Translate

Sunday, May 22, 2011

Độc quyền yêu nước và nguy cơ

Theo Bauxite Việt Nam
PV Quốc Doanh

Một kỳ họp Quốc Hội ở Hà Nội. AFP
Một kỳ họp Quốc Hội ở Hà Nội. AFP
Mỗi con người hiểu rõ mình qua những thành công và cả thất bại. Một tổ chức, một dân tộc cũng vậy. Đảng cộng sản Việt Nam lâu nay tự coi như một tổ chức lãnh đạo “tài tình sáng suốt, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”, nhờ theo Chủ nghĩa Mác-Lê nin “bách chiến bách thắng”. Điều đó chính là nguy cơ.

Bởi không sai lầm là tự huyễn hoặc, lâu ngày thành cao ngạo, sẽ không lo sửa mình nữa mà chỉ lo giữ vị trí lãnh đạo. Cổ kim loài người, vị trí lãnh đạo chỉ giữ được khi biết luôn sửa mình để làm tròn vai trò lãnh đạo. Bác Hồ trong Di chúc từng dặn, sau khi thống nhất đất nước, việc trước tiên Đảng phải làm là “chỉnh đốn Đảng”.
Không “chỉnh đốn” nghiêm túc theo lời Bác dặn, Đảng đã dần dần chỉ lo “sắp xếp, bố trí” ghế quyền lực và nhiều đảng viên có quyền lực chỉ lo tư lợi. Hồi nào, yêu nước là quyền của những người làm cách mạng (hoặc đi theo cách mạng) và gia đình của họ được gọi “gia đình cách mạng”. Điều này duy trì kéo dài sau chiến tranh, bên cạnh ưu đãi vật chất còn được tự do nói về lòng yêu nước như một đặc quyền, đã không ổn. Gần đây, quyền yêu nước bị thu hẹp, chỉ được tự do thể hiện lòng yêu nước khi phù hợp với quan niệm của một số đương quyền, theo cách của đương quyền. Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ bị xử tù có lý do này.
Mới đây, Quý Thanh phê phán Giáo sư Ngô Bảo Châu trên báo Công an, cho rằng Giáo sư ở nước ngoài lâu nên không hiểu dân chúng, không biết cách yêu nước. Ngụy biện của độc quyền yêu nước! Thế tại sao các ông Các Mác, Ăng-ghen, Lê-nin được ca tụng, cho rằng tư tưởng của các vị là kim chỉ nam cho đường đi của nước ta, mà các vị này đã đến Việt Nam lần nào đâu? PV Quốc Doanh tôi vào website của Đảng Cộng sản Việt Nam xem tác phẩm của Bác Hồ, thấy tác phẩm đầu tiên và cuối cùng là hai bức thư gửi cho Tổng thống Mỹ; tác phẩm đầu tiên “Thư gửi Tổng thống Mỹ” viết ngày 18/6/1919, tác phẩm cuối cùng “Thư trả lời Tổng thống Mỹ Risớt M.Níchxơn” viết ngày 25/8/1969.
Hiến pháp không cho phép độc quyền yêu nước, cũng không quy định cách yêu nước. Đảng lãnh đạo không chú trọng sửa mình nên đã không kiểm soát được sự tác oai tác quái. Hậu quả hiện nay xã hội bị chia rẽ, cả trong đội ngũ lãnh đạo.
Khi trào lưu dân chủ làm sụp đổ nhiều chính thể ở Trung Đông, có người phân tích điểm yếu cốt tử của những chế độ đó: Chuyên chế gia đình, dòng tộc kéo dài gây bất bình lớn. Chế độ Đảng lãnh đạo của Việt Nam là nền chuyên chế của một giai tầng, không phải dòng tộc nào. Tuy nhiên, lại chứa đựng nguy cơ khác, nếu cứ chuyên quyền để nhân dân muốn rũ bỏ thì sẽ tan rã nhanh hơn. Một gia đình hay dòng tộc sẽ quyết liệt bảo vệ sự thống trị hơn một giai tầng gồm nhiều gia đình và dòng tộc đã ẩn chứa bên trong sự chia rẽ.
Dân phải được tự do yêu nước mới quên mình bảo vệ đất nước và bảo vệ chế độ giữ cho dân quyền tự do thiêng liêng ấy.
Ngày bầu cử 22-5
PV Q. D.

No comments: