Hôm ấy là ngày lễ tưởng niệm Quốc Hận ba mươi tháng tư tại tượng đài Chiến Sĩ Việt Mỹ thành phố Westsminster.
Theo thông lệ hàng năm, vào ngày này là cộng đồng Việt Nam cùng các
hội đoàn và các tôn giáo cùng đứng ra tổ chức lễ tưởng niệm để
nhắc nhở nhau không thể nào quên được ngày mất nước. Năm nào tôi cũng
có đi dự để chụp hình và viết bài cho blog của mình. Năm 2012 này
số lượng người tham dự rất đông vì có một số người Việt tỵ nạn
Cộng Sản từ các tiểu bang khác cũng như khắp thế giới cùng về tham
dự. Đậu xe trong parking lot của tòa thị chính thành phố Westminster,
tôi xách máy ảnh đi bộ hướng về tượng đài để tham dự buổi lễ. Băng
ngang đường trước trường Đại học Cộng Đồng Coastline Community College,
một người phụ nữ mặc chiếc áo dài màu đen, trên vai choàng lá cờ
một nửa là cờ Hoa Kỳ và một nửa là cờ Việt Nam Cộng Hòa, mắt đeo
kính mát cũng màu đen đang đi bộ hướng về phía tượng đài. Nhìn toàn bộ người phụ nữ này toát
lên một nét đặc biệt đến kỳ lạ.
Tôi tiến đến trước mặt nàng và xin được phép chụp một tấm ảnh.
Nàng vui vẻ nhận lời. Chụp xong tấm ảnh, tôi nói lời cám ơn và chào
từ biệt.
Bẵng đi một thời
gian tôi cũng không còn nhớ gì đến nàng ấy nữa. Sau đó khoảng hơn
nửa tháng, tôi đi chợ ABC thì lại gặp nàng cũng vừa xuống xe và đi vào
chợ. Cũng hơi ngỡ ngàng vì hôm nay tự nhiên gặp lại nàng. Tôi tiến
đến gần và giới thiệu mình là người xin chụp nàng tấm hình tại
tượng đài chiến sĩ Việt Mỹ. Nàng cười và nói : “Tôi nhớ chứ”. Mặc
dù nàng cười nhưng tôi cũng bắt gặp một thoáng nét u buồn phảng
phất trên gương mặt. Tôi bỗng dưng thấy lòng mình chùng xuống. Một
cảm giác rất kỳ lạ chen vào lòng tôi mà tự mình tôi không thể nào
lý giải được. Nói chuyện một lát, tự nhiên tôi có ý nghĩ muốn được
làm quen cùng nàng. Ý nghĩ này thôi thúc tôi dồn dập khiến tôi không
thể nào cưỡng lại việc xin số phone của nàng để rảnh rỗi có thể
cùng nhau trò chuyện với nàng.
Vậy là từ đó,
tôi và T. đã quen nhau. Nghe nàng kể
về thân thế của nàng, tôi cảm thấy thương nàng vô bờ bến. Gia đình
cha mẹ của nàng là người Công Giáo di cư vào Nam năm 1954. Trước năm
1975, ba của nàng là một Trung tá Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Sau
ngày mất nước, vì là Sĩ Quan cấp tá của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa
nên ba nàng đã bị Việt Cộng bắt đem ra ở trại tù miền Bắc, một
trại tù khét tiếng là ma thiêng nước độc. Không thể nào chịu đựng
nổi sự khổ cực, đói khát và bệnh tật, ông đã qua đời năm năm sau đó
sau khi bị một cơn bạo bệnh sốt rét ngã nước. Thân xác của ông đã bị
vùi đâu đó nơi núi rừng miền Bắc. Nghe nàng kể, tôi thấy lòng mình
xúc động mãnh liệt. Một nỗi cảm thương nàng và xót xa dâng lên trong
lòng tôi. Tôi cầm tay nàng đặt lên môi mình hôn mà nước mắt ràn rụa
chảy.
Thời gian quen T.
thấm thoắt đã nửa năm. Tôi đã dẫn nàng về nhà mình chơi và giới
thiệu nàng với ba mạ và các em của tôi. Ai cũng thấy cảm mến nàng
vì tính tình hiền lành và đôn hậu của nàng. Tôi cũng thường xuyên
đến nhà nàng chơi. Bà cụ thân sinh của nàng tuy đã già rồi nhưng vẫn
toát lên nét đẹp quý phái của những ngày còn trẻ. Gia đình nàng
cũng có lòng quý mến tôi.
Cách đây nửa
tháng, tôi ngỏ lời muốn cùng nàng tiến đến hôn nhân. Nàng gật đầu
chấp thuận. Tôi về thưa chuyện cùng ba mạ của tôi. Một buổi lễ hỏi
đơn giản được tổ chức giữa gia đình hai họ. Và chỉ còn non một
tháng nữa, tôi và T. sẽ nên duyên chồng vợ.
Gia đình nàng là
gia đình Công Giáo cho nên tôi phải đi học đạo ở nhà thờ. Cách đây
gần hai mươi năm, tôi cũng đã một lần đi học đạo, nhưng vì hoàn cảnh
nên tình duyên của tôi đã vỡ lỡ và tôi đã rời xa Chúa. Bây giờ, tôi
lại đi học đạo thêm một lần nữa. Từ đâu đó, tôi như nghe lời của
Chúa nói với tôi:
-
Con
thấy chưa? Cuối cùng rồi con cũng đến với ta!
California, tháng
mùa lễ Thanksgiving
Phi Vũ
3 comments:
Chúc mừng anh! Xưa vẫn có câu "Khổ tận cam lai", cầu chúc cho cuộc đời của Phi Vũ quá khứ đến giờ là "Khổ tận", còn từ nay trở đi sẽ là "cam lai".
Cám ơn bạn nhiều
Chúa ở trên cao, Chúa nhìn thấy tất cả và Chúa biết những việc mình làm giữa nhưng vì sao mênh mông của Chúa.
Post a Comment