Translate

Wednesday, August 8, 2012

Nguyễn Tấn Vinh, từ 'trục xuất về Việt Nam' đến 'bất ngờ được tự do'


Hà Giang/Người Việt

LTS: Trong cuộc phỏng vấn của nhật báo Người Việt qua điện thoại cuối Tháng Chín năm ngoái, ông Nguyễn Tấn Vinh, 56 tuổi, một nhà đấu tranh dân chủ có nguy cơ bị trục xuất về Việt Nam, bị giam tại nhà tù Theo Lacy, Orange, California, vì bị cáo buộc dính líu đến các vụ đặt bom trước hai tòa Ðại Sứ Việt Cộng tại Philippines và Thái Lan năm 2001, nói quan tâm lớn nhất của ông là “làm sao để khỏi bị trục xuất về Việt Nam,” nơi ông “biết chắc” sẽ bị nhà cầm quyền giam cầm, tra tấn. Theo ông, Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao Việt Nam đã gửi một công điện cho Cảnh Sát Quốc Tế (Interpol) yêu cầu dẫn độ ông về “để trừng trị tội ném bom vào tòa đại sứ của họ.” Ông cho biết tuy “dấn thân đấu tranh là chấp nhận tù đày,” nhưng đặt nhiều hy vọng vào việc kháng án lên Tối Cao Pháp Viện, mà người em, người đồng chí của ông, là Võ Ðức Văn, đã nỗ lực vận động để xin tòa yêu cầu Tòa Án Di Trú thu hồi lệnh trục xuất. Gần một năm trôi qua, tuần trước, nhật báo Người Việt được biết là sau nhiều tháng vận động, ông Vinh được Tòa Án Di Trú tại Los Angeles kêu ra điều trần để xét đơn, đóng tiền thế chân, để tại ngoại hậu tra, vào sáng ngày 7 Tháng Tám. Ðùng một cái, buổi điều trần chưa xẩy ra, hai anh em ông xuất hiện tại tòa soạn, báo tin ông Vinh được tự do. Cả hai anh em dành cho nhật báo Người Việt một cuộc phỏng vấn sau đây, do Hà Giang thực hiện.


Hà Giang (NV): Chào mừng ông Nguyễn Tấn Vinh bất ngờ được hít thở không khí tự do sau 11 năm bị giam cầm. Ra khỏi tòa rồi, việc đầu tiên ông làm là gì? Giấc ngủ đầu tiên không ở trong tù như thế nào, và dự định tương lai ra sao?
Nguyễn Tấn Vinh: Lúc tôi ra khỏi nhà giam Theo Lacy thì đã 7 giờ tối. Văn đến đón. Tôi nói với Văn “thèm phở quá, 11 năm rồi.” Văn chở tôi đến Bolsa ăn phở, uống cà phê, rồi tối về nhà ăn thịt gà luộc chấm với nước mắm.
Ông Nguyễn Tấn Vinh (trái), vừa được trả tự do, và em là ông Võ Ðức Văn, tại nhật báo Người Việt. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)

Thèm nước mắm nữa. Ðêm thì nhất định không ngủ được, bao suy nghĩ, bao nỗi niềm, vui buồn lẫn lộn, cũng chưa tính được gì nhiều, nhưng trước mắt là nghỉ ngơi một thời gian, ổn định cuộc sống, rồi tiếp tục theo đuổi công việc và lý tưởng của mình.
NV: Chưa dự phiên tòa xin đóng thế chân mà ông đã được thả ra, ông có thể cho biết đầu đuôi sự việc hi hữu này xẩy ra như thế nào không?
Nguyễn Tấn Vinh: Vâng, như chị cũng biết, trong tù, tôi đang chuẩn bị tâm lý để sáng hôm nay xuất hiện trước Tòa Án Di Trú xin tòa cho tại ngoại hậu tra, thì khoảng 2, 3 giờ chiều hôm qua, tự nhiên nghe tiếng gọi lớn từ loa phóng thanh trong tù cho biết phải chuẩn bị rời nhà giam. Tôi hết sức sửng sốt, phần thì tưởng họ gọi lầm tên, phần thì rất lo lắng là có lẽ họ chuyển mình đi đâu để chuẩn bị trục xuất về Việt Nam.
NV: Loa phóng thanh họ gọi như thế nào, và lúc nghe loa gọi, cảm giác của ông ra sao?
Nguyễn Tấn Vinh: À, họ gọi: “Vinh Nguyễn, Bunk 30, Roll up!” Bunk 30 là số giường của tôi, còn “roll up” là cuốn chiếu lại. Ở trong tù, khi nghe ai được gọi “roll up” là vui mừng lắm, biết mình được thả, được rời khỏi nhà tù. Nhưng lúc đó tôi hoang mang không tin, lên phòng làm việc hỏi họ lại là “có phải lúc nãy gọi tên tôi không?” Nhân viên trực văn phòng bảo “phải, ông về lo dọn đồ đi!” Tôi bảo đúng 8 giờ sáng ngày mai tôi có phiên tòa quan trọng tại Los Angeles, tôi không muốn chuyển đi đâu hết, vì tôi không muốn bị lỡ hẹn với tòa. Nhân viên trực hỏi lại “bây giờ có lệnh dọn đồ xong đi qua phòng ICE (Immigration and Custom Enforcement) làm thủ tục ông có nghe không?”
Thấy vậy, tôi trở về dọn giường, rồi lên văn phòng ICE, làm giấy thả, lăn tay, chụp hình thì mới biết là mình được thả. Nhưng vẫn băn khoăn hỏi “mấy ông đưa tôi đi đâu, có phải đưa về Việt Nam không?” Nhân viên ICE cười bảo, đừng lo, ông yên chí đi, qua phòng khác họ giải thích cho. Qua phòng khác, tức phòng của Bộ Nội An thì tôi được biết là họ tự đóng cho mình tiền thế chân, và cho tôi được tự do, khỏi phải đến tòa ngày mai. Bộ Nội An không giải thích gì thêm, nhưng tôi biết đây là kết quả vận động của Võ Ðức Văn và các thân hữu của chúng tôi trong thời gian qua.
NV: Là người đã chạy đôn chạy đáo, tìm đủ mọi cách để vận động và nộp đơn xin kháng án cho ông Vinh, ông có lời giải thích nào không cho sự việc này?
Võ Ðức Văn: Sau hơn 10 tháng vận động với các giới dân biểu, các nhà từ thiện, các tổ chức xã hội, đấu tranh cho nhân quyền, dân quyền, cách đây vài tuần, tôi có nhận được một số trả lời cho nỗ lực của mình. Hiện anh Vinh vẫn còn ở trong tình trạng hết sức tế nhị, chúng tôi không thể bạch hóa mọi chi tiết, chỉ có thể nói tóm tắt rằng một giới chức trên Bộ Nội An và một giới chức của Bộ Tư Pháp đã xét vấn đề Nguyễn Tấn Vinh và cho rằng trục xuất anh Vinh về Việt Nam, đẩy anh vào nguy cơ bị chính quyền Việt Nam tra tấn, chỉ vì anh phạm một luật nhỏ về di trú là dùng giấy thông hành của tôi trong thời gian ở Thái Lan, là điều không cần thiết, và cho anh được tự do trong lúc chờ kết quả của việc kháng án thích hợp hơn. Cũng có một số nhà làm việc xã hội trong tổ chức “Mission Community United Methodist Church” đứng ra bảo đảm với các giới chức là chúng tôi sẽ tôn trọng luật pháp và án lệnh của tòa trong vụ kháng án sau này như đã cam kết với họ.
NV: Như vậy tình trạng di trú của ông bây giờ ra sao, và liệu nguy cơ bị trục xuất có đe dọa ông như trước đây không?
Nguyễn Tấn Vinh: Tình trạng di trú của tôi hiện là “non-status,” vì thẻ xanh đã bị tịch thu mất khi Tòa Án Di Trú quyết định trục xuất. Cho nên việc đầu tiên tôi phải làm là hợp pháp hóa tình trạng này, xin lại thẻ xanh, và lấy lại vị trí chính trị của mình. Còn quyết định có bị trục xuất hay không thì còn phải chờ kết quả kháng án. Nhưng có lẽ việc họ trả tự do cho tôi bất thình lình là một dấu hiệu tốt.
NV: Ông có thể giải thích rõ cụm từ “vị trí chính trị” ông vừa đề cập không?
Nguyễn Tấn Vinh: Vị trí chính trị là như thế này. Nếu như mình ở Mỹ, mình vào Mỹ với tính cách một người tị nạn, chưa là công dân Mỹ, chỉ mới có thẻ xanh thôi, mình có quyền đi đấu tranh đòi dân chủ cho đất nước của mình không. Trong dịp phỏng vấn trước tôi có nói với chị, nếu bị trục xuất về Việt Nam thì điều tôi sợ nhất không phải là bị tù tội, tra tấn, mà lại tạo ra một tiền lệ không tốt cho việc đấu tranh chung, tiền lệ đó là nếu mình không là công dân Mỹ, mà đi đấu tranh cho đất nước của mình thì sẽ bị trục xuất. Việc tôi không bị trục xuất vì đấu tranh là một điều rất quan trọng cho vị trí chính trị của những người Việt Nam sinh sống ở đây, dù chưa là công dân Mỹ, vẫn có quyền tranh đấu cho quê hương mình.
NV: Qua sự kiện này, ông rút tỉa được kinh nghiệm gì trong việc đấu tranh, trong trường hợp một người có nguy cơ bị trục xuất?
Võ Ðức Văn: Vấn đề của anh Vinh trong 11 năm qua là trong lúc đi tranh đấu, anh vi phạm một lỗi lầm về luật di trú, vì thế cơ quan di trú quyết định ra lệnh trục xuất về Việt Nam. Chúng tôi đã đưa vấn đề này, trình bày cho tòa Tòa Kháng Án Khu Vực 9 là làm như vậy, là đi ngược lại lương tâm và lòng nhân đạo của nước Mỹ dựa trên Công Ước Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc Về Chống Tra Tấn (United Nations Convention Against Torture). Phải chăng, sự trình bày về nguyên tắc đó là một điều chính đáng, cho nên hồ sơ trục xuất Nguyễn Tấn Vinh bị giữ lại và xét cho đến bây giờ. Trong thời gian chờ đợi trục xuất, Hiến Pháp Hoa Kỳ cho phép người có thể bị trục xuất có thể được tại ngoại hậu tra, thay vì phải nằm chờ quyết định ở trong tù, tùy theo trường hợp.
NV: Như vậy việc ông Vinh được tự do có liên quan gì đến lập luận của luật sư ông về Công Ước Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc Về Chống Tra Tấn không? Tức là nếu trục xuất ông Vinh về Việt Nam là vô nhân đạo vì đẩy ông vào chỗ bị tra tấn?
Võ Ðức Văn: Công Ước Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc Về Chống Tra Tấn được dùng như một phương tiện về pháp lý để chống lệnh trục xuất cho Nguyễn Tấn Vinh về Việt Nam thôi, điều đó nằm trong phạm vi của tòa kháng án. Còn việc anh Nguyễn Tấn Vinh được tự do ngày hôm nay là quyết định của Bộ Nội An cho anh được tự do trong thời gian chờ đợi thủ tục kháng án. Phiên tòa xin đóng tiền thế chân là phiên xử trước tòa di trú, thuộc Bộ Nội An.
NV: Ông Vinh rút ra kinh nghiệm gì quý báu nhất trong thời gian 11 năm ở tù vừa qua?
Ông Nguyễn Tấn Vinh đến thăm nhật báo Người Việt sau khi được trả tự do: “Ðêm đầu tiên ra tù nhất định không ngủ được, bao suy nghĩ, bao nỗi niềm, vui buồn lẫn lộn.” (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)

Nguyễn Tấn Vinh: Sau 11 năm lao lý từ Philippines về Mỹ, tôi chiêm nghiệm thấy trước đây mình đi đấu tranh chỉ có nhào vào mục đích, vốn liếng là con tim yêu nước, không nhận định rõ về luật di trú và không hiểu rõ luật pháp nước Mỹ. Giờ đây, qua 11 năm ở tù, tôi đã trường thành và hiểu biết được một số vấn đề và muốn chia sẻ kinh nghiệm đó với những người cùng chí hướng là phải lựa một cái thế đấu tranh thích hợp với chính sách của người Mỹ. Nếu mình cứ cường điệu quá, bất chấp luật pháp, sẽ không đạt được kết quả tốt. Tiện đây, tôi xin mượn mặt báo bày tỏ lòng nhớ ơn những thân hữu đã vận động cho tôi, những bô lão đã dầm mưa dãi nắng biểu tình ủng hộ tôi, những hình ảnh đó là niềm an ủi giữ được cho tôi được sống mãi đến ngày hôm nay, và là những hình ảnh suốt đời tôi sẽ không quên.
NV: Cảm ơn hai ông trả lời phỏng vấn.

No comments: