Translate

Tuesday, September 18, 2012

Thao Thao - Phê phán ông Hồ thế nào cho thuyết phục?


Thao Thao
Bài viết được gửi tới Dân Luận qua đường email. Mời độc giả tham khảo cách gửi bài viết tới Dân Luận ở đây: Hướng dẫn gửi bài
Tôi từng viết bài chê ông Hồ nên đã đọc kỹ nội dung (và bằng chứng) nhiều bài khác cũng lên án ông. Từ phê phán lặt vặt đến lên án rất nặng nề.
Lớn nhất là kết tội ông Hồ theo cộng sản và đem chủ nghĩa này du nhập Việt nam. Từ đó, mà mọi tai hoạ xảy ra. Tuy vậy, hãy đếm xem trong toàn bộ các bài viết của ông Hồ (năm ngàn trang) có bao nhiêu lần ông nhắc tới các từ “chủ nghĩa Mác - Lê Nin” và XHCN. Té ra, chúng quá ít so với các vị Lenin, Stalin, Mao, Kim, Fidel, thậm chí ít hơn cả Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng… (chỉ tính từ năm 1969 trở về trước).
Nhỏ nhất là phê phán ông Hồ có cuộc sống riêng tư không đạt mức như một… vị thánh. Nhưng chúng ta lấy quyền gì mà bắt ông phải là thánh? Nếu chúng ta định phê phán đảng CS (cứ tôn ông lên bậc thánh) thì can gì đến ông? Nếu lại cố tìm thêm vài chi tiết để phê phán chính ông Hồ, xét ra vẫn chỉ đáng xếp vào phần “lặt vặt” trong khuyết điểm của một chính khách lớn, một nhân vật lịch sử mà thôi.
Thú thật, hồi ấy tôi vẫn còn cảm tính khi phê phán. Ví dụ, khi thấy ông Hồ tự lăng-xê bản thân bằng viết sách đề cao mình, tôi kết luận là giả dối, thủ đoạn. Nhưng rồi tôi không phản biện nổi khi có người chỉ cho tôi thấy chán vạn chính khách có những cách rất sáng tạo để tự quảng cáo bản thân. Vấn đề là khi tự quảng cáo có bịa ưu điểm để tự tâng bốc không. Và có vu cáo, bôi nhọ đối thủ hay không. Thế thôi. Cách ta 600 năm, cụ Nguyễn Trãi đã từng tự quảng cáo, được lịch sử thán phục. Có sao đâu?
Tôi coi là “tép” những lời bênh vực ông Hồ của đám cộng sản độc tài đang đương quyền, thực chất là mượn “thần tượng Hồ” để cố duy trì quyền lực. Nhưng tôi không dám coi thường những người cộng sản (như tướng Nguyễn Trọng Vĩnh) và không cộng sản (như bác Hà Văn Thịnh). Họ đáng kính (đã đành) mà họ cũng có quyền giữ quan điểm riêng của mình: Họ mến phục ông Hồ, vì ông… yêu nước chứ không phải vì ông Hồ mặn mà với lý tưởng CS. Nếu họ bị thuyết phục, thì chắc chắn vị thần tượng này sẽ đổ kềnh. Liệu cách chửi bới thô thiển có đem lại kết quả mong đợi?

Những chuyện chưa thật là lớn?

Một số bằng chứng được nhiều người nhắc đi, nhắc lại, nhưng người nghe (nếu bình tĩnh suy nghĩ) thì chưa thể thật “thông suốt”. Các bằng chứng này, về cảm tính, có thể góp phần làm chao đảo một thần tượng (mà chúng ta rất muốn hạ bệ) nhưng về lý trí thì chưa thể làm sụp đổ thần tượng đó. Ngược lại, chỉ cần một-vài bằng chứng chưa thật thuyết phục, kèm với văn phong thô lỗ, bàn luận khiên cưỡng thì người đọc (về mặt cảm tính) có thể không còn tin tưởng mọi bằng chứng khác mà tác giả đưa ra nữa. Vài ví dụ:
- Ông Hồ xuất dương để… kiếm sống, đâu phải để tìm đường cứu nước (xin học trường Thuộc Địa - nhưng bị từ chối). Thế thì đã sao? Thiếu gì chuyện một người ban đầu tư cách không ra gì, hoặc chỉ có mục đích tầm thường, nhưng sau thành người tốt? Nếu sinh thời ông Hồ cứ bai bải chối chuyện này thì mới thành chuyện. Nhưng lại không có bằng chứng ông Hồ phủ nhận chuyện này. Còn việc đảng CS muốn che dấu (để thần thánh hoá) thì ta tha hồ phê phán đảng CS, mà không nên lên án ông Hồ.
- Để việc thần thánh hoá được trọn vẹn, các đảng CS ở các nước nông nghiệp (Nga, Tàu, Triều Tiên, Việt Nam) đều chơi trò ướp xác lãnh tụ để thờ phụng. Họ khôn lắm. Họ biết rằng trong đầu óc người tiểu nông phải có một vị thánh.
Nhưng chuyện có thật là Lênin và Hồ Chí Minh đều có di chúc muốn được chôn, hoặc hoả táng. Tôi chưa có bằng chứng Stalin, Mao, Kim có muốn ướp xác hay không, hay là bọn thủ hạ tự ý làm? Nếu vậy, thì đám thủ hạ mới là đối tượng cần phê phán, còn người chết thì vô tội trong chuyện này. Tôi đã từng có bài gọi di hài của ông Hồ là “cái xác thối tha”. Nay tự thấy xấu hổ.
Tôi được xem một cuốn phim dân chúng khóc lóc thảm thiết khi ông Hồ mất; một cuốn phim khác dân chúng vui mừng nồng nhiệt khi được tin đảng CS quyết định giữ lâu dài thi hài ông Hồ. Đến nay, tâm lý mê tín này đã hết chưa?
Khi ấy, có lẽ ai xúc phạm ông Hồ nửa câu, sẽ bị dân thù ghét đến xương tuỷ.
Tôi đã hỏi han nhiều người thuộc thế hệ trước, tất cả đều thừa nhận tình cảm của mình với ông Hồ là chân thật, tự đáy lòng.
Năm 1945-46, ông Hồ 55 tuổi, ông nội tôi 29 tuổi, cha tôi 8 tuổi. Khi thấy cha tôi gọi ông Hồ là “bác”, ông nội tôi đã mắng “không được hỗn”. Té ra, khi đó, ông Hồ chỉ xưng “bác” với thiếu nhi. Bài hát của thiếu nhi cũng gọi ông là “bác”. Với bác sĩ Tôn Thất Tùng 33 tuổi, ông Hồ gọi là “ngài”. Về sau, với các thành viên chính phủ, nếu ai kém ông Hồ trên 19 tuổi, ông coi như em, xưng hô là “bác” và “các chú”.
Vậy mà, có lần tôi đã nghe người ta mà… chửi ông Hồ là dám xưng “bác” với toàn dân. Viết bậy bạ như thế làm sao thuyết phục các vị cao tuổi?
Lại còn cái chuyện ông Hồ tự coi mình là “cha già dân tộc” nữa chứ. Cho đến khi có người ấn vào mặt tôi bài viết xa xưa của Phạm Văn Đồng: chính ông này mới là người có lỗi. Sau đó, nhiều người có lỗi là cứ thế gọi theo. Nhưng thập niên 50, bài hát của Đỗ Nhuận (mà tôi đã nghêu ngao, thuộc lòng, nhưng không hiểu hết ý), lại có câu: “Hồ Chí Minh – con yêu của dân”. Dẫu sao, chính ông Hồ khi viết sách về mình, do muốn giấu tên, đã dùng “cha già dân tộc”, khiến hồi ấy mọi người cho rằng tác giả là Phạm Văn Đồng. Việc này, ai muốn lên án, hay bênh vực đều có thể đưa ra lý lẽ. Cãi nhau đến… Tết không xong. Sa đà vào đây làm gì?
Tóm lại nhé: Tôi tự nhủ, mình đang sống trong nước, hãy hỏi han cho kỹ bối cảnh rồi hãy viết, tránh đưa ra những “bằng chứng” thuần tuý kiếm ở văn bản + tự suy luận. Có như vậy mới thuyết phục được người khác.
Còn ngày nay thì sao? Thì… tha hồ rủa ông Hồ, miễn là dùng nick (như tôi đây), hoặc đang sống ở nước ngoài. Chúng ta mong muốn dân chúng tỉnh ngộ, khỏi sùng bái ông Hồ (mà đảng CS đặt làm thần tượng để mê hoặc dân, thậm chí còn đặt tượng ông lên chùa). Khốn nỗi, vẫn còn tới 70% dân chúng (ít học) quý trọng ông Hồ. Mà đây chính là lực lượng chủ yếu sẽ làm thay đổi chế độ. Chính tôi chứng kiến dân oan nói rằng nếu còn cụ Hồ thì bọn cầm quyền hiện nay không thể làm bậy (!). Khổ thế!!! Hễ ai nói xấu ông Hồ, họ không thèm nghe.
- Ông Hồ có nhiều ngày sinh nhật, nhiều tên? Đó là sự gian dối, lắt léo, của một con người đầy thủ đoạn? Có thể lắm (99%). Nhưng cũng có thể (1%) thời đó chưa có giấy khai sinh, lúc mới sinh gọi bằng tên này, khi đi học gọi bằng tên khác..., ra đời lại tên khác nữa… Rồi, khi hoạt động bí mật, khi viết báo (có cả báo "chui")…
Liệu có thể dùng chuyện “lắm tên, lắm ngày sinh” để đánh đổ một nhân vật lịch sử (như tôi đã làm) hay không?
- Ông Hồ rành rành có vợ là bà Tăng Tuyết Minh mà không dám nhận? Ai không dám nhận? Bản thân ông Hồ, hay đa số trong bộ chính trị không cho ông nhận (theo nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số của chế độ Tập trung - Dân chủ)? Cãi nhau có mà đến Tết.
Tôi tin rằng sẽ tới ngày các tài liệu lưu trữ của đảng CSVN được giải mật để có bằng chứng kết tội hay xoá án cho ông. Tóm lại, phải đợi thì hơn là rỗi rãi cãi nhau.
- Một số chuyện khác về quan hệ tình ái (nếu có) cũng không lớn - chỉ ngang với chuyện tổng thống Clinton có quan hệ tình dục ngoài hôn nhân - tôi đã được đọc khá đủ, xin không nhắc ở đây.
Ngay cả chuyện ông viết sách “tự ca ngợi”, suy cho cùng chẳng qua chỉ là chuyện tự giới thiệu mình của một chính khách… Giống như ngày xưa cụ Nguyễn Trãi đã làm: Cụ dùng mỡ viết lên lá cây 8 chữ, để sâu ăn, khiến mọi người tin rằng đó là do “Trời đã định” (Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần).
Tóm lại, trên đây là những chuyện chưa đủ lớn để làm đổ thần tượng.
Muốn hạ thần tượng của đảng CS, phải nhằm vào những chuyện lớn
- Ông Hồ tuyên bố (đại ý): Về lý luận thì cụ Stalin và cụ Mao đã viết hết cả rồi, tôi không còn gì để viết nữa. Hoàn toàn xác thực. Ông Hồ dẫu sống lại cũng không thể chối cãi câu này. Nhưng "lý luận" đây là lý luận gì? Câu trả lời duy nhất: Đó phải là "lý luận Mác-Lê" (vì chả lẽ một lãnh tụ Cộng Sản lại viết lý luận phi CS?).
Thế là, lên án hay bênh vực, đều được. Nếu thâm tâm ông Hồ không theo Mác - Lê Nin thì câu ông trả lời (ở trên) lại là cách nói cực kỳ thông minh. Vừa tỏ ra khiêm tốn, vừa nói sự thật (không ham lý luận Mác - Lê), mà vẫn an toàn trước các “đồng chí” trong nước và quốc tế. Không viết lý luận, nhưng ông có hàng ngàn bài để lại (tôi không đọc) thể hiện suy nghĩ của ông. Tư tưởng của ông Hồ (nếu có một hệ tư tưởng) nằm ngay trong những bài viết của ông, ngoại trừ những bài gượng gạo (bài Địa chủ ác ghê).
Tôi nghĩ, muốn chứng minh ông có “tư tưởng” hay không, cần khai thác các bài đó. Nhưng chưa thấy ai (ở phe ta) làm một cách tỉ mỉ, công phu và khoa học để chứng minh ông chẳng có tư tưởng quái gì hết.
- Ông Hồ bị kết tội “mang chủ nghĩa Mác - Lê Nin vào VN”. Đây là loại bằng chứng rất mạnh, nhất là từ khi EU chính thức có nghị quyết lên án tội ác của chế độ CS. Nhưng vẫn có nhiều dẫn chứng, nói lên rằng các vị trong đệ tứ quốc tế mới thật sự làm được việc này (Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm…). Còn cái “chủ nghĩa Mác Lê mà ông Hồ thể hiện trong Chính cương 1930 thì chỉ ít tháng sau đã bị đàn em (Trần Phú, Hà Huy Tập…) theo lệnh Stalin sổ toẹt, không thương tiếc. Trần Phú, Hà Huy Tập - những trí thức trẻ, cấp tiến, tín đồ của giáo lý Mác-Lê - đã phê phán nặng nề ông Hồ. Nay còn bằng chứng hẳn hoi, nhưng đảng CS vẫn nửa kín, nửa hở. Khi ông Hồ đã là chủ tịch nước, chủ tịch đảng, các vị cùng thế hệ Trần Phú vẫn vây quanh ông Hồ (ông Lê Duẩn, Lê Đức Thọ…).

Phe bênh vực ông Hồ nói gì?

Đánh đổ các luận điểm của phe bênh ông Hồ cũng là điều cần làm.
Nhiều điều “bênh vực ông Hồ” do phe đối lập đưa ra, tôi muốn bác bỏ, nhưng chưa đạt 100%, mà chỉ ở mức 51 tới 99% mà thôi. Xin quý vị “phe ta” giúp thêm vào.
Khi chiến tranh thế giới 2 sắp kết thúc, ông rất nhiều lần liên lạc với tổng thống Mỹ để tìm kiếm sự ủng hộ. Đây là lãnh tụ CS duy nhất “điên” mà làm như vậy. Nhất là khi đảng CS Tàu và Nga nằm ngay sát nách? 
- Khi chiến tranh thế giới 2 sắp kết thúc, ông rất nhiều lần liên lạc với tổng thống Mỹ để tìm kiếm sự ủng hộ. Đây là lãnh tụ CS duy nhất “điên” mà làm như vậy. Nhất là khi đảng CS Tàu và Nga nằm ngay sát nách? Các đảng khổng lồ này vừa là nguồn viện trợ rất quyết định (nếu đi theo họ), đồng thời cũng là mối đe doạ “chết người” (nếu ông Hồ tỏ ra xa dời lý tưởng CS). Sao ông dám liều vậy?
- Khi đã có độc lập (1945), đảng CS đã có chính quyền, liệu có lãnh tụ CS nào dại dột tuyên bố “giải thể đảng”? Sao… ngu đến mức tự mình nhổ vây, bẻ cánh của chính mình, trong khi các đảng đối lập ở Việt nam lại ra sức củng cố vây cánh?
Vậy thì, ông giải thể đảng của mình (dù là giả dối) nhằm để tranh thủ ai? Câu trả lời của phe bênh ông Hồ là: “Để tranh thủ ai khác, chứ nhất định không phải để tranh thủ Stalin và Mao Trạch Đông”. Chỉ biết rằng khi được phục hoạt, cái đảng CS này bỗng đổi tên là Lao Động, và chỉ hoạt động ở VN (thay vì Đông Dương).
- Ông Hồ có mặt ở Liên Xô lâu đến vậy, mà địa vị trong Quốc Tế CS lại thua xa mấy vị hậu sinh (Lê Hồng Phong, Trần Phú…). Rõ ràng Stalin đã nhìn ra chân tướng ông. Phải chăng, háo hức đem chủ nghĩa Mác-Lê vào VN chính là các vị trí thức trẻ tuổi và hăng tiết này? Nhưng họ cũng không thể nhận vinh dự là “đầu tiên” đưa chủ nghĩa Mác Lê vào VN đâu.
- Ai có dịp may được viết Tuyên Ngôn Độc Lập cũng muốn đưa hết tâm tư, hoài bão, chí hướng và hiểu biết của mình vào đấy. Và mong nó trường tồn.
Ông Hồ ở Liên Xô từng ấy năm, thạo tiếng Nga (đã học trường Đông Phương đào tạo cán bộ CS), còn lạ gì bản Tuyên Ngôn của nước Nga XHCN do đích thân Lênin thảo ra, với ý đồ muốn nó hơn hẳn Tuyên Ngôn tư bản?
Vậy sao ông Hồ không trích dẫn nửa câu Tuyên Ngôn của Liên Xô, mà lại trích dẫn đầy đủ câu cốt lõi nhất trong Tuyên Ngôn của Mỹ?
Tôi thật khó hiểu cho cái ông Cộng Sản “xuất chúng và lỗi lạc” này (lời ca ngợi của đảng CS VN). Tôi nghĩ mãi, chưa có cách nào làm cho cái “văn bản lịch sử” này hết trường tồn, để… theo đó, tên tuổi ông Hồ cũng mai một đi. Chỉ tiếc rằng sức mình không làm nổi, mà trông cậy vào các bằng chứng sẵn có thì vẫn thấy… thiêu thiếu thế nào ấy.
- Càng khó hiểu hơn, tuy ông được Đảng CS VN ca ngợi là học trò xuất sắc của Lênin; vậy mà lại soạn hiến pháp Hiến Pháp 1946 - rất phản Lê nin, phản đường lối đấu tranh giai cấp và chuyên chính vô sản. Nội dung và tinh thần của nó khác quá xa bản hiến pháp Liên Xô 1924, nhưng lại rất gần các hiến pháp tiến bộ khác. Đây là công trình cả đời người, không phải chuyện giả vờ mà được. Hẳn là ông ý thức rằng hậu thế có thể khen chê khi ông không còn sống trên đời nữa.
Ghét ông, tôi chỉ muốn quên hoặc xoá cái câu “nước độc lập mà dân không tự do thì độc lập cũng không ý nghĩa”, hoặc câu “không gì quý hơn độc lập tự do”… mà tài sức không làm nổi. Người Macxit với lý tưởng “thế giới đại đồng” không nói những câu như thế.
Khá am hiểu đạo Khổng và Nho học, ông Hồ hay trích các câu danh ngôn của Tàu. Tôi đã lên án ông Hồ là… ăn cắp. Ông nội tôi mắng: Sao cháu ngu thế, cả nước ta có thói quen dùng danh ngôn mà không cần chú thích; ví dụ câu ông nội vẫn nói: Nhân bất học, bất tri lý; hoặc Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân… cần gì phải nói nguồn gốc? Nhưng trong văn bản quan trọng (Di Chúc) khi trích thơ, ông Hồ đã nói rõ nguồn.
Tôi nghiệm ra: mình “ngu” là do… ít tuổi. Đến bác Lữ Phương (lứa tuổi 70), khi tôi hỏi ý kiến ông nội, còn bị ông nhận xét là bác này đã “đặt sự kiện ra khỏi bối cảnh của nó”.
- Bài đầu tiên, tôi đã chê “sáu điều” ông Hồ dạy thiếu nhi, chủ yếu là Điều 1: Chỉ dạy “yêu nước, yêu dân” mà không nhắc gì tới cha mẹ, ông bà. Ông nội tôi hỏi lại: Nếu Điều 1 thay bằng “yêu đất nước, yêu cha mẹ” (chỉ 6 chữ thôi nhé) có ổn không?
Vả lại, dù có đáng phê phán gì gì đi nữa, thì chúng ta không thể phê phán 6 điều này là mang ý thức hệ cộng sản được.
- Di Chúc là tâm trạng và suy nghĩ thật của người sắp chết. Đã từng viết hàng ngàn bài báo, sao ông cứ loay hoay mấy năm trời với bản Di Chúc chỉ có vài trang? Liệu ông Hồ có nhu cầu viết ra suy nghĩ và tâm trạng thật của mình (nghĩa là viết cho hậu thế)? Nếu có, ông rất hiểu rằng phải có chữ ký của ông Lê Duẩn thì di chúc mới được công bố. Ông có quyền không viết di chúc, nhưng có lẽ ông muốn đời sau hiểu ông (tuỳ ý khen chê) nên ông đã viết. Vâng, cứ viết. Còn chuyện công bố thì phải có ý kiến của đảng. Có lẽ loay hoay là do vậy.
Ghét ông, tôi chỉ có thể phê phán ông là… đồ hèn. Nhưng phê như thế, liệu có làm đổ được một nhân vật lịch sử?
Thành thật mong chờ quý vị.
Thao Thao

3 comments:

Sông Quê Êm Đềm said...

Cảm ơn tác giả Thao Thao! Tôi đã khóc khi đọc bài viết này. Tôi cũng đã ở vào tuổi "Ngũ thập nhi tri thiên mệnh", làm sao không thấu hiểu được cái gọi là "thần tượng"; là "sùng bái cá nhân" ở đất nước đau thương của tôi trong nhiều năm qua...
Và bài viết của Thao Thao là tất cả những điều tôi muốn nói với bạn tôi, tôi đã từng chua xót mà nói với anh ấy "Hồ Chí Minh là vị vua bất hạnh nhất trong lịch sử Việt Nam".

Nhà thơ trác việt Nguyễn Du đã đem dòng lệ huyết tự tâm can mà viết nên câu "Bất tri tam bách dư niên hậu, Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?". Đã có lúc tôi tự hỏi " Sao HCM trước khi chết lại không nói một câu như thế?", và vì thế mà tôi càng đau xót tự nhủ "Thiên hạ bao giờ thì có người khóc Hồ Chí Minh?"
Còn tôi, dẫu có vì thế mà anh ấy ghét tôi thì tôi cũng vẫn khóc cho vị Vua bất hạnh nhất trong lịch sử Việt Nam này.

phivu56 said...

Đối với tôi, HCM chỉ là một thằng chó chết treo đầu dê, bán thịt chó, một tên tội đồ dốn mạt nhất của dân tộc Việt Nam.

Hiền Giang said...

Trong bài viết có một câu mà tôi tâm đắc nhất "...nhưng có lẽ ông muốn đời sau hiểu ông (tuỳ ý khen chê)" vì vậy tôi chỉ bày tỏ suy nghĩ của mình chứ không có ý tranh luận với ai cả. Ai cũng có thể kiên định quan điểm của mình.
Lịch sử sẽ phán quyết.