Translate

Thursday, September 8, 2011

Xích Tử - Hộ và khẩu

Xích Tử
Sau 1975, người ở miền Nam lần đầu nghe và quen dần với hộ và khẩu, hộ khẩu (trước đó, chính quyền VNCH có chế độ đăng ký hộ tịch cho cá nhân bằng giấy khai sinh và lý lịch tư pháp – trích lục cá nhân, và quản lý gia đình bắng Sổ gia đình). Sổ hộ khẩu trở thành công cụ để nhà nước quản lý gia đình và các thành viên trong gia đình, cùng với sổ lương thực, sổ công nghệ phẩm, vốn gắn liền với diện gia đình không được cung cấp lương thực và công nghệ phẩm bằng tem phiếu, chủ yếu ở nông thôn.

Cùng với những từ ngữ cách mạng khác, nhiều người thấy lạ lẫm với cách thay đổi từ sổ gia đình sang sổ hộ khẩu; và thực sự nhiều người có thể hiểu được từ “khẩu”, còn “hộ” là gì thì không. Bây giờ truy nguyên ra mới hay “hộ” trong chữ Hán là cái cửa một cánh, dùng hoán dụ để chỉ một nhà; còn khẩu là cách dùng hoán dụ để chỉ một người. Từ ý niệm gia đình (family) như một cơ cấu có những quan hệ bên trong và với bên ngoài để làm thành những đặc trưng của văn hoá xã hội của một dân tộc chỉ còn độc lại một đơn vị thống kê là cửa, nhà (house); từ một chỉnh thể cá nhân – người trong những đặc trưng xã hội – nhân văn của nó, đến đây chỉ được xem là một đơn vị ăn (miệng). Đúng là chủ nghĩa nhân văn mới. Và cũng giống như những gì đã xảy ra trong Cải cách ruộng đất, hay cách gọi Quân uỷ trung ương hiện nay, hộ và khẩu là sản phẩm của Trung Hoa maoist. Thôi thì đó là chuyện của một thời.
Chuyện công cụ quản lý nhà nước thể hiện bằng những giấy tờ tuỳ thân của cá nhân và các loại giấy tờ, sổ … đối với đơn vị gia đình có lẽ là cũng bình thường, tự nhiên, thời nào cũng có và nước nào cũng có. Chức năng của các công cụ đó là thực hiện việc kiểm soát, quản lý của nhà nước về thống kê dân số, nhân khẩu phục vụ cho các nhu cầu phân bổ dân cư, thực hiện chính sách di cư, quản lý nguồn nhân lực, động viên quốc phòng, đồng thời kiểm soát trật tự an toàn xã hội, và cả an ninh quốc gia thông qua các chỉ dấu về di chuyển, cư trú và biến động nhân thân của công dân.
Theo đà phát triển chung của văn minh quản lý, thường các loại giấy tờ nói trên càng ngày càng ít hơn và thân thiện với công dân hơn nhưng không làm giảm hiệu lực quản lý nhà nước, đồng thời ngày càng phát huy được các quyền tư do cá nhân trong cơ cấu xã hội theo yêu cầu của nền dân chủ và các quyền con người.
Tuy nhiên, như đã thấy, sổ hộ khẩu cùng với sổ lương thực, sổ công nghệ phẩm của Việt Nam trong giai đoạn sau 1975 đã phối hợp một cách hợp pháp với nhau để qui định rằng, trong một thời điểm nhất định, mỗi cá nhân chỉ được quyền sống cơ bản (ở, ăn, mặc..) tại một địa điểm địa lý và xã hội nhất định. Mọi sự di chuyển tuỳ ý trước hết vi phạm qui định pháp luật về chế độ hộ khẩu; song trước khi bị xử lý về hộ khẩu, về mặt lý thuyết, cá nhân đó đã không thể sống được vì không cái để ăn và mặc (bị đói, lạnh và xấu hổ).
Để được chuyển đi một cách hợp pháp, chẳng hạn vào đại học, công dân phải xin cắt hộ khẩu ở cấp thẩm quyền là công an huyện, quận, thị xã. Sau đó, dùng chứng cứ đã cắt hộ khẩu để cắt chế độ lương thực và công nghệ phẩm bằng việc gạch tên trong các loại sổ này và có xác nhận của hai tổ chức kinh tế trá hình ở cấp xã là hợp tác xã nông nghiệp và hợp tác xã mua bán.Thẩm quyền sở tại của trường đại học nơi nhập đến sẽ làm thủ tục để hợp pháp hoá và trả lại cho công dân các nội dung bị cắt nói trên. Đường dây phối hợp các loại thủ tục đó rất phức tạp, tuỳ tiện và chính từ sự lạm quyền tuỳ tiện đó, nạn hối lộ, tham nhũng đã nảy sinh ngay từ những ngày đầu của chính quyền mới (tôi biết ở quê tôi, nhiều người phải trả vài ba cây vàng cho việc cắt hộ khẩu để đi học đại học trong những năm 1976, 1977…).
Rồi thời thế đổi thay, một số thiết chế xã hội không còn cần thiết, hợp tác xã nông nghiệp hay mua bán tan nát; chế độ phân phối hàng hoá thiết yếu theo tem phiếu không còn sử dụng, dẫn đến sổ lương thực và sổ công nghệ phẩm của gia đình được bãi bỏ. Tuy nhiên, sổ hộ khẩu thì vẫn còn. Nó không chỉ phục vụ cho việc quản lý của ngành công an, mà còn được dùng vào cho những qui định pháp lý, thủ tục nghiệp vụ của những ngành khác như mua nhà, vay tín dụng, đăng ký xe máy, xin việc…Xét ra, những qui định ăn theo đó còn ngặt nghèo hơn cả phạm vi qui định về cư trú của công dân. Và do vậy, qua mấy chục năm, đối với công dân, hộ khẩu được nhận thức như một thứ không phải là cái để quản lý mình, mà là quyền lợi của mình. Có dạo người ta rộ lên việc bỏ chế độ hộ khẩu và sổ hộ khẩu, nhập giấy chứng minh nhân dân với hộ chiếu, tôi thử hỏi một vài người có trình độ đại học trở lên rằng hộ khẩu có cần không thì nhận được câu trả lời là cần, vì có hộ khẩu mới mua được nhà, xin được việc, vay được tiền: bị quản lý thành được quản lý; quả thành nhân và nhân thành quả.
Buồn thật.
Xích Tử

No comments: