Translate

Sunday, November 20, 2011

Nhân ngày 20 Tháng 11: Nhớ về một thế hệ trí thức dấn thân vì sự tồn vong của Tổ quốc

Theo Bauxite Việt Nam
Vũ Cao Đàm
Ngày 20 Tháng 11 là ngày Hiến chương quốc tế các nhà giáo, được lấy làm “Ngày nhà giáo Việt Nam”, là ngày xã hội tôn vinh các nhà giáo.
Nhân ngày này chúng ta nhớ lại một lớp thầy giáo thuộc thế hệ trí thức cha anh của chúng ta đã dấn thân vì sự tồn vong của Tổ quốc.
Đến lượt chúng ta, lớp trí thức hậu duệ của họ cũng đang ngày ngày đau đáu vì sự mất còn của đất nước trước mối họa xâm lăng Đại Hán và cũng đang tiếp bước các thế hệ cha anh, làm mọi việc với ngòi bút và tâm nguyện của mình để bảo vệ sự toàn vẹn của đất nước.
Nhưng chúng ta khó khăn hơn thế hệ cha anh bội phần: Lớp trí thức cha anh chúng ta đối mặt với một đế quốc công khai tuyên bố ý đồ xâm chiếm thuộc địa; Còn chúng ta, con cháu của họ thì phải đối mặt với một kẻ thù thâm hiểm, khoác áo ý thức hệ anh em đồng chí, cái áo khoác đã dẫn tới một thảm trạng chia rẽ dân tộc chưa từng có trong lịch sử của Tổ quốc thân yêu của chúng ta, cái áo khoác đã dẫn tới sự nhìn nhận những người dấn thân chống xâm lược như những phần tử “phản động” và “thế lực thù địch”, trong đó có những trí thức là đảng viên cộng sản thì bị chính các đồng chí của mình đàn áp, lăng mạ và bôi nhọ nhân phẩm.
Hòa vào những tiếng nói tôn vinh các nhà giáo sẽ xuất hiện trên các diễn đàn, nhà giáo Vũ Cao Đàm gửi đến Bauxite Việt Nam một đoạn hồi ký về những người thầy, để tưởng nhớ thế hệ nhà giáo cha anh của chúng ta, cũng là để tặng cho lớp trí thức đang dấn thân vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc chống lại kẻ thù xâm lược nguy hiểm nhất thời đại, đó là bọn đế quốc cộng sản sô-vanh dân tộc Đại Hán.
Bài này đã được đăng trên Tạp chí Sông Hương năm 2001 dưới bút danh Phạm Hoài Vũ.
Bauxite Việt Nam xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Bauxite Việt Nam
Buổi học cuối cùng
Tưởng nhớ người thầy giáo làng thời thơ ấu của tôi
Năm ấy tôi học lớp ba trường làng. Làng tôi nằm ngay dưới chân đê con sông Luộc. Tiếng chuông nhà thờ Quỳnh Lang đã quyện vào những năm tháng bé nhỏ của tôi. Tiếng chuông trong trẻo sớm mai gọi bọn trẻ chúng tôi thức dậy. Tiếng chuông êm ả ban chiều lùa chúng tôi quay về tổ ấm. Nhưng niềm hân hoan lớn nhất đối với bọn học trò nhỏ chúng tôi bao giờ cũng là tiếng chuông ban trưa. Tiếng chuông đổ dồn từng hồi rộn rã từ phía gác chuông cao vời vợi. Cả nửa thế kỷ, hai cuộc chiến tranh, tôi đi khắp bốn phương trời, mà vẫn không dứt được cái âm vang kỳ ảo ấy. Các bạn hỏi tại sao ư? Tôi xin tiết lộ điều bí mật này. Đối với đám học trò trường làng, hồi chuông ban trưa là một niềm vui thánh thiện. Đó là thông điệp báo hiệu sự kết thúc một buổi sáng bị trói chân tù túng trong bốn bức tường lớp học. Tiếng chuông ấy là mệnh lệnh cho những con chim được sổ lồng. Tất cả lũ trò nhỏ ùa ra. Reo hò. Bay bổng. La hét nổ tung những cái lồng ngực bé xíu giữa quãng đồng không, nhảy nhót tí tởn trên đường về các lối xóm. Đấy, tiếng chuông nhà thờ Quỳnh Lang đối với chúng tôi có sức cuốn hút thần thánh là vì như vậy.

Mỗi lần nhắc đến thời đi học trường làng, là tôi lại nhớ đến thầy giáo làng của tôi. Như tất cả các thầy giáo làng hồi ấy, khi đến lớp thầy thường mặc áo dài bằng vải the đen. Quần trắng bao giờ cũng phẳng phiu trùm trên đôi dép "Chí long" đen bóng. Đầu đội khăn xếp đen. Tất cả trang phục của thầy hồi ấy bây giờ ta chỉ có thể tìm lại được ở "đám liền anh" trong ngày hội quan họ. Chỉ có điều khác là trên nền áo của đám liền anh thì có điểm những hình chữ thọ, còn áo của thầy thì nền nã chỉ một mầu đen. Thú thật là, dù có đôi chút khác biệt, song lần nào cũng vậy, cứ trông thấy "đám liền anh" trong ngày hội là lòng tôi se lại, nhớ thầy, nhớ tuổi thơ, nhớ phút sổ lồng khi bắt đầu đổ dồn tiếng chuông ban trưa rộn rã âm vang từ phía nhà thờ. Và, các bạn ạ, lòng tôi quặn đau nhất vẫn là khi nhớ lại hồi chuông ban trưa hôm ấy, cái buổi trưa cuối cùng chúng tôi được sống với thầy. Tôi nhớ sáng rõ trong ký ức, đó là ngày Quan Kiểm học đến trường. Quan Kiểm học phát trước chúng tôi một mệnh lệnh vô cảm. Đó là ngày thầy của chúng tôi phải ra đi.
Hôm ấy là bài giảng cuối cùng của thầy. Chúng tôi đã học thầy ba năm, lớp Đồng Ấu, lớp Dự bị và lớp Sơ đẳng, giống như lớp Một, lớp Hai và lớp Ba của ta bây giờ. Chỉ khác là hồi ấy gọi ngược với bây giờ, lớp Đồng Ấu gọi là lớp Năm, hay là lớp Khai tâm, lớp Dự bị gọi là lớp Tư, còn lớp Sơ đẳng gọi là lớp Ba. Ngày ấy cũng như bây giờ, thầy dạy theo học sinh từ lớp khai tâm cho đến hết bậc tiểu học.
Tôi nhớ câu chuyện diễn ra vào giờ của bài Học thuộc lòng. Mấy buổi liền thầy giảng cho chúng tôi bài thơ của người tử tù Nguyễn Phi Khanh gửi con trai là Nguyễn Trãi trong giờ khắc ly biệt, khi ông bị giải tới vùng biên ải giáp với nước Tàu. Bài thơ là tâm sự của người chí sĩ đang trút hơi thở cuối cùng cho cuộc đấu tranh chống xâm lược ngoại bang:
Cha trót phận tuổi già sức yếu
Lỡ sa cơ đành chịu bó tay
Thân lươn bao quản vũng lầy
Giang sơn gánh vác sau này cậy con
Những tình cảm da diết ấy cứ như không phải của Nguyễn Phi Khanh khuyên nhủ Nguyễn Trãi, mà là của chính thầy đang gửi gắm chúng tôi. Thầy gọi một số bạn trong lớp đọc, rồi thầy cho đọc đồng thanh, giống như giờ học thuộc lòng của mọi ngày khác. Nhưng có điều rất lạ, cho đến bây giờ tôi vẫn không hiểu nổi, tại sao những buổi học ấy, thầy giảng cứ như là giờ giảng văn tôi được học ở bậc trung học sau này. Tôi cảm giác cứ như thầy trao cho chúng tôi tất cả tâm tình, không chỉ tình cảm cha con của cụ Nguyễn Phi Khanh và Nguyễn Trãi, mà vun vào trái tim bé nhỏ của chúng tôi tất cả tình cảm cao cả của các bậc chí sĩ tiền bối.
Thầy đọc một mình, cứ như ngâm thơ cho chúng tôi nghe vậy:
Con phải nghĩ tổ tông khi trước
Đã từng phen vì nước gian lao
Tất cả chúng ta ai mà chẳng đã qua thời học những bài học thuộc lòng khi còn học tiểu học. Có những bài làm ta rung cảm, song cũng có những bài mà ta không thể nào thuộc được. Thật là đau khổ, khi buổi sớm mai đến lớp, ta bị thầy gọi lên bảng. Có khi ta đọc trôi chảy đoạn này, nhưng lại ấp úng đoạn kia, vò đầu, ngoáy tay, quệt mũi, mười đầu ngón tay cứ cấu móng của nhau ... thôi thì làm đủ mọi động tác cốt sao cho qua cái cảm giác muốn chui xuống đất, ngay cái chỗ ta đang đứng, để khỏi phải nghe những lời thầy quở trách. Với bài này thì không. Suốt mấy ngày học bài này thầy chẳng gọi ai đọc bài. Tự thầy đọc, giọng cứ ngân nga. Mỗi ngày một đoạn thấm vào tận nơi sâu kín nhất trong lòng mỗi đứa trẻ chúng tôi. Ngày hôm sau đến giờ học thuộc lòng, thầy chỉ hỏi: "Trò nào muốn đọc?". Thế mà trò nào cũng xin được đọc, mà đọc trôi chảy. Sau này lớn lên, đi khắp bốn phương trời, tôi vẫn còn nhớ mãi những lời vang vọng, cứ như lời ru ấm áp trào lên từ lòng mẹ và còn lưu đọng mãi trong con tim bé nhỏ của ta.
Bữa ấy, khi thầy vừa giảng đến đây thì chúng tôi bỗng nghe tiếng còi ô tô trên mặt đường đê sông Luộc, xe đi từ phía Bến Hiệp lên. Rồi xe dừng ngay dầu dốc lối xuống trường tôi. Thầy tôi liếc nhìn ra. Chúng tôi thấy thầy hơi khựng lại, dường như chờ đợi một điều gì đó. Nhưng thầy lại tiếp tục.
Chiếc xe đen lần xuống theo đường dốc gập ghềnh. Đúng là xe đi về phía trường tôi. Xe chồm lên một lùm cỏ và đậu xịch giữa sân trường, nơi chúng tôi vẫn xếp hàng chào cờ và hát bài "Quốc ca" ... bằng tiếng Pháp (!) mỗi sáng thứ hai.
... Trong khi tôi dang nghĩ miên man, thì một quý ông có ria mép, đội mũ phớt và mặc bộ quần áo tây sáng mầu, rất nghiêm nghị bước xuống xe. Thầy tôi ngừng giảng, ra hiệu chúng tôi đứng dậy, và thầy ra cửa chào và đón vị khách vào lớp.
Thầy chúng tôi từ ngoài cửa quay trở lại trước bảng đen, đứng nghiêm trang hướng về phía vị khách:
- Bẩm xin phép Quan Kiểm học - Tất cả lớp đứng dậy nghiêm trang. Thầy tiếp, - Thầy giới thiệu với các trò, Quan Kiểm học về thăm trường...
Quan Kiểm học không chờ thầy chúng tôi nói hết lời:
- Asseyez-vous. - Ông ra lệnh cho chúng tôi được ngồi xuống bằng tiếng Pháp, rồi dằn từng tiếng lạnh lùng - Tôi không đến thăm trường. Tôi thừa hành công vụ, về thanh tra.
Vừa nói, Quan Kiểm học vừa ngồi vào bàn của thầy, vừa yêu cầu thầy trình sách giáo khoa và các phiếu chuẩn bị bài giảng. Trên bàn thầy lúc đó tôi thấy có cuốn Quốc văn giáo khoa thư và cuốn Vận văn bách tuyển của soạn giả Trần Tuấn Khải. Tôi nhớ rõ lắm, nhớ rất rõ tên hai cuốn sách, bởi vì trong khi giảng bài, thầy đã bắt chúng tôi chép rất rõ tất cả những dòng như thế.
Quan Kiểm học cầm cuốn Quốc văn giáo khoa thư lướt nhanh, rồi đẩy về phía thầy. Tiếp đó lật đi lật lại rất kỹ cuốn Vận văn bách tuyển. Ông hỏi:
- Thầy đang giảng bài gì?
- Thưa ...
Thầy tôi vừa nói được lời đầu tiên thì Quan Kiểm học chặn lại.
- Không, - Quan Kiểm học dùng ngón trỏ rung rung chỉ một học sinh ngồi ngay bàn đầu, - Trò này.
- Bẩm Quan Kiểm học, - Cô học trò nhỏ khoanh tay, nói lí nhí, - Thưa, ... thầy con đang giảng bài học thuộc lòng ạ.
- Bài gì? - Quan Kiểm học chỉ một trò ở bàn thứ ba.
- Bẩm dạ Quan Kiểm học bài thơ của cụ Nguyễn Phi Khanh ạ.
- Thầy giảng tiếp. - Ông nói như một mệnh lệnh bằng thép.
Thầy tôi hướng về phía lớp:
- Các trò chú ý. Thầy đã giảng đến đâu? Trò nào có thể đọc để trình Quan Kiểm học.
Tôi giơ tay xin được thầy cho đọc. Thầy giáo gật đầu. Tôi đọc cái đoạn tôi thuộc nhất trong bài học thuộc lòng hôm trước:
Coi lịch sử gương kia còn tỏ
Mở dư đồ đất nọ chưa tan
Giang san này vẫn giang san
Mà nay sẻ nghé tan đàn từ đây
- Thôi, trò ngồi xuống. - Thầy giáo tôi lại tiếp:
Thời thế có anh hùng là thế
Chữ vinh hoa sá kể làm chi
Mấy trang hào kiệt xưa kia
Hy sinh thân thế cũng vì nước non
Quan Kiểm học vừa chăm chăm dõi theo bài giảng, vừa chau đôi mày có vẻ như đang có điều gì suy nghĩ ghê gớm lắm. Rồi ông lại cầm cuốn Vận văn bách tuyển, vẫn lật qua lật lại như lúc ban đầu. Ông dừng lại rất lâu ở trang có in bài thơ của cụ Nguyễn Phi Khanh... rồi hình như ông không chịu đựng được nữa, ngắt lời thầy:
- Thầy giảng bài này với ý định gì đây? Thầy định ... định kêu gọi lũ học trò này làm cái việc mà các thầy gọi là "hy sinh vì nước"? - Quan Kiểm học hỏi dồn một mạch, không có ý chờ đợi thầy tôi trả lời. Quan Kiểm học lại tiếp, - Thầy định nói gì đây? Hay là dạy bầy học trò này chống lại mẫu quốc, chống lại Quan Toàn quyền? - Thầy tôi khựng lại. Ông Kiểm lại tiếp - Thôi được, thầy cứ tiếp tục đi. - Quan Kiểm học lại ra lệnh như vậy.
Lạ kìa, thầy tôi cứ thản nhiên như không có chuyện gì xảy ra. Rất tự tin, giảng một mạch, càng giảng càng say sưa. Với một âm điệu chan chứa tình yêu, giọng thầy trầm lặng:
Con đang độ người son tuổi trẻ
Bước cạnh tranh há dễ nhường ai
Phải nên thương lấy giống nòi
Đừng ham phú quý mà nguôi tấc lòng.
- Thôi ... Đủ!
Ông Kiểm đập bàn. Thầy tôi dừng lại. Ông trao cho thầy một tờ giấy in sẵn. Tôi đã nhìn thấy tờ giấy từ lúc ông rút nó ra khỏi cặp của ông. Tôi liếc nhanh, thấy ông viết viết cái gì đó vào những dòng còn để trống, sau đó đẩy về phía thầy, bảo thầy ký, và trao lại cho thầy. Ông nói:
- Ngay ngày mai thầy phải làm việc với các nhà đương cục.
Làm xong công việc đó, Quan Kiểm học quay người ra phía cửa. Tất cả chúng tôi đứng dậy. Quan Kiểm học dứt dóng bước nhanh ra ô tô, không nói một lời chào. Còn thầy lặng thinh, không một mảy may biến sắc mặt. Lại vẫn một giọng bình thản, thầy bảo chúng tôi:
- Bây giờ đến bài Luân lý. Các trò lấy sách Luân lý giáo khoa thư.
Hết bài luân lý thì chuông nhà thờ điểm dõng dạc mười hai tiếng. Nhưng lạ thay, chúng tôi tất cả đều không hề có cái cảm giác của bầy chim chờ được sổ lồng như mọi ngày. Cả lớp im phắc. Chờ đợi. Thầy đứng lặng, nhìn chăm chăm về phía cuối lớp. Thời gian trĩu xuống sâu thẳm.
- Thôi, thầy chào vĩnh biệt các trò. Ngày mai thầy phải ra đi. Chắc chắn thầy không còn được gặp lại các trò dưới mái trường này, nhưng thầy vẫn hy vọng một ngày nào đó ...
Nói đến đấy, thầy nghẹn lại .., nghẹn lại rất lâu. Đôi mắt thầy hoe đỏ. Thầy quay ra cửa, bước về phía cột cờ. Đứng nhìn một vòng quanh sân. Tất cả chúng tôi bước theo thầy. Hôm ấy là một ngày cuối thu. Trời se lạnh.
Thầy bị Quan Kiểm học kết tội dạy bài quá khích. Với lời buộc tội đó, chắc chắn thầy phải ra tòa. Tôi hoàn toàn bặt tin thầy từ đấy.
*
Thật ra trong hơn nửa thế kỷ học làm người của tôi, ba năm học thầy trường làng là một thời gian quá ngắn ngủi, nhưng trong ba năm ấy, chúng tôi đã học được biết bao điều hay lẽ phải. Không ngờ, bài học thuộc lòng hôm ấy, bài thơ cụ Nguyễn Phi Khanh viết cho Nguyễn Trãi, lại cũng chính là hồi chuông báo hiệu giờ ly biệt của thầy trò chúng tôi.
Suốt hai ba chục năm sau này, bên tai tôi vẫn còn văng vẳng lời thầy:
Chớ lần lữa theo loài nô lệ,
Bán tổ tiên làm kế sinh nhai
Cam tâm làm kiếp tôi đòi
Nhục nhằn bêu riếu muôn đời hay chi
Sống như thế sống đê sống nhục
Sống làm chi thêm nhục non sông
Cứ như một bức tranh liên hoàn về thầy giáo, tôi liên tưởng tới những bài thầy giảng... Trong đó có một bài, tôi thấy cứ như điềm báo cho cái ngày thầy ra đi mãi mãi. Không biết các bạn khác còn nhớ không. Riêng tôi thì tôi nhớ, nhớ mạch lạc, cứ như đang còn trong lớp học. Đó là bài tập đọc tiếng Pháp, bài Buổi học cuối cùng của văn hào Alphonse Daudet.
Tôi không thể quên được bài học hôm ấy. Thầy nói chậm lắm, cứ nâng niu từng chữ của người thầy giáo miền Andát - Lôren bên bờ sông Ranh, vùng đất thiêng liêng của nước Pháp đã biến thành nhượng địa cho nước Phổ.
... Hôm nay là buổi học cuối cùng thầy dạy các con. Ngày mai thầy phải ra đi... Hôm nay là buổi học cuối cùng các con được học bằng tiếng mẹ đẻ. Từ ngày mai các con sẽ phải học bằng tiếng Đức, học tiếng Đức không chỉ trong bài Đức văn, mà trong tất cả các bài Luân lý, Cách trí, Địa dư, ... trong tất cả các bài học, các con ạ. Ngay cả những lời quở trách của các thầy cô giáo khi các con có điều không phải, các con cũng không còn được nghe bằng tiếng mẹ đẻ nữa đâu. Rồi đến cả những con chim ở ngoài vườn cây kia cũng phải hót bằng tiếng Đức.
Nỗi nhục khi Tổ quốc của chúng ta, đất nước của những cuộc cách mạng vĩ đại bị quân xâm lăng chà đạp là như vậy đó.
Thầy phải ra đi các con ạ. Thầy phải ra đi vĩnh viễn. Thầy phải từ biệt ngôi trường đã bốn mươi năm gắn bó. Hôm nay là buổi học cuối cùng.
Nói rồi thầy quay mặt về phía bảng. Thầy đứng lặng, cố lấy hết sức, viết một dòng thật đậm: "Tổ quốc muôn năm!”
... Tất cả những lời viết ra từ nước mắt ấy, cứ như không phải của một thầy giáo làng trên bờ sông Ranh bên nước Pháp xa lạ kia, mà là chính lời dặn dò của thầy.
Không ngờ bài học ấy như một điềm báo cho cái ngày mà người ta tuyên đọc tờ lệnh ác nghiệt quyết định phút giây ly biệt với thầy.
Hơn nửa thế kỷ đã qua trong cuộc đời một con người là một chặng đường dài. Dài đằng đẵng. Những ngày học trường làng cứ lùi mãi về phía sau xa xưa. Tôi đi vào cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc. Nhưng có một điều lạ kỳ, rất lạ, những năm học trường làng với tiếng chuông nhà thờ hàng ngày cứ dội lên mãi trong trái tim tôi.
Nghĩ đến thầy tôi. Nghĩ đến giờ phút vĩnh biệt với thầy. Nhớ ngày Quan Kiểm học đến trường. Nhớ cái sân trường, nơi đỗ cái xe đen của ông Kiểm học, nơi chúng tôi chào cờ mỗi sớm thứ hai ... Bỗng nhiên, tôi nhớ đến lời hát của bài quốc ca Pháp ...
Allons enfants de la Patrie,
Le jour de gloire est arrivé!
Lạ thay, lời ca ấy cứ như một hồi kèn giục giã:
Đi lên, hỡi những người con của Tổ quốc,
Ngày vinh quang đã tới rồi!
Chính thầy đã dạy chúng tôi hát những lời ca ấy. Thời đó, chúng tôi phải chào cờ của nước Pháp, phải học quốc ca của Pháp ngay trong những ngày đầu tiên chập chững đến trường. Tôi không thể nhớ được thầy đã giảng giải như thế nào, nhưng chúng tôi đã tâm niệm, đó là bài ca của những người con đã ngã xuống vì một cuộc cách mạng vĩ đại. Thầy đã nói những gì đó để khối óc non nớt của chúng tôi hiểu được, bọn thực dân trên đất nước này đang làm ô danh bài ca của cuộc cách mạng vinh quang ấy. Từ lúc nào đó, chúng tôi đã quên hẳn đó là bài quốc ca của nước Pháp, mà chỉ còn tâm niệm đó là những lời kêu gọi, mỗi ngày cứ khơi dậy và hối thúc thêm lòng quả cảm của những trái tim nóng bỏng đứng lên giành lại Tổ Quốc của mình. Lạ lắm các bạn ạ, sau này khi đã trưởng thành tôi vẫn cứ nhớ mãi cái cảm giác ấy, cái cảm giác trào lên lồng ngực mỗi khi chúng tôi cất tiếng hát vang "Đi lên, hỡi những người con của Tổ quốc" ... cái cảm giác cứ như không phải hát bài quốc ca của một đất nước xa lạ, đất nước của bọn thực dân đang dày xéo Tổ quốc mình, mà cứ như đang lắng nghe đâu đấy, từ cõi rất sâu trong đáy lòng mình những lời giục giã ý chí quật cường của những đứa con của Tổ quốc...
*
Đến năm được nghỉ hưu, tôi có thời gian rảnh rang đi đây đi đó để tìm về quá khứ. Nhớ mái trường tuổi thơ của hơn năm mươi năm trước, tôi đi tìm lại những người cũ... Mà, người tôi nghĩ đến nhiều nhất, mong muốn được gặp trước nhất chính là thầy giáo trường làng thời thơ ấu của tôi.
... Sau suốt ba bốn năm trời lần mò chắp nối các dây liên hệ, tôi mới biết được địa chỉ nơi thầy ở. Vừa mới năm ngoái đây thôi, năm 1998. Như vậy là thầy đã 88 tuổi theo cách tính của các cụ. Tôi nhớ thầy tuổi Tân Hợi, vì có lần thầy bảo, thầy sinh ra vào năm của cuộc cách mạng Tam Dân của ông Tôn Dật Tiên. Cuối cùng tôi đã tìm được nhà thầy ở một vạt rừng chênh vênh trên dốc núi trông ra Vịnh Hạ Long, nơi có cái tên rất đẹp "Khu Vườn Đào"' nay đã là một địa danh trong khu du lịch bên bờ biển Bãi Cháy.
Nhưng thật buồn cho tôi, khi tìm được đến nhà thầy thì thầy vừa qua đời chưa đầy một tháng rưỡi. Cô giáo (học trò thời xưa gọi vợ của thầy giáo là cô giáo) cũng đã mất trước đó ba năm. Tôi gặp người con của thầy. Tôi chỉ nói vài lời là ông ấy nhận ra tôi. Tôi ngạc nhiên hỏi tại sao ông ấy biết được, là vì khi tôi học thầy thì ông ấy còn chưa chào đời. Ông giải thích, mọi người trong gia đình đều rất quen thuộc với những địa danh và tên người mà thầy giáo tôi thường hay nhắc tới. Thầy nhớ da diết những năm tháng ở làng Hy Hà, phố Bến Hiệp, giáo xứ Quỳnh Lang. Thầy vẫn ước ao, một ngày nào đó trở lại. Nhưng thầy lại bảo, liệu còn ai quen biết ở đó nữa không mà về?
Ông giữ tôi ở lại giỗ 49 ngày của thầy. Thật tình tôi cũng muốn ở lại để được thắp nén hương tưởng nhớ vong linh của thầy trong ngày giỗ. Tôi muốn nán lại ít ngày còn vì một lý do nữa. Đó là được đọc bản thảo viết tay tập hồi ký mà thầy đã dành nhiều trang viết về những năm còn dạy học ở quê tôi. Điều tôi nóng lòng đầu tiên, là được đọc đoạn đời tiếp sau của thầy sau ngày thầy từ biệt ngôi trường làng mà thầy đã để lại biết bao thương nhớ.
Tôi kính cẩn lần giở từng trang.
"Thế là tôi đã bị lâm vào một vụ rắc rối về chính trị. Một ngày sau khi Quan Kiểm học cảnh cáo tôi giảng bài thơ Nguyễn Phi Khanh, các nhà đương cục đã lục soát tài liệu, bài giảng của tôi. Họ đã tìm thêm được bài "Đồng bạc" của tác giả khuyết danh trong tập hồ sơ giáo án. Bài thơ như sau:
Ở bên nước Pháp mới đem về,
Trông thấy, dù ai cũng phải mê.
Chất vốn trời sinh ra trắng nuột,
Nét nhờ khuôn đúc mặt tròn xoe.
Già nua đã cụ còn ham lấy,
Quyền thế như ai cũng phải vì.
Người thế cớ sao mang tiếng bạc,
Ví hay thì ở dở thì đi.
"Họ cố tìm thêm xem tôi có cất giấu tài liệu của các tổ chức chính trị chống Pháp hay không. Họ hỏi tôi đủ thứ chuyện về Quốc dân đảng của ông Nguyễn Thái Học, rồi Đảng Cộng sản của cụ Nguyễn Ái Quốc. Nhưng tịnh vô không có, vì thời kỳ đó, thực sự trong tôi chỉ mới bột phát tình cảm mong muốn truyền lại cho học sinh những tư tưởng nhân đạo, những tình cảm yêu nước mà tôi hiểu được qua các tác phẩm văn học Châu Âu, như Tâm hồn cao thượng của Edmond Amicis, Những kẻ khốn nạn của Victor Hugo, chứ tôi đâu đã có hiểu biết chút nào về các phong trào cách mạng.
"Dù sao thì tôi cũng bị đình chỉ dạy học. Quan Kiểm học đã trình để Quan Đốc học đòi tôi chuẩn bị điều trần trước Hội đồng kỷ luật. Tôi phải về quê nằm chờ. Cũng may, trong khi đi lang thang để nghĩ một giải pháp ít tồi tệ nhất khi bị ra tòa, thì tôi đã gặp được một người bạn cũ trong làng giáo học, là Nguyễn Chấn, thường gọi là Giáo Chấn. Cũng may cho tôi, không hiểu thế nào mà Giáo Chấn bấy giờ lại là thư ký của Dinh Đốc học. Giáo Chấn tiết lộ: "Chưa xét việc cậu được đâu. Cũng chưa đưa sang Mật thám, Tổng đốc, Công sứ gì đâu, vì bài "Phi Khanh" đã được DIRIP duyệt đăng trong Vận văn bách tuyển của Trần Tuấn Khải, cuốn sách đã được phê chuẩn làm sách dạy cho bậc tiểu học". Ông còn văng ra một câu làm tôi nhớ mãi: "Sợ chó gì". Cái tổ chức mà ông gọi là DIRIP chính là tên gọi tắt tiếng Pháp của Nha học chính Bắc Kỳ (Direction de l' Instruction Publique du Tonkin). Giáo Chấn còn rỉ tai với Quan Kiểm học: "Không thể đưa Giáo Dụng (tức là tôi) ra hầu toà được đâu. Thưa Ngài, Đưa ông ta ra tòa thì người ta cười cho, là chúng ta không biết gì". Sau này Quan Kiểm học còn khen Giáo Chấn: "May quá, không có ông thì hớ to. Ông đã cứu được danh dự cho Quan Kiểm học". Cũng nhờ công trạng đó mà Giáo Chấn đã được bổ nhiệm làm Chưởng giáo (tức Hiệu trưởng ngày nay) thay tôi vừa bị đình chỉ giảng dạy vì mắc "phốt" truyền bá những bài quá khích.
"Chính nhờ Giáo Chấn mà nhà đương cục đã lờ tịt cái vụ "Phi Khanh". Nhưng còn vụ "Đồng bạc" thì tôi vẫn còn bị vướng, vẫn có thể ra tòa. Giáo Chấn lại vỗ vai tôi: "Cậu nhún đi một tí để mà lo việc lớn". Tôi nghĩ bụng, Giáo Chấn nói có lý. Ông ta còn vẽ đường cho tôi rất rành rẽ: "Với Quan Kiểm học thì cũng dễ thôi. Mua một món quà gì đó vừa phải. Mà phải mua gà sống thiến, chứ đừng mua hồng Bạch Hạc". Buồn cười nhất là sau vụ đó, có lần ông Kiểm học gặp tôi còn rất vồn vã: "Cái bài anh dạy ... tôi cũng thích lắm đấy. Này, tôi nghi hình như anh cũng là Quốc dân đảng thì phải. Hình như anh cũng là hội đồng chí với ông Trần Tuấn Khải phải không?". Tôi chỉ cười. Nhưng thú vị nhất là, sau đó, chính ông ta lại biếu tôi cuốn Vận văn bách tuyển có in hai dòng chữ đóng khung đậm: "Đã được Nha học chính Bắc Kỳ duyệt làm sách giáo khoa bậc tiểu học".
"Một điều mà các nhà cầm quyền không hề nghĩ hết là chính họ đã vạch đường cho tôi. Họ không biết chính nhờ mấy tháng bị họ làm rầy rà, mà tôi biết đến cách mạng, mà tôi bắt đầu nhận ra không khí sôi động của phong trào Mặt trận Dân chủ Đông Dương hồi đó. Thấy tôi có tư tưởng yêu nước, tổ chức cách mạng trong giáo giới bắt đầu lôi cuốn tôi tham gia vào các phong trào. Đầu tiên là Giáo Nẫm bạn tôi đã giới thiệu tôi với người em là anh Ba Đen. Ba Đen thấy tôi biết đá bóng, đàn hát, đã rủ tôi lập các hội thể thao, âm nhạc, qua đó phát triển phong trào cách mạng. Sau một thời gian, chúng tôi được gặp anh Nguyễn Danh Đới, Xứ uỷ Bắc Kỳ, được anh giao việc tổ chức một nhóm vận động bầu cử cho nhà báo Nguyễn Công Truyền vào Viện Dân biểu Bắc Kỳ. Anh bảo, Nguyễn Công Truyền là ứng cử viên của Mặt trận. Trong dịp bầu cử, tôi nhận nhiệm vụ tổ chức ô tô đưa đón cử tri quê tôi. Ô tô có dán chữ "T" mầu đỏ ở mặt kính. Chính qua hoạt động này, anh Đới đã cho tôi nghiên cứu các sách báo của cách mạng.
"Cuộc tranh cử của anh Nguyễn Công Truyền đại diện cho Mặt trận Dân chủ Đông Dương thất bại, vì phải đối đầu với một thế lực quá mạnh cả về chính trị, vả về tiền bạc, là Quan Nghị Mấn. Tôi vốn đã bị ghi sổ đen về tội quá khích, nay càng bị theo dõi gắt gao. Một hôm tôi nhận được lệnh của Quan Đốc học Thái Bình Nguyễn Văn Đang triệu lên Dinh Đốc học. Tôi chắc sẽ bị ông ta "sạt" cho một trận vì tội tham gia vào những hoạt động của các phong trào dân chủ . Tôi không bất ngờ, đã đoán là sẽ có chuyện. Nhưng điều thú vị là khi đến chỗ ông Đốc Đang tôi đã gặp một lô bạn bè, như Giáo Nẫm, Giáo Mâu, Giáo Dĩnh, Giáo Trưng. Ngài Đốc học lên giọng quát nạt nửa tiếng ta xen lẫn tiếng tây: "Các anh có biết Nhà nước payer (trả lương) cho các anh để làm gì không? Các anh vờ không biết hả? Nhà nước payer cho các anh để mà dạy con người ta học hành, chứ đâu phải để đi làm chính trị?". Tôi biết, trong các anh đây có anh đã từng là assesseur (trợ tá) của Nguyễn Công Truyền". "Tôi nói cho các anh biết nhá, Nhà nước không payer cho các anh để các anh chống lại Nhà nước hiểu không? Chừa đi! Về đi!" Rồi Quan Đốc học hạ một câu tiếng Pháp "Allez, Preparez votre valise!". Ông ta ra lệnh đấy: "Hãy về chuẩn bị va li!
"Ban đầu, tôi còn ngây thơ, cứ tưởng ông ta chỉ quát nạt chúng tôi một trận để doạ chơi. Ai ngờ đó là sự mở đầu một cuộc trừng phạt thật sự trong đám giáo giới. Không có cớ nào để bắt bớ, giam cầm, nhà đương cục chơi trò giam lỏng chúng tôi lên miền thượng du hy vọng cách ly chúng tôi với các trung tâm của phong trào cách mạng. Tháng 8 năm 1941 tôi bị tống lên trường Dực Yên thuộc châu Tiên Yên tỉnh Hải Ninh, Giáo Dĩnh bị đày đi Dực Xá, cũng thuộc châu Tiên Yên. Giáo Trưng thì đi Nước Hai mãi trên Cao Bằng. Chỉ có Giáo Nẫm là được ở vùng trung du, ngay trường Bình Dân ở Phú Thọ, nhưng đấy là nơi đã có sẵn bọn tổng lý kèm chặt.
"Riêng anh Đới bị bắt, bị đầy đi nhà tù Sơn La, bị hành hạ, tra tấn, đầy đoạ đến đái ra máu và chết ngay trong nhà tù vào năm 1942. Nguyễn Danh Đới đã để lại trong các bạn bè giáo học chúng tôi một niềm tiếc thương vô hạn. Thế là tôi mất liên lạc với tổ chức. Mãi nhiều năm sau tôi mới tìm lại được đường dây liên hệ với phong trào".
"... Năm 1953, biết tôi vốn là giáo học thời trước cách mạng, các vị lãnh đạo giao cho tôi phụ trách ngành giáo dục một khu, gồm mấy tỉnh theo cách phân chia khu vực hành chính trong kháng chiến chống Pháp. Vùng giải phóng được mở rộng. Tôi đi tìm lại các đồng nghiệp giáo học thời trước, tổ chức trường sở theo hệ thống giáo dục mới, tổ chức các nhóm biên soạn tài liệu giáo khoa, nhưng phương tiện in ấn không có, phải in litô, một thứ kỹ thuật rất thô sơ, viết chữ ngược trên mặt phiến đá mài phẳng mịn và in thủ công, phục vụ kịp thời năm học đầu tiên.
"Năm 1954, sau ngày miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, trong lần tiếp kiến các vị quan chức giáo dục vùng Pháp chiếm đóng ở lại làm việc với chính quyền cách mạng, tôi được gặp người thầy giáo cũ của tôi, thầy Trần Ngọc Chúc. Thời Pháp, thầy vừa dạy học vừa kiêm chức kiểm học, nên mọi người gọi thầy là Cụ Kiểm Chúc. Hôm đó thầy có mặt ở cơ quan giống như các quan chức khác đến trình diện với chính quyền. Vừa gặp thầy bước vào phòng khách cơ quan, tôi mừng rỡ chắp tay: "Con lạy thầy ạ. Xin mời thầy ngồi". Thầy nhìn tôi, nhận ra ngay, vồn vã: "A, ông giáo Dụng phải không?". Tôi thưa: "Vâng ạ. Thưa thầy có được mạnh không ạ?". Thầy nói: "Cảm ơn ông, tôi vẫn mạnh". Tôi hỏi thăm về gia đình thầy: "Thưa thầy cô giáo con và các anh chị thế nào ạ?". Thầy cười: "Cảm ơn anh, mạnh giỏi cả. Con cái đều đã trưởng thành"... Thầy chuyển sang thân mật theo quan hệ thầy trò, gọi tôi là "anh". Qua vài chuyện xã giao, thầy nói: "Phiền anh làm ơn cho tôi được trình diện ngài Giám đốc giáo dục". Tôi cười, hơi có chút kém tự nhiên, thậm chí, còn cảm thấy như đôi tai rực đỏ, bẽn lẽn: "Thưa thầy, là ... con ạ". Thầy sửng sốt đứng dậy, ngây người, ... chắp hai tay, hơi cúi xuống như khi đứng trước các quan thượng cấp thời xưa: "Ôi, tôi xin lỗi ..., xin lỗi ông. Tôi thật sơ suất không biết ông dùng tên khác". Tôi kính cẩn nâng đôi vai thầy, xin thầy ngồi xuống ghế: "Ấy chết, thưa thầy. Con xin thầy. Vẫn là con. Vẫn là học trò của thầy. Thầy đừng làm thế..."
... Tôi lặng lẽ khép lại tập hồi ký của thầy tôi. Tôi cảm thấy như mắt mình đẫm ướt.
Đêm ấy tôi ngồi với người con của thầy khuya lắm. Tôi được biết thêm rất nhiều điều về thầy. Nhưng có một điều quan trọng nhất làm tôi hiểu thêm thầy, dù thầy đã qua nhiều công việc trong những năm chiến tranh giải phóng, nhưng khi kết thúc chiến tranh, cuối cùng, nghề dạy học với thầy vẫn là một thú vui, một sở trường, một duyên nợ. Thầy không dứt được với nghề cho đến cuối đời.
Trước khi nhắm mắt xuôi tay, một trong những lời căn dặn cuối cùng của thầy là mong sao con cháu sẽ làm nghề dạy học, cái nghề mà thầy đã suốt đời theo đuổi. Thầy bảo: "Dạy học là nghề vun đắp nhân cách con người. Dạy học là nghề mang lại trí tuệ và sợi dây nhân ái giữa con người"
*
Sau giỗ 49 ngày, tôi cùng gia đình thầy lên thăm lại khu nghĩa trang trên đồi thông. Tôi kính cẩn thắp một nén hương, chắp tay bái biệt.
Rừng thông trên đồi lao xao như những lời cầu nguyện rì rầm của các thế hệ học trò để thầy tôi yên giấc. Tôi đứng lặng trước phần mộ của thầy nhìn lên mảnh trời qua khe những cành thông lay động mà cảm thấy cứ như mỗi buổi sáng thứ hai ngày xưa đứng giữa sân trường cùng thầy hát vang bài ca của những người cách mạng:
"Đi lên, hỡi những người con của Tổ Quốc.
Ngày vinh quang đã tới rồi!"
Tôi kính cẩn chắp tay trước ngực, cái lồng ngực cứ như vẫn còn vô cùng bé bỏng trước vong linh của thầy: "... Kể từ buổi học cuối cùng ngày ấy đến hôm nay đã hơn sáu mươi năm. Hôm nay con đã về bên thầy đây ... Nhưng mà hai miền âm dương ngàn trùng cách biệt. Con cầu nguyện cho vong linh của thầy trên cõi vĩnh hằng được yên nghỉ ngàn năm."
Quỳnh Côi, 1999
V.C.Đ.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

2 comments:

phivu56 said...

Câu chuyện rất cảm động, người đọc không khỏi mủi lòng, rơi lệ. Cám ơn tác giả.

Anonymous said...

"Dạy học là nghề vun đắp nhân cách con người. Dạy học là nghề mang lại trí tuệ và sợi dây nhân ái giữa con người"