Nhật Thụy
(Chicago-IL)
Cháu Nguyễn Loan là con của CH Nguyễn Văn Lục, một cựu Thiếu Tá Tiểu Ðoàn Trưởng Tiểu Ðoàn Biệt Ðộng Quân QLVNCH. Cháu Nguyễn Loan đã phục vụ trong Quân Lực Hoa Kỳ được 6 năm rưỡi. Gia nhập quân đội Mỹ khi mới 17 tuổi. Vì dưới tuổi vị thành niên cho nên cháu cần phải có sự chấp thuận của cha mẹ để được gia nhập quân đội. Ðầu tiên cháu Loan được cử tới đơn vị 308 Dân Sự Vụ ở
Sau đó, cháu được thuyên chuyển qua nhiều đơn vị khác nhau từ trại Fort Mac Coy ở
Năm 2004, cháu Loan được chuyển đến
Cháu Loan đã được ân thưởng 9 huy chương cao quí của Quân Lực Hoa Kỳ như: Lục Quân Bội Tinh, Anh Dũng Bội Tinh, Chống Khủng Bố Toàn Cầu, Chiến Dịch Iraq Bội Tinh, v.v. Trong 6 năm rưỡi phục vụ trong quân đội cháu Loan đã được thăng cấp 3 lần. Rõ ràng hỗ phụ Biệt Ðộng Quân Nguyễn Văn Lục đã sanh một hổ tử Nguyễn Loan, một quân nhân trong Quân Lực Hoa Kỳ.
Sau đây là cuộc phỏng vấn trực tiếp nữ quân nhân Nguyễn Loan của Nhật Thụy tại VP Liên Lạc của Hội CCS/ VNCH/IL vào ngày 15 Tháng Hai 2009.
Nhật Thụy: Chào cháu Loan. Xin cháu cho biết là cháu theo cha mẹ sang Mỹ vào năm mấy? Qua chương trình nào? Lúc đó cháu được bao nhiêu tuổi?
Nguyễn Loan: Chào chú. Cháu theo cha mẹ sang Mỹ qua chương trình HO vào Tháng Giêng năm 1992. Lúc đó cháu được 7 tuổi và đang học lớp 2.
Nhật Thụy: Như vậy năm nay cháu 24 tuổi và chào đời sau khi VC chiếm Miền Nam. Ba cháu là Cựu Thiếu Tá Tiểu Ðoàn Trưởng Tiểu Ðoàn Biệt Ðộng Quân của QLVNCH. Có khi nào ba cháu kể cho cháu nghe về cuộc chiến đấu anh dũng của ba cháu để bảo vệ Miền Nam Việt Nam không? Và có khi nào ba má cháu kể cho cháu nghe lý do mà gia đình cháu có mặt trên đất Mỹ nầy không?
Nguyễn Loan: Thưa chú là Có. Lúc nhỏ, mỗi đêm ăn cơm xong, ba cháu thường kể cho cháu và anh chị của cháu nghe về những chuyện vui buồn của đời lính. Những trận đánh và những gian nguy mà ba cháu đã trải qua trong chiến tranh. Ba cháu cũng có kể cho cháu nghe về khổ nhục trong 8 năm tù “cải tạo”. Mẹ cháu cũng cho chúng cháu về sự gian nan và nguy hiểm mỗi khi đi thăm ba cháu.
Thưa chú, lúc đó cháu còn rất nhỏ, nhưng những gì mà ba mẹ cháu kể lại cháu ghi nhớ hết. Khi ba cháu được thả về từ trại tù cải tạo thì gia đình đã mất tất cả. Và khi ba cháu còn ở trong tù thì cuộc sống của chúng cháu hết sức khó khăn. Quê cháu ở Mỹ Tho, lúc đó cả gia đình chỉ còn biết đi làm ruộng để sống. Ba mẹ cháu chỉ ước ao được đi Mỹ để chúng cháu có cơ hội học hành, xây dựng tương lai tốt đẹp và có được cuộc sống tự do.
Nhật Thụy: Ðược biết cháu gia nhập quân đội Hoa Kỳ lúc cháu còn rất trẻ. Cháu có thể cho chú biết là động lực nào thúc đẩy cháu đi lính sớm như vậy? Ba mẹ cháu có hài lòng về sự chọn lựa của cháu không?
Nguyễn Loan: Thưa chú, có rất nhiều lý do thúc đẩy cháu gia nhập quân đội. Cháu là con út trong gia đình mà lại là con gái nên được ba mẹ rất thương yêu. Nhưng ngược lại thì cháu không muốn có cảm giác như là một tiểu thơ, được cưng chiều rồi sinh ra nhõng nhẽo với mẹ cha. Cháu có cái suy nghĩ hơi khác hơn những bạn bè của cháu cùng lứa tuổi. Cháu thích được tự lập và phải là một người cứng rắn. Cháu cũng muốn được đi đây, đi đó để có cơ hội học hỏi nhiều hơn. Mặc dù lúc đó mới 16, 17 tuổi nhưng cháu có tìm hiểu và nhận thấy nếu vào quân đội Mỹ thì cháu có cơ hội thực hiện những mơ ước nầy. Hơn nữa, cháu nhận thấy gia nhập quân cũng là một cách trả ơn cho ba mẹ và cũng để làm tròn bổn phận và trách nhiệm của một người dân. Lý do khác nữa là gia nhập quân đội có nhiều điểm rất lợi cho bản thân như cháu được đi học miễn phí, đi du lịch nhiều nơi không tốn kém và nhiều ưu tiên khác trong cuộc sống.
Lúc đầu ba mẹ cháu tỏ ra không hài lòng về sự chọn lựa của cháu vì cháu là con gái nên sợ cháu không chịu đựng nổi sự cực nhọc trong quân đội. Vả lại trong lúc nước Mỹ đang có chiến tranh nên rất nguy hiểm. Cháu rất thông cảm sự lo lắng của ba mẹ. Nhưng cháu đã chọn lựa con đường mình đi và quyết tâm theo đuổi nên ba mẹ cháu cũng phải chiều lòng. Sau khi cháu ra trường với hạng rất cao thì lúc đó ba mẹ cháu rất ngạc nhiên và bớt lo âu mà còn hãnh diện nữa.
Nhật Thụy: Ðược biết cháu đã ở trong quân đội hơn 6 năm và năm 2004 cháu được điều động sang chiến trường khốc liệt ở Iraq. Cháu có thể cho biết công tác cụ thể của cháu tại Iraq là gì?
Cháu Nguyễn Loan: Ðơn vị của cháu phụ trách công tác dân sự vụ. Vai trò của cháu là liên lạc giữa chính quyền địa phương ở Iraq và đơn vị của cháu. Ở Iraq cháu rất bận rộn và di chuyển liên tục nhiều nơi. Công việc cụ thể hằng ngày của cháu là giúp thành phố Kirkuk xây dựng nhà máy nước ngọt, xây dựng hệ thống thoát nước, xây dựng trường học, bệnh viện...
Nhật Thụy: Có khi nào cháu thấy hối hận vì đi lính hơi sớm và làm chậm trễ việc học không? Nếu không hối hận thì cháu có tự hào về sự chọn lựa của mình là gia nhập quân đội để phục vụ cho đất nước đã cưu mang cháu và gia đình cháu không?
Nguyễn Loan: Thưa chú là Không. Cháu không hề hối hận về sự chọn lựa của cháu. Nếu có quay ngược lại thời gian thì cháu cũng vẫn chọn lựa như vậy thôi. Quân đội cho cháu tiền đi học. Ba mẹ cháu khỏi phải lo. Năm mười năm sau, cháu đi học lại quân đội vẫn trả tiền cho cháu. Nếu so với bạn bè cùng lứa tuổi với cháu hiện nay, thì cháu tự nhận thấy là cháu có rất nhiều kinh nghiệm sống và đương nhiên là cháu có sự tự hào. Cháu là con gái với thân hình mảnh mai, nên ít ai nghĩ rằng cháu có thể trở thành người lính. Ðó chỉ là bề ngoài thôi chớ làm điều gì mà có quyết tâm thì mình sẽ đạt được. Cháu biết cháu là một trong số ít phụ nữ Việt Nam chọn con đường nầy. Cháu rất tự hào trong bộ quân phục trong lúc cầm súng phục vụ đất nước đã cưu mang cháu và gia đình cháu. Cháu cũng rất hãnh diện trong chiếc áo dài truyền thống của phụ nữ Việt Nam khi trở về sinh hoạt trong cộng đồng. Cháu nghĩ đây là hình ảnh tiêu biểu của người phụ nữ Việt Nam trong thời đại mới là thông minh, cứng rắn, độc lập nhưng cũng phải dịu dàng. Giữ truyền thống khi cần thiết.
Nhật Thụy: Ðược biết cháu sẽ trở lại chiến trường Iraq trong ngày gần đây. Cháu tình nguyện hay bị bắt buộc? Cường độ chiến tranh tuy có giảm, nhưng chiến trường Iraq vẫn còn rất “hot”. Cháu có cảm thấy lo sợ khi phải lên đường trở lại nơi nguy hiểm nầy không?
Nguyễn Loan: Cháu không có tình nguyện nhưng cũng không thể nói là bị bắt buộc. Là một người lính thì phải có trách nhiệm và bổn phận phục vụ đất nước ở bất cứ nơi đâu. Ðã ở trong quân đội thì mình phải chấp hành kỷ luật tuyệt đối. Quân đội điều động mình đi đâu thì mình phải tuân theo.
Thưa chú, là con người thì ai cũng có cảm giác sợ sệt hay hồi hộp. Nên khi được biết mình sẽ được điều động sang chiến trường Iraq lần thứ hai thì cảm giác đó có xảy ra nhưng cũng chỉ thoáng qua vì cháu đã từng có 1 năm phục vụ ở Iraq trong thời gian chiến trường hết sức sôi động. Nguy hiểm thì nơi nào cũng có. Như chú thấy ở tại Mỹ đây, ngay khi ra đường cũng có nguy hiểm chớ nói chi đến ở Iraq là nơi đang có chiến tranh. Ðối diện với nguy hiểm để phục vụ đất nước thì cháu không sợ. Cháu là lính tình nguyện mà. Hồi mới 17 tuổi có ai bắt buộc mình chọn con đường đi nguy hiểm nầy đâu. Cháu nói như vậy chú thấy có đúng không?
Nhật Thụy: Khi mãn giao kèo với quân đội Hoa Kỳ, cháu sẽ trở về đời sống dân sự. Xin cháu cho biết dự tính tương lai của cháu?
Nguyễn Loan: Ðến năm 2010 thì cháu sẽ hết contract với quân đội. Cháu dự tính là sẽ tiếp tục học để trở thành bác sĩ tâm lý. Hiện nay cháu đang theo học ban cử nhân. Tuy nhiên, cháu chưa có quyết định dứt khoát là vẫn ở lại quân đội hay trở về đời sống dân sự. Nếu ở lại quân đội thì cháu sẽ đi huấn luyện để trở thành sĩ quan và vẫn được đi học tiếp để thành bác sĩ tâm lý và làm việc cho chính phủ. Quân đội luôn luôn khuyến khích người lính đi học. Ðường nào thì cháu cũng quyết tâm trở thành BS Tâm Lý và chữa trị cho quân nhân và gia đình họ.
Cháu biết khá rõ có rất nhiều người lính tinh thần của họ bị tổn thương và làm cho cuộc sống hôn nhân của họ bị trở ngại chỉ vì họ bị ảnh hưởng tinh thần vì đối diện với sự hiểm nguy hằng ngày khi còn trong quân đội. Cháu muốn giúp họ.
Nhật Thụy: Câu hỏi cuối cùng. Cháu có điều gì muốn nhắn nhủ với thế hệ trẻ như cháu không?
Nguyễn Loan: Cháu có vài người bạn muốn tình nguyện gia nhập quân đội như cháu nhưng bị cha mẹ ngăn cản và cuối cùng phải bỏ cuộc. Cháu xin có ý kiến nho nhỏ đối với anh chị em cùng lứa tuổi là khi mình đã suy nghĩ kỹ và chọn lựa con đường mình muốn đi thì cố gắng thực hiện cho bằng được. Vì việc gì mà mình thích thì mình mới làm hết mình và dễ dàng đưa đến kết quả. Ðối với bậc cha mẹ thì theo cháu nghĩ là các chú các bác chỉ nên đóng vai trò cố vấn thôi hơn là ngăn cấm. Quân đội Mỹ cho mình rất nhiều cơ hội tiến thân trên con đường học vấn. Ở các nước nghèo và lạc hậu, theo như cháu biết là khi vào quân đội là đi vào ngõ cụt. Quân đội Mỹ không phải vậy. Hơn nữa mình phải làm cái gì để trả lại phần nào cho đất nước mà mình đang hưởng phúc lợi quá nhiều.
Nhật Thụy: Cám ơn cháu Loan. Chúc cháu được an toàn trong vùng khói lửa.
Nguyễn Loan: Cám ơn chú đã cho cháu cơ hội trình bày tâm tư và nguyện vọng của cháu. Cháu cũng cám ơn đất nước và nhân dân Hoa Kỳ đã tạo điều kiện cho cháu và gia đình có được cuộc sống tự do và hạnh phúc như ngày hôm nay.
Nhật Thụy
No comments:
Post a Comment