Theo NguoiViet Online
Ngô Nhân Dụng
Ông là nguồn cảm hứng của thế hệ
1989 ở Trung Quốc. Ông đã đánh thức lòng khao khát dân chủ và nhân
quyền trong lòng mọi người. Ðó là nhận xét của Vương Ðán (Wang Dan), một
sinh viên tranh đấu trong cuộc biểu tình bị tàn sát ở Thiên An Môn,
Tháng Sáu năm 1989.
Ông Phương Lệ Chi (Fang Lizhi) mới qua đời hơn một tuần, đầu Tháng
Tư, 2012. Một thế hệ những người tranh đấu cho dân chủ tự do ở Trung
Quốc, có thể nói, đã ra đời bắt đầu từ những ý kiến xây dựng, chí khí
quật cường và tấm lòng yêu nước của ông. Ít thấy báo chí của người Việt
Nam nhắc đến ông, con người đáng cho chúng ta thắp một nén hương để
tưởng niệm.
Phương Lệ Chi có lẽ là vị giáo sư đại học đầu tiên, và duy nhất, đã
khuyến khích sinh viên tranh đấu cho tự do dân chủ. Năm 1986 ông là một
giáo sư Vật Lý học, và được phong làm phó chủ tịch Ðại Học Khoa Học Kỹ
Thuật tại thành phố Hợp Phì (Hefei), tỉnh An Huy; trong lúc sinh viên
đang xôn xao tham dự phong trào “báo tường,” mà người Trung Hoa gọi là
“đại tự báo.” Trên những trang giấy lớn dán trên tường, họ viết những
bài phê bình chế độ độc tài, nêu cao lý tưởng tự do dân chủ. Có người
viết khẩu hiệu: “Tự Do hay là Chết!”
Chính Phương Lệ Chi cũng là một đảng viên cộng sản, có lẽ đó là một
điều kiện bắt buộc để được học và bổ nhiệm làm giáo sư trong chế độ đó.
Là con trai một thư ký bưu điện và một bà mẹ lao động, sinh năm 1936 tại
Hàng Châu, ông được thâu nhận vào Ðại Học Bắc Kinh và Ðoàn Thanh Niên
Cộng Sản dễ dàng; ngay trong buổi họp đầu tiên thành lập đoàn ông đã hô
hào các bạn sinh viên phải tập suy nghĩ độc lập chứ không nên nô lệ bài
giảng của các giáo sư. Học xuất sắc, tốt nghiệp môn Vật Lý năm 1956, ông
được đưa về làm ở Viện Tân Vật Lý. Nhưng ngay sau đó ông bị đuổi ra
khỏi trường vì viết một bài chỉ trích chính trị can thiệp vào công việc
nghiên cứu khoa học. Ðó cũng là thời gian Mao Trạch Ðông đang phát động
chiến dịch “Chống Hữu Phái.” Vì khả năng nghiên cứu được các nhà khoa
học kính trọng, ông vẫn được phục hồi và trở lại dạy đại học.
Năm 1966, trong thời Cách Mạng Văn Hóa, Phương Lệ Chi bị đưa đi cải
tạo, làm việc trong một nông trường ở tỉnh An Huy. Ông đem theo một cuốn
sách vật lý học của Landau và và Lifshitz; chuyển từ ngành Vật Lý học
tổng quát sang Vũ Trụ học. Năm 1972 ông và một số đồng nghiệp công bố
một bài bàn về “Thuyết Big Bang” trong Vật Lý học, giải thích sự thành
hình của vũ trụ, một lý thuyết đã phổ biến trong thế giới vũ trụ học lúc
đó. Họ bị đem ra tố cáo là phản động. Vì ý tưởng vũ trụ có một biến cố
khởi đầu là trái ngược với kinh điển Mác Xít; họ tin lời Engels tuyên bố
rằng vũ trụ không có lúc đầu cũng như lúc cuối! Phương Lệ Chi lại bị hạ
tầng công tác, chỉ được trở lại vai trò giáo sư sau khi Mao chết năm
1976 và Ðặng Tiểu Bình cải cách chế độ. Ông tiếp tục công việc nghiên
cứu, đã được đi dự các hội nghị khoa học quốc tế để trình bày các công
trình của mình, và được đồng nghiệp các nước khác chú ý. Nhưng ông cũng
viết trên các báo phổ thông cho sinh viên và công chúng đọc. Ðó chính là
lý do khiến ông bị đàn áp, vì các sinh viên hiểu và hưởng ứng các ý
kiến đề cao tự do dân chủ của ông. Khi các sinh viên biểu tình đòi tự do
khắp các đại học năm 1986, Phương Lệ Chi bị coi là một người xúi giục,
năm sau ông bị trục xuất khỏi đảng và mất chức giáo sư. Ông và bà vợ đổi
về sống ở Bắc Kinh, ông được mời vào làm ở đài thiên văn Bắc Kinh, cho
khỏi uổng phí một tài năng hiếm hoi; còn bà vợ, cũng chuyên về Vật Lý
học, được vào dạy ở Ðại Học Bắc Kinh, một nơi xuất phát các phong trào
đòi dân chủ.
Năm 1989, Phương Lệ Chi viết một lá thư ngỏ gửi Ðặng Tiểu Bình, lãnh
tụ tối cao của Cộng Sản Trung Quốc, yêu cầu hãy trả tự do cho các tù
nhân chính trị. Lá thư được công bố và được giới trẻ ngưỡng mộ; nhưng
khi các sinh viên và công nhân biểu tình hàng tháng ở quảng trường Thiên
An Môn thì hai vợ chồng Phương Lệ Chi phải trốn công an, tới tòa Ðại Sứ
Mỹ xin tị nạn chính trị. Sau khi Cộng Sản Trung Quốc tàn sát các sinh
viên, phải mất một năm hai ông bà mới được chính thức sang Mỹ tị nạn,
lấy lý do chữa bệnh. Ông được mời làm giáo sư đại học University of
Arizona tại Tucson, cho đến khi tạ thế.
Ngay sau khi được tự do sang Mỹ, Phương Lệ Chi đã gây sóng gió vì
tính cương trực thẳng thắn của ông. Ông chỉ trích chính phủ Mỹ không thi
hành quan niệm nhân quyền một cách bình đẳng. Họ không buộc đảng Cộng
Sản Trung Quốc phải áp dụng nhân quyền đúng tiêu chuẩn, vì họ coi là dân
Trung Hoa không đáng được hưởng những quyền làm người như dân một nước
da trắng, như dân Nga! Ðại sứ Mỹ ở Bắc Kinh, James Lilley, tỏ ra tức
giận và Tổng Thống George Bush phải lên tiếng minh xác chính quyền Mỹ
không hề coi các dân tộc Á Châu là có địa vị thấp trong việc áp dụng
nhân quyền; và nhận xét của nhà vật lý dựa trên các chuyện cũ đã lỗi
thời!
Năm 1986, Phương Lệ Chi đã nói với các sinh viên Ðại Học Ðồng Tề
(Tongji), ở thành phố Thượng Hải: “Quyền làm người là những quyền căn
bản mà ai cũng đáng được hưởng, từ lúc mới sinh ra; thí dụ những quyền
được suy nghĩ, được giáo dục, quyền kết hôn, vân vân. Nhưng nhiều người
Trung Hoa lại nghĩ rằng các quyền đó gây nguy hại. Nếu thực sự nước ta
là một nước dân chủ như người ta vẫn nói, thì các quyền đó phải được thi
hành mạnh hơn. Nhưng hiện nay đó chỉ là một khái niệm trừu tượng.”
Chưa có một giáo sư nào ở Việt Nam công khai nói trước các sinh viên những thông điệp như vậy, ngay trong lớp học!
Năm 1986 tại Việt Nam, một giáo sư đã công bố những lời phê phán chủ
nghĩa Mác xít mạnh mẽ chưa từng thấy, nhưng chỉ được phổ biến trên giấy,
chuyển qua các bạn bè ngoài đại học. Ðó là Giáo Sư Nguyễn Xuân Tụ, ký
tên là Hà Sĩ Phu. Mấy năm sau, ông Nguyễn Xuân Tụ đã bị “đụng xe đạp”
trên đường phố Hà Nội, bị công an bắt và ở tù mấy năm. Nhưng rất ít
người sống ở Việt Nam biết đến tên ông. Ðến nay ông vẫn là một tiếng nói
độc lập đòi thi hành tự do dân chủ và bảo vệ chủ quyền đất nước. Hàng
chục bloggers đang theo đuổi lý tưởng dân chủ tự do và nhân quyền, một
thế hệ mới đang tham dự vào cuộc vận động này, vì tương lai đất nước.
Chúng ta tưởng nhớ Phương Lệ Chi để vững tin vào lẽ phải, tiếp tục đấu
tranh cho lẽ phải.
No comments:
Post a Comment