Translate

Tuesday, September 17, 2013

Vấn đề tôn giáo tại Việt Nam.

Trong thời gian gần đây, những vụ “va chạm” giữa nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam và các tôn giáo như Phật Giáo Hòa Hảo, Công Giáo, Tin Lành...càng ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn và những người tín đồ của các tôn giáo này càng ngày càng bị bách hại nặng nề hơn. Dưỡi mắt những người ngoại quốc, thoạt nhìn lướt qua sinh hoạt tôn giáo tại Việt Nam, đa số lầm tưởng là nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam tôn trọng tự do tín ngưỡng của người dân bởi lẽ họ thấy người dân Việt vẫn lũ lượt đi đến chùa, đến nhà thờ...để lạy Phật, để cầu nguyện. Nhìn như vậy thì rõ ràng Việt Nam dưới mắt nhìn của người ngoại quốc là xứ sở tôn trọng tự do tín ngưỡng của người dân rồi chứ còn gì nữa. Chuyện như vậy mà không phải vậy.

Nhìn một cách tổng thể, chúng ta thấy chủ trương của Cộng Sản thế giới từ ngày Karl  Marx viết quyển “Tư bản luận” và ngày Vladimir Lenin thành lập nhà nước Cộng Sản đầu tiên trên thế giới tại nước Nga thì chủ trương của Marx và Lenin là theo chủ thuyết tam vô: vô Tổ Quốc, vô gia đình và vô tôn giáo. Đây cũng là luận điểm của những người Maxism Leninism mà họ đã tuyệt đối trung thành. Cho nên chúng ta cũng không lấy gì làm lạ khi ở Liên Xô cũ, Trung Cộng, Việt Nam Cộng Sản và các nước Cộng Sản Đông Âu đã có những hành động đàn áp đối với tín đồ các tôn giáo.


Trở lại Việt Nam, từ sau khi Cộng Sản Việt Nam hất chân các đảng phái khác như Việt Nam Quốc Dân Đảng, Đại Việt Quốc Dân Đảng và các tôn giáo lớn như Phật Giáo, Công Giáo... để giành quyền độc tôn thống trị sau cuộc Cách Mạng Tháng Tám năm 1945 của toàn dân Việt Nam thì cũng là lúc Cộng Sản đã sử dụng những hình thức kỳ thị tôn giáo một cách thâm độc. Sau khi hiệp định Geneve ký kết năm 1954, hơn một triệu người dân miền Bắc di cư vào miền Nam mà hơn một nửa là người Công Giáo đã cho ta thấy sự sợ hãi của người Công Giáo đối với Cộng Sản Việt Nam như thế nào.

Và đến ngay cả bây giờ, giáo dân Thái Hà ở Hà Nội, ngay giữa thủ đô của nước Việt Nam Cộng Sản vẫn còn bị bách hại triền miên. Lại vừa mới xảy ra vụ giáo xứ Mỹ Yên ở Nghệ An đã đưa vấn đề trở nên trầm trọng hơn. Chưa kể trước đó tại giáo xứ Cồn Dầu ở Đà Nẵng cũng vẫn còn âm ỉ mãi đến bây giờ và một số giáo dân Cồn Dầu đã trốn chạy sang lánh nạn ở Thái Lan.

Bên cạnh đó, Phật Giáo Hòa Hảo ở trong miền Nam cũng bị bách hại không kém. Những tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo ở An Giang đã bị hành hung tại nơi họ thờ phượng dường như xảy ra thường xuyên. Đài RFA và RFI cũng thường xuyên phỏng vấn những tín hữu Phật Giáo Hòa Hảo bị hành hung để đưa ra công luận.

Tại Tây Nguyên, những người dân tộc thiểu số theo đạo Tin Lành đã bao đời nay thế nhưng những người này vẫn thường xuyên bị trù dập và hăm dọa. Những vị mục sư Tin Lành tại Pleiku, Kontum cả người Việt và người dân tộc thiểu số vẫn thường xuyên bị đàn áp và nhũng nhiễu. Mấy năm trước đây, một số vị mục sư Tin Lành chịu đựng không nổi phải trốn chạy sang lánh nạn ở Kampuchia.

Tình hình tôn giáo bị bách hại tại đất nước Việt Nam dưới sự cai trị của Cộng sản Việt Nam là một vấn nạn lớn cần phải được phơi bày ra ánh sáng trước công luận thế giới để lấy lại công đạo cho những tín đồ tôn giáo thường xuyên bị nhũng nhiễu và kỳ thị.

Phi Vũ
Ngày 17 tháng 9 năm 2013.


No comments: