Translate

Friday, March 4, 2011

Việt Nam tố cáo Trung Quốc tập trận tại vùng Trường Sa

Theo RFI

Đảo Song Tử Tây, thuộc quần đảo Trường Sa.
Đảo Song Tử Tây, thuộc quần đảo Trường Sa.
Nguồn: wikipedia
Trọng Nghĩa
Trong một bản tin công bố hôm qua, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã chính thức lên tiếng phản đối việc « Trung Quốc diễn tập quân sự ở khu vực quần đảo Trường Sa ». Phản ứng của Việt Nam được đưa ra hơn một tuần sau khi cuộc tập trận, nhưng đúng vào lúc Bắc Kinh bị hai láng giềng khác là Philippines và Nhật Bản tố cáo về hành động khiêu khích tại các vùng có tranh chấp chủ quyền.

Theo Bộ Ngoại giao Việt Nam, trích dẫn Tân Hoa Xã, thì ngày 24/2/2011, biên đội tàu hộ vệ số 8 hải quân Trung Quốc đã tiến hành diễn tập chống cướp biển ở khu vực quần đảo Trường Sa. Đến ngày ngày 2/3/2011, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam phản đối hoạt động này của phía Trung Quốc.
Đối với phía Việt Nam, việc Trung Quốc tập trân tại vùng Trường Sa, xin trích, « đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam… (và) hoàn toàn trái với Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) được ký giữa ASEAN và Trung Quốc năm 2002 ».
Như thông lệ, phía Việt Nam đã khẳng định trở lại chủ quyền của mình trên cả hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, và yêu cầu Trung Quốc nên tránh những hoạt động làm tình hình thêm phức tạp.
Xin nhắc lại là vùng quần đảo Trường Sa được cho là có tiềm năng dầu khí dồi dào và hiện có 6 nước tranh chấp chủ quyền trên một phần hay toàn bộ khu vực : ngoài Việt Nam và Trung Quốc, còn có Brunei, Malaysia Philippines và Đài Loan.
Riêng đối với Bắc Kinh, họ đã tự nhận chủ quyền trên khoảng 80% vùng Biển Đông, bao trùm cả Trường Sa lẫn Hoàng Sa, nơi đã bị Trung Quốc chiếm trọn từ năm 1974 từ tay Việt Nam.
Trong thòi gian gần đây, lợi dụng sức mạnh quân sự ngày càng tăng của mình, Trung Quốc càng lúc càng có nhiều hành động quyết đoán trong các vùng đang tranh chấp, gây lo ngại nơi các nước láng giềng. Từ năm 2009 đến nay, Việt Nam đã phải nhiều lần lên tiếng phản đối Trung Quốc bắt giữ tàu cá và ngư dân Việt Nam hoạt động tại các vùng mà Bắc Kinh cho là thuộc chủ quyền của mình.
Không chỉ nhắm vào Việt Nam, Trung Quốc còn sách nhiễu hầu như là tất cả các láng giềng có đòi hỏi chủ quyền trùng lặp với họ, và liên tục bị phản đối.
Vào hôm nay 04/03, chính quyền Manila cho biết là sẽ yêu cầu Bắc Kinh giải thích về vụ cho tàu hải quân thâm nhập vùng biển Philippines, đe dọa một tàu thăm dò dầu khí cho nước này, rồi bỏ đi khi Philipines điều máy bay chiến đấu đến nơi xem xét tình hình.
Theo Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario thì các quan chức ngoại giao Philippines đang làm việc với đồng nhiệm Trung Quốc về sự cố mới vừa xẩy ra hôm thứ tư (02/03) tại vùng Reed Bank, nằm giữa khu mỏ khí đốt Malampaya của nước này và quần đảo Trường Sa, một vùng mà ông Del Rosario cho là hoàn toàn thuộc chủ quyền của Philippines.
Trước đó một hôm, vào ngày 02/03, trên biển Hoa Đông, hải quân Trung Quốc cũng cho phi cơ quân sự tiếp cận không phận của quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, hiện do Nhật Bản kiểm soát, nhưng cũng bị Trung Quốc đòi chủ quyền.
Hành động của Trung Quốc đã lập tức gặp phải phản ứng của quân đội Nhật Bản, đã cử ngay hai chiến đấu cơ đến khu vực để sẵn sàng ngăn chặn. Trước phản ứng đó, máy bay Trung Quốc cũng đã đổi hướng bay đi nơi khác.
Dù không có sự cố đáng tiếc nào xẩy ra, nhưng động thái của quân đội Trung Quốc đã khiến Tokyo một lần nữa tỏ ý quan ngại về đà vươn lên về mặt quân sự của Bắc Kinh.

No comments: