Translate

Friday, February 8, 2013

Người Việt ở Tây ăn Tết Ta


2013-02-08
Trong không khí Xuân về, Người Việt khắp nơi tưng bừng đón Tết. Người Việt tại Pháp đón Tết ra sao ? Thông tín viên Tường An gửi đến quý vị bài phóng sự về phong cách đón Tết của người Việt tại Pháp cũng như tâm trạng của họ lúc Xuân về.

Photo Tuong An, RFA
Một góc chợ bán hoa đào ở Paris, Tết 2013

Tết này chưa chắc em về được
Em gửi về đây một tấm lòng
Ôi, chị một em, em một chị
Trời làm xa cách mấy con sông
……..
Trong mùa nắng mới sầu không đến
Giữa hội hoa tươi ấm lại lòng
Chắc chị đời nào quên nhắc nhở:
- Xa nhà, rượu uống có say không?

Vui buồn những cái Tết xa quê
Rượu uống ở quê nhà hay rượu uống ở quê người thì có khác gì nhau ? có lẽ chữ « say »  trong bài thơ « Xuân Tha Hương » của thi sĩ Nguyễn Bính chỉ muốn nói lên nổi niềm cô quạnh của kẻ xa nhà trong dịp Xuân về. Chữ « Tết » ngắn gọn nhưng thiêng liêng biết bao, nó gợi trong lòng người tha hương một mái ấm gia đình, nơi Cha Mẹ, Anh Em tựu tề đông đủ để đón Xuân. Tết đến mang nhiều niềm vui cho mọi người, nhưng cũng gợi lên bao nổi ngậm ngùi cho kẻ xa quê. Đó cũng là niềm hoài cảm của cô sinh viên năm thứ ba trường Cao đẳng Nghệ Thuật tại Paris :
«  Mỗi khi Xuân về thì trong lòng cũng rất là nhớ quê hương, nhớ Bố Mẹ, mỗi dịp Xuân về em cảm thấy rất là buồn. Nhất là đêm 30, đêm giao thừa là nước mắt em lại tuôn rơi. Em rất là nhớ nhà ! »
Như để hoài niệm lại hình ảnh của « Những người muôn năm củ », chị Thy Như, một cựu tiếp viên hàng không đang sống tại Créteil, mỗi năm trong hội chợ Xuân, chị lại áo dài khăn đóng, diễn vai ông đồ già ngồi viết câu đối Tết :
« Xuân sang và tết đến, chị phải làm ông đồ già. Cũng ngồi lom khom, cũng mặc áo dài, đội khăn đóng, để râu đàng hoàng, ngồi đó viết sớ « Mỗi năm hoa đào nở, lại thấy ông đồ già, bày mực tàu giấy đỏ, bên phố đông người qua. »
Còn chị Ba Lợi ở Bondy thì gói ghém tình quê hương trong những chiếc bánh chưng. Mỗi năm, gia đình chị gói hàng trăm chiếc bánh chưng. Mùa đông Âu châu lạnh lẽo, ngồi quây quần bên nồi bánh chưng cũng là niềm vui đoàn tụ trong năm mới :
Các cháu bé mặc áo dài chúc Tết, mừng tuổi ông bà. Photo Tuong An, RFA
Các cháu bé mặc áo dài chúc Tết, mừng tuổi ông bà. Photo Tuong An, RFA
« Năm nào thì chị cũng gói bánh chưng. Nó rất vui. Khi gói bánh chưng tự nhiên trong lòng mình thấy vui lắm. Chị nghĩ là mình sắp sửa đón Xuân. Cứ 1 đứa rửa lá , lau lá, cứ 1 người xếp lá, người thì cột dây. Chị thì lo nếp. Chị có mấy thằng con rể nó gói khéo lắm ! Sau khi chị gói xong đó thì…thùng bánh đó phải nấu 8 tiếng đồng hồ. Khi mình ngồi mình chờ nồi bánh chưng đó, cũng rất là vui ! »
Tuy đến Pháp từ thập niên 60, các con đều sanh ra ở Pháp. Gia đình anh Nguyễn Quốc Nam vẫn giữ gìn truyền thống ăn Tết như ở quê nhà. Cũng bánh chưng, bánh tét, cũng mừng tuổi, lì xì, riêng tiếng đì đùng của pháo được thay bằng những bản nhạc Xuân :
Mỗi khi Xuân về thì trong lòng cũng rất là nhớ quê hương, nhớ Bố Mẹ, mỗi dịp Xuân về em cảm thấy rất là buồn. Nhất là đêm 30, đêm giao thừa là nước mắt em lại tuôn rơi. Em rất là nhớ nhà
« . Ngày Tết thì con cháu vể hết tất cả, chúng tôi cũng đợi đến 12 giờ để đón giao thừa , những mà giao thừa bên Âu Châu thì nó đi sau bên nhà mình. Để cắt nghĩa cho các cháu nó biết vể pháo hay cái này, cái nọ của ngày Tết thì mình để mấy băng nhạc cho nó nghe. Mấy đứa cháu từ 3- tuổi trở đi đều mặc áo dài khăn đống rồi nó sắp hàng, rồi nó chúc Tết. Nó nói những lời chúc rất là dễ thương , rồi mình cũng lì xì cho chúng nó. Sau khi cái nghi lễ đó xong rồi thỉ mọi người quây quần trên bàn ăn. Rồ có những món thuần túy ngày Tết như bánh chưng, bánh tét, thịt kho dưa giá, tôm khô củ kiệu. Cái ngày Tết là cái ngày rất đặc biệt của dân tộc Việt Nam của chúng ta. Chúng tôi cố gắng hết sức để giữ lại truyền thống ông bà. »
Gia đình chi Ba Lợi có đến 31 người  con và cháu. Trong năm, từng gia đình ở riêng rẽ, nhưng ngày Tết mọi người dù bận đến đâu, cũng phải lấy ngày nghĩ để về xum hợp đại gia đình trong ngày mồng một. Bên cạnh những món ăn thuần túy, mọi người đều không quên những trò chơi  quen thuộc của ba ngày Tết :
« Đêm giao thừa thì chị đi lễ chùa. Rồi đến ngày mùng một, làm gì thì làm, ngày mùng một là ngày họp tất cả gia đình. Đây là phong tục mà chị cố giữ chị không muốn mất đi, cái này nó thuộc vể văn hoá, phong tục của Việt Nam. Bao giờ cũng vậy, đến ngày Tết là các cháu mặc áo dài hết. Từng gia đình một, nó mừng tuổi. Mỗi đứa chị có làm sẵn những bao lì xì.  Xong rồi thì thường thường cũng ăn một bữa cơm thanh đạm với cơm, thịt kho dưa giá, nồi canh măng… Ăn uống xong rồi thì tụi nó vui Xuân. Vui lắm, nhà chị đây là cái bàn bầu cua, kế đó là cái bàn loto. Chơi có mấy chục centimes (xu) thôi mà mỗi lần « kinh » cũng vui lắm ! »
Nhưng với những gia đình đơn chiếc như chị Thụy Khanh, thì Tết là dịp chị tham gia Hội chợ Xuân để tìm
Các siêu thị tràn ngập bánh mứt Tết. Photo Tuong An, RFA
Các siêu thị tràn ngập bánh mứt Tết. Photo Tuong An, RFA
không khí Tết và cũng là cơ hội để gặp lại bạn bè hàn huyên tâm sự :
« Ngày Tết có thể nói là ngày vui nhất của chị khi chị đến tham dự Tết của Tổng Hội Sinh viên. Chị thấy các em sinh viên vẵn còn nhớ nguồn gốc, tập tành cho các em nhỏ nói tiếng Việt, rất là dễ thương. Ngày Tết của Tổng Hội sinh viên cũng là ngày bạn bè gặp nhau , hàn huyên tâm sự, nhắc lại những kỷ niệm ngày xưa. »
Xuân về, không quên những người già cô đơn trong các việc dưỡng lão, chị Thy Như chuẩn bị bánh tét, bánh chưng, dùng hoa forsythia để thay cho cành hoa mai vàng, những mong đem lại cho các cụ già một chút hình ảnh Tết như ở quê nhà :
Chị thấy các em sinh viên vẵn còn nhớ nguồn gốc, tập tành cho các em nhỏ nói tiếng Việt, rất là dễ thương. Ngày Tết của Tổng Hội sinh viên cũng là ngày bạn bè gặp nhau , hàn huyên tâm sự
chị Thụy Khanh
« Đang chuẩn bị bánh chưng mặn, bánh chưng chay…rồi chị cắt những cành forsythia để thay cho cành mai, chị đem tặng quý Bác ở trong nhà già, hoặc nhà thương. »
Để họ tôn trọng văn hoá của nước mình
Tết Nguyên đán cũng là dịp để cho người bản xứ thấy được phong tục « ăn Tết » của người Việt. Có lẽ do mối quan hệ lâu đời với Việt Nam, nên người Pháp cũng « ăn Tết » như người Việt. Ngoài chợ người ta thấy rất nhiều người Pháp cũng mua sắm lồng đèn, câu đối, hoa đào, hoa mai. v.v… để chưng bày trong ba ngày Tết. Trong những gia đình có vợ hay chồng là người Pháp, phần lớn họ ăn cả Tết Tây lẫn Tết Ta. Người Pháp cảm thấy rất thú vị khi đem phong tục tập quán của người Việt hội nhập vào văn hoá của xứ họ. Chị Thy Như có chồng là người Pháp tâm sự :
« Jean Pierre thì rất là Việt Nam . Ở nhà chị ăn bằng đủa, chén. Chổi thì cũng quét bằng chổi Việt Nam. Chị dạy y như là người Việt Nam của mình vậy đó. Nhà chị sống ở bên Tây nhưng mà kiêng cữ cũng dễ sợ lắm.  Ngày 30 Tết trước đó là phải quét nhà sạch hết. Tắm rửa gội đầu sạch sẽ hết. Rồi đi ra đường hái cành lộc để lấy hên. Cũng xông đất đàng hoàng. Chị sẽ nấu thịt kho dưa giá. Chị muối dưa rồi, dưa hành đó, với lại củ cải mặn để ăn với bánh chưng. Cúng vái ông bà trong ba ngày tết, tập tục văn hoá của mình Jean Pierre biết nhiều lắm, thích lắm. Mình có chồng Tây, nên giữ những cái tập tục đẹp của nước mình để họ tôn trọng văn hoá của nước mình  »
Chị muối dưa rồi, dưa hành đó, với lại củ cải mặn để ăn với bánh chưng. Cúng vái ông bà trong ba ngày tết, tập tục văn hoá của mình Jean Pierre biết nhiều lắm, thích lắm. Mình có chồng Tây, nên giữ những cái tập tục đẹp của nước mình để họ tôn trọng văn hoá của nước mình
Chị Thy Như
Nếu ở Việt Nam,  giới trung lưu, đaị gia phá cách vui Xuân bằng cách đi du lịch nước ngoài để trốn những lễ nghi phức tạp của ngày Tết, hoặc đi đến những khu nghỉ dưỡng để được « giải phóng » khỏi các khoản nấu ăn, dọn dẹp phiền phức vì « ô-sin » đã về quê ăn Tết thì ở hải ngoại, người Việt tha hương lại nổ lực duy trì những truyền thống gia đình của ông bà, tổ tiên mình để các thế hệ sau vẫn còn có thể  tâm niệm « tôi là người Việt Nam » như mong ước của anh Nguyễn Quốc Nam :
« Chúng ta cố gắng truyền lại cho con cháu chúng ta được biết ngày Tết chúng ta là cái ngày linh thiêng. Dù cho nó có làm gì, có ở đâu thì nó cũng vẫn là người Việt Nam. »
Hay chị Ba Lợi :
« Chị ước muốn làm sao mà tinh thần gia đình rất là khắng khít nhau, cứ duy trì mãi. Chẳng riêng cho gia đình chị mà chị mong cho tất cả gia đình Việt Nam giữ được như vậy rất là tốt. »
Phải có xa quê mới thấy được lòng rung động dường nào khi chợt nhìn thấy một cành mai đơn độc ở xứ người. Có lẽ những gì đang có trong tầm tay thì người ta thường không cảm nhận được giá trị của nó. Đến khi sắp mất, hay không còn nữa thì mới chợt nhận ra rằng : những điều tưởng chừng thật tầm thường như : một hòn đảo chơ vơ, một nắm đất quê hương cũng trở thành máu thịt của mình.

No comments: