Translate

Saturday, February 14, 2009

Đất nhà thờ làm công viên- Đất công viên làm khách sạn: Hai động thái của một hành trình

Trích Thông tấn xã Công Giáo Việt Nam

HÀ NỘI - Khi lấy đất Toà Khâm sứ và nhà thờ Thái Hà làm vườn hoa, công viên, TP Hà Nội cho rằng đó là vì lợi ích của nhân dân, vì nhu cầu của Thủ đô hiện có quá ít cây xanh và công viên(?). Mới đây, chính quyền Hà Nội lấy đất công viên Thống Nhất để làm dự án Khách sạn bốn sao. Điều này có ý nghĩa gì?

Dự án nối tiếp dự án

Thủ đô Hà Nội chưa đủ rộng để chứa những dự án về đất đai và xây dựng cho thoả lòng các quan chức. Mới đây, bất chấp dư luận và sự phản đối quyết liệt của các nhà khoa học, Hà Nội đã bằng mọi cách mở rộng thủ đô, nói cho đúng là Hà Nội đã sáp nhập vào Hà Tây để có một thủ đô rộng lớn thứ 2 thế giới cho “hoành tráng”!

Câu chuyện mở rộng Thủ đô sẽ còn nhiều chuyện để nói tới vì những hậu quả nó mang lại nhưng chúng ta chưa thể nói ở đây.

Tưởng rằng như vậy thì đã có tha hồ đất đai để thực hiện các dự án, trong đó không ít dự án đầu voi, đuôi chuột như “thoát nước Hà Nội” chi hàng trăm triệu đô la mà ông Nguyễn Thế Thảo nói là “làm xong vẫn ngập”?

Nhưng hình như vẫn chưa đủ, nhiều dự án của Hà Nội đưa ra mới đây đã nhận được từ nhân dân sự nhất trí rất cao và rất quyết liệt… phản đối.

Điển hình là dự án xây trung tâm thương mại trên khu vực Chợ Âm phủ đường 19/12. Dự án này không xa Toà Khâm sứ là mấy. Khi dự án trên khu vực Toà Khâm sứ không trôi và không còn giải pháp nào chữa cháy hơn là làm “vườn hoang”, thì những dự án loanh quanh đó đã được tính đến? Nhân dân đồng loạt phản đối, báo chí được mở cờ dịp đó để nói lên ý kiến bất đồng và bức xúc. Vụ này báo chí “được nói” vì đất đó không thuộc nguồn gốc đất đai của Công giáo?

Cuối cùng, dự án khu vực Chợ âm phủ cũng phải huỷ bỏ. Như vậy, ít nhất sự phản đối của quần chúng đã dần có tác dụng, chứng tỏ một điều mà xưa nay nhà nước không bao giờ muốn thừa nhận: Nhà nước cũng sai, không phải rằng cứ có “sự lãnh đạo sáng suốt, tuyệt đối của đảng quang vinh, trí tuệ của nhân loại…” và muôn vàn mỹ từ vang rền khác nữa thì không có sai.

Rồi hiện nay, lại mọc thêm dự án cắt đất công viên Thống Nhất để xây khách sạn. Khu vực Công viên Thống Nhất, vườn cây xanh, lá phổi của thành phố, chỗ duy nhất những người dân lao động ít tiền có thể bén mảng đến để hưởng chút công ích xã hội giá rẻ sẽ bị biến thành khách sạn bốn sao. Khách sạn này chắc chắn không có chỗ cho người nông dân mất đất hoặc công nhân đang thất nghiệp và bị đe doạ thất nghiệp, cũng không dành cho những người lao động chân chính lương thiện mà đồng lương vắt mũi không đủ đút miệng.

Điều hay nhất của dự án này là “Chiều 11/2/2009, theo nguồn tin từ UBND TP Hà Nội, lãnh đạo thành phố đã chấp thuận việc xây dựng khách sạn SAS Hanoi Royal (tiêu chuẩn 4 sao, với gần 400 phòng trên diện tích 1 ha)”. (Thanhnien.com.vn (12/02/2009). Nhưng từ ngày 6/6/2008, khách sạn này đã được khởi công xây dựng?

Người ta chưa thể quên được những sự việc diễn ra mới mấy tháng đây thôi. Toà Khâm sứ khi định biến thành chốn vui chơi, giải trí đã không được sự đồng thuận của đồng bào Công giáo. Dự án đó đã vấp phải sự phản đối quyết liệt trong gần chục năm, thì bỗng nhiên được căng hàng rào dây thép, chó và cảnh sát… để làm vườn hoa với những lời thật đẹp: “Vì lợi ích của nhân dân, làm lá phổi cho thành phố”.

Đất đai của Giáo xứ Thái Hà, sau khi định làm dự án chia chác không thành công vì vấp phải sự kiên cường của giáo dân, thì vẫn bổn cũ soạn lại là làm vườn hoa “phục vụ đồng bào và nhân dân vì lợi ích công cộng”?. Hai vườn hoa này được thi công dưới sự canh gác tuyệt mật của chó, cảnh sát và dây thép gai như thời chiến tranh biên giới.

Những khi đó, những mỹ từ về quyền lợi, lợi ích của người dân, của xã hội, của thành phố và lợi ích công cộng… được báo chí, quan chức không ngớt rêu rao.

“Dự án Vườn hoa” ở Toà Khâm sứ và Giáo xứ Thái Hà đã là chuyện lạ về sự “đặc cách” khi thực hiện, nhưng dự án lấy đất công viên làm khách sạn còn lạ hơn ở quy trình ngược, làm rồi mới được phép.

Chắc rằng cách làm này của TP Hà Nội là để lấy ví dụ điển hình chứng minh cho ông cán bộ Sở Tài nguyên môi trường Hà Nội giải thích văn bản số 76 của Sở Nhà đất Hà Nội giao đất của Nhà thờ Thái Hà cho cơ quan khác ngày 31/1/1961, trong khi chứng cứ – giả thật chưa biết – của thành phố thì đến: “Ngày 27/5/1963 linh mục Bích ký bàn giao đất nhà thờ cho Nhà nước” (?) khi họp với các linh mục Dòng Chúa Cứu thế - Giáo xứ Thái Hà rằng: “Đã hỏi các cụ cao niên thì được biết, hồi đó có chủ trương cho làm trước, rồi mới ra văn bản sau” (sic).

Đến đây, người ta mới vỡ lẽ rằng: Không chỉ có những năm 60 của thế kỷ trước mới có chuyện “sinh con rồi mới sinh cha” mà trong hệ thống nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa này, những sự ngược đời kia vẫn là chuyện thường tình và được chấp nhận như một quy luật riêng có nhằm bảo vệ một nhóm người thống trị(?).

Nhưng người dân chớ có tưởng bở, nếu có giấy tờ liên quan quyền lợi mình đụng cán bộ nhà nước mà không có tiền, thì chỉ một dấu phẩy sai thôi, hãy coi chừng là không thể giải quyết. Ngay cả khi ở phiên toà xử giáo dân, luật sư đã viện dẫn các điều luật và chứng cứ chứng minh nguồn gốc đất đai của nhà thờ thì toà đã nói “đây là văn bản photocopy, không hợp lệ”. Nhưng trước đó, lại chính UBNDTP Hà Nội đã gửi những giấy tờ photocopy đến Nhà thờ Thái Hà làm căn cứ chứng minh cho việc chiếm đoạt đất đai?

Nhiều vấn đề tưởng như hết sức ngược ngạo được giải thích là do cơ chế? Nhưng ai sinh ra cơ chế này? Một cơ chế lấy “hành là chính” để người dân phải nôn ra những thứ mình cần nuôi một đống cán bộ đã ăn lương của họ. Một cơ chế ngang nhiên chà đạp pháp luật do chính cơ chế đó sinh ra mà vẫn bình an vô sự? Một cơ chế mà cán bộ muốn giải thích pháp luật cách nào là tuỳ theo hoàn cảnh và sở thích của mình?

Người ta không thể không đặt câu hỏi: “Tại sao, khi giải quyết chuyện đất đai của Nhà thờ, chính quyền không làm một việc có tính nhân bản, tính chính nghĩa hơn là dùng hệ thống pháp lý, công lý để giải quyết hơn là dùng vũ lực chiếm đoạt để làm vườn hoa”?

Để đạt được ý đồ đó của mình, hệ thống quan chức nhà nước và báo chí đều nhất loạt tung hô rằng: Đó là hai công trình lẵng hoa, là lá phổi vốn đã ít ỏi của thành phố, là đáp ứng nhu cầu công viên cây xanh cho thành phố và vì lợi ích của nhân dân trong việc giải trí… và muôn điều hay ho khác nữa.

Khi đó, họ lấy lợi ích của nhân dân lao động ra làm bình phong cho hành động của mình.

Nhưng lấy đất nhà thờ làm công viên xong, thì họ lại cắt đất công viên, ngang nhiên cắt bỏ “lá phổi thật sự của thành phố” để là những chốn ăn chơi cho kẻ lắm tiền nhiều của, để làm dự án mà không thấy nói gì đến nhu cầu của nhân dân lao động, của người dân?

Phải chăng, những dự án đó không thể đừng vì những lý do mà dân đen không thể hiểu, và không thể lấy đất nhà thờ để làm, thì họ hoán đổi vị trí, nhất cử lưỡng tiện mà người dân chỉ biết ngậm bồ hòn làm ngọt?

Đến đây, người dân lao động chắc phần nào hiểu hơn vị trí của mình trong con mắt của các cán bộ đảng và nhà nước có giá trị đến đâu?

Những “người dân tự phát”, những “thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh”, những bóng áo xanh, những cựu chiến binh và muôn vàn thành phần thập cẩm khác hôm nào đến vây Thái Hà và Toà Khâm sứ ủng hộ cho việc cướp phá đất nhà thờ để làm vườn hoa, công viên nay đang nghĩ gì về thân phận của họ?

Phải chăng họ coi cái giá của việc bao vây hò hét đòi giết kẻ tu hành, hành động đập đền phá chùa, những hành động mất nhân tính, vô đạo đức và phản phúc đó có giá chỉ xứng với mấy chục ngàn được trả hôm đó mà thôi? Họ có biết chính họ và những lợi ích, nhu cầu của họ đã được cán bộ lợi dụng khi dùng cho việc làm không chính đáng với mục đích và ý đồ khác?

Vì sao cần dự án?

Không ai lạ gì, trong những dự án nhà nước, việc tiền bạc nhân dân thất thoát là điều mà nhân dân kêu gào bao năm nay. Đọc vài dòng tin sau đây: “Trong vòng 2 năm, Thanh tra chuyên ngành xây dựng tổ chức thanh tra 31 dự án (tổng số vốn 17.300 tỉ đồng) thì cả 31 dự án đều có sai phạm với số tiền thất thoát, lãng phí lên tới 2.070 tỉ đồng”

Rồi: “Theo kết quả thanh tra quản lý đầu tư xây dựng, tất cả các dự án đều có sai phạm, diễn ra ở tất cả các khâu, các giai đoạn đầu tư, đặc biệt là công tác lập dự án, thiết kế sơ sài dẫn tới vượt dự toán rất cao”.

Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam - TS Phạm Sỹ Liêm, nói: “Trước đây nhiều người nói con số này là 30%. Trên thực tế có những lĩnh vực có tới 30% giá trị đầu tư bị thất thoát như các công trình thủy lợi. Tuy nhiên, con số 15% không nhỏ vì mỗi năm Nhà nước bỏ ra 5-7 tỉ USD đầu tư cho các dự án. Nếu thất thoát lãng phí vài ba phần trăm còn chấp nhận được, nhưng con số đó dứt khoát không thể để tới 15%. Vì vậy, chúng tôi cho rằng tình hình thất thoát lãng phí hiện rất nghiêm trọng”.

Đến đây, chắc mọi người đều hiểu vì sao các quan chức rất thích dự án. Tất cả các dự án đều có thất thoát, sai phạm. Vậy thất thoát đó đi đâu? Vì sao phải sai phạm? Những câu hỏi đó tưởng rằng trẻ con cũng trả lời được. Nhưng đến nay nhà nước chưa trả lời hoặc có trả lời nhưng tình hình vẫn cứ như cũ?

Vẫn câu trả lời là như muôn vàn câu hỏi khác là “do cơ chế”. Nhưng không ai trả lời câu hỏi này: Ai sinh ra cơ chế? Cơ chế đó đang phục vụ ai? Nhân dân lao động, giai cấp công nông nòng cốt hay giai cấp nào, tầng lớp nào trong xã hội Việt Nam hiện nay?

Thực ra không thể gọi là thất thoát, vì thất thoát khi chỉ là những tỷ lệ rất nhỏ. Nhưng khi mà tỷ lệ tham nhũng và mất đi lên đến hàng chục phần trăm vốn đầu tư của dân, thì phải gọi là cướp mới đúng nghĩa.

Ai được phép tham nhũng từ các dự án? “Giấy phép tham nhũng” cần những điều kiện gì? Trong xã hội Việt Nam hiện tại, dưới sự lãnh đạo độc đảng, thì câu hỏi đó quá dễ dàng trả lời.

Nhiều dự án sinh ra không biết để làm gì cho dân, cho đất nước, nhưng vẫn cứ làm, miễn là có dự án. Có dự án thì có thất thoát, có tiền, vậy cứ làm thôi.

Những con người chỉ biết mưu lợi cho cá nhân mình bằng bất cứ thủ đoạn nào mà bất chấp quyền lợi của cộng đồng hình như càng ngày càng sinh sôi nảy nở. Họ bất chấp liêm sỉ, đạo đức và mọi tiếng nói lương tâm.

Mới đây, đọc bài viết trên báo có đề cập rằng loài sói đỏ ở Quỳnh Nhai đang bị săn bắn, đó là loài đang có nguy cơ tuyệt diệt, đang được ghi vào sách đỏ. Ngày xưa ông Mác đã định nghĩa những hạng người chỉ biết lợi ích bản thân mình với câu nói này: “Chỉ có loài lang sói mới quay lưng lại với nỗi đau đồng loại để chăm sóc cho bộ da của mình”.

Vậy thì ngày nay lang sói đâu phải là ít, ai dám bảo là môi trường đang bị huỷ diệt và loài này đã có nguy cơ tuyệt diệt dù đã vào sách đỏ.

Tại Hà Nội, trong một hội nghị của Thành uỷ, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Vũ Huy Luật nhận định: "Việc nhũng nhiễu, tiêu cực trong khi thi hành công vụ của cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước đã trở thành phổ biến ở các ngành, các lĩnh vực, thậm chí còn được coi là chuyện "bình thường".

Cũng trong cuộc họp này, ông Luật cho biết “có 4 chợ sử dụng chưa được hiệu quả với tổng kinh phí xây dựng lên tới 17,689 tỷ đồng và 38.119m2 đất”.

Không biết có nơi đâu trên trái đất này có những điều kỳ lạ như ở Việt Nam đất nước chúng ta chăng? Quả là bó tay.

Loanh quanh cũng một con đường

Vấn nạn tham nhũng lãng phí của công, chính là tiền của công sức của nhân dân, thường được gọi là “tiền chùa” là một căn bệnh khó có thể chữa với mô hình hiện tại và cơ chế hiện tại, dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản hiện nay. Dù đảng đã kêu gào cả chục năm có lẻ về vấn đề này, nhưng dường như khi đảng càng hô “chống” thì nạn này càng cao, bệnh này càng nặng?

Khi đạo đức con người đã bị tha hoá, tất cả mọi phương tiện đều được huy động để phục vụ mục đích đen tối của mình.

Truyện Kiều của Nguyễn Du có câu:

Mụ càng tô lục chuốc hồng
Máu tham hễ thấy hơi đồng là mê.


Điều thi hào nói mấy trăm năm trước vẫn còn ứng nghiệm trên thủ đô đất nước này qua hai vụ việc làm công viên trên đất Toà Khâm sứ, Giáo xứ Thái Hà và lấy đất công viên làm khách sạn hiện nay.

Việc “tô lục, chuốc hồng” được hệ thống báo chí nhà nước làm hết sức tận tình và triệt để. Bởi mục đích của sự triệt để đó cũng chỉ vì “hơi đồng”. Khi đó, có trò phi nhân phi nghĩa nào mà không được thi thố và áp dụng. Những tác giả và cơ quan báo chí được giải thưởng vừa qua đã chứng minh điều đó, vụ kiện của giáo dân với báo chí và truyền hình nhà nước hiện nay đang nói lên bản chất này.

Tuy nhiên, qua những sự việc trên, người ta chú ý hơn về những khía cạnh đạo đức của một đất nước, của một dân tộc đã xuống cấp thảm hại khi con người đã lấy đồng tiền làm thước đo giá trị, lấy vật chất làm mục tiêu tôn thờ theo đúng tinh thần của cái gọi là “Chủ nghĩa Mác – Lenin”: Vật chất có trước, tinh thần có sau.

Khi những giá trị tôn giáo, tâm linh và tinh thần của con người bị coi nhẹ thì những giá trị khác của tà thần, của vật chất mặc sức hoành hành.

Đó cũng là con đường đưa dân tộc, đất nước đi đến chỗ suy vong.

Hà Nội, ngày 12 tháng 2 năm 2009
J.B Nguyễn Hữu Vinh

No comments: