Translate

Sunday, May 15, 2011

Thế Là Văng Miểng

Theo Việt Báo
Trần Khải
Không cần làm gì cho cao siêu, chỉ cần liên hệ với những người có “vấn đề” cũng đủ bị trù dập. Nói kiểu văn chương hè phố, đó là “văng miểng.” Những chuyện như thế đang xảy ra ở quê nhà của chúng ta. Và cả những nước 'đồng chí.'

Bản tin Reuters ngày 4-5-2011 kể rằng, cô Kim Hae-sook chỉ mới 13 tuổi, khi cô bị lôi vào một nhà tù Bắc Hàn trong gần 30 năm, bị giam cùng với toàn bộ gia đình còn lại của cô, chỉ bởi vì ông nội cô đào thoát sang Nam Hàn trong thập niên 1960s.
Hầu hết thời gian đó, cô bị đưa đi lao động tại một trong những hầm mỏ nguy hiểm nhất nước, làm việc 16-18 tiếng đồng hồ mỗi ngày.
Nhiều ngàn người đã bị giam tù lao động như thế ở Bắc Hàn, chỉ vì tội có “liên hệ” với người có vấn đề, theo bản phúc trình của Hội Ân Xá Quốc Tế.
Bản tin Reuters nói, vào năm 2002, cô Kim được thả ra trại giam “Bongchang-ri Camp No.18” sau 28 năm tù, ba người trong gia đình cô đã chết, hoặc vì đói hoặc vì tai nạn lao động.
Năm nay, 2011, cô Kim tròn 50 tuổi, đã thoát khỏi Bắc Hàn và kể cho Reuters qua điện thoại, “Tôi đã thấy hàng trăm vụ xử bắn công khai. Còn nếu có ai tin dị đoan, thì là bị treo cổ.” Cô kể rằng mấy năm đầu trong tù, gia đình phải ăn cả cỏ và lá cây vì khẩu phần bắp không đủ no.
Cô nói, “Nếu họ bảo chúng tôi chết, chúng tôi sẽ chết. Nếu họ muốn đánh chúng tôi, chúng tôi sẽ để họ đánh.”
Khi cô Hae-sook được ra tù năm 2002 nhờ thái độ tốt, cô nói trại tù  đó đang giam 17,000 người. Ân Xá Quốc Tế nói rằng Bắc Hàn đang giam 200,000 người trong các trại giam chính trị.
Việt Nam đã vượt qua kiểu dã man đó của Bắc Hàn, nhưng các hình thức kềm kẹp khác vẫn có, và vẫn thực hiện trong hình thức tinh vi hơn, tế nhị hơn.
Đặc biệt, nhà nước VN cũng vẫn nhạy cảm về các “liên hệ” được suy đoán là có tính chính trị.
Thí dụ, đối với Giaó sư Nguyễn Thanh Giang, bác sĩ Phạm Hồng Sơn, nhà báo Tạ Phong Tần, nhà thơ Bùi Chát và Lý Đợi... hiện nay chưa bị lôi vào trại giam, nhưng công an đã tới ngồi vây quanh  nhà và liên tục quấy nhiễu bằng mọi cách. Với họ và với người quen của họ.
Một điển hình cụ thể về cách quy chụp “có tội vì liên hệ” là trường hợp Giáo Sư Ngô Bảo Châu, người mang hào quang toán học tới cho dân tộc Việt Nam: khi Giaó sư Châu viết vài câu ngắn, trong đó có ý khen ngợi Tiến Sĩ Cù Huy Hà Vũ là người anh hùng huyền thoại... là bị báo của Bộ Công An tấn công liền, không kiêng nể.
Một điểm đặc biệt, người ký tên là Quý Thanh nhảy ra tấn công GS Châu có vẻ như người chưa từng ai biết đến, một kẻ giấu mặt. Tại sao Đảng CSVN đưa một người vô danh ra tấn công một người nổi danh quốc tế? Tại sao không kiếm nổi một nhà lý luận quen tên để đưa chữ nghĩa ra vùi dập người mà nhà nước vừa ca ngợi là Giải Nobel Toán Học tuyệt vời của Việt Nam?
Hay, tại sao Đảng CSN không chỉ thị cho Viện Khoa Học Xã Hội VN mở cuộc thảo luận chuyên đề “Đề cương Nghiên cứu: Tại sao Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ trở thành anh hùng huyền thoại dưới mắt nhìn của GS Ngô Bảo Châu?”
Bởi vì, có một sự thật rằng, GS Ngô Bảo Châu đã so sánh Tiến Sĩ Cù Huy Hà Vũ với vị anh hùng huyền thoạị Hector người thành Troy, với Turnus người Rutuli, với Kinh Kha người nước Vệ... Nghĩa là những nhân vật tuyệt vời trong lịch sử và huyền sử thi ca nhân loại.
Có phải như thế là, GS Ngô Bảo Châu đã xúc phạm tới ông Hồ Chí Minh, khi đưa TS Cù Huy Hà Vũ lên vị trí huyền thoại tuyệt vời như thế? Và do vậy, báo của Bộ Công An phải ra sức đánh phá GS Châu?
Điều chúng ta cũng nên suy nghĩ: vì sao một nhà toán học, nghĩa là người chuyên học về các biểu trượng trật tự đầy trí tuệ, lại đẩy anh Cù Huy Hà Vũ vào một cõi trên mây của các nhân vật anh hùng huyền thoại? Đâu có phải tự nhiên... GS Ngô Bảo Châu khi viết một bài toán đại số, hay toán giảỉ tích xuống giấy, là có suy nghĩ cẩn trọng. Và lời ca ngợi anh Cù Huy Hà Vũ cũng là một bài toán có ẩn số, mà Bộ Công An lập tức nổi điên liền.
Trong tác phẩm khảo cứu nhan đề “Trong cõi,” sử gia Trần Quốc Vượng nơi chương 3 có đoạn viết:
“...Qua huyền thoại và huyền tích, người xưa để lại cho chúng ta một cách nhìn nhận và phản ánh hiện thực. Huyền thoại và huyền tích là những thông điệp của ngày xưa truyền tới hôm nay, trong đó có cái chân thực lịch sử đã được mã hoá, huyền hoặc hoá tới một cơ chế mật mã buộc ta hôm nay phải lần mò tìm ra cái chìa khoá giải mã họ mã hoá ...” (hết trích)
GS Ngô Bảo Châu đã mã hóa thông điệp nào, để rồi báo của Bộ Công An phải đưa một người kể  như  là  vô  danh ra “lần mò giảỉ mã”? Và giải mã có đúng hay không?
Bài báo ký tên Quý Thanh có nhan đề “Về sự ngộ nhận của Giáo sư Ngô Bảo Châu” có những câu sau:
“Giờ đây, hình ảnh về Cù Huy Hà Vũ và GS Ngô Bảo Châu xuất hiện dày đặc trên một số luồng thông tin với những mỹ từ cao cả nhất. Nhưng sẽ chỉ là một sự ngộ nhận của niềm tin nếu chỉ nhìn nhận bằng sự lấp lánh của ngôn từ. Điều đó cũng giống như sự ngộ nhận về “anh hùng” Cù Huy Hà Vũ của GS Ngô Bảo Châu vậy.
Khoảnh khắc Hector ngã xuống dưới ngọn lao của Achilles dưới chân thành Troy cũng là khoảnh khắc chàng dũng sỹ đi vào tâm thức của nhân loại như biểu tượng về một phẩm giá cá nhân và tài năng mang tính thời đại. Đó là nhân vật hiếm hoi trong thần thoại Hy Lạp chiến đấu không phải cho danh vọng, oán thù hay khát khao quyền lực mà chàng chiến đấu để bảo vệ chính quê hương mình, gia đình mình, nhân dân mình. Hector với trí tuệ và hiểu biết của mình đã phản đối chiến tranh. Nhưng khi chiến tranh xảy ra, chính Hector không do dự khi đối đầu với một Achilles mình đồng da sắt, một việc không khác gì tìm đến cái chết trong khi chàng có thể có những lựa chọn khác. Nhân cách ấy, tài năng ấy và tinh thần ấy đã đưa Hector vào bất tử. Chàng trở thành một trong số Chín Hiệp Sĩ Được Kính Trọng để sánh vai cùng Alexander đại đế, Julius Caesar,  vua Arthur, Hoàng đế Charlemagne…
Trong blog cá nhân của mình  (blog Thích học toán - entry ngày 13/4/2011), GS Ngô Bảo Châu đã so sánh: “Tôi vốn không đặc biệt hâm mộ ông Cù Huy Hà Vũ. Những lý lẽ ông đưa ra tôi cũng không thấy có tính thuyết phục đặc biệt. Nhưng với những gì xảy ra gần đây, ông thể hiện mình như một con người không tầm thường. Như Hector người thành Troy, như Turnus người Rutuli hay như Kinh Kha người nước Vệ, ông Vũ không hề sợ hãi khi phải đối mặt với số phận của mình. Những nhân vật huyền thoại này đã làm mọi thứ để được đối mặt với số phận, để hoàn thành sứ mệnh của mình trong cuộc đời này”. Phát biểu ấy, dù vô tình hay cố ý, đã đặt Cù Huy Hà Vũ ngang với những người anh hùng trong lịch sử nhân loại...
...GS là niềm tự hào của Việt Nam. Trong bối cảnh hiện tại, GS là biểu tượng về mặt trí thông minh cho một dân tộc. Bởi vậy, những phát ngôn của GS không đơn thuần là những câu nói mang tính chất cá nhân nữa vì nó có tác động mãnh liệt đến suy nghĩ và niềm tin của hơn 80 triệu dân...”(hết trích)
Tuyệt vời... Quý Thanh đã viết tuyệt vời. Quý Thanh đã làm công tác giải mã tuyệt vời. Rằng “Giáo sư Ngô Bảo Châu là niềm tự hào của Việt Nam... là biểu tượng về mặt trí thông minh cho một dân tộc” và rồi Giáo Sư Châu đã, nói theo ngôn ngữ của sử gia quá cố Trần Quốc Vượng, đã mã hóa một thông điệp...
Câu hỏi nơi đây, rằng đó là thông điệp gì?
Tất nhiên là thông điệp về một ước mơ dân chủ, về ước mơ tự do, về ước mơ bảo hiến... Đó là những thông điệp minh bạch của TS Cù Huy Hà Vũ, và được mã hóa qua ngôn ngữ của GS Ngô Bảo Châu.
Và như thế, là GS Ngô Bảo Châu liền bị văng miểng, bị Quý Thanh nhảy ra quấy nhiễu.
Thực ra, ai cũng biết rằng GS Ngô Bảo Châu không ở trong hàng ngũ những người đấu tranh dân chủ. Niềm say mê của GS Châu là toán, và những cái khác không chiếm nhiều thì giờ trong đầu của GS Châu. Nhưng chỉ vì liên hệ thôi, chỉ vì liên hệ với người có vấn đề mà bị tấn công.
May mắn, Việt Nam đã trải qua thời của Bắc Hàn, nên GS Ngô Bảo Châu không bị lôi vào một trại cải tạo lao động. Kể ra, văng miểng như thế cũng còn là nhẹ.

No comments: