Translate

Sunday, March 15, 2015

Trôi theo vận nước.



Vào năm 1975, Nam là một sinh viên năm thứ hai tại trường Đại Học Sư Phạm Huế. Gia đình của Nam sống tại thành phố Đà Nẵng, Nam phải ra Huế ở trọ để học đại học. Từ thuở bé, Nam đã ham thích nghề dạy học. Lúc còn nhỏ tuổi, Nam thường cùng những đứa bạn hàng xóm và mấy đứa em trong nhà chơi trò dạy học. Trong trò chơi này, Nam luôn luôn đóng vai thầy giáo. Dù còn nhỏ tuổi, Nam đã có dáng đạo mạo của một nhà giáo. Lấy cái gương đeo mắt bị hư của ba, Nam gỡ cặp kính ra chỉ đeo cái gọng không tròng mà thôi. Nam rất vui và hãnh diện về những trò chơi của tuổi ấu thơ.
Năm 1973, Nam thi đỗ Tú Tài toàn phần. Ba mẹ của Nam rất là vui. Chàng tỏ ý cùng ba mẹ muốn ra Huế để thi vào trường Đại Học Sư Phạm. Ba mẹ của Nam hoàn toàn đồng ý với quyết định của Nam. Chàng ra Huế để thi vào trường Đại Học Sư Phạm ban toán. Khoảng hai mươi ngày sau nhà trường báo kết quả là Nam đã đủ điểm để vào học trường Đại Học Sư Phạm. Gia đình của Nam và Nam rất vui mừng với kết quả này.

Chỉ khoảng một tuần lễ sau, ba của Nam và Nam cùng ra Huế. Ở Huế, ba của Nam có người bà con là anh em chú bác ruột với ông. Bác của Nam hồi còn trẻ cũng ra Huế để đi học. Trong thời gian đi học tại Huế, ông đã gặp một người yêu là một phụ nữ đất Thần Kinh. Mối duyên tình này đã giữ chân bác của Nam ở lại Huế sau khi ông thi đỗ Thành Chung và vào làm việc cho chính phủ. Hai ông bà có một người con trai và một người con gái. Những anh chị này đã lớn tuổi và đã lập gia đình.
Vậy là từ đó, Nam ở trọ nhà của bác mình và đi học. Nhà bác của Nam ở bên khu Gia Hội nên hàng ngày chàng đi học đến trường Đại Học Sư Phạm Huế cũng không xa lắm. Trong những ngày tháng đầu tiên khi ngồi nghe giảng bài ở giảng đường rộng lớn, Nam cảm thấy choáng ngợp. Vốn là một học sinh giỏi về môn toán hồi còn là học sinh trung học, chàng đã có thể học chương trình toán của trường đại học không khó khăn lắm do chàng có một căn bản vững chắc về Hình Học, Hình Học Không Gian, Giải Tích Học cũng như về Tân Toán Học là những môn học chính yếu cũng như mở rộng của một sinh viên Đại Học Sư Phạm ban Toán.
Sinh viên học Đại Học khác với học sinh thời Trung Học ở điểm là không có một chỗ ngồi nhất định. Người sinh viên nào đến sớm là có thể lựa chọn một chỗ ngồi mà mình ưa thích. Chàng thường ngồi ở dãy đầu tiên của giảng đường và hay ngồi ở giữa vì ngồi nơi đây chàng có thể nghe và nhìn một cách rõ ràng những gì mà vị Giảng Sư đang trình bày trên bục giảng. Có một điều kỳ lạ là chàng thường thấy một nữ sinh viên cũng thường hay đến giảng đường sớm như chàng. Khác với Nam, nàng thường hay chọn chỗ ngồi là dãy bàn đầu tiên nhưng ở về góc phải của giảng đường.
Một hôm, sau khi Giảng Sư rời bục giảng, Nam vẫn nấn ná ở lại giảng đường. Chàng liếc nhìn về phía cô bạn nữ sinh viên và thấy nàng cũng đang chuẩn bị để ra về. Bỗng nhiên cả một chồng sách nàng ôm trên tay đổ nhào và rơi xuống đất. Nam nhanh nhẹn đến gần và nói:
_ Để tôi giúp cô.
Nàng nói lời cám ơn. Nam nghe tiếng Huế của nàng nhẹ và ngọt như mật rót vào tai làm chàng cảm thấy vui không thể nào tả được.
Trao chồng sách cho cô bạn, Nam nói:
_ Tôi tên Nam. Xin lỗi cô tên là gì?
Nàng trả lời:
_ Tên là Hương.
_ Xin phép Hương cho tôi được cùng ra về với.
Nàng im lặng gật đầu. Hai người ra về và cùng đạp xe đạp sóng đôi cùng nói chuyện với nhau. Nhà nàng ở đường Phan Bội Châu, khoảng gần ô cửa Đông Ba. Thế là bắt đầu từ đó, Nam và Hương đã quen nhau.
Hàng ngày, Nam thường dậy sớm một chút, ăn uống xong là đến đón để cùng Hương đi học. Có những hôm không có giờ học, Nam và Hương cùng nhau đến thư viện của trường đại học để mượn sách đọc thêm. Tình cảm của hai người càng ngày càng gắn bó hơn. Nam thường ngỏ lời xin Hương dẫn chàng về thăm nhà nàng nhưng Hương vẫn cứ mãi chần chừ. Nàng vẫn còn ngại ba mẹ nàng nên không dám.
Hè năm đó, Nam về lại Đà nẵng để ngjhỉ hè khoảng chừng gần hai tháng. Mới ở nhà được nửa tháng, Nam đã nhớ Hương đến quay quắt. Chàng nói dối với mẹ chàng là ra Huế để mượn mấy cuốn sách học thêm. Mẹ chàng đồng ý.
Ra đến Huế, chàng không biết làm thế nào để gặp Hương. Vào thời ấy chưa có phone cũng như chưa có cell phone nên việc liên lạc rất là khó khăn. Chàng thường hay đạp xe qua lại trước nhà Hương nhưng không dám vào nhà. Có lẽ rằng vận số may mắn luôn mỉm cười với Nam nên một hôm đang đứng góc phố thì Hương đạp xe ra khỏi nhà. Nhìn thấy Nam, Hương ngạc nhiên:
_ Nam ra đây làm gì và ra bao giờ?
_ Nhớ Hương quá nên Nam ra Huế cũng đã bốn ngày rồi. Ngày nào cũng đứng đây đón chờ, biết đâu...
Chàng ngập ngừng bỏ lửng câu nói nửa chừng. Hương chớp mắt xúc động. Nàng trả lời:
_ Em cũng nhớ anh lắm.
Lần đầu tiên nghe Hương gọi mình là anh và xưng bằng em, Nam sung sướng vô cùng. Hai người cùng rẽ vào quán cà phê “Góp Gió” kêu cà phê uống. Nam đã ngồi cạnh bên Hương, tay đan tay cùng nhau trò chuyện. Biết bao nhiêu mừng vui sau mấy tuần xa nhau và thương nhớ nhau.
Hôm sau, Nam xin phép Hương được đến thăm nhà của Hương. Nàng gật đầu chấp thuận. Ba mẹ của Hương là thương gia bán hàng mỹ nghệ. Cửa hàng của ông bà trưng bày những lọ sành sứ, những chum vại với những nét khắc trồ hoa văn cầu kỳ rất đẹp mắt. Chào ông bà xong, Hương dẫn chàng vào nhà trong cùng nhau trò chuyện. Sau đó Nam từ giã Hương và nói với nàng là ngày mai chàng sẽ vào Đà Nẵng trở lại.
Thắm thoát rồi hai tháng hè cũng qua mau, Nam trở ra lại Huế. Lần này chàng có một niềm vui là mình có thể đến nhà Hương để mà chơi và nói chuyện. Một hôm, Nam nói với Hương:
_ Anh cố gắng học thật giỏi, sau này ra trường xin ở lại Huế để dạy học và cưới em làm vợ.
Hương cười:
_ Anh có biết là em vui và cảm động lắm không?
_ Anh chỉ muốn sau này mình lập gia đình riêng và chỉ có hai con mà thôi. Nếu trời thương cho chúng ta một đứa trai và một đứa gái là hạnh phúc lắm rồi.
_ Nếu sinh con trai thì em đặt tên, sinh con gái anh sẽ đặt tên nha.
_ Vậy nếu sinh con trai em sẽ đặt tên gì?
Không chần chừ, nàng trả lời:
_ Nguyễn Vũ Bảo Trường. Còn nếu sinh con gái thì anh đặt tên gì?
_ Nguyễn Vũ Hương Giang.
Hai người âu yếm nhìn nhau lòng càng yêu thương nhau nhiều hơn.
Thế nhưng thời cuộc đã không cho hai người được toại nguyện những điều nguyện ước. Vào đầu tháng 3 năm 1975, tình hình Cao Nguyên Trung Phần trở nên căng thẳng. Địch quân đã tập trung lực lượng để tấn công vào thị xã Ban Mê Thuột, thủ phủ của Cao Nguyên Trung Phần. Ban Mê Thuột bị mất vào tay giặc Cộng vào ngày 10 tháng 3 năm 1975. Cả miền Nam đều bị rúng động. Giặc Cộng đã cho những tên Việt Cộng nằm vùng, những tên ăn cơm Quốc Gia thờ ma Cộng Sản phao tin đồn lung tung làm rúng động lòng người dân cũng như binh lính Việt Nam Cộng Hòa. Có những nơi giặc Cộng chưa đến chỉ nghe tin đồn là người ta đã ùn ùn bỏ chạy. Lúc bấy giờ Hương lại đang mang thai cùng với Nam trong một lần hai người ...lỡ trớn. Lòng của Nam rối như tơ vò. Trong thời điểm này người dân Quảng Trị đã ùn ùn kéo vào Huế và cả những người dân Huế cũng đang bắt đầu chạy vào Đà Nẵng. Nam cứ nấn ná hoài mà chưa thể nào về Đà Nẵng được. Chàng cố gắng thuyết phục Hương cùng với chàng đi về Đà Nẵng nhưng nàng chưa chịu vì ba mẹ của Hương cũng chưa có quyết định dứt khoát trong việc đi hay ở. Rất nóng lòng gia đình cha mẹ và các em đang ở Đà Nẵng, ngày 20 tháng 3 Nam từ biệt Hương để về nhà. Hai người chia tay trong nghẹn ngào đầy nước mắt.
Khi về đến Đà Nẵng thì ở Đà Nẵng người dân cũng đang rục rịch di tản để vào Sài Gòn. Ngày 26 tháng 3 thành phố Huế bị mất. Đến ngày 29 tháng 3 Đà Nẵng cũng bị mất vào tay giặc Cộng. Gia đình của Nam bị kẹt lại Đà Nẵng và không di tản vào Sài Gòn được. Rất là nóng ruột về Hương và gia đình của nàng, ngày 5 tháng 4 năm 1975 Nam trở ra Huế. Gia đình của Hương đã đi rồi và không còn ở Huế nữa. Chàng chờ đợi ở Huế cũng hơn nửa tháng thì nghe gia đình báo là ba của chàng đã bị giặc Cộng bắt bỏ tù. Chàng phải trở về Đà Nẵng để phụ giúp mẹ nuôi nấng bầy em còn nhỏ dại. Giặc Cộng hàng ngày cứ thúc ép gia đình chàng phải lên vùng Kinh Tế Mới. Chúng đã bao vây gia đình chàng đủ mọi mặt. Nam không thể nào kiếm được việc làm ở thành phố Đà Nẵng. Cuối cùng thì chàng và gia đình phải đi lên vùng Kinh Tế Mới ở Đắc Lắc. Biết bao nhiêu là vất vả và khó nhọc mà gia đình Nam phải gánh chịu ở đây. Năm năm sau thì giặc Cộng cũng thả ba của Nam về với gia đình. Ông rất ốm và già đi nhiều lắm.
Tuy phải sống và làm lụng rất vất vả, cực nhọc nơi vùng Kinh Tế Mới, lòng của Nam không lúc nào là không nghĩ về Hương và con của hai người. Nam băn khoăn không biết con của mình là trai hay là gái...
Mãi đến năm 1997, ba mẹ Nam, Nam và mấy đứa em chưa lập gia đình mới được sang định cư tại Hoa Kỳ theo diện HO. Bấy giờ chàng cũng đã 42 tuổi trông cũng đã già trước tuổi, dáng vẻ rất phong trần. Sang Mỹ tuổi cũng đã lớn, lỡ làng đủ mọi chuyện, Nam đi học ESL một thời gian ngắn rồi ra đi làm. Vừa đi làm vừa đi học thêm ban đêm chàng cũng có mảnh bằng AA Degree nhưng chỉ để đó cho vui vì khi đi xin việc chàng lại không có kinh nghiệm.
Vào năm 2013, ba của chàng bị bạo bệnh và qua đời. Mẹ của chàng do những tháng ngày làm lụng cực nhọc nơi vùng Kinh Tế Mới nên sức khỏe không được tốt, nay ba Nam bị mất thì bà cũng yếu theo. Ông Nam bây giờ cũng đã gần 60 tuổi rồi, tóc cũng đã bị bạc nhiều. Ông quyết định ở nhà chăm sóc mẹ của mình.
Một buổi sáng, nghe người quen giới thiệu, ông Nam chở mẹ vào khu thương mại Bolsa Mini Mall để làm kính đeo mắt cho cả hai mẹ con. Đến trước tiệm kính, ông thấy tấm bảng “Optometry Bác sĩ Nguyễn Vũ Bảo Trường” làm ông giật mình. Cả một quãng đời quá khứ cách đây gần 40 năm khi ông còn học Đại học Sư Phạm ở Huế hiện dần ra rõ mồn một. Nhưng ông không nghĩ rằng người bác sĩ này là con của mình vì chuyện trùng tên nhau cũng là chuyện thường mà thôi.
Vào bên trong, ông gặp cô thư ký và lấy giấy đề điền cho mẹ của ông và ông. Cô phụ việc ra khám mắt tổng quát cho mẹ của ông trước rồi mới đến ông. Sau khi bác sĩ đo mắt cho mẹ ông thì đến lượt ông. Nhìn người bác sĩ nhãn khoa trẻ tuổi này nét mặt như phảng phất hình bóng của Hương làm ông thấy như có một cái gì đó thân thiết lắm mà ông không thể nào diễn tả được. Ông Nam nghe người bác sĩ nói với ông bằng giọng Huế nhè nhẹ:
_ Bác tên là Nguyễn Bảo Nam?
_ Vâng.
_Tên bác giống tên ba của cháu. Ba của cháu cũng người Quảng Nam...
Ông Nam giật mình:
_ Vậy chứ ba của bác sĩ hiện nay đang ở cùng với bác sĩ?
_Dạ không. Vợ chồng cháu ở cũng gần nhà mẹ của cháu. Còn cháu không biết mặt ba của mình từ khi mới sinh ra. Theo lời mẹ cháu kể thì ba của cháu là người Đà Nẵng và ba mẹ cháu thất lạc nhau từ năm 1975 đến nay. Hiện tại mẹ cháu đang sống với bà ngoại, còn ông ngoại cháu đã mất.
Ông Nam run run:
_ Có phải mẹ cháu tên là Vũ Thị Hoài Hương?
_ Dạ phải, tại sao bác lại biết?
Nghe người bác sĩ nhãn khoa nói đến đây mắt ông Nam đã nhòa lệ. Đây đích thị là con của ông rồi. Ông kể vắn tắt cho mẹ ông nghe những gì xảy ra ở quá khứ tại Huế. Hai cha con gặp nhau tuy có ngỡ ngàng nhưng cả hai đều rất vui Bác sĩ Trường gọi phone cho mẹ, lát sau bà Hương lái xe đến. Bà Hương vẫn còn trẻ nhiều hơn so với ông Nam.
Bác sĩ Trường có ý định mời hai mẹ con ông Nam về ở chung nhưng ông Nam từ chối. Ông muốn mình chăm sóc mẹ trong lúc tuổi già, sau này khi bà qua đời thì hãy tính. Cuối tuần đó, bà Hương cùng vợ chồng con cái bác sĩ Trường đến thăm ông Nam và mẹ của ông. Bây giờ thì vợ chồng bác sĩ Trường đã gọi ông bằng ba và gọi mẹ ông bằng bà nội. Các cháu con của Trường gọi ông bằng ông nội. Điều này làm ông vui và rất cảm động.
Sau khi ăn xong, ông Nam mở TV lên để xem. Người ca sĩ đang hát câu cuối cùng của bản nhạc “Căn nhà ngoại ô”: ” ..trái đất vẫn tròn, chúng mình hai đứa sẽ còn gặp nhau”. Ông Nam lẩm bẩm:
_ Trái đất quả thật là tròn!

Phi Vũ

No comments: