Translate

Thursday, May 17, 2012

Lỗ Trí Thâm – Nhân sinh nhật Cụ Hồ Chí Minh 19.05

Theo Dân Luận
Viết về lịch sử Việt Nam cuối thế kỉ hai mươi mà không nói tới một nhân vật sáng chói, Hồ Chí Minh, thì không phải nói về lịch sử.
Cụ Hồ Chí Minh đã đi vào lịch sử như tất cả các ánh hào quang vinh của dân tộc như Lê Lợi, Quang Trung, do đó có nói thêm hay nói xấu cũng bằng thừa.

Nhưng vì phần lớn người Việt sống cùng hoặc cận kề với thời của Cụ, nên những nhận xét vẫn mang đầy cảm tính cá nhân, do sự chao đảo của thời cuộc mà vì số phận cá nhân vô tình hay bắt buộc, mà có những nhận xét nghiêng về chiều này và chiều kia.
Bài nói sơ qua sau đây, trong mục chung viết về Đông Nam Á, sẽ cố gắng tóm tắt một cách trung thực nhất về nhân vật lịch sử này, trên quan điểm khoa học xã hội, đứng ngoài các tranh chấp lợi ích về chính trị.
Trước hết, Cụ Hồ Chí Minh xuất thân từ một gia đình dòng họ sĩ phu. Thân sinh ra Cụ là bạn bè đồng tâm đồng cốt với các bậc tiền bối nhà nho yêu nước của Xứ Nghệ như Phan Châu Trinh hay Phan Bội Châu. Ông tổ của dòng họ là Hồ Dưng Dật. Dòng họ này trước đã từng hai lần làm Đế Vương nước Nam: Hồ Quí Ly và Hồ Thơm (Nguyễn Huệ). Nên khi thành danh Cụ lấy lại tên là Hồ Chí Minh, họ cũ của ông nội Hồ Sĩ Tạo.
Ở Cụ Hồ Chí Minh, theo nhân tướng học Á Đông, là người có hội tụ tất cả những ưu điểm của người Á Đông, lanh lẹn, tinh tường, thông minh với đôi mắt sáng long lanh, tai dơi, mặt thuôn hình chuột và đặc biệt có giọng nói rất ấm áp, ai cũng có thiện cảm, kể cả đối thủ, khi gặp mặt nói chuyện.
Nhưng cũng vì là tiêu biểu cho người Việt Nam thì Cụ cũng có cái hạn chế tiêu biểu nhất của người Việt Nam: Không có tư duy sâu sắc và cho nên thiếu tầm nhìn chiến lược, đưa ra những lựa chọn gây thảm cảnh rất ghê gớm trong những bước ngoặt của lịch sử đất nước, sẽ nói rõ ở sau trong từng trường hợp cụ thể.
Ngược lại, cách giải quyết tình thế rất nhanh trí, khôn khéo giúp cho đạt được rất nhiều thành công. Và đặc biệt, trong lúc đàm phán tranh chấp hay công việc bình thường, Cụ thường tấn công theo ngả tình cảm cá nhân, lấy lòng đối phương. Ví dụ khi đi Pháp đàm phán về Hiệp Định sơ bộ 06-03, Cụ cho Phạm Văn Đồng làm trưởng đoàn đàm phán còn mình đi vận động vòng ngoài. Lúc đàm phán bế tắc, có nguy cơ bị tan vỡ, Cụ phải hai lần một mình lúc 02 giờ đêm đến nhà Bộ Trưởng thuộc địa, trưởng đoàn đàm phán Pháp, nói chuyện “tình cảm”. Sau này, vị bộ trưởng người Pháp đó trở thành bạn thân của Việt Nam, hết lòng ủng hộ Việt Nam trong chiến tranh với Mỹ và là chính khách phương Tây duy nhất có mặt tại đám tang Cụ.
Vào năm 1946 ở Hà Nội, khi tiếp chuyện viên sĩ quan phái bộ Đồng Minh, sau khi làm việc, Cụ đã mời dùng cơm, căn dặn gia đình tư sản giúp làm bữa cơm thân mật ấy phải tìm cho bằng được loại rượu mà viên sĩ quan này thích uống. Lúc đó Nguyễn Tường Tam dựa vào Quốc Dân Đảng chống phá chính phủ lâm thời, Cụ phải vận động dân góp vàng và thuốc phiện đút lót Tướng Quốc Dân Đảng, và Cụ thân chinh bất ngờ đến nhà riêng thăm Nguyễn Tường Tam. Cụ cho cận vệ vào nói “Cụ Hồ đến thăm anh đó.” Nguyễn Tường Tam đang mặc pijama nằm trên võng, vừa chuẩn bị đứng dậy Cụ đã vào đến nơi, khiến chủ nhà hoàn toàn ở thế bị động. Hay trong lúc ốm đau được các y tá bác sĩ Trung Quốc chăm sóc Cụ thích nghe bài hát Trung Hoa, chả phải vì mê nhạc Trung Hoa mà vì tính mạng mình nằm trong tay người ta, phải lấy lòng một chút. Hay Cụ thích ăn món sườn chua Quảng Châu, mặc dù các đầu bếp của phủ đã được học, nhưng cứ nhất thiết đại sứ Tàu tự nấu mới khen ngon…
Tư tưởng Hồ Chí Minh, nếu có, là tư tưởng ưa dùng bạo lực. Ngay từ thời thanh niên khi sinh hoạt trong nhóm người Việt yêu nước ở Paris, Nguyễn Tất Thành luôn luôn đưa ra và bảo vệ lý lẽ đến cùng là phải dùng bạo lực ngay tức thì đánh đuổi thực dân Pháp. Các sĩ phu đã nói ngay: “Anh nói dùng sức đuổi Pháp ngay bây giờ thì lấy gì mà đánh, chẳng khác chi nướng mạng dân đen cho giặc. Anh có muốn đánh Pháp hãy về nước ngay để đánh, ở lại đây làm chi” Nguyễn Tất Thành vẫn quả quyết: “Thế còn đợi Pháp đè đầu cưỡi cổ đến bao giờ nữa?” Một sĩ phu cao tuổi từ Mác-xây (Marseille)lên Pari họp, đang định phát biểu, Nguyễn Tất Thành đã sẵng giọng: “Còn bác này, lại muốn nói gì nữa đây?” Thái độ của Nguyễn Tất Thành khiến vị chí sĩ này định phát biểu lại thôi.
Trước khi về nước, có bậc đại sĩ phu gửi bức thư ngỏ cho anh Nguyễn, nói việc nước có gì cứ hỏi anh Nguyễn nhưng Cụ cũng lưu ý là anh Nguyễn chưa lường hết được hậu quả của việc anh sẽ làm. Cụ đã lo ngại cách làm đó mang mâu thuẫn của thế giới về cho dân Việt, thành đại hoạ. Và Cụ đã có lý.
Trong thời đất nước tạm thời chia cắt, trước sự đắn đo thống nhất đất nước bằng hoà bình hay bằng bạo lực, Cụ Hồ Chí Minh gọi ngay Lê Duẩn, một con người cương quyết dùng bạo lực trong Nam, và là người hoàn toàn xa lạ tại Trung Ương ra ngoài Hà Nội, trao cho chức Bí Thư Thứ Nhất Đảng Lao Động, nay là đảng Cộng Sản Việt nam. Bằng cách đó, Cụ đã quyết thống nhất đất nước bằng con đường bạo lực, nhưng bên trong các cuộc phỏng vấn phát biểu vẫn nói yêu hoà bình ghét chiến tranh. Câu nói “Ta có chính quyền trong tay các chú sợ gì” hay “Cái đũa cong muốn uốn thẳng thì phải bẻ quá sang phía bên kia” đã bật đèn xanh cho chính quyền của Cụ đàn áp không thương tiếc những người trái chiều. Khi đội cải cách kết án tử hình bà Nguyễn Thị Năm, Cụ nói không muốn tử hình người đầu tiên là đàn bà, không đánh đàn bà dù chỉ bằng cành hoa nhưng dưới bút danh khác, cụ viết trên tờ Chiến Sĩ, tiền thân của báo Quân đội Nhân dân, bài “Địa chủ ác ghê” kể rằng địa chủ Năm đã giết tới hai trăm nông dân. Còn tại sao lại có cải cách ruộng thì ta đi ngoài lề nói thêm một chút.
Cho đến thời điểm này, chưa ai nói đúng nguyên nhân chính của cải cách ruộng đất. Đúng? Sai? Hay thực hiện sai? Đi quá đà?
Cải cách ruộng đất đối với nạn nhân và xã hội miền Bắc là thảm khốc, nhưng đối với đảng Cộng Sản Việt Nam là bước đi đúng đắn hoàn toàn cần thiết. Vì sao?
Trước khi giành được chính quyền, Đảng Cộng Sản là tổ chức ngoài vòng pháp luật, hoạt động bí mật. Cơ sở của đảng hoàn toàn không có gì, chỗ ăn ở còn phải nhờ người dân. Nhưng khi giành được chính quyền, ngoài lực lượng chính trị cần phải có rất nhiều nhu cầu khác để hình thành một chính quyền, một bộ máy hành chính có thể hoạt động được. Từ trụ sở làm việc, cái ghế cái bàn để cán bộ ngồi hay những chi phí cho hoạt động của chính quyền cũng phải nhờ các nhà tư sản. Và chính quyền phải có giấy tờ, có người biết chữ làm sổ sách. Hồi đó dân ta hầu hết mù chữ, tức là tầng lớp vô sản.Và để chính quyền hoạt động được tất phải có sự trợ giúp của những tầng lớp đã từng bám đít tây, tiểu tư sản, nhà văn, bác sĩ, nghệ sĩ, địa chủ…Như vậy chính quyền vô hình chung, được xây dựng bằng vật chất cuả giai cấp tư sản và kỹ năng hoạt động được nhờ vào tầng lớp tri thức khác. Và mặc định, những người của hai tầng lớp đó, vì có công có khả năng nên đã nắm nhiều chức vụ trong chính quyền kháng chiến. Đảng Cộng Sản biết điều đó, nhưng không thể làm khác được vì bản thân không dựng nổi một chính thể hành chính có thể hoạt động được, nhất là về kỹ năng và vật chất. Và cách mạng “vô sản” Việt Nam có lẽ sẽ chuyển dịch sang hướng khác nếu như Mao Trạch Đông không thắng Tưởng Giới Thạch.
Sau khi đảng Cộng Sản Việt Nam đã tìm được người đỡ đầu là đảng Cộng Sản Trung Quốc, thì Trung Quốc hoàn toàn chịu trách nhiệm về tất cả mọi mặt, hành chính chính sách tổ chức cán bộ và tất nhiên cả về vật chất. Nên đảng Cộng Sản Việt Nam bắt đầu có đủ sức, đã nắm lấy cơ hội gạt những phần tử trên ra khỏi chính thể của mình. Cải cách ruộng đất, người cầy có ruộng, chỉ là cái vỏ bọc bên ngoài của chiến dịch đó. Nhiều sĩ phu trí thức lúc sắp bị bắn mà vẫn kêu oan, vì họ nghĩ rằng đảng chỉ làm cải cách RUỘNG ĐẤT nên nếu bắt họ là oan. “OAN CHO TÔI LẮM CỤ HỒ ƠI” là câu nói cuối cùng của nhiều nhà tư sản, trí thức ngay từ đầu mang tài sức tiền bạc theo Cụ Hồ đánh Pháp, trước khi bị đội cải cách xử tử.
Có một sự lầm lẫn lớn, nhất là phía hải ngoại, nói Cụ Hồ là người mang chủ nghĩa Mác Lê vào Việt Nam. Khi đảng Cộng Sản đang hoạt động mạnh mẽ nhất tại ba xứ Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ thì Cụ hầu như vẫn đang đứng bên lề cuộc đấu tranh, đang làm cái chân nghiên cứu sinh vô bổ tại đại học Phương Đông Matxcơva (Moscow). Chỉ khi Cụ làm liên lạc viên, phụ trách chuyển giao thư từ Đông Dương đến Quốc Tế Cộng Sản và ngược lại, lúc đó Cụ mới bắt đầu bám rễ vào đảng Cộng Sản Việt Nam. Trong văn khố của Trung Ương Đảng Cộng Sản Liên xô vẫn còn lưu tài liệu của tổng bí thư Hà Huy Tập, phàn nàn chuỵện Nguyễn Ái Quốc tự động sửa đổi thư từ Đông Dương gửi cho Quốc Tế Cộng Sản.
Cụ Hồ là con người thực dụng, hiểu theo nghĩa tích cực, Pragmatisch, biến hóa khôn lường nhưng đối với tiêu chuẩn của người Cộng sản là vô nguyên tắc. Chính Stalin đã công khai nhận xét như vậy.
Cái vô nguyên tắc trầm trọng nhất là liên hệ với Lâm Đức Thụ. Mặc dù Quốc Tế Cộng Sản đã chính thức thông báo Lâm Đức Thụ là mật thám Pháp, cụ vẫn dùng cơ sở của họ Lâm ở Quảng Châu làm địa điểm học tập cách mạnh cho các đảng viên từ Việt Nam qua. Trong cuốn hồi ký có viết, sau khi khoá học kết thúc, có chụp ảnh. Hồi đó chưa có phim mà chụp bằng miếng kính tráng nitrat bạc, Cụ Hồ giả vờ xem miếng kính rồi “lỡ tay” đánh rơi miếng kính chụp hình Cụ. Hà Huy Tập viết thư lên Quốc Tế Cộng Sản, đòi khai trừ ra khỏi Đảng và đề nghị tử hình Nguyễn Ái Quốc.
Sai lầm về chiến lược lớn nhất là vào năm 1945. Khi Nhật đảo chính Pháp, sau đó phát xít Nhật đầu hàng đồng minh, giai đoạn này ở Việt Nam đang có khoảng trống quyền lực, thời cơ chín mùi để cướp chính quyền. Nhân cuộc tuần hành biểu tình của công chức Hà Nội ủng hộ chính quyền thân Nhật của Trần Trọng Kim ngày 19 tháng Tám năm 1945, Việt Minh lên khán đài giật micro, kêu gọi lật đổ chính quyền, thành lập chính thể mới. Và đến ngày 02-09 tuyên bố độc lập. Và điều tai hại Cụ đã lựa chọn nhầm chiến lược. Cụ đã không nhìn ra xu thế chung của khu vực là sự thắng thế đang đi lên của phe Xã Hội Chủ Nghĩa, và Việt Nam không thể tách rời ra khỏi xu thế này. Nhất là khilực lượng nòng cốt của cách mạnh Việt Nam lúc đó là Việt Minh. có đến 90% là lực lượng cộng sản, hoàn toàn có khả năng lập được một nhà nước chuyên chính lúc đó.
Nhưng Cụ đã chọn cho Việt Nam là một nhà nước Cộng Hòa, theo xu hướng – xin nhắc lại- chỉ theo xu hướng phương Tây, nhằm bật đèn xanh cho phe đồng minh, phe thắng trận. Nhưng Anh Mỹ biết Cụ là người Cộng Sản, còn Stalin từ trước đã biết Cụ là người theo hướng dân tộc chủ nghĩa, do đó không bên nào công nhận chính quyền của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà. Nếu Việt Nam lúc đó tuyên bố theo Chủ Nghĩa Xã Hội thì có khả năng Stalin sẽ đứng ra bảo trợ. Hậu quả tai hại là phe thắng trận coi Việt Nam là nước vô chủ. Phía Nam thì quân Anh, phía Bắc thì quân Tưởng giới Thạch vào tiếp quản. Sau đó quân Pháp vào thay thế quân Anh, mở đầu cho cuộc xâm lăng lần thứ hai của thực dân Pháp.
Không thể phủ nhận ý và tâm của Cụ, dù với mục đích gì chăng nữa, muốn nước Việt Nam thành một nước Cộng Hoà và Dân Chủ. Nhưng ý và tâm muốn mà không nhận ra trào lưu lịch sử lúc đó, khi phe Xã Hội Chủ Nghĩa đang thành một cơn giông bão kéo dài từ nước Đức qua Đông Âu, sang Liên xô, Trung Quốc, và tới Việt Nam, thì chỉ gây thảm hoạ cho dân tộc.
Sai lầm tiếp theo là ký Hiệp Ước sơ bộ ngày 06 tháng 03 với Pháp. Mục đích chính là muốn đuổi quân Tưởng giới Thạch về nước, nhưng phải trả giá rất đắt và sự thành công lại trông mong vào “thiện chí” của người Pháp. Thực tế đã xảy ra cuộc chiến đẫm máu không cần thiết và chính quyền Việt Nam càng lệ thuộc vào người khác, vào ông hàng xóm nhiều hơn.
Đành rằng quân Tưởng vào giải giáp phát xít Nhật là đội quân ô hợp, mang theo cả gồng gánh vợ con sang. Tướng lãnh nghiện hút, quân lính nhõng nhẽo làm tiền, thậm chí khi đi ăn phở còn xin thêm hai ba lần nước dùng; nhưng nguy hiểm hơn cả là Quốc Dân Đảng Việt Nam dựa hơi quân Tưởng định tiếm quyền. Nhưng để đuổi được quân Tưởng về, qua Hiệp Ước Sơ Bộ phải nhường toàn quyền quản lý 06 tỉnh Nam Bộ cho Pháp, đồng thời quân Pháp được thay thế quân Tưởng kéo ra miền Bắc. Làm như vậy chả khác nào đuổi cáo cửa trước rước báo cửa sau, và là một tính toán rất sai lầm về chiến lược.
Thứ nhất, Pháp quay trở lại Việt Nam đã không giấu giếm là muốn lập lại thời thuộc địa huy hoàng trước kia, như tên tướng Charles de Gaulle đã hống hách tuyên bố, và làm như vậy chả khác nào giúp Pháp chiếm được miền Bắc không tốn một viên đạn. Cụ đã phải luôn thanh minh “Hồ Chí Minh này không bán nước”. Nhưng tính toán của Cụ quả là ngây thơ về chính trị, khi mà muốn nước nhà độc lập lại mời kẻ cướp trông nhà hộ. Thực tế sau đó đã xảy ra điều hiển nhiên: Pháp đòi tước vũ khí của Vệ Quốc Quân Việt Nam, và chính phủ phải bỏ chạy khỏi Hà Nội, bắt đầu cuộc kháng chiến chống Pháp.
Thứ hai, về quân Tưởng giới Thạch. Quân Tưởng sẽ tự phải tan rã không cần dùng con bài Pháp, vì lúc đó bên Trung Quốc lực lượng của đảng Cộng Sản Trung Quốc đang trên đà thu được lợi thế. Về phần này, Cụ Hồ Chí Minh đã đánh giá thấp tài năng của Mao Trạch Đông, khi luôn tin vào khả năng của Tưởng Giới Thạch. Thời gian này, Cụ đã cử riêng đặc phái viên của mình là Hoàng Văn Hoan, luôn túc trực tại đại bản doanh của Tưởng Giới Thạch. Nếu có tầm nhìn chiến lược cộng với những thời gian dài hoạt động trong phong trào Quốc Tế Cộng Sản, thì Cụ phải biết lúc đó Liên Xô vừa thắng trận, kết thúc chiến tranh, sẽ có điều kiện dồn vũ khí cho phe Mao Trạch Đông tạo thế áp đảo đối với phe Tưởng. Và giả sử lúc đó phe Tưởng Giới Thạch thắng trận tại Trung Hoa, thì chính phủ kháng chiến của Cụ Hồ Chí Minh khó mà chống cự nổi với quân Pháp, khi mà không có người chống lưng ở Việt Bắc. Về sau khi cách mạng Trung Quốc thành công năm 1949, chính phủ kháng chiến Việt Nam được Trung Quốc giúp đỡ từ khâu tổ chức, hành chính, vật chất đường lối chính trị và điều quan trọng hơn cả, là có hậu phương an toàn phía sau khi bị Pháp dồn và o ép.
Tóm lại, bước ngoặt của dân tộc vào năm 1945, nếu Cụ Hồ Chí Minh tuyên bố thành lập nhà nước theo Liên Xô thì chắc chắn Stalin, với tư cách ở phe đồng minh thắng trận, sẽ đồng ý cho chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà quyền giải giáp phát xít Nhật tại Đông Dương. Giai đoạn này sẽ không có cơ hội cho thực dân Pháp và quân Tưởng quay trở lại Việt Nam, đất nước tránh khỏi chiến tranh và bị chia cắt.Lúc đó hoàn toàn có thể làm được điều này, vì lực lượng cướp chính quyền hơn 90% là cộng sản. Nên nhớ rằng hồi đó chưa có khái niệm “Quốc Gia” và “Cộng Sản”. Khái niệm đó chỉ có sau này, khi Pháp nhận ra là không thể tiêu diệt được chính phủ kháng chiến Vệt Nam nên bày trò trao trả độc lập cho Việt Nam, thành lập ra nhà nước quốc gia Việt Nam, và sau đó nhà nước này chuyển vào Nam dưới sự bảo trợ của Mỹ.
Thứ ba, nếu không có Hiệp Định Sơ Bộ 06-03, sẽ không có cuộc chiến tranh với Pháp mà vẫn giữ được một nửa đất nước.
Hiệp định Giơnevơ (Genevo) được ký kết tạm thời lấy Vĩ Tuyến 17 làm ranh giới, và sẽ tổng tuyển cứ để thống nhất đất nước. Thật là nực cười cho đến bây giờ vẫn có người Việt còn ngây thơ nghĩ rằng: Không có tổng tuyển cử, không có thống nhất đất nước là do phía Cụ Diệm hay do phía miền Bắc phá hoại. Sự chia cắt đất nước đã được quyết định bởi những thế lực bên ngoài. Do hệ quả của Chiến Tranh Lạnh, nên vòng quanh hệ thống xã hội chủ nghĩa được bao vây bởi những khu đệm để tránh xung đột giữa hai khối. Phía Tây có Đông và Tây Đức. Phiá Đông có Nam và Bắc Triều Tiên và phía Nam có Bắc và Nam Việt Nam.
Do đó miền Nam Việt Nam là một mắt xích quan trọng trong chuỗi dây an toàn của “Thế Giới Tự Do” do Mỹ đứng đầu. Trong thế đối đầu của Chiến Tranh Lạnh, Mỹ phải bằng mọi giá bảo vệ miền Nam, tức là phải giữ thế cân bằng về chiến lược cũng như Liên Xô giữ bằng được các mắt xích của mình, sẵn sàng can thiệp đẫm máu vào Tiệp Khắc và Hung Ga Ri vì quyền lợi an ninh của chính mình. Việc Cụ Hồ Chí Minh tiến hành ngay Giải Phóng miền Nam bằng bạo lực, ngay tại thời cao điểm của Chiến Tranh Lạnh chẳng khác gì thách thức Mỹ, thách thức cả thế giới trước nguy cơ phá vỡ thế cân bằng đối đầu giữa hai phe khổng lồ. Và việc Mỹ phản ứng điên cuồng là đương nhiên. Hàng triệu thanh niên miền Bắc chỉ có AK và B40 làm mồi cho cỗ máy quân sự khổng lồ hiện đại của bom đạn Mỹ. Cứ 100 thanh niên miền Bắc vào Nam chiến đấu thì chỉ có 20 người vào tới chiến trường, còn 80 người bị bom Mỹ sát hại.
Việc Tổng Bí thư Tê Duẩn đưa ra đề cương cách mạng vũ trang miền Nam là hoàn toàn đúng, cả việc Nguyễn Chí Thanh vào tận Sài Gòn thị sát tình hình rồi quả quyết có thể đánh được là đúng. Nhưng cả hai người đều chỉ đánh giá thực tại miền Nam riêng biệt, tách rời với bối cảnh quốc tế. Nhưng Cụ Hồ Chí Minh phải biết vị trí của miền Nam ở thế đối đầu trong hoàn cảnh Chiến Tranh Lạnh cực kì căng thẳng, nếu dùng bạo lực tất sẽ mang xung đột của hai phe về diễn ra trên đất nước mình, thảm khốc khôn lường. Nhưng Cụ vẫn làm. Đây là sự Nhẫn Tâm hay Không Có Tư Duy Chiến Lược?
Theo tôi, nó nằm ở trong day dứt cá nhân. Hoàng Tùng có viết về 10 điều day dứt của chủ tịch Hồ Chí Minh, chẳng có điều nào là day dứt cả. Ở Cụ, điều day dứt duy nhất là đất nước bị chia cắt. Không có ai muốn đi vào lịch sử như một vĩ nhân mà trước khi đi cứu nước, Đất Nước Còn Nguyên Vẹn khi thành danh vương, đất nước lại chia cắt, hổ thẹn muôn đời.
Cuộc chiến miền Nam ngày càng khốc liệt, không phân thắng bại, hao người tốn của và thực tế chỉ có người Việt Nam đánh nhau từ khi Mỹ áp dụng học thuyết “Việt Nam hóa chiến tranh”. Mỹ chỉ dùng hoả lực tối đa bằng pháo và máy bay ném bom, lính Mỹ không ra trận nữa.
Dịp may cho dân Việt, Kissinger, cố vấn an ninh của Tổng Thống Mỹ đã có bước đột phá ngoạn mục. Mỹ đi đường tắt, bắt tay với Trung Quốc chống lại Liên Xô, tạo ra một bước ngoặt trong thế toàn cầu, phá vỡ thế đối đầu Chiến Tranh Lạnh, bỗng chốc Miền Nam Việt Nam không còn là vị trí chiến lược của Mỹ nữa. Và tất nhiên Mỹ tìm cách rút lui trong danh dự, bằng cách ký hiệp định Paris, mặc dù thừa biết, sau đó phía Bắc Việt sẽ thôn tính Nam Việt Nam.
Mặc dù Trung Quốc bắt tay với Mỹ là vì quyền lợi của riêng của Trung Quốc, nhưng qua đó Mỹ đã bỏ ngỏ Miền Nam Việt Nam và miền Bắc có cơ hội kết thúc chiến tranh, giành phần thắng về mình. Do đó,lẽ ra ban lãnh đạo miền Bắc phải thầm cảm ơn Bắc Kinh, nhưng thực tế lại quay ra đối đầu vì Trung Quốc “phản bội”, gây ra hậu quả tai hại về sau này.
Ban lãnh đạo miền Bắc còn phạm nhiều sai lầm về chiến lược, ngây thơ và tự cao tự đạo khi cho rằng: Chiến thắng toàn vẹn cuối cùng là do sức mạnh của hệ thống cùng chế độ cùng ý thức hệ, mà không biết rằng do đối đầu Chiến Tranh Lạnh đã kết thúc. Ban lãnh đạo miền Bắc không nhìn ra thế chiến lược toàn cầu mới, nên không còn đối đầu với các hệ thống chính trị khác nhau nữa mà đối đầu về quyền lợi quốc gia lãnh thổ; do đó vẫn coi Mỹ là kẻ thù và Trung Quốc thuộc phe ta. Ngay cả khi Trung Quốc tấn công xâm lược Việt Nam, mà vị lãnh đạo cao nhất Việt Nam vẫn chỉ đạo là “dù sao Trung Quốc vẫn là nước Xã Hội Chủ Nghĩa cùng với ta”.
Trong hồi ký của Thứ Trưởng Ngoại Giao Trần Quang Cơ có viết rằng: Việt Nam và Mỹ cũng có những cuộc tiếp xúc để bình thường hoá quan hệ sau khi chiến tranh kết thúc, nhưng vướng mắc về phía Việt Nam đòi Mỹ phải bồi thường 06 tỷ đô la là điều kiện tiên quyết nhưng phía Mỹ không chịu, lý do Quốc Hội Mỹ sẽ không chấp nhận??? Điều khoản bồi thường chiến tranh 06 tỷ đô la nằm trong Hiệp Định Paris trong đó nêu rõ: Miền Nam Việt Nam có hai chính phủ, hai quân đội, là chính phủ Việt Nam Cộng Hòa với cờ vàng sọc đỏ và Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời Cộng Hoà Miền Nam Việt Nam với cờ đỏ và xanh có ngôi sao vàng ở giữa, nhưng miền Bắc đã san phẳng Nam Việt Nam. Bản thân mình thì xé toạc hiệp định, song bắt người khác phải thực hiện hiệp định thì mới thấy nó trơ cùn tới mức nào, mà ông thứ trưởng không nhìn ra??
Tưởng cũng nên biết, trong thời kỳ căng thẳng của Chiến Tranh Lạnh, Mỹ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Mỹ đã kiềm chế được các bên cho khỏi đụng độ giữa hai phe khổng lồ với kho vũ khí hạt nhân. Nếu Mỹ không can thiệp vào Nam Việt Nam thì lúc đó những người Cộng Sản sẽ tràn xuống và tạo ra hiệu ứng domino, gây bất ổn vùng Đông Nam Á vì lúc đó Mao Trạch Đông đang chủ trương xuất khẩu “cách mạng”, nước nào cũng có nhóm Mao ít có vũ trang. Chưa kể đến, vào thời đó, Chủ Nghĩa Xã Hội vẫn đang là Euphorie trên toàn thế giới, sẽ tạo ra một loạt các “Bắc Triều Tiên” chứ không chỉ một Bắc Triều Tiên như bây giờ. Nói sự can thiệp của Mỹ vào Việt Nam là xâm lược thật bất công, khi mà họ bỏ ra hàng trăm tỉ đô la và sinh mạng của 80 nghìn con em họ ở một đất nước xa lạ, vì sự ổn định chung của thế giới. Điều đó cũng giống như bảo bộ đội Việt Nam xâm lược Campuchia, khi mà người Việt Nam phải mất đi hàng trăm nghìn người thân của mình, để cứu dân Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng mà không được một lời cám ơn, thậm chí tượng đài bộ đội tình nguyện Việt Nam ở Phnom Penh thỉnh thoảng còn bị làm nhục.
Nhân đây cũng nói tại sao các chính trị gia phương Tây thừa biết chế độ diệt chủng Cam puchia tàn bạo man rợ, thừa biết chủ mưu là Trung Quốc, thừa biết bộ đội Việt Nam sang can thiệp là cần thiết mà vẫn lên án là Việt Nam xâm lược, thậm chí ra nghị quyết tại Liên Hiệp Quốc kết án Việt Nam? Là vì họ có tầm nhìn chiến lược, bằng động thái đó, có thể phải thí mạng cả hai dân tộc Việt và Campuchia, họ tỏ thái độ đứng hẳn về phía Trung Quốc để lùa hẳn Trung Quốc ra khỏi thế đối đầu trong Chiến Tranh Lạnh. Và nguyên nhân thật của cuộc chiến tranh gây hấn với Việt Nam năm 79 của Trung Quốc, không phải để dạy một bài học cho Việt Nam như Đặng Tiểu Bình tuyên bố, mà Trung Quốc muốn đưa ra một tín hiệu dứt khoát, rõ ràng với phương Tây là: Không còn hệ thống cùng ý thức hệ, xã hội chủ nghĩa, không còn Chiến Tranh Lạnh nữa và Chiến Lược của họ Đặng đã rất đúng: Từ đó, Tây Phương bỏ cấm vận, hợp tác làm ăn với Trung Quốc và bây giờ họ đang vươn lên nhất nhì thế giới.
Nói tóm lại, sự nghiệp của Cụ Hồ Chí Minh hiện đã thành công mỹ mãn. Đất nước đã thống nhất, chính quyền nằm trong tay đảng của Cụ. Hồ Chí Minh, cũng như các bậc tiền nhân khác của dân tộc, đã lèo lái con thuyền dân tộc trong những bước hiểm nghèo của lịch sử. Nhưng những bậc tiền nhân khác chỉ có mỗi một nỗi lo đánh ngoại xâm giành độc lập, sau đó sẽ lập lại chế độ như lúc trước đã có sẵn. Riêng Hồ Chí Minh muốn đi xa hơn nữa, một lúc làm hai việc: Vừa giành độc lập vừa xây dựng chế độ khác tốt đẹp hơn, như Cụ nói. Nhưng Cụ đã thất bại ở việc thứ hai. Hiện tình đất nước hiện nay là bằng chứng hiển nhiên. Việc thứ hai đã thất bại thì việc thứ nhất cũng không gọi là thành công, mặc dù tốn xương máu của hàng triệu người, như Cụ đã nói “Độc lập tự do mà không có hạnh phúc ấm no thì chẳng có ý nghĩa gì”.
Ở Việt Nam hiện nay thì Hồ Chí Minh được tôn thờ nhiều nhất, bởi vì Cụ là người thành công trong lịch sử, mặc dù mắc nhiều sai lầm hay đi đường vòng tốn xương máu không cần thiết. Nhưng ít ai để ý, vì quyết lược giải phóng miền Nam bằng mọi giá, mọi xương máu không chùn tay không nản của Cụ và các đồng đảng trong thời kỳ căng thẳng của Chiến Tranh Lạnh buộc Mỹ mệt mỏi, dân Mỹ chán ghét chiến tranh làm cho chính quyền Nixon phải tìm liệu kế khác. Họ đã tìm và thấy cái mắt xích quan trọng là Trung Quốc, và chặt phăng nó ra khỏi hệ thống xã hội chủ nghĩa, mở đầu cho thời kỳ kết thúc Chiến Tranh Lạnh, bắt đầu cho sự khủng hoảng và tan rã dần của các nước Xã Hội Chủ Nghĩa, mở lối thoát cho các nước Đông Âu tự giải thoát mình khỏi cái lồng Xã Hội Chủ Nghĩa.
Nhân dân Đông Âu phải biết ơn Bác Hồ hơn dân Việt Nam mới phải, tôi nghĩ vậy.
PS: Bài viết này nhân dịp ngày 19-05 ngày sinh của Hồ Chí Minh. Nhưng ngày này Cụ cũng phịa ra để nhân dân Hà Nội treo cờ đỏ sao vàng, sau đó nói với phái bộ Đồng Minh là người dân treo cờ chào đón họ.

1 comment:

Dân nước Việt said...

Dân tộc mình may mắn vì vẫn còn đó hàng chục triệu người Dân nước Việt sẵn sàng đương đầu để đấu tranh, để mưu cầu hạnh phúc. Họ là tấm gương cho những người thuộc giới chính trị và giới trí thức cứ toàn ngồi salon mà vẽ chuyện trên trời, phán chuyện dưới đất! Đất nước này mà không có họ thì mất nước lâu rồi còn đâu mà để “Viết về lịch sử Việt Nam”