Translate

Thursday, May 17, 2012

Bá Tân - Vua cũng không bằng tiền

Bá Tân
Bọn tham nhũng thời nay luôn gắn bó máu thịt với dự án... Chạy dự án. Xin dự án. Cho dự án. Cái gì cũng có thể nâng cấp thành dự án. Kể cả vua cũng bị biến thành dự án. Đúng là thời loạn.
Nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, người ta dành cho đức Đinh Tiên Hoàng một cái dự án. Về danh nghĩa, đó là tôn vinh vị vua anh minh của dân tộc. Dự án này gồm 2 hạng mục chính: Quảng trường và tượng đài Đinh Tiên Hoàng đế. Xây dựng quảng trường và làm tượng đài danh nhân của dân tộc là chính đáng. Việt Nam gần đây mới lẽo đẽo làm theo thế giới. Đó là sự nhạt nhòa với lịch sử. Thiếu tôn trọng và không công bằng với lịch sử thì hiện thời cũng như tương lai không tránh được quy luật của ngọn sóng (sóng trước đổ vào đâu, sóng sau đè lên đó).

Công trình ấy được dư luận đón nhận hồ hởi, bằng cả tấm lòng tôn kính. Kể từ đấy, ngay tại cố đô, Đinh Tiên Hoàng được tạc tượng cùng với việc xây một quảng trường. Kể cả người xấu bụng nhất cũng không dám nghĩ sẽ có chuyện bẩn thỉu dính dáng đến công trình này. Sự thật không như tấm lòng người dân mong ước. Cái dự án thiêng liêng trở nên vui ít, buồn nhiều. Cái người ta cần không phải đẳng cấp công trình. Cái đích họ cần là số tiền vô tội vạ ném vào cái dự án này.
Dự án được giơ lên đặt xuống nhiều lần, cuối cùng được phê duyệt tổng vốn đầu tư 450 tỉ đồng. Thời điểm ấy (quý 2/2009) chừng đó tiền đủ sức làm dự án nếu không hoành tráng thì cũng khá đàng hoàng. 450 tỉ, chứ đâu ít. Hàng chục triệu người dân nộp thuế mới có được khoản tiền như vậy. Nhưng với những quan chức "nghiện" dự án, số tiền ấy vẫn là nhỏ nhoi. Thế cho nên, khi dự án này vừa rục rịch triển khai, tổng vốn đầu tư được điều chỉnh tăng thẳng đứng lên đến 1.543 tỉ đồng. Mức tăng gấp hơn 3 lần số vốn được phê duyệt trước đó. Điều chỉnh, theo đúng nghĩa, chỉ tăng (hoặc giảm) phần nhỏ so với cái ban đầu. Người ta đã làm ngược lại, phần điều chỉnh lớn gấp bội so với cái gốc ban đầu.
Đây là dự án được chỉ định thầu. Chỉ định cho ai, vì sao họ được chỉ định. Sự lý giải trên diễn đàn với sự thật trong bóng tối là hoàn toàn trái ngược. Để được chỉ định thầu, cái giá phải trả đâu có nhỏ. Từ chỉ định thầu đến điều chỉnh tăng vọt vốn đầu tư là nằm trong một chuỗi quan hệ lợi ích nhóm. Trước hết là chạy cho được chủ trương chỉ định thầu, đây là vấn đề của vấn đề. Khi đã được chỉ định thầu, việc điều chỉnh tăng vốn đầu tư trở nên đơn giản. Nơi bấm nút cho chỉ định thầu cũng là nơi gật việc điều chỉnh tăng vốn đầu tư. Người ta làm ăn bài bản lắm, theo đúng luật phường hội của chợ búa.
Các nhà thầu thường bị treo nợ, mặc dù công trình đã bàn giao. Chủ đầu tư nợ nhà thầu là chuyện như cơm bữa. Với dự án xây dựng quảng trường và tượng đài Đinh Tiên Hoàng thì ngược lại. Ngoài việc vốn đầu tư được điều chỉnh tăng hơn 3 lần, nhà thầu còn được chủ đầu tư cho tạm ứng khoản tiền vượt xa giá trị thực tế. Sau gần 2 năm triển khai, khối lượng công trình chỉ mới đạt 145 tỉ đồng, trong khi đó chủ đầu tư đã đồng ý cho nhà thầu tạm ứng 747 tỉ đồng. Không phải ngẫu nhiên chủ đầu tư hào phóng như thế. Chắc chắn nhà thầu phải ăn ở thế nào mới được đối xử theo luật nhân - quả các bên cùng có lợi. Người nộp thuế trở thành nạn nhân của những kẻ coi tiền bạc nhà nước như là khu rừng gỗ sưa vô chủ. Dự án tặc còn gây tai họa khủng khiếp hơn sưa tặc.
Loại diều hâu thấy gà con là sà xuống bắt bằng được, tội nghiệp chú gà non tơ trở thành miếng mồi cho kẻ ăn thịt. Bọn tham nhũng thấy dự án là bâu vào, coi đó như cơ hội làm giàu. Hồi nào, tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ cũng thành dự án và tại đó, hành vi tham nhũng trở thành vụ án hình sự.
Thưa đức vua Đinh Tiên Hoàng, kẻ hèn viết bài này nếu có điều gì phạm thượng, xin Ngài cứ chiếu chỉ trừng phạt. Trước khi tuân chỉ, thần dân chỉ xin một việc: Ngài hãy dùng phép thiêng phanh thây xé xác bọn tham nhũng đang hoành hành làm khổ dân đen.
Kính cáo đức ngài, trộm nghĩ rằng, bọn tham nhũng vừa là kẻ thù của nhân dân vừa là địch thủ của văn hóa. Bọn tham nhũng còn lộng hành thì đất nước còn lâm nguy.
Bá Tân

1 comment:

Dân nước Việt said...

Đọc bài này trộm nghĩ tới “Thất trảm tấu” của thầy Chu Văn An, có điều thời này mà “trảm tấu” thì không còn là “thất” nữa rồi.