Translate

Sunday, July 10, 2011

Đối sách của Việt Nam với Trung Cộng(?)

Theo danchimviet.info
Tác giả: Hành Khất
Trước hiện tình đất nước Việt Nam (VN) đang sôi động vì áp lực của Trung Cộng (TC) mạnh mẽ trên vùng biển Đông, dĩ nhiên, VN phải có những đối sách với TC. Nhưng cho đến nay, qua những cuộc biểu tình “tự phát” phản đối TC, của ba miền Nam, Trung, Bắc, dân Việt vẫn còn đang hoang mang vì không “nghe thấy” bất kỳ đối sách nào của VN với TC qua   truyền thông, thậm chí trên những đài truyền hình vẫn tiếp tục chiếu bộ phim nhiều tập của Tàu, còn đang … dang dở. Sự “yên bình” đó, tưởng chừng không có biến cố gì quan trọng đã và đang xảy ra, làm rối lòng người dân trong và ngoài nước. Và không mấy ai là không tỏ ra quan tâm đến tình hình, thế cuộc VN như hiện nay, cũng như họ đang chờ đợi … những đối sách của chính phủ VN với TC.

Hầu hết chúng ta, ai cũng nghe nói đến tên Tần Thủy Hoàng, một bạo chúa Tàu, đã gồm thâu những nước nhỏ lân bang, để tạo nên một đất nước có cái tên Trung Hoa hôm nay. TC cũng đang mong muốn trở thành một Tẩn Thủy Hoàng … của vùng Đông Nam Á, áp dụng phương thức xưa của họ Tần là tách riêng ra từng nước một, dẫn dụ, đe đọa, và khống chế. VN là một nước được xem là thí điểm, một mô thức sẽ được áp dụng linh hoạt trên những nước lân cận khác, như TC đang lên kế hoạch. VN cũng đã phản ứng bằng cách gia nhập khối Đông Nam Á, như mượn bóng cây “che tạm” nắng trưa hè, cho dân an lòng tiếp tục chịu đựng sự gay gắt của cái nóng cháy da. Và cái bóng ấy không thể nào hoàn toàn bao che, ngăn chận ánh mặt trời qua những … đám lá dầy, mỏng khác nhau. Đồng thời, VN “cố gắng” niềm nở chào đón sự thăm viếng của nước khác, để tỏ lòng “thân thiện” trong quan hệ “người ngoài” và bày tỏ “tình hữu nghị” nồng nhiệt qua mười sáu chữ … sơn tựa … vàng (1) với “người trong” … cuộc. Đó là chiến thuật “nước xa không cứu được lửa gần” từ ngàn xưa, mà VN đã một lần được kinh nghiệm qua, vào thời kỳ nhà họ Khúc (2). Hơn thế nữa, VN “luôn luôn” giữ “uy tín” qua những “lời tuyên thệ” trong ngoại giao như là bốn tốt (3) và năm không (4) đối với TC. Đó cũng là đối sách “kinh nghiệm” của một nước hơn một ngàn năm làm chư hầu. Cho dù gần đây, luôn có nhiều “hiểu lầm”, do sự … “kích động” hơi … “sai lạc” của những con tàu “đánh cá” TC, VN vẫn “quyết tâm” thực thi “tốt” qua công cuộc “trị an” dân biểu tình. Và quyết tâm đó đã từng được thể hiện trong tiến trình “phân bố cột móc” sao cho hợp với những “ký kết” đã được thỏa thuận mà ngay cả ông cha ngày xưa đã “sai lẩm”, không “minh bạch” trong vấn đề biên giới.
Đây là đối sách “khoan dung”, “hòa hợp”, đầy thiện chí, dù có vài khía cạnh giống như của nhà Mạc (5), và “khôn khéo” hơn họ Khúc, nhưng … có tránh được “vận mệnh” theo lòng dân đối với nhà Hồ (6) không ? Lịch sử cũng là kinh nghiệm thực tế được ghi nhận ! Không riêng chỉ đối sách với nước khác là sự bảo đảm cho một chính phủ hay đại diện chính quyền, nếu điều đó đi ngược lại những gì lòng dân mong mỏi. Và một khi, tiếng nói người dân đồng nhất vang lên, đó là hồi chuông cảnh tỉnh, báo động sự an nguy đất nước trước những đối sách dường như “thiếu hiệu quả” của chính phủ. Dân chính là những người nhận lấy kết quả hay hậu quả do đường lối của chính phủ đương thời hơn là thành phần đang cầm quyền vì họ vẫn có thể giữ được những quyền lợi riêng tư, trong sự lựa chọn đối sách nào đó. Ai cũng biết rằng , chỉ có ba phương cách chọn lựa, ứng dụng trong mọi giao tiếp, để bày tỏ ý mình : đồng thuận, đối nghịch, và im lặng. Dường như VN đang chọn cách “im lặng” để giải hóa sự “hung hăng” của TC(?) hay ngầm ý “chấp nhận” khi tự biết mình không đủ khả năng tự vệ (?) và làm lạc hướng dư luận trước sự tố cáo “đồng thuận” của dân Việt trong và ngoài nước (?).
Trên thế giới, không có một nước nào ra tay áp đảo cuộc biểu tình của người dân biểu dương lòng yêu nước chống lại ngoại xăm, ngoại trừ … VN (7). Và ngay cả trong lịch sử hơn 4,000 năm, cũng chưa bao giờ ghi lại điều … “lạ” nầy ! Đây là một sự kiện khó tin, ngay cả đối với dư luận quốc tế ! Và đó có phải cũng là một đối sách của VN với TC nhằm “giữ vững” tình “huynh đệ” chỉ có trong bang giao của khối cộng sản ? Trong khi, một bộ trưởng quốc phòng VN vẫn “cương quyết” tuyên thệ giữ lập trường năm không và mười sáu chữ … vàng trong cuộc công du TC gần đây (8). Sau khi trở lại VN, vị bộ trưởng đó, mới lên tiếng phản đối hành động của TC (???), vì dường như chỉ mới … được biết dù chuyện đã xảy ra trước khi vị đó ra nước ngoài (???). Chính phủ VN không cần người dân biểu lộ lòng yêu nước như thế vì đó không nằm trong phương sách đối ngoại, trừ khi … chính phủ ban hành “luật cho phép biểu tình” (9). Điều nầy là bằng chứng đối với thế giới rằng, VN “không có chuyện biểu tình” như ở những nước khác vì cuộc sống của người dân luôn được “an lành” trong sự “bảo vệ, chăm sóc” của chính phủ. Và nếu có, là do những thành phần “phản động” trong và ngoài nước cấu kết làm “bất an” xã hội (10), lợi dụng chuyện “bất hòa nhỏ nhặt” giữa hai nước làm mất tình “hữu nghị” (11). TC muốn VN “giải quyết” vấn đề “bị xúi giục” đó (12).
Thời đại hôm nay đã khác xưa quá nhiều, sự di chuyển của quân đội, vũ lực được thực hiện một cách nhanh chóng, nếu cần thiết. Đâu cần phải kéo xe … ngựa, cởi voi từ xa dù chỉ mấy trăm dặm mà mất mấy ngày đường, để trợ chiến như thời họ Khúc. Những nước đồng minh chỉ cần một quyết định chung, là họ có thể hiện diện trong vòng 24 tiếng, với khả năng đủ đối kháng quân địch. VN vẫn biết điều đó, nhưng với lập trường “năm không” đã biến VN trở nên “cô thế” trước áp lực của TC. Vấn đề lại đặt ra là : “VN có được lợi thế nào không trong bang giao qua lập trường đó ?” Hay “VN bị bắt buột tuân theo một “lập trường” được quy định sẵn bởi TC ?” Hơn thế nữa, có lẽ VN muốn chứng minh trước thế giới sự “độc lập” và “anh hùng” tính trong khả năng bảo vệ đất nước. Nhưng dưới cái nhìn thực tế từ TC, VN không bao giờ có đủ “khả năng tự bảo vệ.”, hay dám nghĩ đến cuộc “trừng phạt” Campuchia như trước đây. Vậy qua đối sách nầy với TC, VN tự xuôi tay và sẵn sàng tuân phục hơn là … thảo luận qua những đòi hỏi của TC (?) hay chỉ là cái thế “nghi binh” theo giải pháp chính trị sâu xa hơn (?) mà TC khó lường trước được, một khi “hành động” được khởi sự từ phía TC. Cũng như đã từ lâu, VN luôn tuyên bố về việc “đặt hàng” mua sáu chiếc tàu ngầm, mười hai chiến đấu cơ (13), làm chấn động dư luận trong và ngoài nước, ngay cả các quốc gia lân cận. Với mức tài chánh và kinh tế như hiện nay, liệu VN có khả năng đó không ? Câu trả lời đó có thể biết được qua “phản ứng” của TC là: im lặng (theo phương cách thứ ba, cũng mang ý nghĩa là câu trả lời không cần thiết). TC cũng là một khách hàng “đồ sộ” quen thuộc của Liên Xô, có thể bỏ ra trăm tỷ đô la mua vũ khí theo “express” (chuyển hàng nhanh), trong khi VN phải … đợi hàng vài năm sau. Trừ khi, VN muốn trở thành một … Bắc Hàn thứ hai, tận dụng đồng xu cho vũ khí hiện đại, mới có thể khiến TC … chùng tay.
Đối sách quân sự luôn liên hệ chặc chẽ với kinh tế, hoặc ngược lại. Muốn giữ vững hai lãnh vực tương đối quân bình không phải là chuyện đơn giản, dể dàng đối với những nước không giàu có. Một là phải “hy sinh” kinh tế, để bảo vệ quyền lực, và không nước nào chọn giải pháp thư hai (ngược lại) Với TC hiện nay, vấn đề kinh tế là mối quan tâm hàng đầu, nhưng không có nghĩa, họ đang “hy sinh” quyền lực quân sự. Mà ngược lại, họ dùng quân sự để hộ trợ sự phát triển kinh tế rộng lớn và thu lợi nhiều hơn. Cả hai lãnh vực song phương đó là vũ khí tấn công những nước trong vùng Đông Nam Á, dù không tạo được “bá quyền” về quân sự, thì TC vẫn có thể “chiếm ngự” trên kinh tế. Và đó mới chính là mục đích của TC trong thời gian hiện thời, trước khi tiến hành bước kế tiếp. Tiêu hao tiềm năng về kinh tế đối phương, tất nhiên sẽ tạo thêm nhiều nhu cầu cần thiết, để TC xuất cảng ào ạt và thu lợi, ngay cả về mặt tuyên truyền văn hóa cũng được đưa theo. Và một khi, văn hóa được chấp nhận dễ dàng, rộng rãi hơn, kinh tế TC càng được phát triển mạnh hơn. Tình bang giao vẩn tốt đẹp, vì thực sự là không có chiến tranh nào xảy ra qua vai trò quân sự. TC một mặt “khơi cạn” tài nguyên VN, từ rừng đến cao nguyên, biến thành vùng đất không thể canh tác, thu hoạch, và khai thác vùng biển đánh cá, cũng như độc quyền thăm dò dầu khí ngoài khơi. Tất cả đều được quân đội sẵn sàng bảo vệ và yểm trợ, khiến VN đang cảm thấy bị đe dọa, nên phải “bóp bụng” tăng khoảng chi tiêu cho quân sự, với món nợ khổng lồ và tiền lời chồng chất, mà ngày nào đó, có lẽ, chính VN sẽ phải đi vay mượn từ TC để trả qua Liên Xô.
Không một nước nào trên thế giới có thể phát triển nhanh chóng, nếu không nương nhờ vào sự giúp đỡ của các nước giàu mạnh khác. TC cũng đã từng trải qua thời gian “nghèo đói” và “kiệt quệ” đó, và những gì TC có được hôm nay, không phải do chính họ tạo nên. Thì VN cũng không thể nào “cất đầu” nổi, nếu vẫn cứ khư khư ôm lấy những lập trường đối với TC. Không dám tự vạch cho mình những đối sách khác, dù biết rằng hiện tại, VN đang bị bế tắt vì chính những đối sách đó. Có phải chăng, chính phủ VN lo lắng về vấn đề “quyền lực” đang có, hơn là vận mệnh không xa của dân Việt? Họ khó có lòng nào, nếu phải từ bỏ chức vụ vì những thay đổi sách với thế giới Tây phương, và TC.
Đó là những nhận định sai lầm và mù quáng, vì nếu một chính phủ có khả năng đưa quốc gia tiến lên giàu mạnh, thì dù là dưới chế độ chủ nghĩa gì cũng được lòng dân hân hoan ủng hộ. Có ai tự hủy hoại căn nhà mình, nếu không có khả năng xây dựng lại? Và không ai lại không tô điểm, chăm sóc nơi cư ngụ thuộc về mình?
© Hành Khất
© Đàn Chim Việt
———————————————–
Chú thích:
(1) : “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai”
(2) : xin xem http://vi.wikipedia.org/ , Họ Khúc
(3) : “anh em tốt, đối tác tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt”
(4) : “1_ Không liên minh quân sự
2_ không liên minh với nước này để chống lại nước khác
3_ không cho nước ngoài lập căn cứ quân sự trên lãnh thổ Việt Nam
4_ không sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực trong tranh chấp chủ quyền lãnh thổ
5_ không chạy đua vũ trang, chỉ từng bước hiện đại hóa quân đội và tăng cường tiềm lực quốc phòng để phòng thủ, bảo vệ đất nước”
(5) : xin xem http://vi.wikipedia.org/ , Nhà Mạc
(6) : xin xem http://vi.wikipedia.org/ , Nhà Hồ
(7) : xin xem http://hoilatraloi.blogspot.com/2011/07/chong-toi-i-bieu-tinh.html
(8) : xin xem http://www.baotintuc.vn/472N20110707090003418T0/bo-truong-quoc-phong-phung-quang-thanh-tiep-dai-su-trung-quoc.htm
hoặc : http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2011/07/110707_viet_defence_minister.shtml
(9) : xin xem http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2010/02/100225_vn_lawof_demonstrations.shtml
hoặc : http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/rquest-eplain-rights-demon-nn-06302011172445.html
(10)        : xin xem http://www.youtube.com/watch?v=o6xV5HHa5og&feature=youtu.be
(11)        :  xin xem http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/how-16-golden-w-against-vn-tq-07072011174251.html
(12)        : xin xem http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2011/07/110708_nguyenthesu.shtml
(13)        : xin xem http://www.rfi.fr/actuvi/articles/113/article_3566.asp

No comments: