(Trình bày tại Đại hội đồng hương Quảng Nam-Đà Nẵng
Toronto và vùng phụ cận tối 10-11-2012)
Trần Gia Phụng
Kính thưa các Bậc trưởng thượng,
Kính thưa quý vị quan khách,
Trước hết, tôi xin cảm ơn Ban đại diện Hội đồng hương Quảng Nam-Đà Nẵng Toronto và vùng phu cận đã tạo điều kiện cho tôi trình bày một vấn đề văn hóa nhân Đại hội hôm nay. Đề tài nói chuyện của tôi là “Địa danh Quảng Nam”, nhằm giới thiệu với thanh niên Quảng Nam hải ngoại nguồn gốc địa danh tỉnh thành của phụ huynh các em trước khi ra nước ngoài. Đề tài nầy chẳng những phù hợp với ngày Đại hội mà còn phù hợp với thời tính Canada, vì ngày mai 11-11 là ngày Remembrance Day của Canada.
Thưa quý vị,
Lịch sử cho biết rằng khi Ngô Quyền lập quốc năm 939, phía bắc nước Việt là Trung Hoa và phía nam nước Việt là Chiêm Thành hay Champa. Giữa nước Việt với Trung Hoa là những dãy núi cao trùng điệp, đi lại khó khăn, giúp người Việt dễ bảo vệ lãnh thổ của mình. Ở phía nam, biên giới đầu tiên giữa nước Việt và Chiêm Thành là dãy Hoành Sơn, phía nam tỉnh Hà Tĩnh ngày nay. Trên núi nầy, đường thông thương giữa hai nước là Đèo Ngang, được mô tả qua bài thơ nổi tiếng của Bà Huyện Thanh Quang. (Bước tới Đèo Ngang bóng xế tà/ Cỏ cây chen lá đá chen hoa…)
(CO CAY CHEN DA, LA CHEN HOA) ?
Vị vua đầu tiên vượt Đèo Ngang tấn công Chiêm Thành là Lê Đại Hành năm 982, nhưng đánh xong, bắt người, cướp của, Lê Đại Hành rút quân về mà không chiếm đất Chiêm Thành. Người đầu tiên đưa người Việt mở nước về phương nam là vua Lý Thánh Tông (trị vì 1054-1072).
Trong cuộc chiến năm 1069, Lý Thánh Tông bắt được vua Chiêm là Chế Củ. Chế Củ liền cắt đất ba châu Bố Chánh, Địa Lý và Ma Linh cho Đại Việt để đổi lấy tự do. Vùng nầy tương đương với vùng tỉnh Quảng Bình đến bắc Quảng Trị ngày nay. Biên giới mới của Đại Việt có thể đến khoảng sông Thạch Hãn ở Quảng Trị.
Trong cuộc hôn nhân vương giả Việt Chiêm giữa công chúa nhà Trần là Huyền Trân và Chiêm vương Chế Mân năm 1306, Chế Mân tặng hai châu Ô và Rý (hay Lý) làm sính lễ. Châu Ô được đổi thành Thuận Châu. Châu Lý được đổi thành Hóa Châu. Biên giới mới giữa hai nước Việt Chiêm có thể là sông Thu Bồn ngày nay.
Khi nhà Trần suy yếu, vua Chiêm là Chế Bồng Nga tấn công Thăng Long ba lần cuối thế kỷ 14. Để trả đũa, năm 1402, vua Hồ Hán Thương cử tướng Đỗ Mãn đem quân đánh Chiêm Thành và chiếm thêm 4 châu Thăng Hoa Tư Nghĩa, tức vùng đất Quảng Ngãi ngày nay.
Năm 1471, tình hình biên giới lại xáo trộn. Vua Lê Thánh Tông (trị vì 1460-1497) đem quân tấn công Đồ Bàn, kinh đô Chiêm Thành ở vùng Bình Định ngày nay. Vua Chiêm là Trà Toàn bị bắt. Trà Toàn tặng thêm đất để đổi lấy tự do. Lê Thánh Tông lấy vùng đất mới cho đến đèo Cù Mông (giữa Bình Định và Phú Yên ngày nay), sáp nhập với 4 châu Thăng Hoa Tư Nghĩa và đặt tên là Quảng Nam Thừa Tuyên Đạo. (mở rộng đất đai về phương nam, vâng mệnh vua tuyên dương đức hóa).
Ngang đây, bắt đầu xuất hiện địa danh Quảng Nam, với một ý nghĩa rõ ràng là mở nước về phương nam. Xin cần chú ý là lãnh thổ Quảng Nam ban đầu nầy trải từ sông Thu Bồn đến đèo Cù Mông, khác với Quảng Nam về sau.
Khi Nguyễn Hoàng được vua Lê và chúa Trịnh cử vào cai quản vùng đất Thuận Hóa và Quảng Nam năm 1558, Nguyễn Hoàng và con cháu cố gắng mở mang về phương nam, lập căn cứ chống chúa Trịnh. Cuộc Nam tiến phát triển mạnh mẽ. Cho đến giữa thế kỷ 18 thì người Việt xuống tới mũi Cà Mau.
Các chúa Nguyễn cố gắng xây dựng phương Nam nhằm làm hậu cứ chống chúa Trịnh ở ngoài Bắc vì cuộc Trịnh Nguyễn phân tranh bùng nổ năm 1627, kéo dài đến cuối thế kỷ 18. Năm 1802, Nguyễn Phúc Ánh thống nhất đất nước, lên ngôi vua lấy niên hiệu là Gia Long (trị vì 1802-1819). Gia Long tổ chức lại hành chánh, đặt dinh Trực lệ Quảng Nam, rộng từ đèo Hải Vân vào tới sông Bến Ván (Bản Tân), giáp ranh với Quảng Ngãi. Thủ phủ nằm ở Điện Bàn.
Việt Nam bị Pháp bảo hộ năm 1884, thì bốn năm sau, Pháp buộc Việt Nam nhượng cho Pháp ba thành phố là Hà Nội, Hải Phòng và Đà Nẵng làm nhượng địa, theo quy chế hành chánh của Pháp, cho đến năm 1945, Đà Nẵng mới trở về với Việt Nam, thời chính phủ Trần Trọng Kim.
Phần tỉnh Quảng Nam, năm 1962 tổng thống Ngô Đình Diệm chia thành hai: tỉnh Quảng Nam từ quận Hòa Vang đến bắc Hương An và tỉnh Quảng Tín từ nam Hương An đến ranh giới Quảng Ngãi. Tuy phải chấp nhận sự phân chia hành chánh, nhưng do truyền thống lâu đời, dân chúng vẫn duy trì tinh thần chung là Quảng Nam.
Thưa quý vị,
Như thế, địa danh Quảng Nam xuất hiện trên bản đổ Đại Việt từ năm 1471, cho đến nay đã được trên 640 năm. Từ đó, Quảng Nam đã cung hiến cho tổ quốc biết bao anh hùng liệt nữ. Nói cho hết các vấn đề Quảng Nam thì rất là dài dòng. Khi nào có cơ hội, tôi sẽ thưa chuyện tiếp.
Trước khi chấm dứt, tôi xin lưu ý quý vị rằng quần đảo Hoàng Sa vốn thuộc xã Hòa Long quận Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam. Nay quần đảo Hoàng Sa đã bị Trung Cộng chiếm đóng năm 1974. Đó là niềm đau và nỗi nhục không riêng của người Quảng Nam mà của toàn thể dân tộc Việt Nam. Xin luôn luôn ghi nhớ điều nầy, và nhắc nhở con cháu ghi nhớ điều nầy, để trong tương lai tìm tất cả các cách đòi lại Hoàng Sa về với tổ quốc Việt Nam khi có thời cơ thuận tiện.
Xin cảm ơn quý vị đã lắng nghe, trân trọng kính chào quý vị và kính chúc quý vị một buổi tối ấm cúng tình đồng hương.
TRẦN GIA PHỤNG
(Toronto, 10-11-2012)
No comments:
Post a Comment