Translate

Tuesday, August 3, 2010

Trung Quốc tập trận qui mô trên biển Ðông, Việt Nam tuyên bố đủ sức đối phó

Trích Người Việt Online

Bốn ngày sau khi Mỹ tuyên bố ‘quyền lợi quốc gia’

BẮC KINH 30-7 (TH) - Trung Quốc loan báo đã tổ chức một cuộc tập trận qui mô trên biển Ðông, biểu diễn sức mạnh quân sự chỉ ít ngày sau lời tuyên bố của ngoại trưởng Hoa Kỳ không đứng ngoài sự tranh chấp.



Một chiến hạm Trung Quốc thuộc Hạm đội Nam Hải bắn hỏa tiễn trong cuộc tập trận
trên biển Ðông hôm 26 tháng 7 năm 2010. (Hình: Xinhua.net)

Hành động này đi kèm với lời tuyên bố của Cảnh Nhạn Sinh, đại tá, phát ngôn viên của Quân đội Trung Quốc, lập lại lời tuyên bố của Ngoại Trưởng Dương Khiết Trì là không chấp nhận quốc tế hóa vấn đề.

Dẫn bản tin của tờ Nhật báo Quân Ðội Giải Phóng Nhân Dân Trung Quốc, gọi tắt PLA, Tân Hoa Xã ngày 29 tháng 7 năm 2010 ghi lại những diễn tiến của cuộc tập trận của Hạm đội Nam Hải của nước này với nhiều hình ảnh tàu chiến bắn hỏa tiễn và bình luận rằng Trung Quốc sẵn sàng cho bất cứ trận đụng độ nào trong vùng biển Ðông.

Cuộc tập trận diễn ra từ ngày 26 tháng 7 năm 2010 chỉ 4 ngày sau khi bà Ngoại Trưởng Mỹ Hillary Clinton nói trong Hội Nghị Diễn Ðàn An Ninh khu vực ASEAN tại Hà Nội là Hoa Kỳ không đứng ngoài cuộc tranh chấp biển Ðông cũng như sẵn sàng giúp giải quyết vấn đề dựa trên các hiệp ước quốc tế.

Cuộc tập trận của Trung Quốc được hiểu như sự trả lời cụ thể và bằng hành động cho phía Hoa Kỳ biết lập trường của Hoa Lục.

Tổng hợp từ các nguồn tin trên, Reuters và AFP viết lại rằng ông Trần Bình Ðức, tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc (đến quan sát cuộc tập trận của Hạm đội Nam Hải) nói rằng PLA theo dõi chặt chẽ các diễn biến cuộc tập trận của Mỹ, Hàn Quốc (ở Hoàng Hải) và quân đội nước này sẵn sàng cho các cuộc đụng độ quân sự lớn nếu đối phương tỏ ra muốn đe dọa hay tấn công Trung Quốc.

Ngoại Trưởng Hillary Clinton khẳng định Hoa Kỳ, ở hội nghị nói trên, đặc biệt quan tâm tới vấn đề biển Ðông vì Washington có lợi ích quốc gia về lưu thông hàng hải, tự do tiếp cận các vùng biển Châu Á và tôn trọng luật pháp quốc tế tại biển Ðông.

Khác phản ứng quyết liệt lúc ban đầu của Ngoại Trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì, hôm 30 tháng 7 năm 2010, Phát Ngôn Viên Bộ Quốc Phòng Trung Quốc Cảnh Nhạn Sinh tuyên bố Trung Quốc sẽ không can thiệp vào việc lưu thông của các tàu thuyền và máy bay nước ngoài trong vùng biển này miễn sao những phương tiện đó tuân thủ luật pháp quốc tế. Nhưng cũng ngầm cho hiểu họ coi cái vùng được khoanh “lưỡi bò” là “của riêng” Trung Quốc, không chấp nhận có sự tranh cãi hay tranh chấp chủ quyền.

Giọng điệu ôn hòa hơn của Trung Quốc, qua lời Cảnh Nhạn Sinh, cho thấy, dù sao Bắc Kinh có vẻ tránh đụng độ thẳng với Hoa Kỳ trong vấn đề này.

Trong bối cảnh các cuộc khẩu chiến của hai phía Hoa Kỳ và Trung Quốc, tờ Văn Hối Báo của Hongkong dẫn thêm các quan điểm của những chuyên gia quân sự Bắc Kinh cho rằng PLA sẽ dùng biện pháp quân sự trong tương lai đối với vấn đề biển Ðông.

Ðiều này có thể nhìn thấy sự đe dọa qua các cuộc tập trận qui mô của Trung Quốc trên biển Ðông mấy năm gần đây, đặc biệt từ năm ngoái đến nay. Hồi tháng 4, Bắc Kinh loan báo đưa một đơn vị phi cơ chiến đấu tối tân tới đồn trú ở đảo Vĩnh Hưng (tức đảo Phú Lâm) trong quần đảo Hoàng Sa chiếm của Việt Nam từ năm 1974, nhằm khống chế toàn diện biển Ðông gồm cả không quân.

Trong khi Trung Quốc phản ứng bằng cả lời nói và hành động quân sự cụ thể, người ta chỉ thấy đại diện Hà Nội có một ít lời nói cứng.

Trả lời tờ báo South China Morning Post của Hongkong hôm 29 tháng 7, Tướng Nguyễn Chí Vịnh, thứ trưởng quốc phòng Việt Nam cho biết Hà Nội có đủ khả năng để ứng phó với bất kỳ một cuộc tấn công nào trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Ðây là lần đầu tiên Hà Nội chính thức tuyên bố sẽ dùng biện pháp quân sự nếu bị tấn công hay xâm phạm lãnh hải của mình, đặc biệt tại khu vực tranh chấp.

Việt Nam “không chấp nhận bất kỳ giải pháp nào có sử dụng võ lực hoặc đe dọa sử dụng võ lực (để giải quyết tranh chấp chủ quyền biển Ðông), đồng thời Việt Nam có đủ khả năng đối phó”. Ông Vịnh nói như vậy trên tờ SCMP.

Dịp này ông Vịnh cũng nói rằng Việt Nam luôn chủ trương dùng biện pháp đàm phán để giải quyết vấn đề và không có ý định tấn công trước đối với bất cứ nước nào.

Những tin tức gần đây nói Việt Nam vận động các quốc gia ASEAN có quyền lợi trực tiếp trên biển Ðông hợp tác như một tập thể chung để áp lực Trung Quốc thi hành Qui tắc Ứng xử trên biển Ðông ký năm 2002 nhưng không đạt kết quả. Lời tuyên bố từ phía Hoa Kỳ có thể làm cho thuận lợi hơn cho một khả năng kết hợp.