(HNPD) 37 năm trước mỗ tôi đi tù, ngay tuần lễ đầu tiên mỗ tôi đươc gặp ông, và hân hạnh được ông lên lớp, dạy cho những hiểu biết vỡ lòng về cách mạng vô sản, cái cách mạng đã làm đời của chính mỗ tôi cùng người dân,
trước đây đã khổ vì súng đạn, nay lại thêm cùng cực bởi nó cùng những người như ông đã mang dép râu vào đạp đất Sài Gòn mỗ tôi. Sau đó mỗi khi nghe ai nói tới chuyện cách mạng vô sản là mỗ tôi lại nhớ tới ông cùng câu pha trò (hay nói thật?) của ông, “chẳng có gì để mất ngoài dôi dép râu, còn được thì được tất cả”.
Cái câu nói đó phải nói là thật khó chịu, cho bất cứ ai phải nghe ông nói với cái miệng trề trề, và cái mặt hất đầu nhìn trời, trong tôi lúc đó ước thầm, phải chi mỗ tôi được tay đôi cùng ông ngay giữa trận tuyến, thì mỗ tôi sẽ cho ông biết thế nào là mất với được. Xin lỗi! cho tới tận hôm nay, mỗ tôi vẫn chưa biết tên ông ấy là gì? Nhớ lại ngày vừa trình diện đi tù, những ngày đầu còn rảnh rỗi chỉ có khai báo lý lịch trích ngang, cùng chờ gọi lấy cung tức là cũng là khai báo lý lịch - Lúc ấy ông xuất hiện, ông đến cùng lũ tù chúng tôi cứ đôi ba bữa một lần, ông luôn đeo chiếc saccote bên vai trái thả chéo ra đằng sau lưng, và cũng luôn áo sơ mi cộc tay bỏ ngoài quần, đầu nón cối chân dép râu.
Ông đến! Thế là anh em chúng tôi được nghe ông lên lớp, mỗ tôi nhớ như in bài đầu tiên là “3 dòng thác cách mạng”, hôm đó ông không có được cái lưu loát cần có, của những người đứng trên bục giảng, mà ông lại như đứa trẻ ê a giờ tập đọc lớp tư lớp ba. Nhưng đến bài “tội ác Mỹ Ngụy” thì khác, tiếng ông to hơn đanh hơn, ông thể hiện như ông là quan tòa kết tội, sau khi mạt sát đủ điều đám tù ngồi im dưới đất, ông chấm dứt bài học bằng câu ví von, giữa các người cách mạng như ông cùng lũ tù chúng tôi, một đằng là công một đằng là cuốc. Ông gật gù ra chiều đắc ý với câu ”công là công, cuốc là cuốc”, nhiều đàn anh của mỗ tôi đã có tuổi thắc mắc, là cả đời đọc sách chưa từng nghe câu ví con công con cuốc, hay ý ông muốn ví phượng hoàng cùng chim sẻ chăng?
Nhưng cái bọn mỗ tôi nhớ nhất là cái miệng trễ với đôi môi trề như muốn tỏ ra cao ngạo, và nhìn cái miệng ông đám tù trẻ bọn tôi gọi ông là “cán bộ cá Ngão”. Trong cái hãnh tiến đứng nói trước những kẻ thua trận, có lẽ ông thích thú thấy mình là vĩ đại và giá trị, nên không ít lần ông xen vào giữa bài học mà nói về ông, nhờ cái tôi như thế chúng tôi biết thêm về ông. Quê ông “thành đồng đất thép”, ông khoe giác ngộ cách mạng rất sớm, chỉ đâu khoảng mười tuổi đã theo Việt cộng, ông thả trâu ăn cỏ gần đồn lính, quan sát xong tối du kích về ông báo cáo lại. Ông nói đó là một trong biết bao chiến công vẽ vang của ông góp phần tạo nên lịch sử dân tộc(?), rồi năm 13 tuổi ông thoát ly để làm giải phóng quân.
Sau tháng tư đen như ta đã biết, ông đã đứng trước những thằng tù mà giáo dục thế nào là tội ác bán nước hại dân. Thế rồi đời tù lưu lạc mỗi ngày một xa, ngày vô tình gặp lại hơn chục năm sau, tôi đã ra tù kiếm sống bằng nghề đạp xe thồ đi giao hàng, vẫn lệ thường hằng trưa ngồi trước vườn Ông Thượng với bửa cơm trưa củ mì thì gặp lại ông. Chiếc xe con chở ông đổ xịch ngay lề gốc cây tôi đang ngồi, bước xuống xe nhìn chiếc đồng hồ vàng đeo nơi tay, ông dặn giờ tài xế quay lại đón ông, cũng với cái miệng trề trề cùng với cái nhìn hếch lên trời…Đúng là ông, cán bộ cá Ngão ngày nào.
Thời gian chục năm không mấy là dài, nhưng nơi ông và mỗ tôi nó là thời gian đã đủ, cho câu chú “úm ba la hô biến” của bà phù thủy thành hiện thực, cái biến đổi sao nó đểu đời đến thế - Nhất là khi nhìn nơi ông, bộ cánh hàng hiệu Adidas, từ cái lưỡi trai đến đôi giày, tay ông cầm vợt tennis, trên mình ông bộ đồ short trắng lốp.
Từ ngày đó đến nay là đã 37 năm rồi, trong nước tôi phát sinh giai cấp lạ lẫm sau tháng tư mới có, mà trước kia chưa hề đó là Tư Bản đỏ, và nó là cái gì chắc không ai là không biết nên xin cho mỗ tôi miễn dài dòng chi cho rối chuyện. Và cái gì thì không dám ắt quyết, chứ thành phần tư bản đỏ mỗ tôi chắc trăm phần trăm, chúng chỉ được khai sinh sau những ngày tháng tư đất nước chúng ta sập tiệm, muộn hơn có thể chứ sớm hơn chắc chắn là không.
Đó là cái mỗ tôi khẳng định và lấy thân mình ra mà đặt cược, những ai sau tháng tư trời sập không một đôi lần, nhìn cảnh một ông nón cối dép râu đứng tần ngần trước cửa nhà ai đó, hết ngước nhìn lên tầng cao rồi nhìn qua hai bên. Đó là một ông từ Bắc vô Nam tìm người nhà xa cách từ những năm di cư, lắm ông vai đeo saccote, dép râu quần xắn ngang ống chân, chắc người ngoài đồn thổi đất Sè gòng không khác chi lội “đồng” nên mới có cảnh quần ống thấp ống cao. Thảng hoặc có anh chéo qua vai ruột tượng gạo, tay cầm địa chỉ người thân, tay chống nạnh, đứng bên cột đèn xanh đỏ với nét mặt nai vàng Trường Sơn.
Đã nói tới ông Bắc, thì không thể nhất bên trọng nhất bên khinh, mà không nói tới các ông miền Nam tập kết, cùng các ông “nằm mùng chống muỗi”, những ông này phải công tâm mà nói, từ bề ngoài ăn bận đến cách ăn nói họ bắt chước rập khuôn các ông Bắc. Chắc để có được cái tầm vóc cách mạng nòi chăng, nhưng sau những ngày bão nổi lên rồi họ lại là hạng khó chịu hơn hết, và không mở mồm ra thì thôi, hể mở mồm ra thì nào là cụ thể, nào là nhất trí, cùng là quán triệt.v.v… Nhưng có ai cắc cớ hỏi nghĩa là gì thì rất nhiều anh ngọng, bởi chẳng biết những chữ đó nó có nghĩa là gì, họ chỉ lập lại và nói quen mồm như con vẹt – Vì thế người ta gọi họ là loại cộng sản nghe đ…
Nhưng nay hình ảnh đó đã đi vào quá vãng, thuộc loại vật cổ hiếm quí đã tiệt chủng, có chăng còn lưu vết trong ký ức người Sài Gòn một thời tan nát – Nghe nói chưa có ai theo bước chân đổi đời các ông, để xin được viết hồi ký mà truyền cho hậu thế? Chắc chẳng cần, vì có viết thì cứ viết, chứ có ai còn lạ gì những cái thành đạt, của các bộ óc lanh mưu người cộng sản các ông, mà phải sợ sau này có người không biết, lưu xú vạn niên mà lo chi.
Hôm nay chuyện bên nhà, những ông cách mạng vô sản đang đấu đá nhau, nhiều người vẫn đoán già đoán non chuyện các ông tính toán, nhưng trước mắt chuyện tùm lum nổ ra, cho người dân thấy các ông rất giàu, tiền của các ông tính bằng hằng tỷ đô la Mỹ. Người dân nghèo khổ nhìn các ông mà lắc đầu, chỉ với một thời gian ngắn sau 75 các ông có được một gia sản kếch xù, làm ăn buôn bán gì người dân cũng đã đoán và có lẽ không trật. Không qua một trường lớp mà có người thâu tóm ngân hàng dễ như vơ bèo ngoài ao, các ông chóp bu tham nhũng chuyển tiền người dân vào các trương mục các ông như vùa lá vàng trên đường rừng các ông đi B ngày nào.
Hôm nay sáng chủ nhật, lười không đi quán cà fé Bến Nghé mà nằm xem báo, thấy chuyện ông thủ tướng y tá nhà Chèo, trong vụ ồn ào thâu tóm ngân hàng, chợt nhớ đến ông cán bộ cá Ngão hôm xưa ngày mỗ tôi mới đi tù, thấy nhân thân họ quá giống nhau, nên mới có câu chuyện đổi đời sinh ra tư bản đỏ này nói cho vui – Chỉ tiếc hôm xưa mỗ tôi cùng bạn tù, chỉ nhìn thấy ông ấy giống cá ngão, chứ không được như hôm nay người ta nói họ giống cá tra hơn, loại cá tra nhà quê miền Nam nuôi ao, với chiếc lăng bác xinh xinh bên trên ta ngồi… cho cá ăn.
Việt Nhân (HNPĐ)
No comments:
Post a Comment