HÀ NỘI (NV) - Báo chí quốc tế không mấy hào hứng khi thấy ông Nguyễn Phú Trọng được đưa lên làm tổng bí thư của đảng CSVN. Chuyện này đã được tiết lộ và gần như cả thế giới đều biết từ một tháng trước.
Người bán hàng rong đi ngang tấm bảng quảng cáo lãi suất của một chi nhánh ngân hàng, trung tâm thành phố Hà Nội. Việt Nam đối diện với các khó khăn kinh tế vào lúc chế độ Hà Nội thay đổi lãnh tụ. (Hình: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images) |
Cho nên, họ đều chú ý tới những khó khăn kinh tế tài chính mà chế độ Hà Nội đang đối diện.
Hai báo tài chính của Hoa Kỳ, Wall Street Journal và Bloomber chẳng để ý gì tới ông tân tổng bí thư mà đều chỉ chú ý tới việc, nhiều phần, Nguyễn Tấn Dũng vẫn là thủ tướng.
Khi Nguyễn Tấn Dũng không nắm được cái ghế tổng bí thư, điều này “cho thấy Việt nam tiếp tục chính sách chú trọng tăng trưởng kinh tế,” WSJ viết. “Những năm gần đây, Việt Nam đổ hàng tỉ đô la vào các chương trình tài trợ tín dụng và các chương trình chi tiêu khác của nhà nước để duy trì tăng trưởng nhanh chóng dù xảy ra những kỳ lạm phát cao.”
Tờ WSJ cũng nhận thấy kết quả bầu bán lãnh tụ chóp bu của đảng CSVN “phần lớn đã được sắp đặt sẵn từ trước.” Vẫn những người đó trong bộ chính trị sẽ nắm thực quyền, sẽ không có gì thay đổi về đường lối và chính sách của đảng CSVN.
Hiện mới chỉ thấy xuất hiện tổng bí thư đảng là Nguyễn Phú Trọng, còn Trương Tấn Sang (dự trù lên làm chủ tịch nước), Nguyễn tấn Dũng (dự trù vẫn là thủ tướng) và Nguyễn Sinh Hùng (dự trù sẽ là chủ tịch Quốc Hội) sẽ còn phải đợi có khóa họp Quốc Hội vào tháng 5 tới, Bộ Chính Trị “giới thiệu” để Quốc Hội biểu quyết thông qua.
“Sự thách đố cho các lãnh tụ cộng sản Việt Nam là phải điều chỉnh chính sách để kềm chế lạm phát đang làm suy nhược nền kinh tế, trong khi giá nhiên liệu và giá thực phẩm (tăng cao) trên thị trường thế giới đe dọa tăng áp lực lên giá cả hàng hóa ở trong nước.” WSJ viết.
Theo WSJ, nhiều kinh tế gia cho rằng Nguyễn tấn Dũng sẽ phải lựa chọn hoặc cắt bớt tham vọng tăng trưởng để đối phó với lạm phát, siết chặt chính sách tiền tệ hay phải đối diện với khủng hoảng kinh tế nặng hơn.
Tương tự như WSJ, tờ Bloomberg dẫn lời Jonathan Pincus, người cầm đầu chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright thuộc Ðại Học Harvard Kennedy School cho rằng chế độ Hà Nội phải có chính sách quyết liệt mới đối phó nổi với khó khăn kinh tế.
“Họ cần có hành động quyết liệt đối phó với lạm phát chứ không thể cho rằng vấn đề tự nó sẽ giải quyết, bởi vì nó sẽ không xảy ra.” Ông Pincus nói.
Theo một bản phân tích của ngân hàng đầu tư ANZ chi nhánh Singapore được Bloomberg dẫn lời, trong những ngày tới đây, chế độ Hà Nội khó tránh việc phải phá giá đồng bạc thêm lần nữa đồng thời với việc tăng lãi suất nếu muốn chận đà lạm phát.
Trong một bản tin khác, hãng tin Bloomberg dẫn lời chuyên viên của tổ chức lượng giá đầu tư Moody's nhận định rằng Việt Nam phải xóa bỏ thâm thủng cán cân chi trả ngoại quốc, tăng dự trữ ngoại tệ tới một mức tương đối đủ thì mới hy vọng được đánh giá cao hơn.
Bị đánh giá thấp, vừa khó vay nợ, khó bán công trái vừa phải gánh các lệ phí và lãi suất nặng hơn.