Translate

Saturday, November 19, 2011

Ngày 20 tháng 11.


Phi Vũ

Truyền thống của dân tộc Việt Nam là “Tôn sư trọng đạo”. Truyền thống này rất là tốt và rất quý báu. Việc để dành riêng ra một ngày để tôn vinh những nhà giáo, những bậc mô phạm đã có công đóng góp cho sự phát triển văn hóa và học thuật là một việc làm hoàn toàn đúng.

Thời xưa, theo quan điểm Nho giáo là  “Quân, Sư, Phụ”, có nghĩa là thầy đứng trên cha một bậc, chỉ sau vua vì vua là thiên tử của thời phong kiến. Do đó ta cũng thấy vị trí của người thầy rất là cao quý.
Nhìn xuyên suốt trong lịch sử Việt Nam, hình ảnh những ông đồ là hình ảnh đẹp nhất. Những vị đồ nho ngày xưa cuộc sống thanh bạch luôn là tấm gương sáng ngời để môn đồ noi theo. Ông thầy Chu Văn An đời nhà Trần đã để lại một câu chuyện mà mọi người đời sau đều ngưỡng mộ. Trong triều có 7 nịnh thần có những hành vi không tốt. Ngài dâng sớ lên tâu xin vua chém đầu 7 người nịnh thần này. Vua không chấp thuận. Ông đã xin cáo lão từ quan, về quê mở trường dạy học. Ông đã để lại tiếng thơm muôn đời cho hậu thế noi theo.
Vào thời Pháp thuộc, thực dân Pháp cũng có cho mở trường học mục đích là đào tạn nên một lớp người ra làm quan cho nhà cầm quyền. Số người đi học cũng rất hạn chế vì xã hội lúc bấy giờ không phải ai cũng có thể được cắp sách đến trường. Tuy nhiên, việc giáo dục trong thời này vẫn có điểm son. Theo lời kể của mạ tôi, trước đây bà là một học sinh của trường Tây, nhà cầm quyền Pháp bên cạnh dạy tiếng Pháp và lịch sử Pháp vẫn có cho dạy tiếng Việt và lịch sử Việt Nam.
Sang đến thời Việt Nam Cộng Hòa ở miền Nam, mặc dù không có ngày nhà giáo, nhưng vị trí của người thầy được tôn vinh một cách đặc biệt. Trong trường, học sinh gặp thầy cô phải ngả mũ chào. Chỉ cần thầy cô la một tiếng là học sinh răm rắp nghe theo. Và đồng lương của thầy cô được trả một cách xứng đáng. Sau khi đi dạy về, công việc của thầy cô ở nhà chỉ lo việc soạn bài và chấm bài cho học sinh, không phải lo lắng cho việc mưu sinh. Cũng vì lý do đó mà học sinh miền Nam trước năm 1975 rất là lễ phép và thường được thầy cô chăm sóc kỹ nên đa số học rất giỏi. Truyền thống này vẫn còn kéo dài sau khi ra hải ngoại. Hàng năm, hội ái hữu các trường học ở hải ngoại vẫn thường tổ chức họp mặt. Những vị thầy bây giờ dù đã già yếu vẫn được học sinh tôn kính như ngày xưa thơ ấu.
Ở trong nước hiện nay, hàng năm đến ngày 20 tháng 11 là ngày “Nhà giáo Việt Nam”. Vào ngày này, tại các trường đều có tổ chức những buổi lễ nhằm tôn vinh các thầy cô giáo. Đây cũng là việc làm có ý nghĩa và rất đáng trân trọng. Nếu nhà cầm quyền biết quan tâm đến vấn đề giáo dục, xem giáo dục là chìa khóa cho sự phát triển của đất nước, cần phải quan tâm đến đồng lương của đội ngũ giáo viên, để những thầy cô giáo này sau giờ dạy không phải lo lắng vấn đề mưu sinh, dành hết thời gian để chuẩn bị cho giờ dạy ngày mai đạt được kết quả mỹ mãn. Làm được điều này thì đối với giáo viên, một năm sẽ có 365 ngày nhà giáo và nền giáo dục của nước nhà sẽ dễ dàng tiến lên cao hơn nữa.
Tiện đây, nhân ngày nhà giáo, xin cầu chúc các vị thầy cô ở Việt Nam được nhiều an lành, hạnh phúc.

Phi Vũ


4 comments:

dangnba said...

Bây giờ sao ngành GD lại nhiều chuyện buồn thế, PV ạ cũng do xã hội cả. Công bộc bây giờ như thế nào mọi người đều hiểu cả.

Hiền Giang said...

Cảm ơn bác Phi vũ.
Nhân ngày 20/11 năm nay tôi đã nhận được nhiều lời chúc mừng và hoa tặng.
Bài viết này là món quà đặc biệt. Rất trân trọng tấm lòng của bác.

VanPham said...

Những ngày này, tôi thấy thế nào ấy! Như là đi coi thi Tốt nghiệp phổ thông trung học vậy. Cảm giác là, với cương vị chủ tich hộ đồng coi thi mà không dám nhìn lâu vào phòng thi, không nhìn mặt các Em HS, thấy mình sượng sượng.
Chào PV!

phivu56 said...

Rất trân trọng nỗi lòng cùng những suy nghĩ của các anh chị .