Translate

Monday, May 14, 2012

KỊCH BẢN CHÍNH TRỊ NÀO CÓ THỂ XẢY RA TẠI TRUNG QUỐC TRONG TƯƠNG LAI ?

Theo Phạm Viết Đào's blog

Lời bàn của Phúc Lộc Thọ: Đọc bài viết dưới đây của Lê Quế Lâm làm cho Phúc Lộc Thọ cảm thấy buồn vì nhận thấy: hình như trí thức Việt hải ngoại có vẻ quan tâm nhiêu hơn trí thức trong nước những vấn đề thế sự của đất nước về phương diện lý luận ?
Lê Quế Lâm
Trong buổi thảo luận về hiện tình đất nước do nhóm Nghiên cứu Văn hóa Đồng Nai & Cửu Long/Úc Châu tổ chức tại Sydney ngày 6/5/2012, một thân hữu có đưa cho tôi đọc qua câu hỏi sẽ đưa ra trong buổi thảo luận: Kịch bản chánh trị nào có thể xảy ra tại Trung Quốc? Phe thân Mao và diều hâu quân đội sẽ liên kết với nhau bóp chết sự thay đổi chánh trị tại Bắc Kinh hay không?” Tôi trao câu hỏi đến các bạn ngồi cùng bàn: anh Lê Văn Ngộ -cựu Nghị viên Hội đồng tỉnh Tây Ninh, Đỗ Trung Chu -cựu Tiểu đoàn trưởng SĐ/18BB, Bùi Đông Phương -cựu Đại úy TQLC, và anh Dương Hữu Chiêu -cựu Thiếu tá BĐQ, cựu Chủ tịch Cộng đồng Người Việt Tự do NSW.  Rất tiếc, vì thời gian hạn hẹp, nên câu hỏi chưa đến tay những người điều hướng cuộc thảo luận để có lời giải đáp, và các anh cũng muốn tôi có ý kiến về câu hỏi. Nay tôi xin phép được trả lời, dựa vào những tiền lệ của Đảng CS Liên Xô và Trung Quốc.
Từ những năm đầu của chiến tranh lạnh, lãnh tụ Xô Viết Khruschev đã thấy sự bất lợi của LX khi đối đầu với HK. Vì thế sau khi Stalin qua đời (1953) ông ta chủ trương “chung sống hòa bình” với Mỹ, lập đường giây điện thoại đỏ nối liền Khremlin với Tòa Bạch Ốc. Khruschev bị Breznhev hạ bệ năm 1964. Nhóm lãnh tụ cực đoan bảo thủ ở Khremlin chủ trương đối đầu với HK, ủng hộ CSVN chống Mỹ. Với sự rút lui của HK, từ 1975, sau ba nước Đông Dương, lần lượt đến Mozambique, Angola, Ethiopia, Nicaragua, Nam Yemen rơi vào tay CS. Sau đó, Hà Nội đưa quân sang Nam Vang lật đổ chế độ Pol Pot, tiếp theo Hồng quân LX xâm lược Afghanistan. HK và TC chính thức thiết lập bang giao từ đầu năm 1979: TC tấn công LX về mặt bá quyền, còn HK tấn công về mặt nhân quyền. TT Reagan tố cáo LX là “đế quốc ma quỷ, trung tâm của mọi tội ác”. Chỉ trong vòng 27 tháng, từ 10/11/1982 đến 10/3/1985 ba lãnh tụ tối cao LX lần lượt qua đời: Breznhev, Andropov và Chernenko. Để cứu LX, Gorbachev -một lãnh tụ trẻ 54 tuổi, đề ra các biện pháp cải cách chính trị một cách sâu rộng như chế độ tổng thống được thành lập, vai trò độc quyền của đảng CS bị hủy bỏ, hệ thống đa đảng được chấp nhận ở LX.
Kế hoạch của Gorbachev gặp sự chống đối của các thành viên cực đoan bảo thủ trong Bộ Chính trị. Dựa vào quân đội, công an và mật vụ là ba công cụ của nền chuyên chính vô sản mà họ nắm trong tay, nhóm bảo thủ quản thúc Gorbachev và ra lịnh lực lượng KGB đột nhập tòa Quốc hội Nga để tiêu diệt các lãnh tụ chủ trương cải cách. Quân đội, công an, mật vụ tuy chấp hành mệnh lệnh, nhưng không nổ súng vào nhân dân kéo đến bảo vệ toà nhà Quốc hội theo lời kêu gọi của tổng thống Yelsin. Mật vụ KGB là công cụ bạo lực chủ yếu của đảng CSLX, tuyệt đối trung thành với sự sứ mạng bảo vệ nền chuyên chính vô sản từ 70 năm nay. Nhưng ngày nay họ đã thức tỉnh, nên cương quyết không thi hành chỉ thị của thượng cấp. Cuộc đảo chánh bất thành. Quyết định đầu tiên của Gorbachev khi trở lại chính quyền là đặt Đảng CSLX ra ngoài vòng pháp luật, giải tán Ban chấp hành trung ương Đảng và từ chức tổng bí thư. Gorbachev giải thích, hành động của ông là để cứu LX, nhưng ban Bí thư, bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương đảng hèn nhát, không lên tiếng chống lại cuộc đảo chánh, chỉ trừ nhân dân. Đảng CS đã phản quốc nên giải tán.
Tại TQ, sau chiến thắng năm 1949, Mao Trạch Đông xây dựng “công xã nhân dân”, thực hiện những “bước tiến đại nhảy vọt”, gây thảm họa cho nhân dân TQ với 27 triệu người chết đói vì tổng sản lượng quốc gia giảm sút gần phân nữa. Để điều chỉnh những sai lầm nghiêm trọng của Mao, từ năm 1961, Đặng Tiểu Bình -Tổng bí thư Đảng CSTQ và Lưu Thiếu Kỳ -Chủ tịch nhà nước đã đề ra những biện pháp để cải tổ nền kinh tế như phục hồi việc canh tác và sản xuất cá thể, mở rộng thị trường tự do. Đặng chống tư tưởng của Mao và tin rằng cá nhân có tự do thì xã hội mới tiến hóa được. Chính quan điểm nầy khiến Đặng và Lưu bị thanh trừng khi Mao phát động cuộc “Cách mạng Văn hóa”, dùng Vệ binh Đỏ bức hại những đảng viên có đầu óc canh tân nhằm củng cố ngôi vị lãnh đạo của mình. Trong 10 năm “Cách mạng Văn hóa” (1966-1976) Mao dùng Thống chế Lâm Bưu để triệt hạ Đặng, sau đó đưa những lãnh tụ đoàn viên CS trong CMVH như Giang Thanh, Dương Hồng Văn, Diêu Văn Nguyên, Trương Xuân Kiều vào địa vị lãnh đạo Đảng để lật đổ Lâm Bưu. Đó là “nhóm bốn tên” (tứ nhân bang). Mao lại phục chức Đặng Tiểu Bình để kềm chế bọn bốn tên. Trong giai đoạn này, Đặng cùng người đồng chí lâu đời là Thủ tướng Chu Ân Lai phác họa kế hoạch hiện đại hóa TQ. Tháng Giêng 1976 Chu từ trần, Hoa Quốc Phong được hậu thuẫn của Mao, thay thế Chu Ân Lai, trong lúc đó bọn “tứ nhân bang” âm mưu cướp quyền lãnh đạo. Chúng liên kết với nhóm bảo thủ giáo điều trong đảng, chĩa mũi dùi tấn công Đặng Tiểu Bình, kết án Đặng đi theo con đường hữu khuynh tư bản chủ nghĩa.
Nhóm ủng hộ Đặng tổ chức lễ tưởng niệm Chu Ân Lai ở Thiên an môn. Họ tố cáo một số lãnh tụ cực tả trong đảng muốn thay đổi kế hoạch canh tân của cố TT  Chu Ân Lai và loại Đặng -người được Chu lựa chọn kế nghiệp để thực hiện việc hiện đại hóa đất nước. Nhân dịp này Đặng Tiểu Bình công khai tổ chức biểu tình trước Thiên an môn ngày 5/4/1976, ông lên án Cách mạng Văn hóa của Mao trong 10 năm qua đã tạo sự hỗn loạn liên tục trong guồng máy lãnh đạo đảng, làm suy yếu nền kinh tế TQ. Một lần nữa Đặng bị nhóm bảo thủ cực đoan tước hết mọi quyền lực phải chạy về Quảng Đông nhờ sự che chở của Triệu Tử Dương, người bạn cũ làm tư lịnh quân khu ở đây.
Tháng 9/1976 Mao qua đời, “bọn bốn tên” lại âm mưu cướp quyền lãnh đạo, nhưng bất thành. Hoa Quốc Phong đưa phe cánh Lâm Bưu & Giang Thanh ra tòa xét xử vì trong 10 năm Cách mạng văn hóa, bọn này đã làm TQ hỗn loạn khiến nền kinh tế lụn bại. Các bị cáo từng nắm quyền lãnh đạo như Phó Chủ tịch đảng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng đều đổ tội cho Mao. Chính vợ Mao là Giang Thanh đã khai: “Mọi việc tôi làm đều do Mao bảo tôi thực hiện. Tôi là con chó của ông ấy, ông bảo tôi cắn gì tôi cắn nấy”. Qua việc xét xử nầy, Hoa Quốc Phong cảm thấy mình cũng có tội vì Hoa là quyền thủ tướng kiêm bộ trưởng Bộ Công an đã ra lịnh đàn áp cuộc biểu tình trước Thiên an môn. Do đó, Hoa Quốc Phong tự động xin từ chức. Triều đại Mao thực sự chấm dứt. Với quyền lực trong tay, Đặng bắt đầu phát triển TQ bằng chính sách đổi mới. Ông đôn đốc sự thay đổi nhanh chóng guồng máy kinh tế, khuyến khích việc tiếp thu kỹ thuật và ngay cả phương pháp quản trị của tư bản Tây phương. Đặng áp dụng cả biện pháp tư bản hóa nhiều cơ sở quốc doanh, chấp nhận có mức độ sự cạnh tranh thị trường và mở rộng cửa giao thương với thế giới bên ngoài.
Tháng 5/1989 lãnh tụ Xô Viết Gorbachev đến Bắc Kinh để tái lập mối dây thân hữu Nga Hoa. Sinh viên TQ đón chào Gorbachev như một anh hùng cải cách của thế giới CS. Ông đến BK giữa lúc sinh viên đang biểu tình trước Thiên an môn đòi tự do, dân chủ sau khi nguyên lãnh tụ Hồ Diệu Bang từ trần. Sinh viên tố cáo Đặng Tiểu Bình và thủ tướng Lý Bằng đã ngăn cản không cho Hồ Diệu Bang thực thi việc cải cách dân chủ. Trong lúc Đặng tạo bầu không khí hòa hoãn với thế giới để tìm sự ổn định nhằm phục vụ công cuộc hiện đại hóa đất nước thì những đòi hỏi dân chủ tự do của sinh viên là một thách thức đối với ông. Vì đeo đuổi chủ trương canh tân, Đặng đã bị thanh trừng ba lần và ngày nay ngoi lên địa vị lãnh đạo tối cao để hoàn tất công cuộc hiện đại hóa TQ. Do đó ông không thể rút lui và cũng không thể để TQ lâm vào cảnh hỗn loạn. Hành động đàn áp sinh viên ở Thiên an môn đã bị thế giới kết án, nhiều nước đe dọa cắt đứt quan hệ ngoại giao và áp dụng chính sách cấm vận đối với TQ. Ông kêu gọi thế giới hãy để TQ tái lập sự ổn định, nếu không TQ sẽ có nội chiến và thế giới sẽ phải chia phần trách nhiệm. Mặt khác Đặng hứa, từng bước đáp ứng những đòi hỏi chính đáng của thế giới, đó là điều kiện để TQ có thể nhận sự giúp đỡ của bên ngoài để hiện đại hóa TQ. Trong chuyến viếng thăm đặc khu kinh tế Thẩm Quyến hồi đầu năm 1992, Đặng chỉ trích mạnh mẽ những thành phần bảo thủ ủng hộ cuộc đàn áp sinh viên ở Thiên an môn hồi tháng 6/1989. Theo ĐặngTiểu Bình, phe bảo thủ là mối nguy hiểm lớn đối với việc xây dựng nền kinh tế thị trường và thực thi dân chủ ở Hoa Lục.
Nhìn lại quá khứ, có thể giải thích được lý do cuộc thanh trừng mới đây trong bộ máy lãnh đạo của Đảng CSTQ. TT Ôn Gia Bảo, chủ trương TQ phải cải cách chính trị một cách sâu rộng triệt để, mới duy trì được những thành quả kinh tế. Việc thanh trừng Bạc Hy Lai có tư tưởng tôn sùng cuộc “Cách mạng văn hóa” của Mao, cho thấy phe cải cách trong Đảng CSTQ có chiều hướng thắng thế. TQ có thể phải theo gương Miến Điện tiến nhanh trong việc cải tổ chính trị. Tuy nhiên, TQ có cái kẹt là vì chủ trương “kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa” của Đặng Tiểu Bình. Trong quá khứ, vì tư tưởng hữu khuynh, tư bản chủ nghĩa, Đặng ba lần bị Mao triệt hạ, do đó khi thắng thế, ông vẫn e dè nhóm cực đoan bảo thủ (tả khuynh) tôn sùng Mao, thay vì nói “kinh tế tư bản chủ nghĩa”, ông dùng chữ “kinh tế thị trường”. Và muốn kinh tế tư bản phát triển, Đặng phải kèm với “định hướng XHCN” để ve vuốt bè nhóm tả khuynh trong Đảng CSTQ.
Giờ đây, vấn nạn lớn của TQ là sự tranh giành quyền lực giữa hai nhóm: Kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa. Kinh tế thị trường tất nhiên phải đi liền với thể chế tự do dân chủ của phương Tây. Còn xây dựng XHCH phải quay về với độc tài độc đảng. Nhóm canh tân, đồ đệ của Đặng Tiểu Bình muốn tránh thảm cảnh “cách mạng văn hóa” tái diễn, phải cấp tốc xây dựng mô hình tự do dân chủ Tây phương. Trong trường hợp nầy, phe tôn sùng Mao và cánh diều hâu trong quân đội có thể, vì tham vọng củng cố quyền lực, làm đảo chánh. Lúc đó, “kịch bản chánh trị” sẽ xảy ra ở TQ tương tự như LX năm 1991: Đảng CSTQ sẽ bị giải tán vì tội phản quốc.
Tuần qua, thông tín viên Thanh Quang đài RFA có phỏng vấn ông Nguyễn Xuân Nghĩa về một kinh tế gia mang họ Mao lại kịch liệt chống tệ nạn sùng bái Mao. Đó là Mao Vu Thức vừa được chính quyền TQ cho phép đến HK nhận giải “Milton Friedman về phát huy Tự do” (04/5/2012). Được biết, tháng Tư năm rồi, Mao Vu Thức đã viết một bài xã luận trên blog "Tài Kinh" hay Caixin với tựa đề "Hãy để Mao Trạch Đông là Người". Lý luận của ông là đừng sùng bái Mao như thần thánh và tốn tiền ướp xác làm chi mà phải coi Mao là người, rồi đem ra xử trước công lý về cái tội đã làm 50 triệu dân vô tội bị chết oan trong 30 năm đen tối của Trung Quốc.

No comments: