Translate

Friday, April 10, 2009

Chống tham nhũng vẫn đầu voi, đuôi chuột

Trích Người Việt Online





medium_VN-090409-CORRUPTION.jpg


Hình bên: Nguyễn Tấn Dũng đang dự một hội nghị tại Hà Nội cuối năm 2008. Tuy có luật chống tham nhũng, Việt Nam vẫn có nhiều cán bộ “thiếu ý thức trong kê khai tài sản.” (Hình: Frank Zeller/AFP/Getty Images)

Cán bộ, đảng viên không kê khai tài sản

HÀ NỘI (NV) - Cán bộ đảng viên CSVN có chức có quyền vẫn chây ỳ, không chịu kê hai tài sản dù chế độ Hà Nội nhiều lần hô hò “quyết tâm” chống tham nhũng.

Báo điện tử VNExpress hôm 9 Tháng Tư dẫn lời Mai Quốc Bình, phó tổng Thanh Tra Chính Phủ CSVN nói rằng “việc chậm trễ, thiếu ý thức trong kê khai tài sản cán bộ, công chức của nhiều địa phương, bộ ngành thời gian qua có thể khiến chủ trương này lâm vào cảnh “đầu voi đuôi chuột.”

Theo nguồn tin này, luật lệ qui định có hiệu lực từ giữa năm 2006 theo Luật Phòng Chống Tham Nhũng buộc từ cấp phó phòng trở lên của guồng máy công quyền CSVN phải kê khai tài sản chìm nổi “...theo quy định việc kê khai lần đầu sẽ phải hoàn thành vào cuối năm 2007. Tuy nhiên, một năm sau thời điểm này mới chỉ có 19 cơ quan trung ương và 10 địa phương hoàn thành xong kê khai thu nhập, tài sản của cán bộ, công chức.”

Hồi đầu Tháng Hai, Nguyễn Tấn Dũng, thủ tướng của chế độ Hà Nội nhân danh kẻ cầm đầu cơ quan chống tham nhũng gửi văn thư càm ràm “hàng loạt chủ tịch UBND tỉnh, thành cùng nhiều bộ trưởng chưa hoàn thành trách nhiệm trong việc tổ chức kê khai tài sản'.

Thế rồi, nửa tháng sau đó “thêm một số đơn vị có báo cáo kê khai” và đến nay “vẫn còn nhiều đơn vị chưa thấy có chuyển biến.” Theo VNExpress, “Hiện, 34 bộ, ngành cơ quan trung ương và 19 địa phương (trong số 64 tỉnh thị) hoàn thành kê khai lần đầu.” Tức là trễ hơn một năm đối với những bộ ngành và cơ quan, tỉnh thị địa phương đã khai báo. Số còn lại 45 tỉnh thị và một số bộ ngành trung ương vẫn chây ỳ.

“Ðiều này cho thấy cái ‘quyết tâm’ chống tham nhũng của chế độ Hà Nội và tinh thần thượng tôn pháp luật của đảng viên cán bộ cSVN nó cao đến đâu.

“Ngày 1/3/09, Trần Văn Truyền, Tổng Thanh Tra Chính Phủ CSVN họp báo than phiền các tỉnh thị ‘phải đồng loạt triển khai trong tháng 12, dứt điểm và báo cáo cuối tháng 1 nhưng nay đã cuối tháng 2 vẫn chưa có địa phương nào báo cáo.’

‘Theo một nghị định giải thích luật chống tham nhũng người có nghĩa vụ kê khai bao gồm’ đại biểu Quốc hội, đại biểu HÐND chuyên trách, người ứng cử đại biểu Quốc hội, HÐND. Cán bộ từ cấp phó chủ tịch xã; phó công an phường, thanh tra viên, cán bộ địa chính-xây dựng phường... cũng phải kê khai tài sản.

“Phía quân đội, diện kê khai sẽ bắt đầu từ tiểu đoàn phó hoặc phó chỉ huy quân sự cấp huyện. Bên cạnh đó ‘cán bộ cấp phó phòng công ty nhà nước sẽ phải kê khai nhà đất, tài khoản ở nước ngoài, đá quý, ô tô, sổ tiết kiệm, trái phiếu (trị giá từ 50 triệu đồng) của vợ, chồng và con chưa thành niên. Việc kê khai tài sản phải hoàn thành chậm nhất là 31/12 hằng năm.’

Phải kê khai hàng năm nhưng đến nay vẫn chưa kê khai xong lần đầu tiên.

Trong một cuộc họp ở Quốc Hội Hà Nội ngày 31/10/2008, Nguyễn Bá Thuyền, đại biểu tỉnh Lâm Ðồng than phiền rằng việc chống tham nhũng là ‘nhẹ trên, nặng dưới.’ Ông thuật lời kêu ca của cử tri nói ‘đối với nhân dân thì 500.000 đồng là bị bỏ tù, nhưng vụ Nguyễn Lâm Thái, người nào trên 1 tỷ mới xử lý hình sự, người nào dưới 1 tỷ chúng ta không xử lý hình sự.’

Theo điều tra tại 9 tỉnh do Trung Tâm Nghiên Cứu Phát Triển Hỗ Trợ Cộng Ðồng (CECODES) thuộc LH Các Hội Khoa Học và Kỹ Thuật Việt Nam (VUSTA) và đại sứ quán Phần Lan tài trợ thì người dân biết được các hành vi tham nhũng của những người có chức, có quyền nhưng hầu hết không dám tố cáo vì sợ bị trả thù hoặc không thấy “lợi lộc” gì, bản tin của VietnamNet tường thuật ngày 13/12/08.

Bản tin này cũng nêu ra cho thấy tham những nặng nhất nằm trong lãnh vực quản lý đất đai và tham nhũng thứ nhì là tại các dự án xây dựng hạ tầng cơ sở như cầu, đường.

Ngày 18/7/08, “Cổng thông tin chính phủ” CSVN đưa ra bản tin Nguyễn Tấn Dũng than phiền “Hình như việc chống tham nhũng đang có vẻ như chùng xuống, không quyết liệt như khi mới ra nghị quyết TƯ 3 hoặc khi luật phòng, chống tham nhũng ra đời.”

Trong bản phúc trình mới nhất, tổ chức tham vấn đầu tư quốc tế PERC ở Hongkong vẫn cho hay Việt Nam là một trong những nước tham nhũng trầm trọng ở Á Châu.

Bốn viên chức công ty Tư Vấn Quốc Tế Thái Bình Dương (PCI) ở Nhật đã bị tòa án quận Tokyo kêu án vì đã hối lộ cho quan chức CSVN. Huỳnh Ngọc Sĩ, nguyên phó giám đốc Sở Giao Thông Vận Tải kiêm trưởng ban quản lý Dự Án Ðại lộ Ðông Tây Sài Gòn, cái đinh của vụ án, hiện đang bị giam về tội nuốt tiền cho thuê một phần cơ quan chứ không phải tội ăn hối lộ của PCI.

Vì vụ này mà chính phủ Nhật đã loan báo tạm ngưng giải ngân tài trợ cho Việt Nam 3 tháng để trừng phạt.

No comments: