Translate

Tuesday, March 10, 2009

Chuẩn mực văn minh cần tôn trọng

VietCatholic News (10 Mar 2009 13:05)

Gần đây những cuộc đột nhập văn phòng luật sư để tịch thu tài liệu và máy tính hoặc khám xét hành lý của các luật sư tại phi trường ở Việt Nam đã dấy lên mối quan ngại về sự công khai xâm phạm bí mật nghề nghiệp luật sư, một trong những chuẩn mực văn minh mà bất kỳ nhà nước pháp quyền nào trên thế giới cũng tôn trọng.

Luật sư chỉ có thể làm tròn bổn phận đối với khách hàng, dù biện hộ hay tư vấn, khi khách hàng biết rõ và chắc chắn rằng mình có thể nói hoặc gửi gắm với luật sư mọi tình tiết của vụ việc liên hệ mà không lo ngại người thứ ba biết, vì luật sư tiết lộ hay thất thoát bởi lý do khác. Điều này gắn liền với khái niệm bí mật nghề nghiệp luật sư, vốn định hình và phát triển theo chiều hướng văn minh hóa của nhân loại, trên cơ sở mở rộng quyền tự do cá nhân và thu hẹp quyền lực nhà nước.

Ở những xã hội còn chưa văn minh, nhà chức trách thường nhân danh trật tự công cộng và đề cao ổn định xã hội để dành cho mình độc quyền tìm hiểu mọi sự việc diễn ra trong đời sống xã hội, gọi là "thực tế khách quan", qua đó can thiệp vào các tương quan dân sự và pháp lý, bất chấp tự do cá nhân của công dân có bị xâm phạm hay không.

Công cuộc tranh đấu cho tự do cá nhân trên toàn thế giới từ thế kỷ XVII đến XX đã đưa đến kết quả thu hẹp đáng kể quyền lực nhà nước, đồng thời xác lập nên những chuẩn mực văn minh, thành văn và bất thành văn, trong việc cai trị và quản lý xã hội, trong đó có sự công nhận quyền giữ bí mật nghề nghiệp luật sư.

Văn phòng luật sư, cũng như phòng mạch của bác sĩ, được ví như phòng xưng tội của nhà thờ, phải là nơi tuyệt đối an toàn, mọi bí mật phó thác cho luật sư phải được luật pháp bảo đảm để không bị tiết lộ dưới áp lực của bất kỳ uy lực nào. Nói cách khác, sự bất khả xâm phạm của văn phòng luật sư là nền tảng của quyền giữ bí mật nghề nghiệp luật sư mà nhà chức trách ở quốc gia văn minh nào cũng tuân thủ vô điều kiện.

Trong một số trường hợp giới hạn vì nhu cầu trật tự công cộng và nhằm phục vụ tiến trình điều tra một vụ án nhất định, nhà chức trách có thể khám xét văn phòng luật sư, nhưng phải luôn tôn trọng quyền giữ bí mật nghề nghiệp của luật sư. Hai vấn đề quan trọng sau đây cần lưu ý trong khi tiến hành khám xét:

Thứ nhất, thư từ trao đổi giữa luật sư và khách hàng hoặc giữa các luật sư với nhau tuyệt đối không thể bị tịch thu dù có thể liên quan đến vụ án. Đây là nguyên tắc không có ngoại lệ bất kể nhà chức trách muốn tìm hiểu "sự thật khách quan". Do vậy việc tịch thu máy tính hoặc phương tiện mà luật sư sử dụng để soạn thảo và lưu trữ thư từ và tài liệu khách hàng là hành vi không thể chấp nhận xét cả về phương diện pháp lý lẫn văn minh tối thiểu.

Thứ hai, nhà chức trách muốn tịch thu tài liệu như tang vật có trong văn phòng luật sư thì phải thông báo trước cho ban chủ nhiệm đoàn luật sư nơi văn phòng luật sư tọa lạc, để vị chủ nhiệm hoặc một thành viên ban chủ nhiệm khác được ủy nhiệm đến chứng kiến. Trong mọi trường hợp việc tịch thu tang vật phải được tiến hành với sự hiện diện của luật sư có văn phòng bị khám xét. Đột nhập văn phòng của luật sư khi vắng mặt họ là hành động phỉ báng công lý nghiêm trọng.

Ở các nước, thủ tục thu thập chứng cứ từ hồ sơ của văn phòng luật sư như nêu trên phải do công tố viên, chứ không phải cảnh sát, thực hiện. Thủ tục ấy diễn ra theo trình tự sau đây:

Công tố viên phải chứng minh khả năng có chứng cứ trong một hồ sơ cụ thể để chủ nhiệm đoàn luật sư xem xét và cân nhắc về sự cần thiết trao cho nhà chức trách tài liệu liên hệ. Chứng cứ đó phải liên quan trực tiếp đến một sự việc cụ thể và việc cung cấp dứt khoát không làm tiết lộ hồ sơ về vấn đề khác hoặc của khách hàng khác.

Chỉ khi nào phát hiện dấu hiệu vi phạm đạo đức nghề nghiệp khi luật sư cố tình che giấu chứng cứ, thì chủ nhiệm đoàn luật sư mới trao "chứng cứ" ấy cho công tố viên, nhưng phải niêm phong và lập thành biên bản chặt chẽ. Không ai có quyền tự ý lấy đi bất cứ hồ sơ nào từ văn phòng luật sư mà không tuân thủ trình tự nêu trên.

Ngày nay, những điều sơ đẳng đó đã được chấp nhận rộng rãi trên toàn thế giới, kể cả ở chế độ Việt Nam Cộng Hòa trước 1975, bởi lẽ luật sư cũng là một định chế, cùng với tòa án, công tố viện và cảnh sát, tạo nên trụ cột tư pháp của ngôi nhà quyền lực nhà nước. Nếu trụ cột này thiếu vắng các bộ phận vận hành đúng vai trò và thực chất, thì nhà nước pháp quyền chỉ là một viễn cảnh xa vời hoặc là mỹ từ để tuyên truyền mà thôi.

Tất nhiên, để đạt được sự công nhận các giá trị phổ quát ấy, nhân loại đã phải tranh giành từng milimet tự do từ tay các thể chế quân chủ và độc tài trong suốt lịch sử lắm gian nan nhưng đầy vinh quang của mình hàng trăm năm qua, để từng bước hình thành các chuẩn mực văn minh mà mọi thể chế dân chủ pháp quyền hiện tại đều luôn tôn trọng.

Luật sư Lê Công Định

No comments: