Translate

Thursday, November 25, 2010

Mỹ vẫn mạnh hơn Bắc Kinh

Theo Tuanvietnam.net

Điều gì đang xảy ra với chính sách ngoại giao “quyền lực mềm” và “láng giềng tốt” của Trung Quốc, mà chúng ta được nghe đến rất nhiều trong những năm gần đây?

Cái được cho là "quyền lực mềm" của Trung Quốc, thường được phóng đại quá, đã biến mất trong nháy mắt. Những tháng vừa qua, Trung Quốc đã thẳng thừng từ chối mời Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates sang thăm Bắc Kinh; gọi biển Đông là "lợi ích cốt lõi" cứ như thể vùng biển này lãnh hải của Trung Quốc; đe dọa trả đũa nếu Mỹ xúc tiến bán máy bay chiến đấu F-16 cho Đài Loan; và từ chối lên án Triều Tiên trong vụ chìm tàu chiến Cheonan của Hàn Quốc.

Tại sao Trung Quốc thay đổi như vậy? Có hai lý do. Một là cảm giác về sự yếu đi của Mỹ, mà Tổng thống Barack Obama dường như đang cố chỉnh đốn. Thứ hai là mọi chuyện không suôn sẻ ở bên trong Trung Quốc.

Về lý do thứ nhất: Đảng Cộng sản Trung Quốc hiểu rõ và tôn trọng quyền lực. Đương nhiên quan hệ Mỹ - Trung vẫn ổn định, thậm chí đôi khi còn mang tính xây dựng, dù cựu Tổng thống George Bush giữ cân bằng quyền lực của Trung Quốc bằng việc nâng cấp quan hệ với Nhật Bản, bán vũ khí cho Đài Loan và phát triển quan hệ đối tác chiến lược với Ấn Độ.

Tổng thống Obama đã tiếp cận với Trung Quốc theo cách khác. Ông tránh kiểu chính trị vũ lực và tránh làm Trung Quốc rối tung lên. Ví dụ, quan hệ Mỹ với Ấn Độ đã không được coi là một phần quan trọng trong cán cân quyền lực châu Á, chính quyền Obama cũng hoãn bán vũ khí cho Đài Loan và hoãn cuộc gặp với Đạt Lai Lạt Ma, coi đây là những động thái nhằm củng cố quan hệ đối tác với Bắc Kinh. Ngay cả quan hệ Mỹ - Nhật cũng bị xáo trộn, dù không phải do lỗi của ông Obama nhưng chính vì thế mà Nhật Bản cũng không thể giúp Mỹ duy trì thế cân bằng quyền lực trong khu vực nữa.

Tuy nhiên, Bắc Kinh muốn nhiều hơn thế. Giờ họ đang tấn công vào nhược điểm của đối thủ, ngang nhiên tuyên bố Biển Đông là một cái hồ của Trung Quốc.


Một nguyên nhân khác dẫn tới sự hiếu chiến và ngạo mạn của Trung Quốc là vô số các vấn đề trong nước của họ. Với một lớp kế cận chính trị vào năm 2012, trong đó các cán bộ đảng viên không sống trong thời cách mạng cộng sản sẽ lên nắm vai trò lãnh đạo, Bộ Chính trị Trung Quốc cũng có nhiều lý do để lo lắng. Rối loạn trong dân chúng cũng ngày càng mang sắc thái chính trị, có tổ chức và tinh vi hơn, khi mà nhiều công dân nhập cư, làm việc trong nhiều vị trí khác nhau, chứng kiến những bất công và mất cân bằng đầy rẫy.

Có thể Quân giải phóng nhân dân Trung Hoa và những người theo chủ nghĩa dân tộc chống Mỹ ở Trung Quốc sẽ thấy đây là một cơ hội để gây sức ép lên hệ thống chính trị, đòi thực thi các biện pháp quyết liệt hơn. Điều mà người ta nghe thấy hiện nay từ Trung Quốc là: "Chúng ta đang hùng mạnh và không cho phép họ làm điều đó nữa". Từ "điều đó" ở đây ám chỉ cả việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan và các hoạt động quân sự của Mỹ ở ngoại vi Trung Quốc.

Chính quyền của Tổng thống Obama dường như đã nghe thấy thông điệp này. Họ đã bán cho Đài Loan thứ vũ khí mà hòn đảo này rất mong muốn. Bộ trưởng Gates đã rất rõ ràng và thẳng thắn khi nói về các lợi ích của Mỹ và đồng minh ở Biển Đông và chính quyền Mỹ cũng xúc tiến cuộc tập trận chung với Hàn Quốc trên Hoàng Hải bất chấp sự phản đối của Trung Quốc.

Washington vẫn có những quân cờ "nặng ký" để tung ra. Trung Quốc đang mạnh hơn, nhưng họ vẫn không thể sánh được với sức mạnh của Mỹ và các đồng minh ở châu Á. Không nước nào trong bốn nước đồng minh của Mỹ trong khu vực này muốn một Trung Quốc bá chủ. Vì vậy, một trong những câu chuyện không được nói ra là cuộc đua hiện đại hóa quân sự trong khu vực. Hầu như tất cả các đồng minh của Mỹ ở đây đều đang xúc tiến mua máy bay chiến thuật tân tiến (F-35), các thiết bị theo dõi trên biển, và tàu ngầm chạy bằng diesel, để đối phó với một Trung Quốc đang nổi lên.

Vẫn còn một cơ hội để Trung Quốc lựa chọn: hành xử như một nước lớn có trách nhiệm, hoặc phải đối mặt với một sự kháng cự lớn./.

  • Quốc Thái dịch theo FP

No comments: