Translate

Friday, May 21, 2010

Vũ Đông Hà: Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xí

Trích NguoiViet Boston

xiHồi nhỏ, nhà có 7 anh em. Đông con nít ít đồ chơi nên có trò chơi xí. Anh xí cái này, chị xí cái kia, em xí cái nọ. Xí chơi riêng, một lúc chán, gom lại chơi chung. Xí theo năng lực chơi theo nhu cầu. Mùa hè, em theo chị nuôi về Đà Lạt chơi. Một buổi sáng chị rủ ra cánh rừng gần nhà ở cây số 4. Chị thơ thẩn tìm một ‘cây thông đứng giữa trời mà reo’. Nhờ em khắc dùm hàng chữ V yêu N. Chị xí một gốc cây để in dấu tình yêu đầu đời của chị.

Năm tháng trôi qua, chuyện xí tưởng đã đi vào dĩ vãng. Cho đến khi:

Hàng trăm cây cổ thụ, lộc vừng lớn nhỏ giữa rừng tự nhiên bị đội quân săn cây cảnh ngang nhiên đánh dấu xí phần. Họ còn ghi địa chỉ, số điện thoại lên đó. Người mua cây cảnh được cho xem những tấm ảnh chụp ngay tại rừng để tha hồ chọn lựa…(*)

Chuyện “xí” đã không còn là chuyện linh tinh con nít hay vớ vẩn tình yêu mới lớn. “Xí” lan tràn khắp chốn, từ trên xuống dưới, từ mấy chục năm nay. Xí đã và đang làm đất nước này nghiêng ngả.
*
11 giờ 45 phút, ngày 15 tháng 4 năm 1992, một nhóm vài trăm người theo chỉ thị của vài chục người, đóng cửa phòng cùng nhau gật đầu, giơ tay xí phần quan trọng nhất của đất nước Việt Nam:

Đảng cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác – Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. (**)

Ngày hôm nay, đội ngũ công nhân lương không đủ sống, trong nước đình công, ngoài nước làm nô lệ. Cũng không còn cái gọi là giai cấp công nhân trong bối cảnh xã hội đa thành phần của Việt Nam vào thế kỷ 21 này. Thành phần lãnh đạo trong đội “tiên phong” của “giai cấp công nhân” bây giờ cũng không mấy ai là thợ máy, thợ thuyền như bác Tôn ngày xưa.

Nhưng ghế lãnh đạo đã được xí. Quyền cai trị, dẫn dắt gần 90 triệu người đã được đóng dấu và hợp pháp hóa, không cần phải trả tiền phạt như thành phần lâm tặc: Vì cây cảnh có giá trị cao nên cả chi phí khai thác, vận chuyển và nộp phạt cộng lại cũng chẳng thấm gì so với lợi nhuận mà lâm tặc kiếm được, lại an toàn và hợp pháp… (*).

Khởi đi từ đó, trò chơi xí đã được hệ thống hóa một cách chi li và chiến lược. 19 ghế cực lớn, 160 ghế lớn là chuyện nội bộ chia nhau sau khi xí. Ghế trung, ghế vừa, ghế nhỏ được định vị bởi bộ phận chuyên trị xí phần tầm dưới là Mặt trận Tổ quốc. Cái áo dân chủ được chắp vá kỹ lưỡng bằng 99.99% lá phiếu gạch chéo tên ai cũng được. Không gạch là có vấn đề. Nghĩa vụ làm chính danh hành động xí chỗ của thiểu số lãnh đạo là của đại số nhân dân. Nghĩa vụ này không cần xí. Cũng không được từ chối.

Hành động xí phần từ không gian chính trị đã tràn lan rắn rết ra mọi ngõ ngách của xã hội. Những chiếc chiếu trên được dành riêng cho những người có thẻ đỏ ngồi vào bàn tiệc. Tiệc công ty quốc doanh, tiệc đề án phát triển, tiệc hệ thống công an, ngân hàng, giáo dục, đầu tư, tiệc truyền thông báo chí, tiệc môi giới xuất khẩu người… Dân thường chớ hòng bén mảng vào trừ khi thẻ đỏ được thay thế bằng những bao bì để ngay ngắn trên bàn.

Từ đó, đất nước Việt Nam trong hòa bình, thống nhất và đổi mới đã vô cùng ổn định. Ổn định vì mọi việc, mọi thứ đã được xí và chia. Ổn định vì không có nhu cầu tranh cãi, giành giật. Một xã hội 90 triệu người đông như kiến ấy đã sống trật tự trong không gian chật hẹp, từ vị trí, vai trò đến tư tưởng, đã được định sẵn. Không phải có áo đỏ, áo vàng như dân Thái xuống đường đòi hỏi công bình trong việc chia phần làm chủ vận mạng của đất nước.

Việt Nam ta, mỗi người bôn ba, bươn chải, con mắt trái mở, con mắt phải nhắm, tranh nhau xí phần thừa xót lại để sống.

Ngay cả một gốc cây trên rừng.

*
Tình trạng những người mang dòng máu Việt xí phần với nhau tưởng chỉ dừng lại ở đó.

Cho đến một hôm thức dậy, mở con mắt phải mới biết một phần lãnh hải, lãnh thổ đã bị ngoại bang nhảy vào xí phần. Lá cờ một sao đã được thay thế bằng lá cờ máu năm sao trên những vùng đất, biển của tổ tiên.

Cho đến lúc tiếng gọi của lòng ái quốc làm bừng tỉnh con tim của nhiều người, để bước ra khỏi cuộc sống bôn ba và cùng nhau lên tiếng nói: Trả ta sông núi từng trang sử; dân tộc còn nghe vọng thiết tha; ngược vết thời gian, cùng nhắn nhủ: không đòi ai trả núi sông ta… (***).

Và lúc đó, mới biết: quyền yêu nước cũng đã bị xí phần.

Lâm tặc có thể lo toàn bộ thủ tục từ “A tới Z”, người mua chỉ việc chồng tiền đủ theo thỏa thuận là xong…(*)

Lãnh đạo đã lo toàn bộ việc trị nước từ “A tới Z”, người dân chỉ việc gạch chéo phiếu bầu và sống yên phận là xong…

Ngày 25 tháng 4 năm 2010

Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam
Cộng hòa Xã hội Xí chỗ Việt Nam
Cộng hòa Xã hội Xí chỗ
Cộng hòa Xã Xí
Cộng Xí

© 2010 Vũ Đông Hà
Nguồn: Vũ Đông Hà blog