Translate

Monday, July 16, 2012

Học giả Đài Loan đến đảo Ba Bình - Trường Sa

Theo RFI


Khu vực quần đảo Trường Sa
Khu vực quần đảo Trường Sa
DR

Thụy My
12 nhà nghiên cứu thuộc Viện Kỹ thuật Hải dương của trường đại học Thành Công đã đến thăm đảo Ba Bình ở Trường Sa, mà Đài Loan gọi là đảo Thái Bình. Hành động này diễn ra trong lúc tình hình vẫn đang căng thẳng tại Biển Đông.

Thông báo trên cho biết nhóm này đã hoàn tất chuyến đi kéo dài một tuần ngày 15/07/2012, cho rằng : « Chuyến viếng thăm chứng tỏ lòng ái quốc của các nhà khoa học, đồng thời tái khẳng định chủ quyền lãnh thổ ».

Cũng theo thông báo, thì các nhà nghiên cứu Đài Loan « nhân chuyến đi tìm hiểu thực tế có thể thu thập được ngay các thông tin về những vấn đề như việc vận chuyển đi và đến khu vực này, duy trì an ninh quốc gia và bảo vệ hệ sinh thái Biển Đông ».
Chuyến thăm Trường Sa được thực hiện trong lúc báo chí Đài Loan cho biết chính phủ Đài Bắc dự định nối dài đường băng trên đảo Ba Bình, đảo lớn nhất tại quần đảo Trường Sa, cách Đài Loan đến 860 hải lý.
Đảo Ba Bình có tên quốc tế là Itu Aba, dài 1.470 m và rộng 500 m, tổng diện tích 43,2 hecta. Pháp nhận đảo Ba Bình năm 1887 và đến năm 1933, nhân danh bảo hộ Việt Nam, đã đưa quân ra đảo và thiết lập một đài quan trắc khí tượng. Trong Đệ nhị Thế chiến, quân Nhật chiếm đảo làm căn cứ tàu ngầm. Đầu năm 1947, lợi dụng danh nghĩa giải giáp quân Nhật, chính phủ Trung Hoa Dân Quốc lúc đó đưa quân chiếm đảo. Sau khi mất đại lục vào tay phe cộng sản năm 1949, Đài Loan rút khỏi Ba Bình năm 1950 nhưng đến năm 1956 quay lại chiếm giữ cho đến nay.
Việt Nam, Đài Loan, Trung Quốc, Philippines, Malaysia và Brunei đều đòi hỏi chủ quyền trên một phần hay toàn bộ quần đảo Trường Sa, được cho là có nhiều tiềm năng dầu khí. Trừ Brunei, các quốc gia còn lại đều có quân đóng trên các hòn đảo ở Trường Sa. Tình hình gần đây thêm căng thẳng tại Biển Đông với xung đột giữa Trung Quốc và Philippines tại bãi cạn Scarborough.
Tại Đài Loan, những lời kêu gọi tăng cường sức mạnh quốc phòng ở Trường Sa đang tăng lên, đòi đưa thêm quân và phương tiện quân sự vào khu vực. Hồi tháng Năm, lực lượng tuần duyên Đài Loan cho biết số lượng tàu Việt Nam « thâm nhập » năm ngoái là 106, so với năm trước đó chỉ có 42 tàu.

No comments: