Translate

Friday, September 24, 2010

Human Rights Watch kêu gọi Việt Nam điều tra về tình trạng công an bạo hành

Theo RFI

Thanh Phương

Hôm qua, tổ chức bảo vệ nhân quyền của Mỹ Human Rights Watch, trụ sở tại New York, đã công bố báo cáo ( bản tiếng Việt ) rất chi tiết về tình trạng công an bạo hành, khiến nhiều người chết khi bị tạm giam ở Việt Nam. Tuy nhiên, chưa có thông tin nào cho thấy công an bị tòa kết án về những hành động của họ.

Chỉ dựa vào những thông tin đăng trên báo chí trong nước, bản báo cáo đã thống kê 19 trường hợp bạo hành của công an dẫn dến cái chết của 15 người. Trong 19 vụ việc kể trên, được ghi nhận kể từ tháng 9/2009, chưa có báo cáo nào cho thấy công an bị tòa kết án về những hành động của họ.

Phó giám đốc đặc trách châu Á của Human Rights Watch, ông Phil Robertson, nhận định rằng “tình trạng bạo hành của công an tại mọi miền ở Việt Nam được ghi nhận ở mức độ đáng báo động, làm tăng thêm mối quan ngại sâu sắc rằng những vụ bạo hành lạm quyền hiện lan rộng và có tính chất hệ thống.”

Bản báo cáo cho biết là “trong một số vụ việc, nạn nhân bị đánh khi đang bị công an hoặc dân phòng giam giữ. Một số trường hợp khác, nạn nhân chết ở nơi đông người do công an sử dụng bạo lực bị xem là quá mức cần thiết. Nhiều cái cái chết như thế đã gây nên những cuộc biểu tình phản đối của dân chúng Việt Nam trong năm vừa qua”.

Theo bản báo cáo, trong nhiều trường hợp, nạn nhân tử vong bị bắt chỉ vì những vi phạm rất nhỏ, nhưng trường hợp của anh Vũ Văn Hiền, chết ngày 30/6 /2010 trong đồn công an khi bị bắt vì xô xác với mẹ. Ba tuần sau đó, ngày 23/7, biểu tình đông người đã nổ ra ở Bắc Giang sau ciá chết của anh Nguyễn Văn Khương, chết chỉ vài giờ sau khi bị công an bắt vì tội đi xe máy không đội mũ bảo hiểm.

Tổ chức Human Rights Watch cũng lưu ý rằng một số vụ việc đã không hề được báo chí trong nước loan tải, chẳng hạn như cái chết của anh Nguyễn Thành Năm tại giáo xứ Cồn Dầu, Đà Nẳng, bị bắt sau các vụ đụng độ giữa giáo dân với lực lượng an ninh tại nghĩa trang Cồn Dầu, khu vực mà chính quyền muốn giải tỏa. Anh Năm qua đời ngày 3/7, một ngày sau khi được thả về, sau nhiều ngày bị công an giam giữ và đánh đập.

Theo tổ chức Human Rights Watch, “chính phủ Việt Nam cần công khai thừa nhận vấn đề này và ban hành luật quy định rõ hành vi lạm quyền của công an ở mọi cấp bậc đều là phạm pháp, đồng thời quy định rõ là bất kỳ cán bộ công an nào bị phát hiện vi phạm đều phải chịu kỷ luật và nều cần thì truy tố hình sự”.

No comments: