VietCatholic News (04 Jun 2010 09:08)
Trong sáu tháùng qua, các biến động về tài chánh từ Hy lạp đã lan khắp các quốc gia công nghệ phát triển toàn cầu.
Hy lạp là một quốc gia dân chủ và đa đảng. Nhờ đó, khi người dân không còn tín nhiệm chánh phủ đương quyền ‘bê bối’, không hữu hiệu, họ có quyền chế tài bằng sử dụng lá phiếu để chọn đảng khác để ủy nhiệm điều khiển nhà nước. Nắm ngay cơ hội, trong cuộc bầu cử lập pháp ngày 04.10.2009, công dân Hy lạp đã dồn phiếu cho Đảng Xã hội của ông George Papandreou thắng cuộc bầu cử Quốc hội. Bắt tay vào việc nước, tân chánh phủ tìm thấy các số liệu cho tài chính công chứng minh mức thâm hụt ngân sách là 12% tổng sản lượng nội địa(1) (TSLNĐ) thường được gọi là GDP (Gross Domestic Product, tiếng Anh hay Produit Intérieur Brut (PIB), tiếng Pháp, chứ không là 6% như giới cầm quyền xuất nhiệm tuyên bố, và 9,40% năm 2010. Ngoài ra, công nợ cao tới 113,40% (410 tỷ mỹ kim), năm 2009, và 120,80% TSLNĐ, năm 2010. Lập tức, Ủy ban Âu châu đòi hỏi một điều tra "toàn diện" để giải thích sự khác biệt này. Nhưng, sau đó, dù người dân phải chịu nhiều hy sinh để được sự trợ giúp tín dụng 110 tỷ euro của 16 quốc gia khu vực euro và Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Hy lạp thoát khỏi phá sản, không đủ tiền thanh toán nợ đáo hạn.
Hướng về Quê hương Việt-Nam, đồng bào không được hưởũng sự dân chủ với độc đảng cộng sản, nơi Quốc hội, bao gồm các đại biểu nắm quyền Hành pháp và Tư pháp lẫn quân nhân, đang họp bàn thảo ngân sách và dự án Đường sắt cao tốc Bắc Nam. Một dự án làm tăng công nợ, nhưng hiệu quả kinh tế không chắc. Chúng ta xem mức thâm hụt ngân sách và bách phân công nợ đã đến mức nào so với tài sản của quốc dân vì công nợ được vay giao cho các đảng viên cộng sản quản lý, nhưng việc hoàn trái đè nặng trên từng người dân và con cháu họ.
I. NHỮNG VẤN ĐỀ CẦN BIẾT TRƯỚC.
1. (1) Tổng sản lượng nội địa
Tổng sản lượng nội địalà giá trị tính bằng tiền của tất cả sản phẩm và dịch vụ cuối cùng được sản xuất ra trên toàn lãnh thổ một quốc gia trong một khoảng thời gian nhất định, thường là ba tháng và một năm. TSLNĐ là một trong những chỉ số cơ bản để đánh giá sự phát triển kinh tế của một quốc gia hay vùng lãnh thổ nào đó.
Tổng sản lượng nội địa từng người dân TSLNĐ trung bình của mỗi công dân một quốc gia vào một thời gian nhất định được tính bằng TSLNĐ của quốc gia đó chia cho dân số đúng vào cùng một thời điểm. Trị giá này cho thấy mức thu nhập trung bình mà không cho thấy những cách biệt về thu nhập và của cải của những người dân trong một nước.
Thí dụ: Năm 2008, TSLNĐ nước Việt là 89.829 triệu mỹ kim với dân số 86,2 triệu người thì TSLNĐ trung bình từng người dân là: 89.829 / 86,2 = 1.043 mỹ kim.
Bởi thế, năm 2008, với TSLNĐ 89.829 triệu mỹ kim, Việt-Nam đứng hạng 60 trên thế giới và với TSLNĐ đầu người 1.043 mỹ kim, Việt-Nam được xếp hạng 139 trên 180 quốc gia, theo thống kê Quỹ Tiền tệ Quốc tế.
TSLNĐ Hy lạp là 357.547 triệu mỹ kim, năm 2008, xếp hạng 28 trên thế giới và và TSLNĐ đầu người 31.570 mỹ kim, hạng 39 thế giới, chiếm khoảng 3% của tổng sản lượng nội địa khu vực đồng euro, gồm 16 quốc gia.
2. Nước Hy lạp đi tới khủng hoảng vì:
a. Trách nhiệm người dân. Nước Hy lạp nghèo, nhưng 11 triệu người dân Hy lạp thì không nghèo vì lợi tức trung bình (TSLNĐ) đầu người là 21.300 euro năm 2008, tức khoảng ớ so với lợi tức trung bình của một người Đức… Người giàu say mê chơi trò trốn thuế. Ngân hàng Thế giới ước lượng 35% của nền kinh tế Hy lạp vận hành một cách không hợp pháp, bán không hóa đơn để người mua không trả thuế Trị giá gia tăng. Do đó, Nhà nước sạt nghiệp…
Trong thời gian qua, Bộ Tài chính Hy lạp đã công bố danh sách 57 bác sĩ hành nghề tại Athens bị nghi ngờ vi phạm luật thuế vụ. Các chuyên gia ước tính chính phủ Hy lạp đã thất thu mỗi năm lối 30 tỷ euro vì trốn thuế. Đó là nguyên nhân của sự thâm hụt ngân sách và công nợ chồng chất. Theo số liệu Minh bạch Quốc tế (Transparency international) trong năm 2009, người Hy Lạp đã trả 790 triệu euros trong các vụ hối lộ và lại quả.
Trong năm 2008, Tổ chức này đã xếp Hy lạp vào hạng 57 với 4,7 điểm và năm 2009, hạng 71 (3,8 điểm) trên 180 quốc gia. Để so sánh, năm 2008, Việt-Nam được xếp hạng 121 với 2,7 điểm và, năm 2009, vào hạng 120 (2,7 điểm).
b. Hy lạp là quốc gia có tinh thần ‘xã hội chủ nghĩa’, cũng như các nước Liên minh Âu châu khác, vẫn dành những phúc lợi xã hội cho dân chúng. [Vì tinh thần xã hội chủ nghĩa thật sự, họ đã mở rộng cửa đón người Việt tị nạn và chia sẻ ‘bánh mì’ cùng áo mặc trong nhiều thập niên. Cám ơn.]. Các khoản chi xã hội của Hy lạp là 24,20% TSLNĐ, so với 26,90% TSLNĐ 27 quốc gia thành viên Liên hiệp Aâu châu. Trong khi đó, Việt-Nam là một quốc gia theo thể chế chính trị: Cộâng hòa xã hội chủ nghĩa.
3. Công nợ hay Nợ quốc gia.
Chúng ta biết rằng thế giới 'tân tiến’ đang gánh chịu hậu quả hai cuộc khủng hoảng tài chánh mà nguyên nhân chánh đều do việc không thể thanh toán được các khoản tín dụng đáo hạn? Trách nhiệm tình trạng vỡ nợ từ hai phía: chủ nợ và con nợ.
- Các chủ nợ (cơ quan tín dụng, ngân hàng) ham cho vay với lãi suất cao và dễ dàng. Các con nợ (nhà nước hay tư nhân) vay tiền dễ dàng, nên chi tiêu hoang phí vì có cảm tưởng tiêu tiền của người khác, chứ không do mồ hôi nước mắt làm ra. Đôi bên, chủ nợ và con nợ, đều hả hê. Chánh phủ các nước vui thích vì bách phân tăng trưởng kinh tế cao, nhất là khi với hai con số.
- Năm 2007, cuộc khủng hoảng ‘Nợ Thứ cấp’ (Subprime Mortgage Credits) phát xuất từ Hoa kỳ. Các cơ quan tín dụng và ngân hàng đã cho tư nhân vay dễ dàng để xây cất, mua nhà cửa. Khi nợ nần của tư nhân chồng chất và không hòan trả được, thì các chủ nợ mất mát nặng vốn đến nỗi phá sản. Hiện nay, năm 2010, sự gần kề phá sản của các quốc gia khu vực euro do nhà nước đi vay, phung phí và không thanh toán nổi bắt đầu từ Hy lạp.
- Việt-Nam, nước ta, có thể rơi vào tình trạng khánh tận, không trả nợ vay ngoại quốc vì, hiện nay, Công Nợ đã tăng đến mức an toàn.
II. THÂM HỤT NGÂN SÁCH QUỐC GIA.
Ngân sách quốc gia là một thành phần trong hệ thống tài chính, được sử dụng rộng rãi trong đời sống kinh tế, xã hội ở mọi quốc gia. Luật Ngân sách nhà nước đã được Quốc hội Việt-Nam thông qua ngày 16.12.2002 định nghĩa: « Ngân sách nhà nước là toàn bộ các khoản thu, chi của nhà nước đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định và được thực hiện trong một năm để đảm bảo thực hiện các chức năng và nhiệm vụ của nhà nước. Ngân sách nhà nước bao gồm ngân sách trung ương và ngân sách địa phương. Ngân sách trung ương là ngân sách của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan khác ở trung ương. Ngân sách địa phương bao gồm ngân sách của đơn vị hành chính các cấp có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân. »
Thâm hụt ngân sách trong kinh tế vĩ mô là tình trạng các khoản chi của ngân sách quốc gia cao hơn các khoản thu, phần chênh lệch được gọi là thâm hụt ngân sách. Trường hợp ngược lại, khi các khoản thu cao hơn các khoản chi được gọi là thặng dư ngân sách. Thu của Chính phủ không bao gồm khoản tín dụng (nợ vay). Chính phủ đi vay chính là một cách để giảm bớt mức thâm hụt ngân sách. Trong lịch sử, phát hành thêm tiền đã từng là một cách tài trợ cho thâm hụt ngân sách, nhưng do hậu quả nghiêm trọng của nó là dẫn đến lạm phát ở mức cao nên ngày nay cách này hầu như không được Chính phủ của bất cứ quốc gia nào sử dụng nữa. Do Chính phủ bù đắp cho thâm hụt ngân sách bằng cách đi vay, nên lũy kế các khoản thâm hụt ngân sách nhà nước đến một thời điểm nào đó chính là nợ quốc gia.
1. - Quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2008.
Ngày 28.05.2010, các đại biểu Quốc hội thảo luận về quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2008. Trong phiên họp, đại biểu Nguyễn văn Pha đã lưu ý các đồng viện: « không thể phát biểu thật ngọn ngành về hàng trăm hàng nghìn con số vì ‘không được học hành bài bản về kinh tế’ ». (Trích bài ‘Chi ngân sách: “Chính phủ không tùy tiện”’, VnEconomy ngày 28.05.2010). Nhưng Quốc hội cũng đã đạt được kết quả của phiên họp: quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2008, với tổng thu cân đối 548.529 tỷ đồng; tổng chi 590.714 tỷ đồng; bội chi 67.677 tỷ đồng, bằng 4,58% TSLNĐ.
Nhiều đại biểu đã lo ngại về việc lễ hội được tổ chức tràn lan ở Việt-Nam, trung bình mỗi ngày có 20 lễ hội. Việc quản lý tổ chức còn chưa tốt, nên có nhiều lễ hội tổ chức xô bồ không thực hiện được việc giáo dục lòng yêu nước trong nhân dân. Họ cũng bày tỏ lo lắng về khoảng cách giàu nghèo đang tăng dần trong nước, sự phân hóa giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn, giữa các nhóm dân cư. Mức chênh lệch giữa nhóm giàu nhất và nghèo nhất năm 2002 là 8,1 lần đã tăng lên 8,9 lần vào năm 2008.
2. - Dự toán thực hiện ngân sách nhà nước năm 2009.
Trong phiên họp ngày 10.11.2008, các đại biểu Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về dự toán Ngân sách nhà nước năm 2009 với 436 phiếu tán thành, đạt tỷ lệ 88,44% tổng số đại biểu với các con số như sau:
Đề mục Ngân sách | Số tiền |
Tổng thu ngân sách nhà nước trong kỳ | 389.900 tỷ đồng |
Thu kết chuyển từ năm trước sang | 14.100 |
Tổng thu cân đối ngân sách nhà nước (a) | 404.000 |
Tổng chi cân đối ngân sách nhà nước (b) | 491.300 |
Bội chi ngân sách nhà nước (a) – (b) | 87.300 tỷ đồng |
Tỷ lệ bội chi so với TSLNĐ | 4.82% |
Để san bằng bội chi ngân sách 87,300 tỷ đồng đó, nhà nước phải đi vay và được chia như sau: Vay trong nước: 71,300 và ngoài nước: 16.000 tỷ đồng.
Ngày 14.04.2010, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2009.
Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh thông báo dự toán chi ngân sách năm 2009 Quốc hội quyết định là 491.300 tỷ đồng. Tuy nhiên, để hạn chế tác động không thuận của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, Chính phủ đã sử dụng gói kích cầu khoảng 145.000 tỷ đồng (tương đương 8 tỷ mỹ kim). Do đó, mức bội chi đã tăng lên 115.900 tỷ đồng (tức 6,9% TSLNĐ, đảm bảo trong phạm vi Quốc hội cho phép) khiến cân đối ngân sách trung ương năm 2009 vẫn còn thiếu và phải xử lý tiếp trong quá trình điều hành ngân sách nhà nước năm 2010 và các năm kế tiếp.
Mức bội chi 6,9% TSLNĐ mới đảm bảo trả nợ, nguồn nợ chuyển sang năm sau mới giảm dần, nếu không sẽ tiếp tục trong tình trạng ‘treo nợ’.
3. - Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2010.
Ngày 11.11.2009, 74,4% đại biểu Quốc hội đồng ý với phương án bội chi ngân sách nhà nước năm 2010 là 6% TSLNĐ khi thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách, nhưng Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị Quốc hội chấp thuận mức bội chi không quá 6,2% TSLNĐ. Do đó, Quốc hội đã phải thông qua toàn bộ Nghị quyết với tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là 461.500 tỷ đồng, bằng 23,9% TSLNĐ; tính cả 1.000 tỷ đồng thu chuyển nguồn năm 2009 sang năm 2010 thì tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là 462.500 tỷ đồng. Tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là 582.200 tỷ đồng. Do đó, mức bội chi ngân sách nhà nước sẽ là 119.700 tỷ đồng, bằng 6,2% TSLNĐ, dự trù được tài trợ bởi các khoản vay trong nước (98.700 tỷ đồng) và nước ngoài (21.000 tỷ đồng).
Nghị quyết cũng nêu rõ yêu cầu khắc phục tình trạng chi ngoài dự toán, chi vượt dự toán không đúng thẩm quyền và sai quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Tiếp tục cải cách tiền lương, tăng mức lương tối thiểu từ 650.000 đồng lên 730.000 đồng từ ngày 01.05.2010.
Quốc hội đồng ý, trong năm 2010 phát hành trái phiếu chính phủ 56.000 tỷ đồng để đầu tư các dự án, công trình thuộc lĩnh vực và danh mục đã được quyết định đầu tư từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ theo Nghị quyết của Quốc hội. Yêu cầu Chính phủ xây dựng phương án phân bổ vốn trái phiếu chính phủ năm 2010, báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định trước khi thực hiện.
No comments:
Post a Comment