Translate

Friday, July 15, 2011

3 tàu hải quân Mỹ đến Ðà Nẵng

Theo NguoiViet Online

ÐÀ NẴNG 15-7 (TH) -
Ba tàu hải quân Hoa Kỳ gồm hai khu trục hạm và một tàu cấp cứu đã đến cảng Tiên Sa, Ðà Nẵng, hôm Thứ Sáu 15 tháng 7 năm 2011, cho một chuyến thăm viếng và hoạt động được gọi là “phi tác chiến” với hải quân CSVN và dân địa phương.
Chiếc tàu đánh cá của ngư dân Ðà Nẵng chạy ngang khu trục hạm USS Chung-Hoon đậu tại Tiên Sa, Ðà Nẵng. Cùng thăm viếng nơi đây ngày 15 tháng 7, 2011 còn có khu trục hạm USS Preble ba tàu cấp cứu USNS Safeguard. (Hình: HOANG DINH NAM/AFP/Getty Images)
Chuyến thăm viếng được giải thích là sắp xếp từ lâu trong chương trình “giao lưu” giữa hải quân hai nước và không phải phối hợp tập luyện tác chiến (như Mỹ với Phi Luật Tân, Úc, Nhật) nhưng cũng không tránh khỏi những lời đả kích từ Trung Quốc.

Trần Bỉnh Ðức, phó quân ủy trung ương của quân đội Trung Quốc than phiền với Ðô Ðốc Mike Mullen khi ông tới Bắc Kinh hồi tuần trước là các vụ “giao lưu” với Việt Nam “không thích hợp” lúc này. Ông ta ám chỉ đến những căng thẳng quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc đang lúc có các diễn biến xảy ra trên biển Ðông liên quan đến chủ quyền biển đảo.
Giới phân tích thời sự cho rằng dù không phải là các cuộc tập luyện tác chiến, hành động của Mỹ cũng hàm ngụ nhu cầu muốn hợp tác quân sự ngày một chặt chẽ hơn với các nước ASEAN, nhất là chia sẻ với họ các âu lo về chủ trương bành trướng bá quyền của Trung Quốc.
Những năm gần đây, Trung Quốc đã gấp rút hiện đại hóa guồng máy quân sự của họ cả về lượng lẫn về phẩm. Nhiều cuộc biểu diễn tập luyện hải quân qui mô ở biển Ðông của hải quân Trung Quốc không ngoài mục đích đe dọa Việt Nam và Trung Quốc.
Tuy các viên chức Mỹ giải thích nhiều lần là cuộc thăm viếng của các chiến hạm ở cảng Tiên Sa đã được chuẩn bị từ lâu, nó khó tránh khỏi sự bực tức của Bắc Kinh với cả Mỹ và Việt Nam.
Sĩ quan của tàu cứu cấp USNS Safeguard theo nhau lên bờ khi cập cảng Tiên Sa hôm Thứ Sáu 15 tháng 7, 2011. Các viên chức cả Việt Nam cũng như Mỹ đều nhấn mạnh chuyến thăm này đã được chuẩn bị từ lâu, không dính gì đến các sự căng thẳng trên biển Ðông thời gian gần đây. (Hình: AP Photo/Na Son Nguyen)
Hồi tháng 5 sang đầu tháng 6 năm 2011, tàu Trung Quốc đã hai lần cắt cáp tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam ngay trong khu vực biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo Công Ước Quốc Tế về Luật Biển (UNCLOS) mà cả Trung Quốc và Việt Nam đều là thành viên. Ngư dân Việt Nam nhiều lần đã bị lính Trung Quốc đánh, tịch thu hải sản, bị cấm đánh cá ở gần quần đảo Hoàng Sa.
Trong cuộc họp báo tổ chức ở cảng Tiên Sa, Phó Ðề Ðốc Tom Carney, tư lệnh Lực lLợng Tiếp Vận Tây Thái Bình Dương của Hải Quân Hoa Kỳ nói rằng “Chúng tôi đã có mặt ở biển Ðông 50, 60 năm nay, thậm chí trước đó và chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì sự hiện diện tại biển Ðông như chúng tôi đã duy trì trong những thập kỷ qua. Chúng tôi không hề có ý định rời khỏi nơi này”, theo tin tường thuật của báo Sài Gòn Tiếp Thị ngày 15 tháng 7, 2011.
Nhưng cả Mỹ cũng như Việt Nam hiểu rằng mối quan hệ quân sự giữa hai nước nếu tiến quá nhanh và quá xa sẽ có thể làm phật lòng Trung Quốc. Ðó là chưa kể những kẻ cầm đầu đảng Cộng Sản ở Hà Nội nghi ngờ chủ ý của Bắc Kinh.
Hà Nội luôn luôn cảnh giác với những gì họ gọi là chiêu bài “diễn biến hòa bình”, một hình thức lật Cộng Sản độc tài đảng trị không bằng hình thức quân sự.
Hà Nội muốn tận dụng các quan hệ kinh tế thương mại với Mỹ để có nhiều đô la nhưng khi động đến các bản phúc trình nhân quyền và tự do tôn giáo của Bộ Ngoại Giao Mỹ là guồng máy tuyên truyền của CSVN lại phản ứng rất mạnh.
Theo một bài phân tích của Wall Street Journal hôm Thứ Sáu, Mỹ đang muốn gia tăng các cuộc huấn luyện với các nước ASEAN như một phần của kế hoạch tăng cường khả năng cảnh sát đối với hải lộ quốc tế cũng như giúp hải quân của các nước nhỏ trong khu vực cảm thấy tự tin hơn. Một số nước này từng hoài nghi chủ ý của Mỹ khi thấy Mỹ dồn phần lớn khả năng quân sự vào vùng Trung Ðông.
Tháng trước, tại Diễn Ðàn An Ninh Khu Vực Sangri-La tổ chức ở Singapore, bộ trưởng quốc phòng Mỹ lúc đó là Robert Gates đã tuyên bố lực lượng Mỹ sẽ “tăng các cuộc thăm viếng, giao tiếp hải quân, cũng như các cuộc tập luyện hỗn hợp nhiều nước” trong khu vực để “giúp xây dựng đối tác để đối phó với các thử thách trong khu vực”.
Những điều ông Gates đem ra thí dụ là sự gia tăng hợp tác với Singapore bằng cách điều động thêm một số chiến hạm đến căn cứ ở đây cũng như các cuộc tập luyện hàng năm của nhiều nước gọi là “Hổ Mang Vàng”.
Phó Ðề Ðốc Tom Carney, tư lệnh Lực Lượng Tiếp Vận Tây Thái Bình Dương Task Force 73, họp báo ở cảng Tiên Sa ngày 15 tháng 7, 2011 khi đoàn 3 tàu hải quân Mỹ đến thăm viếng một tuần lễ với các hoạt động “không phải tác chiến”. (Hình: AP Photo/Na Son Nguyen)
Những năm sau này, các cuộc huấn luyện “Hổ Mang Vàng” tổ chức ở Thái Lan ngày càng qui mô và gồm nhiều nước ASEAN phối hợp cả bộ binh với hải quân và không quân. Các cuộc tập luyện hải quân song phương gọi tắt là “CARAT” với phân nửa trong số 10 nước ASEAN, gần đây nhất là với Phi Luật Tân ở gần quần đảo Trường Sa.
“Các cuộc tập luyện ngày càng kéo dài hơn và có nhiều nước tham dự hơn trước kia.” Ian Storey, một phân tích gia quân sự ở Viện Nghiên Cứu Ðông Nam Á tại Singapore phát biểu. “Tôi nghĩ những thứ đó làm cho Bắc Kinh rất lo”.
Trừ tờ Sài Gòn Tiếp Thị có bài tường thuật tương đối dài cuộc họp báo của Phó Ðề Ðốc Tom Carney và chuyến thăm viếng của 3 chiến hạm Mỹ, các tờ báo khác phần lớn đề cóp lại bản tin rất ngắn của TTXVN, mô tả chuyến thăm viếng hải quân này “hoạt động trao đổi kinh nghiệm chuyên môn của hải quân, công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, thi đấu thể thao, giao lưu văn hóa văn nghệ với cán bộ, chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam và tổ chức khám chữa bệnh nhân đạo”.
Ngày 23 tháng 6, 2011 khi họp báo ở Hà Nội, phát ngôn Bộ Ngoại Giao CSVN Nguyễn Phương Nga đã giải thích chuyến thăm viếng của 3 tàu hải quân Mỹ là “hoạt động hợp tác giao lưu” và “cũng là việc bình thường”.

No comments: