Translate

Sunday, September 16, 2012

Kỷ niệm ngày xưa

Trâm choàng tỉnh giấc. Nhìn đồng hồ trên bàn cũng đã 6 giờ sáng. Thông thường ngày chủ nhật nàng có thể dậy muộn hơn mọi ngày, nhưng hôm nay lại có cuộc hội ngộ liên trường của Quảng Nam- Đà Nẵng được tổ chức tại thành phố Houston, Texas và nàng lại ở trong ban tổ chức cho nên nàng phải thức dậy, không thể "nằm nướng" thêm chút nào nữa. Nói như vậy chứ nàng cũng thừa thãi thời gian để chuẩn bị, không có gì phải gấp gáp. Làm vệ sinh buổi sáng và tắm xong thì cũng chỉ mới có 7 giờ hơn. Còn sớm chán! Nàng cầm tờ chương trình, nhẩm lại những điều nàng phải nói trong từng mục vì hôm nay Trâm được ban tổ chức "giao phó" trách nhiệm làm MC. Nàng nhìn minh trong gương rồi nhoẻn miệng cười: Mình vẫn còn trẻ trung và đẹp! Nàng tự hào rất nhiều về điều này! Cũng hiếm có người phụ nữ nào ở độ tuổi 50 như nàng vẫn còn những nét đẹp trẻ trung và duyên dáng mà không cần bàn tay của các vị bác sĩ giải phẫu thẩm mỹ. Ngay tại sở nơi nàng làm, nàng vẫn được các bạn làm cùng phòng khen nàng là hoa khôi.


Nghĩ ngợi lan man, nàng không biết hôm nay mình sẽ mặc chiếc áo dài nào. Qua Mỹ đã lâu, đi làm phải mặc Âu phục, nàng chỉ có thể mặc áo dài vào dịp Tết và vào những lúc có lễ hội như thế này mà thôi. Nàng cầm chiếc áo dài màu xanh da trời ướm thử vào người và nhìn vào gương. Nàng chặc lưỡi: "Chiếc áo này mặc cũng có lý đó !". Quyết định vậy nàng thay áo quần, trang điểm và ra garage lái xe đi. 

Thông thường vào mùa hè khí hậu ở Houston rất là nóng dù còn đang buổi sáng, nhưng hôm nay không hiểu sao lại mát mẻ và dễ chịu. Nàng thầm nghĩ: "Có lẽ hôm nay thấy mình mặc áo dài cho nên khí hậu không nóng". Nàng cho hạ cửa kính xe xuống để không khí mát mẻ của buổi sáng ùa vào. Lái xe đến nhà hàng nơi tổ chức buổi lễ thì đã thấy lác đác một số người ở trong ban tổ chức đang bận rộn sắp xếp căn phòng bên trong. Nàng vào cùng góp tay với mọi người làm việc. Đây là cuộc hội ngộ liên trường Quảng Nam- Đà Nẵng của toàn quốc Hoa Kỳ cho nên số lượng người về tham dự cũng khá đông. Giờ này thì những người tham dự cũng đã bắt đầu đến lai rai. Sau khi ghi tên tại chiếc bàn được đặt ngay cửa ra vào, người tham dự được phát một bảng tên ỡ trên in chữ Hello, ở dưới ghi tên của minh để mọi người cùng nhận diện nhau. Đúng 10 giờ thì bắt đầu buổi lễ. Trâm lên bục giới thiệu thành phần ban tổ chức và làm lễ chào cờ Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hòa cùng một phút mặc niệm. Sau đó là phần phát biểu của ban tổ chức cũng như một vài đại biểu tham dự buổi hội ngộ. Tiếp theo là chương trình văn nghệ "cây nhà lá vườn" cùng phần ẩm thực. Trong lúc đứng trên sân khấu nhìn xuống, nàng bắt gặp một cặp mắt nhìn mình đăm đăm. Nàng ngờ ngợ và cảm thấy quen quen, cố moi trí để nhớ lại xem người này là ai? Thôi đúng là Hoàng rồi, người bạn từ thuở ấu thơ của nàng. Những kỷ niệm của một thời dĩ vãng như bừng sống lại trong nàng...

Hồi đó nhà nàng ở đường Phan Châu Trinh, Đà Nẵng. Ba nàng là một giáo sư dạy toán, lý hóa tại trường trung học Tây Hồ. Những ngày cuối tuần ba nàng thường tổ chức dạy kèm toán lý hóa cho học sinh. Lúc đó nàng đang học ở trường Nữ trung học Hồng Đức cũng tham dự vào lớp học của ba nàng. Thú thật một điều mặc dầu ba nàng là một giáo sư dạy toán lý hóa nhưng nàng lại không thích học toán. Nàng thích học văn hơn! Còn Hoàng đang học ở Tây Hồ cũng theo học lớp dạy kèm toán.. Lúc ấy cả hai đang học lớp 9. Toán lớp 9 ngoài phần hình học Euclid và đại số còn có thêm phấn hình học không gian nữa. Học hình học Euclid và đại số thì nàng còn đỡ đỡ, đến phần hình học không gian phải nói là nàng học rất vất vả. Nàng thường bị ba nàng la rầy nhiều về vấn đề này. 

Một buổi kia, sau giờ học, ba nàng lên nhà trên và học sinh cũng lục tục ra về. Trâm nấn ná ở lại phòng học để tiếp tục giải mấy bài toán cũng khá "rắc rối". Hoàng chuẩn bị ra về. Đến cửa, Hoàng ngoái đầu nhìn lại về phía Trâm đang cắn bút suy nghĩ để chứng minh bài toán "hóc búa" mình vừa học. Hoàng ngần ngừ rồi quay trở vào trong lớp, giọng rụt rè:
-Có thể nào Trâm để Hoàng giúp Trâm chứng minh bài toán này không?
Trâm ngước mắt nhìn lên. Phải thú nhận một điều là mặc dầu cùng học chung lớp dạy kèm của ba nàng, nàng ít chú ý đến bất cứ người nào học trong lớp. Nhìn vào ánh mắt của Hoàng, nàng gật nhẹ đầu. Một chút tươi vui thoáng hiện lên trong mắt Hoàng.
Hoàng giúp Trâm giải hai bài toán khó. Rồi hàng tuần, sau mỗi buổi học Hoàng đều nấn ná ở lại để cùng học và làm toán chung với nàng. Từ đó Hoàng và nàng đã trở nên thân thiết. 

Sau năm học đó, Hoàng theo gia đình dọn vào sinh sống ở SaiGon. Từ đó, hai người bặt tin nhau. Trâm và gia đình vẫn ở Đà Nẵng. Khi nàng thi đậu tú tài phổ thông và đang học năm thứ nhất đại học sư phạm tại Huế thì toàn thể miền Nam bị rơi vào tay Cộng Sản. Ba nàng tuy không bị ở tù Cộng Sản, nhưng chúng cũng không cho ông tiếp tục dạy nữa và trường trung học tư thục Tây Hồ đặt dưới sự quản lý của Sở Giáo dục Quảng Nam- Đà Nẵng. Năm 1978 cả gia đình nàng cùng vượt biên ra ngoại quốc và định cư tại Houston, Texas. Ba má nàng đã qua đời cách đây mấy năm. Nàng đã có một đời chồng, nhưng hai người sống không hợp nhau và đã chia tay. Hiện nàng sống chung với một đứa con trai cũng vừa bước vào năm thứ nhất đại học. Đó là quá khứ đã xảy ra của nàng.

Sau khi chấm dứt chương trình hội ngộ, vừa bước xuống khỏi bục sân khấu, Hoàng băng băng tiền về hướng Trâm. Chàng lên tiếng hỏi trước:
-Xin lỗi cho tôi hỏi cô có phải là Trâm, con gái thầy Bằng dạy ở trường trung học Tây Hồ?
Trâm cười:
-Thì Trâm đây chớ còn ai nữa. Có phải là Hoàng đó không?
Hai người nắm tay nhau cười lớn.
Ngồi nói chuyện một lát, Trâm biết được hoàn cảnh của Hoàng. Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, ba của Hoàng là sĩ quan nên phải đi tù Cộng Sản. Gia đình Hoàng lúc đó đang ở Saigon nên cũng nhiều chật vật và khó khăn. Bản thân Hoàng lại bị bắt đi "thanh niên xung phong" ở nông trường Lê Anh Xuân đào kinh thủy lợi. Ba của Hoàng ở tù hơn 3 năm rưỡi thì Việt Cộng thả về. Ông thấy nếu để Hoàng ở lại Việt Nam thì tương lai của chàng sẽ vô cùng tăm tối. Ông quyết định thu vén tiền nong để chàng vượt biên. Qua đến Hồng Kông, ở lại đó 6 tháng thì chàng được phái đoàn chính phủ Mỹ phỏng vấn và chấp thuận cho định cư tại Hoa Kỳ và ở tại tiểu bang California. 

Ở đây, vừa đi làm vừa đi học chàng cũng tốt nghiệp đại học. Sáu năm sau Hoàng bảo lãnh ba mẹ của chàng sang Hoa Kỳ đoàn tụ. Hoàng đã có vợ, chưa có đứa con nào, nhưng vợ chàng chẳng may bị bạo bệnh và đã qua đời cách đây 2 năm.

Trao cho nhau số điện thoại và địa chỉ e-mail, Hoàng trở về lại Cali với tâm trạng vui vẻ nhưng đầy lưu luyến Trâm. 
Hai người cuối tuần là gọi phone nói chuyện với nhau. Hàng ngày thường xuyên gởi e-mail cho nhau. Khoảng nửa năm sau, Hoàng gởi e-mail ngỏ lời cầu hôn Trâm và mong muốn được kết nối cùng Trâm. Chàng hứa với Trâm là sẽ thương yêu con trai của Trâm như con ruột của mình.
Thế là đám cưới của Hoàng và Trâm được tổ chức tại Cali dưới sự chứng kiến của ba mẹ Hoàng và một số bạn bè thân hữu. Chàng lo giấy tờ để con trai của Trâm transfer về học ở UCLA. Từ đó, gia đình Hoàng Trâm chung sống với nhau rất vui vẻ và hạnh phúc.

Phi Vũ
06/08/09

No comments: