Vũ Nhật Khuê (danlambao) – Theo dõi các buổi họp quốc hội nhất là các cuộc chất vấn và trả lời của Thủ tướng và các thành viên của Chính phủ chúng ta thấy gần như họ muốn cái gì là được cái nấy. Đem ra quốc hội cũng là chuyện đã rồi. Nói vòng nói vo gì cũng về cái đích: ”quyết tâm thực hiện đúng chủ trương chính sách của đảng đề ra”. Còn chuyện trả lời chất vấn của các đại biểu quốc hội à? Như là tuồng hát chèo, hát cải lương cho có vẻ mang màu sắc dân chủ vậy thôi. Bộ chính trị bảo như vậy thì quốc hội có cản cũng không được.
Đầu tiên là vụ mở rộng Thủ Đô. Mặc cho các đại biểu quốc hội, mặc cho hội kiến trúc phản đối nhất là dân Hà Thành không chịu chung số phận ”nhà quê” gào thét. Nhưng Bộ Chính Trị đã duyệt như vậy là phải làm. Ngày nay cái vẻ đẹp 36 phố phường nó tèm lem ra và những hệ lụy của thủ đô sau khi được ”nông thôn hóa” đã làm bẽ mặt nhiều người. Khi quỹ đất ”đô thị đặc biệt” hết thì phải mở rộng ra mới có phần chia cho anh 3, anh 7, chị 8. Dẹp qua bên các vấn đề an sinh xã hội. Cứ dàn hàng ngang mà tiến thì thế nào cũng huề cả làng.
Đến vụ con tàu rách nát Vinashin. Nó phá sản thì dẹp tiệm cho rồi. Nhưng theo ông Nguyễn Sinh Hùng thì ”Bộ chính Trị ủng hộ kinh tế biển” nên nhất đinh phải thành lập: ”Ban chỉ đạo tái cơ cấu theo đúng tinh thần của Bộ Chính Trị”. Ơ hay cái Bộ Chính Trị này tài tình ghê! Biển đảo có còn đâu mà ủng hộ hay tái cơ cấu kinh tế biển? Không thấy cáo đường lưỡi bò của Trung Quốc sao mà ra khơi? Tàu nào ra khơi chưa kịp đánh cá đã bị bắt đòi tiền chuộc rồi không thấy sao mà kinh tế biển, kinh tế đảo?
Nổi bậc nhất là đường sắt cao tốc. Mặc cho quốc hội phủ quyết, chính phủ vẫn cứ mài đi mài lại cái dự án viễn vông này. Hễ chính phủ muốn là đòi cho bằng được. Thua keo này bày keo khác. Không ôm trọn dự án lớn thì chia nhỏ nó ra cho dễ qua mắt Quốc hội. Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng thì khăng khăng là: ”Đúng quy định của pháp luật, đúng chủ trương của đảng”. Vẫn cứ vay tiền của Nhật để nghiên cứu đường sắt cao tốc. Đi tham dự hội nghị G8 ở Canada thì các thành viên của chính phủ luôn tìm hiểu ghi chép về tàu cao tốc ở đây để về nhà bắt buộc Quốc hội và nhân dân phải thực hiện dự án xa với này của Chính Phủ đề ra.
Chính phủ ép quốc hội phải đồng thuận với mình rõ nhất là vụ Bô Xít. Khi đâu vào đó rồi mới đưa ra Quốc hội duyệt. Chưa họp Quốc hội đã nghe Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nói là sẽ đồng thuận. Người Trung Quốc hiện diện đầy trên Tây Nguyên đang làm đảo lộn mọi sinh họat của Tây Nguyên mà Quốc hội chưa hay biết gì. Các đại biểu Quốc hội là thành viên của chính phủ thì cứ khăng khăng đòi làm cho bằng được. Mấy ông chủ tịch tỉnh của Lâm Đồng hay Daknông cũng hòa vào dàn hợp xướng của chính phủ là chuyện đương nhiên. Họ không là đại biểu của nhân dân địa phương họ mà là thành viên của chính phủ.
Vụ cho thuê rừng đầu nguồn ở các tỉnh là chính phủ mượn tay cấp dưới để dễ bề chối tội cho đó là chuyện của địa phương. Địa phương có ký hợp đồng với các đối tác cũng phải xin ý kiến chỉ đạo của các ban đảng, của văn phòng chính phủ chứ đâu có tự tung tự túc ký được. Vậy nhưng chính phủ trả lời chất vấn rất ”trơn tru” chuyện cho thuê rừng. Bây giờ thì cò hủy hợp đồng đền tiền cũng không được vì quá muộn rồi.
Các dự án luật do các bộ của chính phủ chủ trì đem ra Quốc hội bao giờ cũng mang tính hình thức là thông qua. Để rồi không bao lâu sau đó là có sự sửa đổi bổ sung. Nhiều dự án luật sửa tới sửa lui đến 4-5 lần. Các nghị định, thông tư của chính phủ thì được tôn trọng hơn là hiến pháp và các bộ luật. Dù các thông tư, chỉ thị có trái với luật thì nó vẫn được coi trọng và áp dụng. Ví dụ rõ nhất là công an muốn kết hôn với ai thì cũng phải do ngành này quy định riêng mặc cho Hiến pháp và Luật về hôn nhân gia đình nói là ”hôn nhân tự nguyện” hay ”tự do hôn nhân”.
Chính phủ tự cầm lái tự thổi còi mặc cho nhân dân khắp nơi góp ý này nọ. Góp ý chỉ tốn thời gian chứ ý dân sao bằng ý của đảng. Chính phủ do bộ chính trị cơ cấu trước các kỳ đại hội đảng và chỉ làm nhiệm vụ của bộ chính trị mà thôi. Ngay cả quốc hội cũng là của bộ chính trị lập ra để cho có vẻ có nhiều thành phần tham gia nhưng luôn là trên 90% các đại biểu là đảng viên. Chú ý các ”dằn co trên diễn đàn quốc hội” lúc cao điểm nhất lại nghe nhắc đến ”đồng chí” hay cụm từ nghe quen quen thời cải cách ruộng đất và đánh tư sản là ”thực hiện nghiêm túc phê và tự phê”.
Chính phủ là cơ quan hành pháp nhưng các thành viên của chính phủ cũng có mặt trong quốc hội là cơ quan lập pháp. Nên các dự án luật của họ luôn tính toán sao có lợi nhất cho họ khi thi hành. Luật về công an nhân dân nhưng do Bộ Công An chủ trì thực hiện dự án thì đem ra Quốc hội họ cũng là đại biểu nên cố gắng bảo vệ tới cùng những quyền lợi của họ. Nên ngày nay ngành công an có làm mưa làm gió, có giết người, tra tấn dã man, có làm lệch vụ án này nọ thì Quốc hội cũng im lặng. Ngay cả tư pháp là Tòa án và Viện kiểm sát cũng thua công an. Nhất là trong các vụ án hình sự thì công an điều tra gần như nắm tòan quyền quyết định vụ án từ khâu cấp giấy chứng nhận cho luật sư tham gia vụ án cho đến việc ép cung, nhục hình. Các kết luận điều tra bao giờ cũng đầy sai sót nhưng luôn được lấp liếm cho qua.
Chính phủ – Quốc Hội gần như là hai cơ quan độc lập nhưng như cách nói dân dã: ”hai nếp cũng thành một xôi” đứng đàng sau luôn luôn là bộ chính trị sắp đã sắp sẵn mọi thứ. Nên gần đây luôn nghe thủ tướng, các thành viên của chính phủ, ngay cả chủ tịch quốc hội hay nhắc đến: ”làm đúng chủ trương của đảng” rồi sau đó mới nghe họ nhắc đến ” đúng pháp luật”. Chủ trương và đường lối của đảng thì quan trọng hơn pháp luật.
Theo dõi chất vấn của đại biểu Nguyễn Minh Thuyết với thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về wesbite của chính phủ đăng bài chụp mũ đại biểu. Cách trả lới của thủ tướng cũng là cách nói vo, chối tội đỗ lỗi cho cấp dưới là bộ trưởng văn phòng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Thủ tướng quên rằng quốc hội cũng là của đảng. Trước đây bộ trưởng giáo dục Nguyễn Minh Hiển trả lời chất vấn các đại biểu y như là bố mẹ mắng chửi con cái vậy. Sau đó thì ông này mất chức bộ trưởng và xin đi du học Hoa Kỳ.
Vì là con đẻ của Bộ Chính trị nên quốc hội cũng như chính phủ chẳng có thực quyền hạn đúng nghĩa của mình. Nên các quy phạm pháp luật không bằng văn bản chỉ đạo của Bộ Chính Trị . Thực tế thì LUẬT PHÁP không bằng LỆNH MIỆNG.
No comments:
Post a Comment