Theo danchimviet.info
Tác giả: Wojciech Lorenz (Nhật báo Rzeczpospolita)
Người dịch: MạcViệt Hồng
Ngày hôm qua tàu chiến của Mỹ và Philippines bắt đầu một cuộc tập trận chung trong vùng biển tiếp giáp với biển Nam Trung Hoa(1), nơi mà Trung Quốc đang hoạt động mỗi ngày một mạnh mẽ hơn. Trong 11 ngày tập trận chung, có sự tham gia của 2 tầu khu trục tên lửa hiện đại nhất của Mỹ.
Tháng tới, người Mỹ lên kế hoạch diễn tập hải quân với Việt Nam. Vết thương [chiến tranh] cũ được gạt qua một bên. Chính quyền cộng sản nhận ra rằng, chỉ có Mỹ mới có thể là đối trọng với một Trung Quốc ngày càng lớn mạnh cùng bộ răng sắc nhọn nhắm vào vùng lãnh thổ mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền.
Dầu hỏa và khí đốt
Biển Nam Trung Hoa từ lâu chưa bao giờ căng thẳng tới mức như vậy. Chính quyền Philippines xác nhận rằng, tháng Ba vừa qua, tàu Trung Quốc đã xâm phạm vào hải phận của họ và khảo sát địa chất gần quần đảo Trường Sa, nơi đang có tranh chấp. Và lần khác, Trung Quốc đã nã đạn vào một tàu đánh cá của Philippines.
Tổng thống Benigno Aguino đã kêu gọi Hoa Kỳ giúp đỡ trong việc ngăn chặn sự tấn công của Trung Quốc. Ngoại trưởng Mỹ, Hillary Clinton đã bay đến thủ đô Manila và ở đó bà nhắc lại rằng, Hoa Kỳ đã ký kết hiệp ước với Philippines và có nghĩa vụ bảo vệ đất nước này.
Cũng bùng phát những tranh chấp giữa Trung Quốc và Việt Nam. Nhà chức trách Hà Nội cho biết, vào tháng Năm, các tầu của Trung Quốc đã cắt đứt dây cáp tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam trong khu vực tranh chấp(2).
Hôm 13 tháng Sáu, Việt Nam đã tiến hành tập trận bằng đạn thật. “Trong tất cả các bên có tranh chấp về lãnh thổ thì Việt Nam và Trung Quốc dễ dàng xảy ra chiến tranh hơn cả” – chuyên gia Minxin Pei Carnegie Endowment đã đưa ra lời cảnh báo như vậy trong một bức thư “ngoại giao”. Người ta có thể thấy rằng, tình hình đã được kiểm soát, Bắc Kinh và Hà Nội mới công bố hôm Chủ nhật rằng, họ sẽ làm tất cả để tránh chiến tranh.
Các tranh chấp lãnh thổ trong khu vực có sự góp mặt của Trung Quốc, Brunei, Malaysia, Philippines, Việt Nam và Đài Loan. Có tới bốn quốc gia tuyên bố chủ quyền với quần đảo Trường Sa, nơi mà các vùng biển xung quanh có thể ẩn chứa trữ lượng lớn dầu và khí đốt. Tranh chấp cũng xảy ra với quần đảo Hoàng Sa và các dải san hô quanh đó. Các nhà phân tích của Bắc Kinh cho rằng, quần đảo này là mục tiêu chiến lược để đảm bảo sự kiểm soát của họ với toàn bộ khu vực
- Người Trung Quốc cho rằng, toàn bộ khu vực biển Nam Hoa thuộc về họ. Nhưng điều này chẳng có một tí cơ sở lịch sử nào. Bằng chứng về việc kiểm soát lâu đời với khu vực này mà họ đưa ra có khi chỉ là mẩu sứ Trung Quốc được tìm thấy ở đâu đó. Thật là nực cười - Giáo sư Bruce Jacobs, một chuyên gia về Trung Quốc ở Đại học Úc châu nói.
Từ tranh chấp tới chiến tranh
Viện Chính sách Quốc tế của Úc công bố một bản báo cáo cho thấy rằng, xác suất xảy ra chiến tranh trong khu vực này rất cao. “Việc gia tăng số lượng các cuộc đụng độ sẽ dẫn tới khả năng xảy ra một cuộc đối đầu vũ trang, một cuộc khủng hoảng ngoại giao hay xung đột” – Các chuyên gia hàng đầu đưa ra lời cảnh báo.
- Hiện tại thì chưa có chiến tranh. Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ ngày một mạnh và ngày càng gia tăng những đòi hỏi của mình. Nếu ai đó nghĩ rằng, bành trướng không phải là bản chất của Trung Quốc, thì người đó sẽ nhầm to. Lịch sử đã cho chúng ta thấy, kết cục ra sao khi không đánh giá đúng tham vọng lãnh thổ của một số nước – Giáo sư Jacobs kết luận.
Các chuyên gia cho rằng, biểu tượng cho tham vọng ngày càng tăng của Trung Quốc là chiếc tàu sân bay đầu tiên, sẽ bắt đầu chuyến khởi hành vào một ngày gần đây.
Người Mỹ hết sức quan ngại với mối đe dọa này. Hôm thứ Hai, Thượng viện Hoa Kỳ đã nhất trí lên án việc sử dụng vũ lực của các tàu Trung Quốc ở biển Nam Trung Hoa và kêu gọi một giải pháp hòa bình thông qua đàm phán đa phương cho cuộc xung đột trên.
- Ngày càng có nhiều nước trong khu vực biển Nam Trung Hoa bày tỏ sự lo ngại nghiêm trọng trước những đe dọa từ phía Trung Quốc - Thượng nghị sĩ Jim Webb, người đứng đầu Tiểu ban của Thượng viện Mỹ về Đông Á và Thái Bình Dương cho biết.
Trung Quốc chỉ mặt Mỹ
Đại diện của nhà nước Trung Quốc nhấn mạnh rằng, họ muốn giải quyết tranh chấp, nhưng thông qua đàm phán song phương.
- Các cuộc đàm phán song phương sẽ không đi tới đâu cả, bởi các tranh chấp lãnh thổ diễn ra giữa nhiều nước. Tuy nhiên, Trung Quốc không muốn đàm phán cùng lúc với nhiều bên, bởi họ [Trung Quốc] sẽ rơi vào thế yếu – Giáo sư Jacobs nhận định.
Theo các chuyên gia Trung Quốc, Mỹ chính là thủ phạm làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.
- Mỹ đã đẩy căng thẳng gia tăng, dù chưa tới mức xảy ra chiến tranh, nhưng đủ để họ được mời vào vai trò hòa giải. Bằng cách này, họ trở thành trọng tài trong khu vực – Ye Hailin từ Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc phát biểu trên tờ “China Daily”.
© Đàn Chim Việt
————————————-
Chú thích của người dịch:
(1): Tác giả bài viết gọi biển Đông là biển Nam Trung Hoa
(2): Theo các báo Việt Nam thì tầu Trung Quốc cắt cáp của Việt Nam ở vị trí cách bờ biển nước ta 120 hải lý, tức trong khu vực chủ quyền của Việt Nam, chứ không phải “vùng tranh chấp”.
(2): Theo các báo Việt Nam thì tầu Trung Quốc cắt cáp của Việt Nam ở vị trí cách bờ biển nước ta 120 hải lý, tức trong khu vực chủ quyền của Việt Nam, chứ không phải “vùng tranh chấp”.
No comments:
Post a Comment