Theo NguoiViet Online
Lê Phan
Hình ảnh ông Nguyễn Trí Ðức bị công an xách như xách con heo lôi lên xe buýt rồi một tên công an còn nhân cơ hội đá vào mặt ông nay đã lan tràn khắp nơi.
Một đoạn video đã được phổ biến, gây thêm căm phẫn. Online, người ta bày tỏ phẫn uất, tìm cách nhận diện tên công an ác ôn đó.
Theo những người đi biểu tình, thái độ của công an rất thô tục dã man. Trả lời trên đài Á Châu Tự Do, ông Vũ Quốc Ngữ than thở “Hành động rất thô bạo và ngôn ngữ thô bỉ. Khi họ đẩy tôi lên xe, tôi thấy họ xô ngã một chú 62 tuổi, tôi phản đối chuyện đánh người già cả như thế thì một người cao gần gấp đôi tôi đấm vào ngực tôi...” Bà Hằng từ Vũng Tàu ra Hà Nội khiếu kiện tham gia biểu tình cũng bày tỏ bất mãn: “Họ dùng từ ngữ thô tục, họ kéo chân tôi và dùng những từ ngữ chỉ côn đồ dùng mà thôi. Tôi không biết chúng tôi có sống trong một xã hội, ‘gia đình có mẹ có cha không nữa.’”
Nhưng thật ra công an có mấy khi lễ phép tử tế đâu. Những ai đã từng ở lại miền Nam sau năm 1975 đều biết thái độ công an đối với dân như thế nào. Thái độ của công an đối với dân bình thường ngay trên đường phố vốn thường hống hách, có mấy khi lễ độ với ai đâu.
Chính vì công an có thái độ hống hách với dân như vậy mới sinh ra vụ một ông thiếu tá công an say rượu, đòi vượt đèn đỏ, khi ông tài xế không chịu, ông này bèn mày tao bảo “cứ vượt đèn đỏ, có chuyện gì tao lo”. Sau ba lần ông tài xế không chịu, ông công an bèn chồm ra trước dành tay lái. Ông tài xế taxi sợ quá, đậu xe lại, thế là ông công an rút thắt lưng ra đánh ông tài. Chưa hết, khi cảnh sát giao thông đến, ông ta bèn gây sự mày tao rồi rút súng ra đòi bắt đồng nghiệp quỳ xuống xin lỗi không sẽ bắn.
Rồi còn nhiều vụ khác nữa. Hôm giữa tuần, tổ chức nhân quyền Human Rights Watch đã lên tiếng về vụ ông Trịnh Xuân Tùng, bị công an đánh gẫy cổ chết chỉ vì không đội nón an toàn, một vụ mà theo phó giám đốc Á Châu của tổ chức Phil Robertson, chứng tỏ là “công an không còn kiểm soát được nữa, muốn làm gì thì làm đối với người bị bắt”.
Công an đánh dân bây giờ đã trở thành một thông lệ. Cứ vài tháng lại có một vụ. Nếu chúng ta Google thì thấy một loạt những tựa đề như “Công an đánh dân như xã hội đen” trên báo Lao Ðộng số ra ngày 13 tháng 1, 2011; “Công an đánh người gây ùn tắc giao thông”, báo VietNamNet trong số ra ngày 16 tháng 9 năm 2010... Ấy là chưa kể chuyện ông trung tá công an rượt đánh bà chủ tiệm cắt tóc vì không được massage.
Thực ra, so với người dân bình thường, công an có lẽ còn có một chút nào kiêng nể những vị đã tham gia các cuộc biểu tình chống Trung Quốc. Trong mấy lần đầu, công an đã hộ tống cho đoàn biểu tình, không can thiệp nên đã có những nhà báo ngoại quốc nói là nhà nước Hà Nội biểu đồng tình cho phép dân biểu tình.
Và có lẽ chính vì thái độ quá tử tế đó của công an nên hôm Chủ nhật trước, khi họ ra tay, các vị nhân sĩ như Giáo Sư Nguyễn Huệ Chi tỏ vẻ sửng sốt “Lực lượng cảnh sát cơ động, cảnh sát áo xanh, cảnh sát thường phục, dân vệ đeo băng đỏ... từ đâu đã đổ đến nườm nượp, đông không tưởng tượng được, đông gấp bội người biểu tình. Họ làm gì đây nhỉ? Câu trả lời có ngay lập tức. Mấy chiếc xe bus từ phía ngã năm Ðiện Biên Phủ, Trần Phú, Lê Duẩn cũng bất thần trờ tới và dừng lại sát lề đường. Ai nấy chưa kịp hiểu gì thì cả đoàn biểu tình đang rải rác chưa kịp tập hợp lại thành một khối đã bị xé lẻ ngay ra thành nhiều nhóm nhỏ trên dọc quãng đường Ðiện Biên Phủ này, và lần lượt... ba tốp đi đầu bị công an ập tới hốt lên 3 xe bus rồi phóng vù đi liền về phía Mỹ Ðình, sau giây phút chớp nhoáng diễn ra quang cảnh lộn xộn đạp người ngã lăn và tóm lấy chân tay người kéo đi như lắc võng để nhét lên xe không khác gì tình trạng kẹp người ngang hông ở Sài Gòn hôm 3 tháng 7, 2011.”
Tuy vậy cũng chính Giáo Sư Chi đã kể lại là công an còn gọi họ là các bác. Khi các vị nhân sĩ đối chất với họ hỏi “Các cháu có biết tổ quốc đang trong mối họa hiểm nghèo không?” thì một anh công an khẽ nói “Biết rồi, nhưng đây là nhiệm vụ! Các bác về ngay đi cho! Mọi việc đã có nhà nước với nhà nước”.
Cái giọng đó thật ra là quá lễ phép. Ðó nào phải giọng điệu mà người dân thường nghe thấy. Nó nào phải giọng điệu mà ông Tùng đã nghe, và nó cũng phải là giọng điệu của ông thiếu tá công an nói với ông tài xế taxi.
Công an trong chế độ cộng sản, dầu là cộng sản “theo định hướng kinh tế thị trường” vẫn là công cụ đàn áp và khống chế nhân dân. Các chế độ cộng sản ngày nay, tuy bề ngoài khoác vỏ tư bản, nhiều khi có bộ mặt văn minh, nhưng trong thâm tâm vẫn là một chế độ công an trị, một police state.
Tôi còn nhớ hồi mới ra khỏi Việt Nam sau hơn thập niên rưỡi sống dưới chế độ của Hà Nội, nhìn người cảnh sát Úc vẫn còn thấy ngài ngại. Sau quen đi mới nhớ lại là cảnh sát ở những quốc gia dân chủ thực sự là “bạn dân”. Khi lạc đường, chúng ta tìm đến hỏi cảnh sát. Chuyện đó khó xảy ra ở Việt Nam.
Mà thực ra không phải riêng gì ở Việt Nam. Tôi còn nhớ có lần đi thông dịch cho cảnh sát hồi mới sang sinh sống ở Úc. Một hôm cảnh sát bắt được một nhóm băng đảng ma túy, Việt có, Hoa có, Thái có, Malay có. Ông cảnh sát phụ trách vụ này đứng nhìn số người bị bắt một hồi rồi chọn một người Hoa và một người Việt để hỏi cung. Sau này tôi hỏi ông ta, ông bảo là người Việt, người Hoa sợ công an, nên khi bị bắt dễ khai hơn. Người Thái, người Malay quen sống trong chế độ tuy dân chủ nửa vời nhưng quyền dân cũng được trọng hơn nên khó bắt nạt họ.
Lúc đó tôi rất bực mình vì có cảm tưởng như người Việt mình đã trở thành một thứ phó thường dân, lúc nào cũng sợ sệt cảnh sát công an. Nhưng sau nghĩ lại thấy mình lẩm cẩm. Thái độ đó không phải là tự nhiên mà có mà đã được chế độ nuôi dưỡng. Ðó là một khí cụ trong chính sách cai trị mà Stalin và Mao đã đưa trở thành bài bản. Khi nói về chế độ Liên Xô, Giáo sư Zbigniew Brzezinski, trong cuốn sách nằm lòng của sinh viên chính trị học về chế độ độc tài toàn diện, đã nói là chính quyền cố tình tạo ra hoàn cảnh là nếu một người dân bị bắt thể nào cũng có tội, bởi những luật lệ vi phạm vô số thành ra công an tha hồ lựa chọn.
Trong chế độ như vậy, công an không coi dân ra gì dĩ nhiên là chuyện bình thường.
No comments:
Post a Comment