Ngô Văn
Vào trung tuần tháng 8/2010, các ngư phủ Nhật hành nghề ở vùng biển Okinawa bỗng nhiên thấy nhiều tàu đánh cá của Trung quốc xâm nhập vào vùng biển này giăng lưới bắt cá, trung bình mỗi ngày có khoảng 70 chiếc ra vào.
Được ngư dân thông báo, lực lượng tuần dương Nhật ở khu vực này đã tăng cường số tàu đi tuần và vào sáng ngày 7 tháng 8 năm 2010 phát hiện khoảng 30 tàu đánh cá Trung quốc đang thả neo hành nghề trong lãnh hải của Nhật, chỉ cách đảo Kuma chừng 15 cây số về hướng Tây bắc.
Các tàu đánh cá Trung quốc khi thấy tàu tuần dương Nhật đến đã tháo chạy, nhưng có một chiếc vẫn an nhiên tự tại hành nghề. Một chiếc tàu tuần dương của Nhật mang tên Yonaki đã mấy lần đánh tín hiệu và bắc loa ra lệnh cho chiếc tàu còn lại đó phải rút đi vì đây là hải phận của Nhật. Chiếc tàu đánh cá Trung quốc đó chẳng những không tuân lịnh mà còn quay lại húc vào sườn tàu tuần dương Nhật rồi mới bỏ chạy. Khoảng 40 phút sau, một chiếc tàu tuần dương khác của Nhật là Mizuki đón đầu được, bắt phải dừng lại để kiểm tra. Thấy không thể chạy thoát, tàu đánh cá Trung quốc bèn chơi trò liều mạng, đâm ngang hông tàu Mizuki, nhưng tàu chỉ bị hư hại nhẹ và cuối cùng đã bắt được toàn bộ 15 ngư phủ Trung quốc trên tàu đánh cá đem về Okinawa. Thái độ quá khác thường của chiếc tàu đánh cá dân sự duy nhất này đối với 2 chiến thuyền đầy đủ súng ống của Nhật khiến nhiều quan sát viên nghi ngờ đây là hành động có sắp đặt trước để cố tình tạo biến sự của Bắc Kinh. Tuy nhiên, các tàu chiến Nhật đều không nổ súng nhưng toàn bộ cuộc truy đuổi này được trực thăng Nhật thu hình đầy đủ để kháng nghị với chính quyền Trung quốc.
Nhưng Tokyo chưa kịp phản đối thì Bắc Kinh đã ra tay trước bằng cách cho người phát ngôn bộ Ngoại giao là bà Khương Du lên tiếng khẳng định rằng đó là vùng biển thuộc lãnh hải Trung quốc. Bà cũng khẳng định hành động vừa rồi của Nhật đã gây phương hại đến hoạt động đánh cá của ngư phủ Trung quốc, và đòi hỏi Nhật phải thả ngay 15 ngư phủ Trung quốc và đòi bồi thuờng thiệt hại. Nếu không thì Trung quốc sẽ có những “phối trí thích ứng”. Báo, đài ở Hoa lục trong tuần qua đã liên tục lên án gắt gao Tokyo. Tuy không đưa ra được một bằng chứng cụ thể nào cả, nhưng cả hệ thống tuyên truyền Trung quốc đều khẳng định và cáo buộc tàu tuần dương Nhật đã tông vào tàu đánh cá Trung quốc đang hành nghề trong lãnh hải của mình, rồi bắt Nhật phải tạ tội và bồi thường thiệt hại.
Cùng ngày xảy ra sự việc, Đại sứ Nhật ở Bắc Kinh là ông Niwa — mới sang nhậm chức được mấy ngày — bị ông Tống Đào (Thứ trưởng Ngoại giao Trung quốc) gọi đến để kháng nghị. Nhưng Đại sứ Nhật trả lời rằng: “Chúng tôi có bằng chứng cụ thể về chuyện tàu đánh cá Trung quốc xâm phạm lãnh hải Nhật. Những bằng chứng này sẽ được chuyển đến cho quý ông xem và yêu cầu các ông phải ra lịnh cho tất cả tàu bè của quý quốc từ đây không được xâm phạm lãnh hải Nhật”.
Tiếp theo đó là những cuộc biểu tình của dân Tàu trước đại sứ quán Nhật ở Bắc Kinh. Họ đốt cờ Nhật, và hô khẩu hiệu lên án Tokyo. Tại đây một đại diện ngư phủ Trung quốc tuyên bố rằng: “Nếu chính phủ không làm mạnh vụ này thì chúng tôi sẽ kéo vài trăm chiếc tàu đến vùng biển Điếu Ngư đánh cá, xem Nhật có dám bắt hay không”.
Trong thời gian này, Ngoại trưởng Nhật đang đi công vụ ở Berlin. Khi nhận được báo cáo ông đã mở ngay một cuộc họp báo và cho hay: “Chúng tôi có đầy đủ bằng chứng về chuyện tàu đánh cá Trung quốc xâm phạm lãnh hải Nhật và còn có hành động chống trả tàu tuần dương Nhật đang thi hành nhiệm vụ. Chắc chắn những ngư phủ Trung quốc mà chúng tôi vừa bắt sẽ bị đem ra xử theo đúng luật lệ hiện hành của Nhật”. Theo kinh nghiệm quá khứ về cách hành xử của chính phủ Nhật thì một khi ông Ngoại Trưởng Nhật đã tuyên bố như thế, chính quyền Tokyo sẽ không nhượng bộ cho dù Bắc Kinh có tìm cách gây hấn. Lý do đơn giản là vì nếu nhượng bộ, chính phủ Nhật sẽ khó giải thích với người dân Nhật.
Theo các chuyên viên quan sát tình hình biển Đông, tình hình xã hội và kinh tế Trung Quốc càng có chỉ dấu mất ổn định thì càng có xác suất nhà nước Bắc Kinh cố tình tạo ra các biến cố với nước ngoài để đánh động lòng ái quốc dân tộc, kéo quần chúng ủng hộ quanh chính quyền, và tạm quên các bất công xã hội lẫn nguy cơ kinh tế sắp nổ xập vào trong (implosion).
Có lẽ sau khi xem được một vài đoạn phim mà chính phủ Nhật công bố, Bắc Kinh đã cho Tân Hoa Xã bắt đầu xuống giọng bằng cách loan tin bà nội người thuyền trưởng tàu đánh cá bị Nhật bắt vừa mới qua đời hôm 08/09/2010, rồi đề nghị Tokyo thả người thuyền trưởng để cho ông ta về chịu tang bà nội.
Qua sự việc này, các lãnh đạo Hà Nội có thể học được nhiều bài học từ cả chính phủ Nhật và Trung Quốc. Chính yếu từ phía Nhật là thu thập hình ảnh trọn vẹn của vụ việc và trình bày ngay trước thế giới và chính công luận Trung Quốc qua hệ thống Internet. Cách thức này đã phá hỏng hoàn toàn kế hoạch “kiếm chuyện” của Bắc Kinh, đóng miệng hệ thống tuyên truyền Trung Quốc, và buộc kẻ gây hấn phải xuống giọng.
Từ phía Trung Quốc, các bài học chính cho Hà Nội là mọi chính quyền khôn ngoan, dù có giàu mạnh cách mấy, vẫn phải dựa vào sức dân tộc để đối phó với ngoại bang. Bắc kinh dù có đủ loại tàu chiến chìm nổi, dù rất sợ dân biểu tình tại thủ đô vì bất kỳ lý do gì, vẫn phải để các cuộc biểu tình chống Nhật diễn ra để có hình ảnh vận động cả nước và có lý cớ áp lực chính phủ Nhật. Thông điệp tóm tắt: “Người dân chúng tôi phẫn uất đến mức này đây. Nếu không thả các ngư dân thì khó mà tránh những chuyện đáng tiếc.”
Điều bất hạnh cho đất nước ta là: lãnh đạo CSVN sao chép nguyên vẹn rất nhiều bài học từ Trung Quốc đem về áp dụng, suốt từ chiến dịch Cải Cách Ruộng Đất 60 năm trước kéo dài đến các cách làm tin tặc phá hoại báo chí “lề trái” hiện nay. Duy chỉ có bài học làm sao đối phó với bá quyền Bắc Kinh là không nằm trong giáo án. Và toàn ban lãnh đạo Hà Nội hiện nay nhất định không học từ ai khác.