Theo RFI
Biển Đông nhìn từ Philippines.
DR
Theo báo chí Trung Quốc, hôm thứ hai 23/05/2011, một giàn khoan dầu khổng lồ hoạt động ở vùng nước sâu đã được một xưởng đóng tàu ở Thượng Hải bàn giao cho Tập đoàn Dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc (CNOOC). Theo giới lãnh đạo tập đoàn này, sau khi được thử nghiệm, giàn khoan sẽ được đưa xuống Biển Đông để bắt đầu hoạt động từ tháng bảy tới đây.
Được đặt tên là CNOOC 981, giàn khoan này trị giá khoảng 6 tỷ nhân dân tệ, tương đương với hơn 900 triệu đô la. Với kích thước rộng bằng một sân bóng đá, giàn khoan này có thể hoạt động ở vùng có độ sâu 3000 mét, tức là gấp 6 lần năng lực của các giàn khoan hiện tại của Trung Quốc.
Khi loan tin về giàn khoan khổng lồ này, báo chí Trung Quốc đã không ngần ngại nêu bật tham vọng của Bắc Kinh muốn làm chủ nguồn năng lượng từ đại dương, và cụ thể trong trường hợp này là tại vùng Biển Đông. Vùng này bị Trung Quốc đòi đến 80% diện tích, bất chấp tuyên bố chủ quyền của các láng giềng như Đông Nam Á như Việt Nam, Malaysia, Brunei, Philippines .
Một bài viết trên nhật báo Anh ngữ Global Times của Trung Quốc, đề ngày 24/05, nói rõ là giàn khoan này sẽ góp phần giúp Bắc Kinh hiện diện một cách mạnh mẽ tại khu vực phía nam của Biển Đông, và đánh dấu bước đầu tiên trong tiến trình phát huy ảnh hưởng tại vùng biển mà Bắc Kinh xem là thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Trung Quốc
Trả lời tờ báo, một nhà nghiên cứu thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc xác định là giàn khoan mới này có giá trị chiến lược quan trọng. Lời lẽ chuyên gia này rất cứng rắn : « Bây giờ khi đã có công nghệ để khai thác nguồn tài nguyên ở Biển Đông, Trung Quốc cần nỗ lực bảo vệ hoạt động của mình và răn đe các nước khác, không cho họ khai thác trái phép ».
No comments:
Post a Comment