Translate

Wednesday, October 5, 2011

Có phải là đang có thay đổi?

Theo BBC News
Một thế hệ bộ trưởng mới?

Bộ trưởng Giao thông Vận tại Đinh La Thăng (Ảnh: Vietnamnet)
Từ khi còn ở cương vị điều hành Petro Vietnam, ông Đinh La Thăng đã được xem là người "dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm".
Việc tân Bộ trưởng Giao thông vận tải (GTVT) Đinh La Thăng quyết định thay Trưởng Ban Quản lý dự án xây dựng nhà ga hành khách sân bay quốc tế Đà Nẵng ngay trong chuyến đi thị sát công trình hôm qua được báo chí mô tả như sự kiện gây "chấn động" tại Việt Nam.

Theo kế hoạch Nhà ga hành khách sân bay Đà Nẵng đáng lẽ phải được hoàn thành từ tháng 1/2010, sau khi được khởi công xây dựng từ tháng 12/2007 với tổng vốn hơn 1.345 tỷ đồng từ ngân sách và vốn vay, và được giao cho Tổng công ty Cảng hàng không Miền Trung làm chủ đầu tư.
Mặc dù Thứ trưởng Bộ GTVT đã có chỉ thị phải có giải pháp hoàn thành trước ngày 31/12 nhưng cho tới khi Bộ trưởng Đinh La Thăng vào thị sát ngày 4/10 vẫn không có tiến triển.
Bộ trưởng Đinh La Thăng đã gọi điện thoại từ công trường, yêu cầu Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cảng HK miền Nam, ông Nguyễn Nguyên Hùng, đưa một cán bộ có năng lực vào làm Tổng chỉ huy dự án nhà ga hành khách sân bay quốc tế Đà Nẵng và ngay cùng chiều hôm đó chính thức tuyên bố ông Đỗ Tất Bình, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cảng HK miền Nam, sẽ thay ông Đặng Hồng Cương (Trưởng BQL dự án xây dựng nhà ga hành khách sân bay quốc tế Đà Nẵng) làm tổng chỉ huy, toàn quyền điều hành toàn bộ công việc từ ngày 5-10.
Sự việc này được nhiều người nhìn nhận đã chứng tỏ ông Thăng là một người "dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm" như ông đã tuyên bố trước Quốc hội sau khi nhậm chức.
Được biết khi còn là Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petro Vietnam), ông Thăng, một trong những Bộ trưởng trẻ hiện nay của Việt Nam (sinh năm 1960) đã từng tuyên bố "nhiều vấn đề mới chưa có tiền lệ, tôi vẫn yêu cầu làm, nếu có vấn đề gì thì một mình Đinh La Thăng sẽ chịu trách nhiệm cá nhân".

Những dấu hiệu đổi mới?

Đây không phải là trường hợp được cho là "dám chịu trách nhiệm cá nhân" duy nhất trong thời gian gần đây trong giới lãnh đạo mới được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đưa lên trong thời gian qua.
"Bộ trưởng là tư lệnh lĩnh vực ngành phải cho tôi toàn quyền. Tư lệnh ra chiến trường phải được toàn quyền quyết định chiến đấu, tiến hay lùi, nếu chờ xin phép thủ trưởng ở nhà thì sẽ lỡ cơ hội."
Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng
Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ đã tuyên bố "nhận trách nhiệm cá nhân" về quyết định giảm giá xăng dầu mới đây bất chấp ý kiến phản đối và "cảnh báo" của các doanh nghiệp xăng dầu, điều cũng gây ấn tượng mạnh cho người dân.
Tại buổi hội thảo về "Điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường", ông Huệ đã yêu cầu các doanh nghiệp kêu thua lỗ phải báo cáo cụ thể, minh bạch, lỗ ở đâu để còn có hướng giải quyết và tỏ thái độ dứt khoát: "Nếu không làm được chúng tôi sẵn sàng cho giải tán để lập tổng công ty khác. Nên nhớ, nhiều doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp nước ngoài rất muốn chia "lỗ" với các tổng công ty đầu mối xăng dầu mà không được".
Nhà báo Roger Mitton đã từng nhận định về tân Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ, 54 tuổi, có bằng tiến sĩ về kế toán, kiểm toán và ngân sách nhà nước ở Slovakia, là nhân vật có tài năng và trong sạch, được biết tới vì khả năng xử lý các vấn đề hóc búa về tài chính.
Hãng Reuters cũng trích lời Alan Phạm, kinh tế trưởng tại công ty môi giới chứng khoán Vina Securities, nói sau khi tân nội các được công bố hồi tháng Tám: "Với việc Tổng kiểm toán nhà nước Vương Đình Huệ lên làm Bộ trưởng tài chính, Thủ tướng Dũng muốn mọi người thấy rằng ông muốn tiếp tục kiểm soát các doanh nghiệp Nhà nước để tránh xảy ra một vụ sụp đổ như Vinashin".

Cá nhân hay cơ chế?

Việc hai vị tân Bộ trưởng đã có những hành động quyết đoán và dám nhận trách nhiệm như vậy là do tính cách cá nhân hay đây là còn dấu hiệu cho thấy các bộ trưởng hiện nay đã có thực quyền có thể quyết định những việc quan trọng trên cương vị của mình?
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, Khoa Chính phủ và Quan hệ quốc tế, Đại học Tổng hợp George Mason, Hoa Kỳ, trong cuộc trò chuyện với BBC Việt Ngữ, cho rằng quyết định của hai vị bộ trưởng này là sự tổng hợp giữa tính cách cá nhân và cả sự đánh giá, lượng định của họ trong cơ chế cho phép có thể làm được điều đó và rõ ràng đây là một dấu hiệu tốt, cho thấy thực sự muốn cải tổ.
Tuy nhiên vẫn theo giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng thì đây mới chỉ là sự khởi đầu và còn phải tùy thuộc hậu quả của những quyết định này ra sao, nếu họ không bị những phản ứng tiêu cực hay bị mất chức thì đây sẽ là dấu hiệu tốt kế tiếp.
Và kể cả như vậy cũng chưa đủ vì "đổi mới thực sự, để đáp ứng các nhu cầu mới, thì cần phải cả hệ thống", ông Hùng nói thêm.
Một ví dụ được nhắc tới là thời kỳ Thủ tướng Nguyễn Cao Kỳ mới lên cầm quyền, việc chống tham nhũng cũng rất được chú trọng nhưng cuối cùng vẫn không làm được khi nó chỉ là nỗ lực của một cá nhân.
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh để có được sự ủng hộ của cả hệ thống thì đầu tiên phải có sự hỗ trợ, đồng tình của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, thủ trưởng trực tiếp các bộ trưởng này.
"Tuy nhiên dù thủ tướng mạnh, cũng chỉ là một trong những người điều hành cơ chế mà thôi, do vậy cần có đằng sau thủ tướng là những người ở vị trí cao cấp nhất trong Đảng ủng hộ thì mới làm việc đó được", ông Hùng nói thêm.
Theo ông, liệu những quyết định có tính chất "dám làm, dám chịu trách nhiệm" này được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ủng hộ tới đâu và "liệu sau này trong các cuộc tranh giành trong nội bộ có đưa đến việc các bộ trưởng này bị thất sủng hay không thì còn phải chờ mới biết được".

Đoàn thanh niên có lãnh đạo mới


Ông Thưởng (giữa, trái) chúc mừng ông Vinh (giữa, phải)
Ông Vinh sẽ thay ông Thưởng để lãnh đạo thanh niên Việt Nam
Ông Nguyễn Đắc Vinh, 39 tuổi, đã lên thay ông Võ Văn Thưởng làm Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
Ông Vinh là người được Bộ Chính trị giới thiệu và được bầu với số phiếu tuyệt đối 100% trong Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đoàn lần thứ 11 khóa 9 hôm thứ Tư ngày 5/10 ở Hà Nội, theo tường thuật của Thông tấn xã Việt Nam.
Phát biểu trên cương vị mới, ông Vinh nói sẽ ‘đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng và bản lĩnh cách mạng cho thanh niên’.
Ông cũng hứa sẽ đẩy mạnh các phong trào thanh niên lập thân lập nghiệp và thanh niên phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ Tổ quốc.
Cũng như người tiền nhiệm Võ Văn Thưởng trước đây, ông Vinh hiện là Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng. Ông vào Trung ương trong Đại hội Đảng XI hồi đầu năm 2011.
Khi được bầu vào vị trí được coi như là lãnh đạo của thanh niên Việt Nam, ông Vinh vẫn đang giữ các chức vụ chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam và giám đốc Học viện thanh thiếu niên Việt Nam.
Ông Vinh, quê Nghệ An, được biết là có học vị tiến sỹ hóa học ở Slovakia và học hàm Phó Giáo sư. Ông có thời gian gần 8 năm giảng dạy tại Khoa Hóa của Đại học Khoa học Tự nhiên thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội.
Ông Vinh lên thay ông Thưởng, 42 tuổi, vốn trước đó đã trở thành Ủy viên Trung ương chính thức và được Bộ chính trị chỉ định giữ chức Bí thư tỉnh Quảng Ngãi.
Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là một tổ chức chức chính trị-xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam. Được thành lập cách đây 70 năm, nhiệm vụ chính của Đoàn là tập hợp và tổ chức thanh niên đi theo sự lãnh đạo của Đảng.

Giáo dục thanh niên

Nhiều chóp bu chính trị như ông Tô Huy Rứa trưởng thành từ công tác tuyên truyền.
Ngoài việc bầu lãnh đạo mới, Hội nghị Ban chấp hành trung ương Đoàn lần này cũng chuẩn bị cho Đại hội Đoàn toàn quốc, dự kiến sẽ diễn ra vào năm sau.
Ông Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, đã đến chỉ đạo hội nghị.
Ông Rứa nhấn mạnh nghị quyết của Đảng về ‘tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa’ là kim chỉ nam cho hoạt động của Đoàn.
Ông yêu cầu Đoàn coi trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho thanh niên và có biện pháp hữu hiệu để giáo dục thanh niên hiểu rõ đường lối của Đảng và Nhà nước.
Ông nói Đoàn cần làm cho thanh niên ‘nhận rõ những luận điệu sai trái’ và ‘chống âm mưu và hành động lôi kéo, kích động của các thế lực thù địch’.
Trước đó, trong hai ngày 3/10 và 4/10 cũng tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị Ban thường vụ Trung ương Đoàn để sơ kết cuộc vận động ‘thanh niên phấn đấu trở thành Đảng viên’.
Trong gần ba năm qua, Đoàn đã tổ chức rất nhiều các hoạt động đa dạng như giao lưu, trao đổi, tọa đàm, diễn đàn, hội thi…, trong đó có hội thi về Chủ nghĩa Mác-Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh trên mạng Internet, hội thi ‘Nghị quyết của Đảng – Hành động của thanh niên’ và cuộc vận động ‘Tuổi trẻ Việt nam học tập và làm theo lời Bác’ để lôi kéo thanh niên tin và theo Đảng.
Theo số liệu của Trung ương Đoàn, từ năm 2000 đến 2010 trung bình hàng năm có hơn 100.000 đoàn viên được kết nạp Đảng.
Tuy nhiên các đại biểu dự hội nghị cũng cho biết công tác phát triển Đảng cũng gặp hạn chế ở một số đối tượng như ‘thanh niên nông thôn, thanh niên đô thị, thanh niên công nhân, thanh niên trong trường học và thanh niên dân tộc’, theo tường thuật trên website chính thức của Trung ương Đoàn.

1 comment:

dangnba said...

Ông Đinh La Thăng từ dầu khí sang Bộ trưởng GTVT, rất nhiều người đã lên tiếng TƯ biết nhưng tất cả cho qua. Hẫy đợi đấy ở con người này, lối sống là T&T