Translate

Tuesday, October 20, 2009

Không bịt mắt bịt tai mãi được

Trích NguoiViet Online

Ngô Nhân Dụng



Câu chuyện “Anh hùng Lê Văn Tám” là chuyện giả đã được Sử gia Phan Huy Lê nói tới từ năm 2005, trong khi dự một buổi họp của Hãng Phim Truyền Hình Việt Nam; và năm đó nhật báo Người Việt đã đăng tin. Năm nay, Giáo Sư Phan Huy Lê chính thức viết kể đầy đủ câu chuyện giả mạo đó để trả nghĩa với người đồng nghiệp quá cố đã căn dặn nhờ ông cải chính. Kể từ năm 2005 đến nay, cả Bộ Thông Tin lẫn Ban Văn Hóa Tư Tưởng của đảng Cộng sản Việt Nam không nói hay làm một việc gì để xóa bỏ tên Lê Văn Tám trong các sách giáo khoa cũng như trên bảng tên các con đường, các công viên.

Họ “tảng lờ” đi, như không biết, không nghe, không thấy. Nhưng phải nói là họ vừa tự bịt tai, vừa tự bịt mắt! Vì không biết làm gì khác! Thường khi người ta nói dối rồi bị lộ thì có hai cách xử trí: Hoặc là công nhận mình đã nói dối, xin cải chính và xin tha lỗi. Hoặc là chối bay không nhận mình đã nói dối. Và như thế thường phải che khỏa, lấp liếm việc nói dối của mình bằng những lời dối trá mới.

Hiện nay đảng Cộng Sản Việt Nam không công nhận mà cũng không phủ nhận sự thật về vụ Lê Văn Tám. Họ ngậm miệng, bịt mắt và bịt tai. Ðảng tự làm như vậy, để bắt tất cả mọi người làm theo: Không nói, không nghe, không đọc. Báo chí, đài phát thanh, phát ngôn nhân chính phủ, cứ tự bịt mắt, bịt tai, viết, nói những điều hoàn toàn trái sự thật. Tin rằng cứ nói dối mãi thế nào cũng có người tin!

Ðó là chính sách của đảng Cộng Sản được thi hành từ thời 1945. Chính sách là cứ nói dối, nói những điều dối trá trắng trợn khó tin, bất kể sự thật. Ai tố cáo mình dối trá, ai nói ngược lại cũng cứ lờ đi, không thấy, không nghe. Cấm đoán không cho dân chúng được nghe, được thấy, được nói những lời nói khác. Ðợi sau khi đã giết hết những người tố cáo mình dối trá rồi, lúc đó chỉ còn một mình mình có quyền nói thôi, cuối cùng thiên hạ sẽ chỉ biết tin mình, không có cách nào khác.

Năm 1946, Hồ Chí Minh đã ký kết chấp nhận cho quân Pháp đổ bộ lên Bắc Việt thay thế quân Tầu. Mục đích của ông ta là khiến cho các đảng phái quốc gia không còn dựa vào thế lực của Quốc Dân Ðảng Trung Hoa nữa, nhưng ông ta giải thích cách khác. Ông nói một câu nổi tiếng, “Thà ăn cứt thằng Pháp 5 năm còn hơn ăn cứt thằng Tầu suốt đời.” Ai cũng phục là cao kiến, vì lịch sử Việt Nam vẫn còn ghi chép đầy chứng cớ.

Nhưng trong việc thỏa hiệp với quân Pháp, Hồ Chí Minh chỉ cốt có thời giờ để bắt đầu tiêu diệt những người không đồng ý với chủ nghĩa Cộng Sản. Các vụ ám sát, những cuộc tấn công vào trụ sở, căn cứ quân sự của các đảng quốc gia đã gây cảnh huynh đệ tương tàn trong khi kẻ thù đứng trước mặt sắp tấn công! Ðến khi đã thủ tiêu hết đối lập, chiếm độc quyền điều khiển chính quyền kháng chiến rồi, mà muốn “ăn cứt thằng Pháp” nó cũng không cho, thì Hồ Chí Minh bỏ qua câu nói nổi tiếng cũ, quay sang ăn của Tầu. Vì đó không phải Tầu Quốc Gia mà là Tầu Cộng Sản, những đồng chí anh em vô sản quốc tế của ông Hồ.

Theo Giáo Sư Qiang Zhai, trong cuốn “China and the Việt Nam War, 1950-1975” thì giữa năm 1946, khi Cộng Sản Trung Quốc bị quân Quốc Dân Ðảng đánh ở Quảng Ðông, một cánh quân đã chạy sang Việt Nam và được Cộng Sản Việt Nam tiếp tế, đổi lại họ huấn luyện quân sự cho bộ đội Việt Nam. Cộng Sản Tầu có dịp bắt đầu một chương trình “diễn biến hòa bình” ở trên nước Việt Nam sau khi chiếm được lục địa. Ngay từ năm 1950 các cố vấn Ðậu Kim Ba, Ðặng Dật Phàm đã bắt cải tổ quân đội, bãi bỏ những sĩ quan có gốc là học sinh, sinh viên, trí thức, để thay bằng các chiến sĩ gốc bần cố nông hoặc thợ thuyền lên nắm quyền điều khiển quân đội. Ðó là một cách chia rẽ để tiêu diệt sinh lực một dân tộc, tạo nên một lớp người mới chỉ biết học tập theo Mao Chủ Tịch. Lúc các cố vấn Tầu sang chỉ huy từ việc quân sự đến cải cách ruộng đất như thế, thì không còn ai đứng ra tố cáo Hồ Chí Minh đem cả nước đi “ăn” của Tầu nữa!

Vì lúc đó những người đã biết và từng tố cáo Hồ Chí Minh chỉ là cán bộ phục vụ cộng sản đệ tam quốc tế đều đã bị thủ tiêu hoặc phải chạy ra nước ngoài sống cả rồi. Ngay năm 1946, 47, lúc mới bắt đầu cuộc kháng chiến, những người bị giết là những Khái Hưng, Nhượng Tống, Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm, Giáo Chủ Huỳnh Phú Sổ, cùng bao nhiêu chiến sĩ Quốc Dân Ðảng, Ðại Việt, Phục Quốc khác. Chạy ra ngoài bảo toàn được mạng sống có những Nguyễn Tường Tam, Nghiêm Kế Tổ, Hoàng Ðạo, vân vân. Cuối cùng, chỉ còn các cán bộ cộng sản của ông Hồ chiếm độc quyền ngôn luận, nói gì dân cũng phải tin vì không thấy ai nói ngược lại! Cho nên họ có thể vẽ ra những huyền thoại về Hồ Chí Minh cũng như huyền thoại Lê Văn Tám vậy!

Nhưng liệu đảng Cộng Sản bây giờ có thể cứ theo đúng chính sách bịt tai, bịt mắt, của ông Hồ được hay không? Khó lắm. Vì vào những năm 1945, 50 đầu thời kháng chiến thì phương tiện truyền thông ở nước ta không có bao nhiêu. Nắm được cái loa cầm tay ở đầu làng là làm chủ “thông tin, văn hóa, tư tưởng” được rồi. Còn bây giờ trên trái đất đã có Internet, ở Việt Nam nhiều nơi cũng có. Cho nên nói dối bây giờ rất khó. Không ai có thể nói dối tất cả mọi người mãi mãi được.

Có lẽ ông Trần Huy Liệu cũng biết trước như vậy, cho nên ông đã ủy thác cho sử gia Phan Huy Lê làm công việc cải chính huyền thoại Lê Văn Tám. Bởi vì ngay trong thời gian Trần Huy Liệu dựng ra chuyện đó, đã có người nghi ngờ là một thiếu niên sau khi tẩm xăng tự đốt thì không thể chạy xa để tới gần kho xăng được. Lý luận này đăng trên tờ báo Thời Mới ở Hà Nội, một tờ báo ngoài tầm kiểm soát của cộng sản. Ngoài ra, một vụ đốt cháy kho xăng lớn thế nào cũng có nhiều người tham dự, chủ mưu; sẽ có ngày họ xuất hiện nói lên sự thật; khi đó thần tượng Lê Văn Tám cũng sẽ bị lật mặt giả dối. Ðối với Trần Huy Liệu, tốt nhất là tự mình tìm cách cải chính chuyện gian dối đó, để khi chuyện lộ ra thì mình đỡ mang tiếng.

Nhưng là người đi theo cộng sản đã lâu năm, ông Trần Huy Liệu biết tự bảo vệ tính mạng mình. Xóa bỏ một huyền thoại do đảng dựng lên là điều nguy hiểm. Vì không những nó làm cả hệ thống thần linh của đảng bị mất một huyền thoại mà còn làm cho người ta nghi ngờ cả hệ thống đó còn nhiều điều gian trá khác. Người ta sẽ hỏi, “Sau Lê Văn Tám là ai?” “Lê Văn Tám đã vậy, còn Võ Thị Sáu, còn Minh Khai, còn Hồ Chí Minh thì sao? Cái gì thật, cái gì giả?” Một sự không tin, vạn sự không tin, người dân sẽ nghi ngờ cả đảng cộng sản! Cho nên ông Trần Huy Liệu không dám tự mình viết, dù chỉ viết một câu thôi, thí dụ: “Tôi, Trần Huy Liệu, xác nhận câu chuyện Lê Văn Tám tẩm xăng tụ đốt là hoàn toàn do tôi bịa đặt vì nhu cầu tuyên truyền để kháng chiến chống Pháp.” Viết một câu như thế mà ai bắt được thì chắc chắc sẽ bị thủ tiêu, bị đắm đò hay xe đụng lúc nào không biết!

Cho nên ông Trần Huy Liệu muốn cải chính nhưng cũng chỉ dám dặn dò bằng lời nói, không dám viết một chữ. Lúc đó là vào thập niên 1960, ông Phan Huy Lê cũng không dám xin ông Liệu viết mấy chữ làm bằng cớ. Vì có đứa nào nó tố cáo, bị bắt với bằng cớ đó thì cả hai thầy trò sẽ khó sống.

Nhưng tại sao đến bây giờ ông Phan Huy Lê mới chính thức công bố câu chuyện Lê Văn Tám? Thực ra thì giới sử học ở Việt Nam đã “thăm dò” vấn đề này qua những bài viết tên tạp chí Xưa và Nay trong năm 2003, và báo Thế Giới từ năm 2004 rồi. Năm 2005, ông Phan Huy Lê đã nói đầy đủ hơn, một cách bán chính thức, trong một cuộc họp về phim truyền hình, nhưng chưa chính thức viết ra. Ðến năm nay thì ông đã viết thẳng thành bài, vì không khí trong cả nước Việt Nam đang thay đổi.

Bây giờ người dân Việt Nam không còn tin đảng Cộng Sản nữa, mà cũng không còn sợ nữa. Cả guồng máy tuyên truyền đang trở thành bất lực, nói cái gì người dân cũng nghi là dối trá. Các mạng lưới thông tin mới đóng góp với hệ thống tin đồn, rỉ tai cũ của người dân. Sang thế kỷ 21 này, việc nói dối còn khó hơn thời 1960. Ai muốn trình bày một sự thật nào, thì đây là lúc có thể nói ra. Trước chính sách bịt mắt, bịt tai của đảng Cộng Sản, bất cứ ai giúp cung cấp thông tin, mở mang kiến thức của đồng bào, thì bây giờ là lúc nên làm!

Một dấu hiệu cho thấy dân Việt Nam không còn sợ nữa, là quyết định tự giải tán của các nhà lãnh đạo Viện Nghiên Cứu Phát Triển (IDS). Trước “quyết định số 97” của Nguyễn Tấn Dũng bịt mồm bịt miệng giới nghiên cứu khoa học, phản đối mãi không được việc gì, các nhà nghiên cứu chỉ có cách bày tỏ sự phản kháng là tự đóng cửa.

Ngày 14 Tháng Mười vừa qua, Nguyễn Tấn Dũng lại dọa rằng sẽ “xử lý những phát biểu thiếu tinh thần xây dựng của một số cá nhân thuộc Viện Nghiên Cứu Phát Triển.” Thái độ này cho thấy cả guồng máy thống trị của đảng Cộng Sản vẫn theo chính sách cũ từ thời Hồ Chí Minh: Bịt miệng thiên hạ. Không bịt miệng được thì dọa sẽ “xử lý!” Dọa rồi mà vẫn không công hiệu thì dọa nữa! Có thể nói trong việc đối phó với phong trào đứng lên đòi quyền được tự do phát biểu của giới trí thức Việt Nam, đảng Cộng Sản đang lâm vào ngõ bí.

Trong khi đó, giới trí thức Việt Nam đã phản ứng với thái độ dũng cảm hơn: Không sợ. Ông Nguyễn Quang A, nguyên viện trưởng IDS còn gửi thư lên Bộ Tư Pháp và Quốc Hội đòi “xử lý” cái Quyết Ðịnh 97, phi pháp và xâm phạm quyền làm người đó. Ông sẵn sàng đi theo nhưng ông Phạm Văn Trội, Vũ Hùng, Nguyễn Xuân Nghĩa, và hàng chục nhưng nhà trí thức khác đã vào tù vì lên tiếng đòi các quyền dân chủ tự do cho tất cả mọi người dân Việt Nam.

Người Việt Nam khắp nơi hoan nghênh những người có thái độ can đảm của các nhà trí thức đòi tự do dân chủ. Họ tin tưởng vào khả năng xét đoán của dân Việt Nam, cho nên họ can đảm nói lên khát vọng tự do của toàn dân, và trình bày những sự thật mà đảng cộng sản vẫn che dấu. Người Việt Nam có quyền được nghe, được thấy, được tiếp nhận các thông tin đúng. Không ai có quyền bịt mắt bịt tai một dân tộc.