Translate

Monday, May 23, 2011

Paulus Lê Sơn - Tri thức ‘bằng giả’

Paulus Lê Sơn
bang-gia.jpg
Bằng tốt nghiệp bổ túc THPT giả của một số cán bộ, giáo viên ở Sóc Trăng. Ảnh: Thiên Phước
Một facebooker đã than thở trên trang của mình rằng “Hết đại biểu quốc hội sử dụng bằng giả, giáo sư tiến sĩ với những học hàm, học vị giả. Giờ ngay cả bác sĩ cũng dùng bằng giả.
Ở VN cái gì cũng có thể giả”, và người này trích dẫn một nguồn tin từ một trang báo do nhà nước kiểm duyệt cho hay nhiều nhân viên y tế có sử dụng bằng giả.
Lần theo nguồn trích dẫn của facebooker có lời than thở đó thì tìm đến trang thanhnien với tựa đề “nhiều nhân viên y tế dùng bằng giả” được cập nhật lúc 0giờ 45 phút ngày 23/05/2011. Bản tin cung cấp thông tin nói rằng chính quyền Quảng Bình đã phát giác nhiều người đang công tác trong lãnh vực y tế sử dụng bằng giả. Bài báo cho biết cụ thể “hầu hết các trường hợp này đều được tuyển dụng vào các vị trí liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng người khác như nhân viên y tế học đường, văn phòng trường học, y tế xã”.
Có cảm giác ớn lạnh chạy dọc xương khi tiếp cận thông tin này. Những người hành nghề được coi là ‘lương y như từ mẫu’ mà lại có ‘ý thức’ dùng bằng giả.
Ai kiểm chứng những người này có chuyên môn gì trong nghề nghiệp của mình? nhưng xét trên bình diện đạo đức họ sử dụng bằng giả để hành nghề trên sự sống của người khác liệu đã xứng đáng chưa ?
Phần đương sự sử dụng bằng dởm để hoạt động và tiến thân nhất là trong lĩnh vực y tế khiến cho nhiều người giật mình đã đành. Nhưng thử hỏi tại sao họ sử dụng bằng giả như vậy mà có thể được hoạt động trong ngành y tế. Ai đã chấp bút ký quyết định cho họ? hay phải chăng cách làm việc của sở y tế Quảng Bình, yếu kém và cẩu thả? hoặc vì một hay nhiều lí do nào khác?
(Bằng Giả). Ngày 22/10, Sở Y tế Thanh Hoá - Ảnh: internet
Sở y tế Quảng Bình nghĩ như thế nào về mạng sống con người, nghĩ gì về lương tâm của người thầy thuốc. Hay không thể phân biệt đâu là người thật, bằng thật, đâu là người giả bằng dởm.
Mạng người nếu trao cho những con người khoác áo bác sĩ y tá mà mang bằng dởm thì chắc có đến ra ma luôn.
Y tế mà có những lương y giả thì sức sống của cái xã hội đó căng tràn hay èo uột, chết chóc ?
Trước tới giờ xã hội thường chỉ biết đến vấn nạn tham nhũng trong y tế mà báo chí đã nhiều lần chỉ mặt đặt tên. Khi có bệnh nhân buộc phải vào bệnh viện, muốn cho bệnh nhân được chăm sóc tốt thì một khoản không nhỏ lót tay cho bác sĩ, y tá ngoài việc phải lo tất tần tật viện phí, dịch vụ viện phí. Nhưng nay, thì lại tòi thêm ra cái ‘bệnh bằng giả’ trong lãnh vực y tế.
Phải chăng bây giờ những người được coi là trí thức trong xã hội lại mang ‘căn bệnh bằng giả’? Nếu nói thế này thì thật hàm hố, có rất nhiều trí thức thật sự bằng cả tâm huyết, trí tuệ của mình cống hiến cho công việc. Nhưng quả thật nhiều quá những con người mang danh trí thức mà lại là trí thức bằng dởm.
Hết y tế chuyển đến giáo dục, trên Vnexpress ngày 08/4/2011 đưa tin “hơn 280 cán bộ, giáo viên ở Sóc Trăng xài bằng giả”. Thậm chí ngay tới bằng phổ cập giáo dục bổ túc cũng chơi hàng giả luôn. Bài báo cho hay “Sau hơn một năm kiểm tra bằng cấp, tỉnh Sóc Trăng phát hiện có 284 cán bộ sử dụng bằng cấp không hợp lệ, trong đó có 107 viên chức do ngành giáo dục quản lý. toàn tỉnh Sóc Trăng có đến 284 cán bộ sử dụng bằng giả, trong đó có 107 viên chức của ngành giáo dục”.
Giáo dục mà có những nhà sư phạm giả thì đào tạo ra những sản phẩm thật hay giả cho tương lai đất nước ?
Tại Việt Nam đi ra ngoài đường, trong mái trường, các công sở công nơi đâu cũng có đầy rẫy khẩu hiệu được định danh là chúng ta đang sống trong thể chế XHCN. Tấm gương, tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh được quán triệt một các sâu sắc, rộng khắp và thực tiễn trên mọi mặt trận, ban nghành, đoàn thể.
Có nhiều người cho rằng, bằng giả đang là xu hướng thời thượng tại Việt Nam, rất được ưa chuộng ?. Bằng giả không biết có sức mạnh thế nào mà leo cao, leo sâu lên đến tận chức danh thứ trưởng cũng sử dụng. Blogger Mai Thanh Hải đến từ Hà Nội đã dám chỉ đích danh ông Nguyễn Văn Ngọc tân Phó Bí thư Đảng ủy Khối cơ quan doanh nghiệp Trung ương lấy bằng Tiến sĩ chỉ trong 6 tháng trong bài “Tân thứ trưởng: Bằng dởm, trường giả”.
72195_a4.jpg
Tân "Thứ trưởng Bằng dỏm" Nguyễn Văn Ngọc (áo trắng, bên trái): Ảnh - Blog Mai Thanh Hải
Blogger này đã chỉ ra những điều phi lý trong cái bằng tiến sĩ 6 tháng của ông tân thứ trưởng. Trong bài viết đã cung cấp thông tin về trường mà ông thứ trưởng học lại là một trường giả. Bài viết cung cấp nhiều thông tin, khá chi tiết xoay quanh cái bằng tiến sĩ 6 tháng của ông Ngọc. Chưa rõ bài viết trên Blog Mai Thanh Hải có độ tin cậy như thế nào, nhưng cũng không thấy ông tân thứ trưởng Ngọc có cái bằng tiến sĩ trong vòng 6 tháng minh bạch cho dư luận tỏ tường.
Như một hệ thống dây truyền máy móc được mặc định sẵn chỉ việc bấm nút là vận hành trong cơ quan công quyền, xuống cấp thấp hơn lại có “dùng bằng giả vẫn được làm chủ tịch xã” xảy ra tại Thanh Hóa. Ngày 20/05/2011, trên trang điện tử Tinmoi đưa tin về sự kiện ông Trịnh Trung Duy – Phó Bí thư Đảng ủy,Chủ tịch UBND xã Yên Lạc sử dụng bằng giả bị phát giác những vẫn được ‘ưu ái’ đảm nhiệm chức vụ.
Ông Trịnh Trung Duy - Phó Bí thư Đảng ủy,Chủ tịch UBND xã Yên Lạc
Bài báo mô tả hành vi sử dụng bằng giả của ông Duy “Do không có bằng tốt nghiệp THPT, ông Duy đã lấy bằng của người khác rồi dán ảnh, thay tên của mình vào và đem photocopy, đóng dấu công chứng “sao y bản chính” lên tấm bằng giả để nộp lên cấp trên. Tuy nhiên, việc làm giả bằng tốt nghiệp THPT của ông Duy đã bị cán bộ tiếp nhận hồ sơ huyện Yên Định phát giác”.
Nhưng về phía chính quyền giải thì giải thích việc ông Duy vẫn được đảm nhiệm chức vụ Chủ Tịch UBND xã Yên Lạc. Bà Ngô Thị Hoa – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Yên Định, cho biết: “Việc Ban Thường vụ Huyện ủy xử lý theo hình thức cảnh cáo là phù hợp. Sau khi xử lý kỷ luật về mặt Đảng, thì phải chuyển hồ sơ sang chính quyền để xử lý tiếp. Tuy nhiên, việc chuyển hồ sơ sang chính quyền là hơi chậm, hiện nay chúng tôi vẫn đang tiến hành xử lý tiếp”.
Nếu bằng giả vẫn được nuôi dưỡng và con người sử dụng bằng giả vẫn được tiếp tay, tiến thân thì e rằng một ngày nào đó xã hội Việt Nam như một con thiêu thân lao đầu vào bóng đèn mà tự tử.
Đâu đó có một vài cụm từ nói rằng “một thầy thuốc dở và sai lầm có thể giết chết một mạng người, một nhà giáo dở và sai lầm có thể giết chết một thế hệ nhưng một chính trị gia, một lãnh đạo mà dở và sai lầm có thể giết chết cả một dân tộc”. Người mà có chủ định sử dụng bằng giã trong công việc và để tiến thân thì có dở và sai lầm không ?. Nếu đó là sự thật và đang diễn ra thì quả thật là một mối nguy hiểm lớn cho nhân dân và tổ quốc, dân tộc Việt Nam.
Hà Nội, 24/05/2011
Paulus Lê Sơn

No comments: