Translate

Thursday, October 24, 2013

Họp quốc hội để...cho vui.


Theo tin từ RFI, tại kỳ họp thứ 6 của Quốc hội Cộng Sản Việt Nam, sáng ngày 22/10/2013, Trưởng ban biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp Việt Nam, ông Phan Trung Lý đã trình bày Báo cáo giải trình tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Báo cáo giải trình này cho thấy là bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp, dự trù sẽ được Quốc hội thông qua trong kỳ họp lần này, sẽ không có gì thay đổi căn bản. Hết trích từ RFI.

Như vậy, nhìn chung một cách tổng thể, hiến pháp của Cộng Sản Việt Nam khởi đầu từ hiến pháp năm 1946, sau đó có đợt tu chỉnh và sửa đổi năm 1959,  rồi tiếp theo những đợt tu chính sửa đổi vào năm 1980, rồi năm 1992, đến lần này nữa là vào năm 2013, chúng ta có thể có nhận định là trong các văn bản hiến pháp của Cộng Sản Việt Nam, chỉ duy nhất có bản hiến pháp năm 1946 là văn bản hiến pháp “tiến bộ” nhất. Nghe điều này thoạt tiên chúng ta đều cảm thấy “lạ kỳ”, nhưng oái ăm thay, đó chính là sự thật. Một văn bản hiến pháp cũ nhất, ra đời vào một giai đoạn còn có nhiều khó khăn nhất của đất nước mà lại là văn bản hiến pháp tiến bộ nhất. Chúng ta cũng không lấy gì làm lạ khi quay ngược trở lại giai đoạn lịch sử vào năm 1945, chúng ta có thể dễ dàng nhận định vấn đề một cách rõ ràng và minh bạch nhất. Điều tiên khởi để chúng ta xác lập vấn đề là cuộc cách mạng năm 1945 là một cuộc “cách mạng toàn dân”. Cuộc cách mạng mùa thu lịch sử này là do công sức của toàn thể dân tộc Việt Nam bao gồm các đảng phái như Việt Nam Quốc Dân Đảng, đảng Cộng Sản, Đại Việt Cách Mạng Đảng, bao gồm các tôn giáo như Phật Giáo, Công Giáo, Cao Đài, Hòa Hảo, bao gồm các thành phần dân chúng như những người trí thức, những người công nhân, thợ thuyền...có nga là bao gồm cả tuyệt đại đa số các tầng lớp nhân dân đã làm nên cuộc cách mạng kỳ diệu này. Khi nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ra đời và bầu cử quốc hội thì thành phần những người trong quốc hội Việt Nam ở thời điểm này là bao gồm rất nhiều nhà trí thức tư sản, các nhà luật sư, giáo sư cũng như bao gồm nhiều nhà trí thức khác. Hiến pháp năm 1946 là một hiến pháp do sự tổng hợp nhiều nhà trí thức tinh nhuệ của đất nước Việt Nam nên đây dĩ nhiên là một bản hiếp pháp có đầy đủ chất lượng của một bản hiến pháp mang tầm cỡ quốc tế. Bản hiến pháp này không có “điều 4” nói lên sự lãnh đạo độc tôn của đảng Cộng Sản Việt Nam. Bản hiến pháp năm 1946 không có điều khoản “đất đai thuộc quyền sở hữu của toàn dân và do nhà nước quản lý”, hoàn toàn không có những điều khoản này và còn nhiều điều khoản quái dị khác nữa. Chỉ sau khi Hồ Chí Minh được lệnh của quốc tế Cộng Sản là phải tiêu diệt tất cả những đảng phái khác cũng như  những người trí thức quốc gia đã tham gia làm nên cuộc cách mạng mùa thu tháng tám năm 1945 và khi những đảng phái này đã bị loại ra khỏi “cuộc chơi”, khi mà đảng Cộng Sản đã độc quyền làm mưa làm gió trên một nửa nước Việt Nam và đến năm 1975 thì nắm giữ toàn bộ đất nước Việt Nam thì những văn bản “hiến pháp phản động mới” đã ra đời và là đầu mối cho những bất ổn xã hội ngày hôm nay.


Việc bản hiến pháp mới năm 2013 ra đời mà nội dung cũng y như là bản hiến pháp năm 1992, một lần nữa đảng Cộng Sản Việt Nam vẫn không muốn đổi mới, vẫn không muốn “sửa mình” để có một văn bản hiến pháp tiến bộ phù hợp với lòng mong ước của toàn thể nhân dân Việt Nam. Với văn bản hiến pháp mới này vẫn xác lập điều 4 là điều “cốt lõi sinh tử”, điều luật “đất đai thuộc quyền sở hữu của toàn dân và do nhà nước quản lý”, chúng ta có thể nhận định là trong thời gian tới thì Việt Nam vẫn mãi mãi còn tồn tại những bất ổn và hồ sơ dân oan, hồ sơ tội ác của Cộng Sản Việt Nam sẽ càng ngày càng dầy cộm thêm lên.

Phi Vũ
Ngày 24 tháng 10 năm 2013


No comments: