Đỗ Doãn Hoàng
Chậm như… điện
Ở gần trung tâm thuỷ điện lớn nhất nước (gần đến nỗi ra khỏi nhà nếu loạng quạng là rơi tõm xuống hồ Thác Bà) mà mấy chục năm phải chịu cảnh tối thui, phải cầm đóm nứa soi cho nhau ăn cơm, thì đã vô lý, nhưng những người chịu cảnh tối tăm ấy lại chính là những người đã hy sinh tất cả nhà cửa, làng xóm, quê hương để có công trình thuỷ điện này thì điều vô lý lại mang tính chất vô ơn bạc nghĩa đến đau lòng, không được phép kéo dài thêm một ngày nào nữa.
Mãi gần đây một vài nơi trong đó đã được “cho” điện nhưng lại tắc trách như một kiểu “làm phúc” cho xong!
Không phải ở nước mình cái gì cũng chậm, nhiều thứ đã và đang vọt lên với tốc độ “phù đổng”!. Vấn đề là yếu tố gì thôi thúc tốc độ? Câu trả lời thiết nghĩ đã rõ, chỉ xin nhắc một điều: càng đuổi theo tham vọng giàu sang càng nên gắng làm đôi điều phúc đức, mà phúc đức không gì bằng đền đáp một phần xứng đáng cho những ân nhân đã chịu cảnh bần hàn cho mình hưởng lợi, mà mình không bao giờ được quyền phụ bạc.
Những người hữu trách dù bận trăm công nghìn việc không thể quên việc khẩn thiết này!
Hà Sĩ Phu
|
Trường mẫu giáo thôn Ngòi Ngần hiện nay vốn là cái bếp bỏ hoang của bà con
Thế rồi, dự án đem điện cho vùng tối đèn ven nhà máy thủy điện cũng được triển khai. Dù quá chậm chạp, dù nó ra đời khi giọt nước tưởng như đã tràn ly đau đớn, nhưng muộn vẫn còn hơn không.
Suốt những ngày lang thang ở vùng lòng hồ mênh mông Thác Bà, chúng tôi cứ đay đả, hùi hụi buồn cho cái món nợ ân tình mà tất cả chúng ta phải trả cho người dân đã bỏ tất cả để nhường chỗ cho thủy điện đầu tiên của Việt Nam ra đời. Cán bộ địa phương và người dân tận khổ dường như oán thán liên miên. Nhưng, bất ngờ thay, khi làm việc với Sở Công Thương, lãnh đạo UBND tỉnh Yên Bái, chúng tôi mới được biết có một dự án hơn 600 tỉ đồng đang xúc tiến triển khai cho 197 thôn bản khó khăn của tỉnh, trong đó có vùng tối cận kề nhà máy thủy điện vĩ đại mà loạt bài này phản ánh. Chao ôi, sự “vênh”, khoảng cách quá lớn giữa tâm trạng của người dân và quyết định của nhà quản lý, trong trường hợp này thật đáng buồn.
Trở lại với bà con mấy chục năm sống phận đèn dầu ở cận kề nhà máy thủy điện kỳ vĩ kia. Ông Lương Hồng Thái - người dân xã Tân Hương, huyện Yên Bình mà chúng tôi đã dẫn trong kỳ 1 - giọng đầy chán nản: “Trước đây, chúng tôi cũng nhiều lần nghe cơ quan cấp trên đề nghị phương án đề nghị thủy điện Thác Bà và cơ quan hưởng lợi từ nhà máy này hãy trích một phần kinh phí ra, bù đắp thiệt thòi cho bà con. Chứ so sánh với bây giờ, người dân di ra khỏi vòng lòng hồ các thủy điện khác, họ được quá đầy đủ, tiền nong, nhà cửa, đất đai, điện đường trường trạm; có khi chỉ chuyển một khối đá di tích thôi, cũng mất vài tỉ đồng của Nhà nước rồi... thì mới càng thấy, bà con chúng tôi hồi đó thiệt thòi quá. Bây giờ vẫn sống cảnh đèn dầu còn thiệt thòi hơn”.
Điện - bài toán của niềm tin và lương tri
Phó Chủ tịch xã Bảo Ái - ông Nguyễn Trung Sơn - cũng não lòng ngồi nghe ông Lương Văn Than... than thở, rồi nói: “Chúng tôi chẳng biết phải làm thế nào để giải thích cho bà con hiểu”.
Năm nay 79 tuổi, mấy chục năm đến nơi ở mới, nơi mà chỉ lo sơ sểnh bước một chân ra khỏi cửa là rơi tõm xuống hồ Thác Bà, ông Lương Văn Than - người Dao, ở Ngòi Ngần - không tài nào hình dung được, đến tận bây giờ, gia đình ông vẫn chưa bao giờ được dùng điện. Ông cùng hơn năm vạn đồng bào đã chôn lấp tất cả ký ức, tài sản, quê hương cho lòng hồ này. Ông cứ hỏi: “Mình ở gần nhà máy đến mức ấy mà sao vẫn không được dùng điện nhỉ?”.
9 người con ông Than cũng thắc mắc như cha mình, nhưng có thêm cái lý: “Chúng tôi ở gần nhà máy thế cơ mà, điện đến chỗ tôi trước chứ, sao tít ngoài phố xá, tít Hà Nội người ta lại có điện mà chúng tôi thì mãi phận đèn dầu quạt mo?”.
Hoàn cảnh của ông Than nó thảm lắm. Nhà cửa hổng hoác, đứng trong nhà mái rách, nhìn thông thống cả bầu trời nắng nỏ. Muốn đến nhà ông Than, người ta phải đi bộ theo lối lăn như quả bóng từ đỉnh núi xuống, nhỡ tay là lăn tuột xuống hồ thủy điện 3,9 tỉ mét khối nước. Nhìn cái cảnh họ cầm đóm nứa soi cho nhau ăn cơm trong bịt bùng trời đêm Ngòi Ngần, đúng là vô lý rớt nước mắt.
Tại kỳ họp Quốc hội năm 2012 vừa rồi, có đại biểu đã tổng kết: Trong nhiều vạn người phải di dân tái định cư vì sự nghiệp công nghiệp hóa của đất nước ta, thì những người di dân tái định cư cho các lòng hồ thủy điện là khổ nhất. Thiếu thốn của họ, việc mất hoàn toàn dấu vết quê hương bản quán của họ là cái gì đó không tiền bạc nào bù đắp được. Huống hồ như người dân ra đi vì lòng hồ thủy điện Thác Bà, họ gồng gánh, tay trắng bỏ quê hương, phá rừng dựng lán vô cùng lao khổ.
Hàng trăm công nhân đã ngã xuống vì máy bay Mỹ oanh tạc trong khi thi công thủy điện (năm 1965), giờ công trình đó lại gieo vào biết bao người dân nỗi oán thán vì không có điện và kéo theo đó biết bao hệ lụy, thì thử hỏi có phải chúng ta đã để thực trạng này như một sự vô ơn với người đã đổ xương máu kia không? Bà Dư, bà Lầm, ông Thái và cả một thế hệ cán bộ nhiệt tình cách mạng năm xưa đã đi vận động, tổ chức di dân, hứa là bà con sẽ là những người đầu tiên được sử dụng điện.
Bây giờ, hầu hết cựu cán bộ đó cảm thấy xấu hổ vì mình đã vô tình nói dối dân, nỗi dày vò đó, ai sẽ gánh? Câu chuyện điện lưới hay chưa điện lưới ở đây, bỗng dưng đã rẽ sang một ngả khác, ấy là niềm tin của bà con vào lời hứa của người cán bộ. Ấy là ý nghĩa nhân văn của một đại công trình đang cổ phần hóa, đang đem lại giàu sang cho nhiều người ở cái ngành “độc quyền” như ngành điện.
Điện sẽ sớm về?
Trước những bức xúc kiến nghị quá quyết liệt của bà con gần nửa thế kỷ, mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã ký văn bản đồng ý cho tỉnh Yên Bái thực hiện dự án hơn 600 tỉ đồng cấp điện cho 197 thôn bản khó khăn, đặc biệt là các xã vùng tái định cư vì thủy điện Thác Bà. Dự án sẽ khởi công trong quý III năm 2012. Điện sắp về với người dân vùng lòng hồ thủy điện Thác Bà... Nhưng tiếc thay, tin vui “sống còn” và vui chưa từng thấy như thế, lại chưa về đến với bà con, với lãnh đạo xã. Chính phủ đồng ý từ tháng 7.2011, nhưng đến tháng 8.2012, chúng tôi đến cơ sở, bà con vẫn tuyệt vọng kiến nghị, khóc lóc... vì chưa biết thông tin (!?).
Ông Tạ Văn Long - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Yên Bái - trả lời PV Lao Động: “Thấy bà con từng chịu quá nhiều thiệt thòi di dân cho thủy điện Thác Bà nhưng phải sống cảnh đường sá tạm bợ, điện sinh hoạt không có, chúng tôi cũng băn khoăn lắm. Chúng tôi luôn trăn trở, rất mong muốn được sớm cấp điện, xây dựng trường, trạm, cơ sở vật chất cho bà con càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nguồn lực của tỉnh miền núi không có, ngân sách thu không đáng kể. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị các bộ, ngành và Chính phủ sớm quan tâm đến vấn đề này.
Mới đây, Chính phủ đã có quyết định về dự án cấp điện lưới quốc gia cho 197 thôn bản, với khoảng 14.000 hộ dân, chúng tôi rất mừng. Nghe nói, năm nay sẽ có khoảng 20 tỉ để triển khai sớm. Vùng Yên Bình, vùng lòng hồ Thác Bà sẽ nằm trong diện được ưu tiên đặc biệt”. Ông Long nhấn mạnh: “Tỉnh Yên Bái cũng đã có ý kiến đề nghị với Chính phủ cố gắng giải quyết việc cấp điện cho 197 thôn bản kia trong vòng 3-4 năm thôi. Chứ mỗi năm chỉ cấp mấy chục tỉ đồng thôi thì dự án sẽ kéo dài, bà con phải đợi điện rất thiệt thòi. UBND tỉnh cũng đã họp để báo cáo với Chính phủ vấn đề này. Vả lại, dự án này do tỉnh Yên Bái làm chủ đầu tư, nên chắc chắn tiến độ cũng nhanh hơn”.
Vậy là, sau suốt mấy chục năm chờ đợi và xem các đoàn khảo sát kèm theo lời hứa... chờ đợi, hàng ngàn hộ dân lòng hồ thủy điện Thác Bà cũng sắp được có điện. Bà Lương Thị Đánh - người dân thôn Ngòi Ngần, xã Trung Sơn - kỳ vọng: “Lần này, Chính phủ đã ký rồi, hy vọng bà con sẽ không phải thất vọng vì chờ đợi quá lâu, đến mức, rất nhiều người - trong đó có chồng tôi đến chết vẫn thều thào, giá mà quê mình có điện rồi thì tôi chết cũng an lòng...”.
Một số xã đã có điện, nhưng... Vừa rồi, một số xã từng hy sinh cho việc xây dựng thủy điện Thác Bà đã có điện. Nhưng, ông Lương Hồng Thái thở dài: Chúng tôi chả được gì, thiệt đủ đường. Xã tôi có điện, họ chả ưu tiên gì. Dân không những phải tự mua dây mắc điện về nhà mà còn mua điện với giá quá đắt: 1.900 đồng/ 1 “chữ” điện. Họ bảo, dân tôi ở xa côngtơ tổng thì phải chịu thiệt thòi thôi, người giàu mới đến, họ ở gần côngtơ, lại được mua... rẻ hơn. Cột điện thì mạnh ai nấy dựng. Con rể tôi là Trần văn Thanh, hôm rồi có 3-4 con trâu đi qua cột điện đều bị điện giật chết. Nó làm đơn kiến nghị xin hỗ trợ, vì cột điện Nhà nước hở điện làm chết “sức kéo” của dân. Nó ra tận Sở Điện lực, họ bảo, cứ về rồi sẽ tính. Rồi đến lúc họ trả lời: Trâu bò đi qua cột điện bị giật chết, đó là chuyện của dân với nhau, tự giải quyết với nhau thôi. Cột điện là do dân vùng lòng hồ tự dựng ra để kéo điện mà. “Lạ thế đấy” - ông Thái chán không buồn nói thêm câu nào. |
Đ.D.H.
Nguồn: laodong.com.vn
No comments:
Post a Comment