Translate

Friday, January 27, 2012

Trả lời đài Chân trời mới về sự kiện Hoàng Sa 19/1/1974

Theo blog Nguyễn Tường Thụy
Cuộc phỏng vấn dưới đây được thực hiện trước ngày 19/01/2012 (tôi không nhớ chính xác ngày nào). Tôi đã định không đưa lên blog nhưng vì lý do chưa tiện nói nên hôm nay tôi quyết định công bố.

Trả lời đài Chân trời mới về sự kiện Hoàng Sa 19/1/1974

1/ Hỏi: Thân chào ông Nguyễn Tường Thụy,
Là 1 cựu chiến binh trong hàng ngũ quân đội miền Bắc trước năm 1975 và đứng trước kỷ niệm trận hải chiến Hoàng Sa mà các chiến sĩ hải quân của Quân lực Việt Nam cộng hòa đã hiên ngang chống trả kẻ thù để giữ gìn biển đảo và họ đã hy sinh vào ngày 19/1/1974, ông có những nhận định khách quan nào về trận đánh này không ạ?
Trả lời: Trước hết, tôi muốn được phát biểu trên quan điểm của một công dân chứ không phải là một người lính khác chiến tuyến với những người lính VNCH trước đây. Chuyện ấy tôi không muốn nhắc lại dù đó là thực tế nhưng là một thực tế buồn.
Nhận định sau đây là nhận định chủ quan của tôi, còn khách quan hay không tùy thuộc vào sự đánh giá của quí thính giả.
Hành động xâm lược của Trung Quốc đã ghi lại trong tâm khảm người VN một nỗi uất hận. Uất hận vì những người con ưu tú của dân tộc dù đã chiến đấu và hy sinh anh dũng nhưng một phần lãnh thổ của cha ông đã rơi vào tay quân xâm lược. Trong số đó có những chiến sĩ chắc vẫn còn gửi xác đâu đó nơi biển cả.
Tham vọng của TQ đối với HS và TS đã có từ lâu nhưng thời điểm đó tức là thời điểm tháng giêng năm 1974 là thích hợp cho chúng cưỡng chiếm HS. Sở dĩ TQ dám đánh HS vào lúc đó là do kết quả đi đêm giữa Mỹ và TQ. Chính Mỹ bật đèn xanh cho TQ đánh HS cũng như tấn công VN năm 1979. Điều này giải thích vì sao lúc đó, Hạm đội 7 của Mỹ đang ở gần đấy, mặc dù BTL hải quân Việt Nam cộng hòa yêu cầu nhưng Mỹ đứng ngoài không có động thái nào giúp đỡ. Có thể nói Mỹ đã chính thức chấm dứt dính líu đến VN kể từ khi ký Hiệp định Pa ri  tháng 1/1973.
Kết quả là cuộc chống trả của quân đội VNCH thất bại vì tương quan lực lượng quá chênh lệch so với kẻ thù. Nhưng tôi nghĩ rằng các anh đã chiến đấu rất anh dũng. Những cái tên Ngụy Văn Thà, Nguyễn Thành Trí, Vũ Văn Bang cùng những tử sĩ khác sẽ sống mãi trong lòng dân tộc. Người VN chân chính không thể quên được nỗi đau này.
Việc tìm cách đòi lại HS là việc chung nhưng trước hết là của những người lãnh đạo đất nước. Việc này nhiều người cho rằng không thể, ít nhất cũng là nhiều chục năm trước mắt nhưng không thể không đòi. Ngày xưa, Câu Tiễn vua nước Việt phục thù, mỗi lần nếm mật tự hỏi: Đã quên cái nhục ở Cối Kê chưa? Tôi muốn các vị lãnh đạo cũng thế, thỉnh thoảng tự hỏi: Đã quên nỗi đau HS chưa?
2/ Hỏi: Thưa ông Nguyễn Tường Thụy, chúng tôi rất cám ơn những nhận định rất khách quan và công tâm của ông về những người anh hùng đã hy sinh để bảo vệ biển đảo của đất nước bất kể từ chiến tuyến nào. Và cũng thưa ông Nguyễn Tường Thụy, vừa rồi là những quan điểm nói lên quan điểm cá nhân của ông. Nhưng mà riêng về nhà cầm quyền VN hiện nay thì theo ông, thái độ của họ vào thời điểm trận đánh năm 1974 và hôm nay sau 38 năm xẩy ra trận hải chiến này theo ông họ có thay đổi hay không thưa ông?
Trả lời: Nếu nói về thái độ của chính phủ Việt Nam đối với việc TQ cưỡng chiếm quần đảo HS cho đến bây giờ, tôi nghĩ không có gì thay đổi. Có nghĩa là, Chính phủ VN trước sau vẫn phản đối hành động xâm lược của TQ. Chỉ có điều, trong bối cảnh khi đó không cho phép VN công khai phản đối TQ mà thôi.
Vào thời điểm đó, chính quyền Việt Nam cộng hòa phản ứng rất quyết liệt. Tuy Việt Nam dân chủ cộng hòa không công khai phản đối nhưng để cho Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền nam VN lên tiếng.
Vừa qua, tại Quốc hội, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định HS, TS là của VN, và khẳng định năm 1956, TQ đã chiếm các đảo phía đông HS của VN năm 1974 chiếm toàn bộ đảo HS. Điều đáng chú ý là đây là lần đầu tiên, người đứng đầu chính phủ VN khẳng định như vậy. Trước đây chỉ là người phát ngôn Bộ ngoại giao thôi.
Còn về thái độ đối với các người lính hy sinh ở HS, hiện nay có luồng ý kiến cho rằng các chiến sĩ HS cũng được vinh danh, ghi công như các liệt sĩ TS. Vì khi các chiến sĩ HS hay TS chiến đấu chống xâm lược, hành động của các anh là giống nhau, tức là chiến đấu bảo vệ TQ giữ gìn bờ cõi của tổ tiên để lại, thế thôi.
Trong cuộc xuống đường ngày 24/7/2011 vừa rồi tại Hà Nội, những người biểu tình đã in rất nhiều biểu ngữ tôn vinh các chiến sĩ hy sinh ở cả TS và HS. Điều đó nói lên đó là nguyện vọng của rất nhiều người.
Tôi nghĩ nhiều vị lãnh đạo cũng nghĩ như thế. Nhưng tại sao không có ai đặt ra vấn đề này vì vẫn còn bị ý thức hệ chi phối.
3/ Hỏi: Vâng thưa ông Nguyễn Tường Thụy. Chúng tôi nhớ vào thời điểm này năm ngoái ông đã có 1 bài viết “Nén nhang cho Hoàng Sa”. Động cơ nào đã thúc đẩy ông viết lên bài viết ấy?
Trả lời: Bài viết chỉ là bày tỏ tình cảm của tôi đối với những chiến sĩ HS thôi.
Hàng năm tôi hay nhớ đến ngày 19/1/1974 (ngày mất HS), 14/3/1988 (ngày TQ đánh TS) 17/2/1979 là ngày TQ xâm lược VN, tấn công trên toàn tuyến biên giới phía Bắc. Tôi kính trọng và biết ơn những người lính đã ngã xuống trong những cuộc chiến đấu ấy.
Nhưng tôi nghĩ về các chiến sĩ HS nhiều hơn vì các anh tuy nằm xuống nhưng Tổ quốc vẫn chưa có một việc làm nào để tôn vinh các anh. Có chăng, các anh mới chỉ sống trong tâm khảm của đồng đội, của những người dân hiểu ai là người chiến đấu vì Tổ quốc. Đó là lý do khiến tôi viết bài “Nén nhang cho HS”.
4/ Hỏi: Vâng thưa ông Nguyễn Tường Thụy. Một câu hỏi cuối cùng. Những hành động của nhà cầm quyền Bắc Kinh trong những năm gần đây đã được các nước trong khu vực cho là bá quyền. VN cũng là nạn nhân với nhiều ngư phủ bị bắn giết và bị bắt bớ bởi cá tàu Trung Quốc mà VN gọi là tàu lạ. Chính những hành vi khiêu khích này đã làm cho một số đồng bào chúng ta xuống đường nói lên lòng yêu nước trong mùa hè năm 2011 vừa qua. Những cuộc biểu tình đó thường hay bị những trấn áp đến từ nhà cầm quyền Hà Nội và thậm chí ngày hôm nay một trong những người yêu nước ấy là chị Bùi Thị Minh Hằng đang bị giam giữ một cách trái phép trong trại phục hồi nhân phẩm mà nhiều cơ quan quốc tế đã lên tiếng thậm chí tòa đại sứ Hoa Kỳ trong một thông báo. Ông có bình luận gì về những sự kiện kể trên hay không thưa ông?
Trả lời: Thực ra trong 11 cuộc biểu tình chống TQ vừa qua, chỉ có 3 cuộc bị trấn áp thôi, ngoài ra tuy có sự bắt bớ nhưng không đáng kể.
Tại sao không trấn áp tất cả hay làm ngơ tất cả? Điều này tôi nghĩ do sự lúng túng của chính quyền HN, hoặc do mục đích của chính quyền trong từng thời điểm.
Theo tôi hiểu, những cuộc biểu tình bị trấn áp là do chính sách ngoại giao của Chính phủ VN đối với TQ. Đó chỉ là 1 lý do thôi. Vì cuộc biểu tình ngày 27/11, có thể gọi là cuộc biểu tình lần thứ 12, bị dập tắt ngay từ mấy phút đầu, mặc dù mục đích của biểu tình hôm đó không phải chống TQ mà là ủng hộ thủ tướng, quốc hội ra luật biểu tình. Điều này củng cố thêm ý kiến cho rằng ngoài việc lo ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa hai đảng, hai nhà nước Việt Trung thì chính quyền cũng rất lo việc biểu tình bị biến tướng sang việc chống đối Nhà nước. Họ nghĩ là các cuộc biểu tình bị các thế lực thù địch xúi giục hoặc là cầm đầu.
Nhưng khi tiếp xúc với những người biểu tình, tôi không thấy ai kích động xúi giục gì cả. Tôi chưa từng được ai rủ đi biểu tình hay cho tôi cái gì cả. Tôi biết tiền mua cờ, in băng rôn, là của một số người biểu tình họ có khả năng ủng hộ. Ngoài ra, nước uống cũng được người đi đường mua tặng. Khi biểu tình, chúng tôi còn bảo nhau không được mang những biểu ngữ lạc mục đích. Mục đích ở đây là phản đối TQ thôi. Chúng tôi cũng tìm cách ngăn chặn những hành động quá khích của những người biểu tình nếu xảy ra. Lo thì lo xa vậy thôi chứ nó không xảy ra bao giờ. Như mọi người đã biết, các cuộc biểu tình rất trật tự, ôn hòa. Chỉ có khi trấn áp, bắt bớ thì lực lượng công an mới làm rối lên thôi.
Còn việc chị Bùi Thị Minh Hằng bị đưa đi cải tạo 2 năm, chúng tôi cho rằng đây là việc làm trái luật. Chúng tôi đang có những việc làm bênh vực, ủng hộ BTMH như viết đơn gửi chủ tịch nước đề nghị trả tự do cho BTMH, cái này thì chủ tịch TTS đã nhận có người trao tận tay rồi, Chúng tôi còn cử người cùng gia đình đi thăm nuôi chị. Tôi tin rằng nguyện vọng của chúng tôi được đáp ứng.
Những người biểu tình chúng tôi rất tự hào về những cuộc xuống đường mùa hè 2011. Những cuộc xuống đường ấy đã thức tỉnh biết bao người trước vận mệnh của đất nước, làm cho TQ phải cân nhắc lại âm mưu kế hoạch thôn tính biển Đông. Ngoài ra, tôi nghĩ rằng những cuộc biểu còn có tác dụng hậu thuẫn cho Chính phủ  trong quan hệ bang giao với TQ.

No comments: