Translate

Thursday, April 19, 2012

Hồ Cương Quyết - Kính chào tướng quân!

André Menras, Hồ Cương Quyết

Khi viết mấy lời này, lòng vẫn không quên 21 ngư dân đang bị cầm từ ở Phú Lâm, Hoàng Sa

Sắng nay tôi đọc trên trang Bauxite Việt Nam (BVN) thư của tướng quân Nguyễn Trọng Vĩnh trả lời cái bọn tôi gọi tên là “nhóm xã hội đen Nguyễn Biên Cương”.
Tôi tự cho phép bộc lộ nóng ngay ở đây phản ứng cá nhân gần như cùng chiều với phản ứng của BVN trong lời dẫn ngắn trước bài viết của tướng quân Nguyễn Trọng Vĩnh.

Tôi không nghĩ rằng cái nhóm “Nguyễn Biên Cương” chỉ là một lũ mất dạy ngẫu hứng xông ra, dùng cung cách phá hoại những tấm gương vẻ vang trong quá khứ, nhằm khẳng định tư chất du côn đang hình thành của chúng. Trái lại, hoạt động của chúng cho thấy một hiện tượng chính trị và xã hội đang hình thành ngày càng rõ nét ở Việt Nam. Đó là phản ứng trước hiệu quả ngày càng to lớn của cuộc kháng chiến chống những hành động xâm lấn tung ra hết cỡ của Trung Quốc. Rành rành đó là một cuộc kháng chiến thực sự mang tính hòa bình và không một thế lực nào có thể ngăn chặn nổi chừng nào Bắc Kinh vẫn không từ bỏ những tham vọng bá quyền, thậm chí là tham vọng chiếm đất của họ.
Trong cuộc kháng chiến nào cũng thế, bao giờ cũng có bọn tay sai của nước ngoài, bọn này dùng cả một hệ thống có tổ chức để diễn đạt và bảo vệ một đường lối chính trị của những nhóm lợi ích vẫn muốn duy trì những đặc quyền đặc lợi mà chúng đang cảm thấy bị đe dọa, những thứ bọn chúng đã thoán đoạt được, đã tịch thu được, những chiếm đoạt thường gắn liền với sự giúp đỡ của “bạn nước ngoài”.
Bọn người này không có lý tưởng gì nghiêm cẩn hết, vì bằng hành động chúng đã từ bỏ cái lý tưởng đã nuôi dưỡng ông cha chúng. Hành xử của chúng mang tính thực dụng thường khi phủ nhận chính những diễn ngôn long trọng công khai của chúng. Bọn chúng không có những lập luận dân chủ đủ sức dùng cho cuộc tranh luận công khai, thanh thản, sáng tỏ, và rộng rãi.
Vậy chúng còn gì để làm? Để bám nhằng nhẵng vào những lập trường không thể công khai hóa được, chúng chỉ còn sự lựa chọn xấu hổ là hành động đen, là dùi cui, là giam giữ, là quản chế. Nói cho gọn, chúng chỉ còn một chọn lựa là sự hèn hạ và sự bạo hành. Đâu phải chuyện ngẫu nhiên mà cách nói “hành xử lối xã hội đen” cứ càng ngày càng xuất hiện nhiều trong những lời bình các hiện tượng xảy ra gần đây liên quan tới những biện pháp bất thường, không được giải thích, bạo hành, phi pháp. Nói cách khác, chừng nào mà càng có những cú húc hòa bình của nhân dân dũng càm, của trí thức, của những nhà sáng lập phong trào là thanh niên và là “lão tướng”, thì các thế lực bảo thủ không lành mạnh đó càng trượt về phía những giải pháp kiểm soát bằng quân sự và cảnh sát. Hiện tượng này thực sự hiển nhiên đối với mọi người Việt Nam và với những người bạn của Việt Nam trên toàn thế giới.
Những hoạt động đê tiện của “Nguyễn Biên Cương”, một thứ “xã hội đen” trong giới cầm bút, đều nằm trong cái chiến lược “kiềm chế” phong trào dân chủ và kháng chiến đang làm lung lay cảnh bình ổn bằng con đường làm bất bình ổn nước Việt Nam của bọn chúng. Và thế là, một cách tự nhiên, chúng phải nhắm mục tiêu vào những biểu tượng sống động của chủ nghĩa yêu nước, của sự tự hào, của lòng dũng cảm, của trí khôn đất Việt. Chúng vấy bùn bẩn lên bất kỳ ai, không kiêng nể ngay cả biểu tượng tuyệt vời nhất hạng trong các biểu tượng là đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Từ ngữ tiếng Việt của tôi còn ít ỏi khiến tôi có thể nhầm, nhưng nếu tôi hiểu đúng thì nói “biên cương” nghĩa là nói “vùng biên giới”. Nên mới có câu hỏi đặt ra là: cái vùng đó nằm ở phía bên nào của biên giới? Với tôi, không chút nghi ngờ gì, câu trả lời là: những tờ giấy chùi đít chúng gửi tới tướng quân Nguyễn Trọng Vĩnh đó rành rành là nhằm gửi cho những người từ phiá bên kia biên giới đã quyết định tăng cường kiểm soát nước Việt Nam và kiểm soát cả những kẻ ở Việt Nam đã đớn hèn mở cửa cho chúng. Những tờ giấy chùi đít nhãn hiệu Việt Nam này chẳng có gì thua những tờ giấy chùi đít làm ở bên Bắc Kinh và được Bắc Kinh cho phép xuất bản trên một số trang mạng mỗi khi chúng gặp khó khăn trên con đường bành trướng xâm lấn Việt Nam.
Để kết luận, với lòng khiêm nhường, tôi xin phép được gửi lòng kính trọng và sự ngưỡng mộ to lớn của mình tới tướng quân Nguyễn Trọng Vĩnh. Tôi xin được nói lại với tướng quân niềm xác tín của mình rằng hàng trăm nghìn người lướt mạng trong và ngoài nước chỉ coi cái thứ văn chương hôi hám họ gặp đó như là dấu hiệu chiến thắng của một năng lượng lạ lùng và một lòng yêu nước cũng trường sinh bất lão như tuổi đời tướng quân. Tôi xin tướng quân đừng làm gì tổn hại sức khỏe và thời gian của người, là những điều thực sự quý giá đối với chúng tôi, đừng cất công trả lời những tiếng sủa vì lo mất đi miếng xương bữa ăn hàng ngày bên vệ đường Lịch sử đang đi. Chó cứ sủa, đoàn người cứ tiến bước.
Kính chào tướng quân!
A. M. – H. C. Q.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN nguyên văn tiếng Pháp.
Phạm Toàn dịch

No comments: