ đồng của Trung Quốc chỉ còn hoạt động được 12 năm nữa thôi, nếu tiếp tục khai thác theo nhịp độ hiện nay. Mỏ kẽm còn được 18 năm và mỏ kền sẽ tồn tại được 40 năm rồi hết. Cho nên Trung Quốc phải nỗ lực đi tìm các nguồn cung cấp mới. Hiện nay họ sử dụng 30% số kẽm, 25% số chì và 25% số nhôm của cả thế giới.

Trung Quốc chú trọng đến việc xây dựng nhiều nhà máy thép và nhôm trong chiến lược phát triển của họ. Năm 2004 Trung Quốc sản xuất 6.7 triệu tấn nhôm, năm 2008 đã lên trên 13 triệu tấn, và còn lên nữa. Cho nên họ sẵn sàng trả bất cứ giá nào, mua chuộc, hối lộ bất cứ ai để đạt mục đích tăng sản xuất, giữ việc làm cho công nhân. Các công nghiệp tại Trung Quốc cũng ngày càng sử dụng nhiều nhôm hơn. Năm 2002 họ dùng 4.3 triệu tấn nhôm, năm 2005 dùng 6 triệu tấn, và dự trù đến năm 2010 sẽ dùng tới 8.8 triệu tấn.

Nhưng Bắc Kinh vẫn phải tìm tài nguyên ở nước ngoài vì họ cũng đang đóng cửa nhiều mỏ bauxite trong nước, khi chúng gây tai hại cho dân Trung Quốc. Tháng Hai năm ngoái, Trung Quốc ký một thỏa hiệp khai thác bauxite ở cao nguyên Boleven, tỉnh Champassack thuộc nước Lào, ba tháng trước khi bắt tay với các ông Nông Ðức Mạnh và Nguyễn Tấn Dũng để bước vào Tây nguyên Việt Nam. Trong bản tin chính thức VNN của chính quyền Việt Nam, khi loan tin ngày 17 tháng 12 năm 2008, cho phép Trung Quốc khai thác mỏ bauxite ở hai huyện Quảng Yên và Phúc Hòa, tỉnh Cao Bằng, đã tiết lộ rằng “Gần đây Trung Quốc đã đóng cửa một trăm mỏ bauxite vì những ảnh hưởng ô nhiễm tai hại môi trường nghiêm trọng.” Bài tường trình của Gia Ðịnh trong tuần qua trên Nhật báo Người Việt cũng cho biết mỏ bauxite ở Nhữ An, Trung Quốc đã đóng cửa sau một năm hoạt động, vì nguồn nước bị ô nhiễm nặng nề, sinh ra nhiều chứng bệnh lạ.

Nhưng Trung Quốc sẵn sàng khai thác bauxite ở Việt Nam, một nguồn tài nguyên mà họ đã chú ý tới từ lâu. Cũng như họ đã nhắm vào những mỏ đồng, mỏ cobalt, tantalum ở xứ Congo. Tại Congo, cũng như tại Việt Nam, đã nhiều nhà trí thức lên tiếng báo động về việc chính quyền bán rẻ tài nguyên quốc gia cho Trung Quốc. Luật Sư Kapiamba đã yêu cầu thành lập một ủy ban các luật gia độc lập người Congo để nghiên cứu và thẩm định giá trị của những hợp đồng ký kết giữa nhà độc tài Joseph Kabila và chính quyền Bắc Kinh. Không biết sau khi lên tiếng phản đối, các nhà trí thức Việt Nam có khả năng thành lập một ủy ban điều tra độc lập về vụ bán tài nguyên của dân tộc cho nước cộng sản láng giềng phương bắc hay không?

Năm ngoái khi Trung Quốc thành lập quận Tam Sa ở tỉnh Hải Nam để chính thức hóa chủ quyền của họ trên các quần đảo của nước ta ngoài biển Ðông, người Việt ở trong nước và ngoài nước đã gây một phong trào phản đối. Lúc đó không ai chú ý đến cuộc đột kích khác của Trung Quốc đem mấy trăm chuyên viên kỹ thuật âm thầm tiến vào Tây Nguyên khai thác mỏ bauxite! Nhà thơ Bùi Minh Quốc thống thiết báo động “diễn biến hòa bình” của cộng sản Trung Hoa nhằm chiếm trọn Hoàng Sa và Trường Sa; ông cũng quên không nhắc đến việc họ tiến chiếm những mỏ bauxite ở Ðắc Nông và Cao Bằng. Rõ ràng là các đồng chí Trung Quốc đã dùng mẹo “dương Ðông kích Tây!”

Khi một nước đặt dưới quyền cai trị của một đảng độc tài, chỉ cần nắm đầu được đảng đó là nắm vận mạng quốc gia của họ. Bao giờ chấm dứt chế độ độc tài thì mới bảo vệ được chủ quyền và tài nguyên của dân tộc. Người Congo cũng thông minh như người Việt Nam, cả hai đều biết như vậy! Vậy bao giờ chế độ độc tài mới chấm dứt? Có thể người Congo sẽ đi trước người Việt Nam!

Ngô Nhân Dụng