Tôi sinh ra và lớn lên tại thành phố Đà Nẵng, một
thành phố ở miền Trung đứng hàng thứ nhì thời Việt Nam Cộng Hòa
chỉ sau thủ đô Sài Gòn. Hàng năm, vào khoảng tháng 9, tháng 10 và
tháng 11 dương lịch là những cơn bão lớn ở biển Đông thường đổ bộ
vào dãi đất miền Trung mang theo những trận mưa to và gió lớn. Mỗi
lần có cơn bão đi qua là thành phố Đà Nẵng cây đổ ngổn ngang, có
lúc trụ điện bị ngã gây nên tình trạng cúp điện trong vài ba ngày.
Hồi ấy, nhà cửa ở Đà Nẵng ngoại trừ ở những con phố lớn là nhà
đúc cho nên an toàn, còn đa số nhà cửa cho dù được xây bằng xi
măng nhưng mái lợp ở trên là mái tôn cho nên đến mùa mưa bão mái bị
gió cuốn bay đi vẫn là chuyện thường hay xảy ra.
Mùa này cũng là mùa bị lụt lội, nhưng ở vùng
quê thuộc tỉnh Quảng Nam, còn Đà Nẵng là vùng đất cao cho nên hầu như
chưa bao giờ bị nạn lụt. Tôi còn nhớ vào năm Thìn 1964, tỉnh Quảng
Nam bị lụt nặng nề. Con sông Hàn Đà Nẵng nước chảy đục ngầu cuốn
theo nhà cửa, xác trâu bò heo gà theo dòng nước. Hàng ngày, những
chiếc máy bay trực thăng của Mỹ chở những nạn nhân bị lụt ở thôn
quê vào thành phố Đà Nẵng. Học sinh ở Đà Nẵng đều phải nghỉ học
để lấy phòng học cho đồng bào nạn nhân bão lụt tạm trú. Lụt năm
Thìn là trận lụt lớn nhất trong đời tôi mà tôi được chứng kiến.
Nói vậy chứ trước năm 1975, miền Trung hàng năm
thì bị bão từ biển đổ bộ vào đất liền nhưng lụt thì hiếm khi xảy
ra, chỉ khi nào mưa to dầm dề liên tiếp nhiều ngày thì mới có nạn
lụt. Nhưng trong khoảng thời gian mấy chục năm trở lại đây hầu như năm
nào ở miền Trung cũng bị nạn lụt xảy ra triền miên. Hễ mỗi khi có
trận bão thổi đến là ở vùng nông thôn Quảng Nam bị lụt. Cũng cần
nói đến một chút về địa hình đặc biệt của miền Trung. Miền Trung
bề ngang rất hẹp, chỗ rộng nhất khoảng vài trăm kilomet, chỗ hẹp ước
khoảng 50 kilomet. Miền Trung lại có dãy Trường Sơn chạy dọc theo
hướng Tây. Trước đây, vùng rừng núi Trường Sơn là vùng rừng nguyên
sinh cây cối rậm rạp. Khi mưa lớn xảy ra, vùng rừng núi này cản một
phần lượng nước trút xuống đồng bằng nên hiếm khi có nạn lụt xảy
ra. Trong khoảng mấy mươi năm trở lại đây, vùng rừng Trường Sơn bị khai
thác bừa bãi. Người ta mở lâm trường, dùng những phương tiện cơ giới
để khai thác gỗ, khai thác vô tội vạ và không có một kế hoạch trồng
rừng để bù lấp chỗ đã khai thác. Bên cạnh những lâm trường của nhà
nước Cộng Sản khai thác thì còn có nạn khai thác trộm của những tay
“lâm tặc”. Vừa lâm trường của nhà nước khai thác vừa bị nạn ăn trộm
của lâm tặc cho nên vùng rừng núi Trường Sơn số lượng rừng nguyên sinh
hầu như chỉ còn rất ít. Khi mưa to, vì không có rừng cản nước nên bao
nhiêu nước tuôn xối xả về đồng bằng của tỉnh Quảng Nam khiến cho
thời gian gần đây, tỉnh Quảng Nam năm nào cũng bị nạn lụt xảy ra.
Những trận lụt kinh hoàng hàng năm ở miền Trung rõ ràng không phải do
“thiên tai” mà là do “nhân tai”.
Hôm nay, lên internet đọc tin thì biết là miền Trung
hiện nay đang bị mưa bão hoành hành. Chỉ thương xót cho đồng bào miền
Trung thân yêu của tôi khổ sở, vất vả trong mùa mưa bão này.
Phi Vũ
Ngày 19 tháng 9 năm 2013.
No comments:
Post a Comment